Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, March 31, 2021

Dạy bơi cho học sinh Việt Nam – chuyện dài nói mãi không hết

Vào thời điểm tôi tìm một môn thể thao nào đó cho con trai tập, vì nhận thấy cháu cần phải được chơi thể thao mới khắc phục được một vài điểm yếu trong học tập; mà không phải cố ép con học, thì bơi là môn được chú ý nhiều nhất. Thứ nhất, đây là môn tôi được tập từ trẻ, còn được tập với các vận động viên chuyên nghiệp hẳn hoi. Thứ hai, là mong muốn con được cao lớn, mà bơi là môn thuận lợi cho phát triển chiều cao… Con trai lớn của tôi được tập bơi từ năm cháu học lớp Ba như vậy thôi. 

Đến cô con gái nhỏ, tôi đã kể trong một câu chuyện (cuốn “Chuyện con chuyện cha,” NXB Trẻ 2015) vì cháu sợ nước vào mặt, tôi đã mất rất nhiều thời gian khi gội đầu và tắm cho cháu để không sợ nữa. Chính đây là thời gian tôi được tiếp cận với khái niệm “Bơi sinh tồn” – thật ra không phải là bơi, mà là những kỹ năng chống đuối nước, và tôi đi tìm chỗ học để về dạy lại, cuối cùng tìm được một huấn luyện viên người Australia để học một cách nghiêm túc. Về sau, tôi đã nhiều lần giải thích với các phụ huynh rằng đây là một kỹ năng mà thực ra các con của chúng ta cần được học trước khi học bơi, hoặc học song song trong quá trình học bơi, chứ không hẳn phải học bơi để chống đuối nước. Các cháu đã biết bơi rồi, vẫn phải học những kỹ năng cơ bản của chống đuối nước vì ngay cả người biết bơi giỏi vẫn có thể đuối nước. Phải thừa nhận rằng nếu học sinh biết bơi ếch rồi, sẽ có nhiều thuận lợi hơn – một chút thôi, rất không nhiều khi học kỹ năng chống đuối nước, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là khi các học sinh chưa biết bơi ếch thì không học được. Đó là câu chuyện, con gái nhỏ của tôi chưa biết bơi, nhưng đã biết lặn và thường xuyên nhảy xuống chỗ sâu nhất của bể bơi (Bể Học viện kỹ thuật quân sự Hà Nội, chỗ sâu nhất 2,5 mét) và từ chỗ xa 3 – 5 mét có thể vào được đến tường hoặc chỗ nào gần nhất để bám. Đồng thời, cháu còn xoay xở khi cảm thấy đuối sức, bằng cách lật ngửa ra và đá chân (chủ yếu đá chân như bơi ngửa, về sau thì có thể dùng đá chân ếch) để giữ nổi, rồi lại tiếp tục tìm cách ngoi ngóp về chỗ có thể bám được. Đây là bài học tôi đã áp dụng cho nhiều cháu, chủ yếu là lặng lẽ âm thầm lồng vào khi dạy bơi cho các cháu ngay từ những buổi đầu tiên mà cả các cháu và bố mẹ không biết. 

Đến khi con trai tôi đi tập ở trường U thì thực sự tôi mới được tiếp cận cách dạy bơi của nước ngoài người ta áp dụng cho trẻ con, đặc biệt ông A. người Mỹ, gần như có thể nói suốt 2 năm con lớn tập ở đó và sau đó đến con nhỏ thêm 1 năm nữa, tôi không bỏ buổi nào chỉ để học mót. Dần dần tôi hiểu hệ thống bài tập của họ cực kỳ khoa học và tận dụng được hết tất cả mọi hoạt động của trẻ con trong môi trường nước để tiến tới mục tiêu của một học sinh có thể bơi với kỹ thuật hoàn thiện. Cách tiếp cận của họ là ở chỗ, họ không dạy bơi theo kiểu gì, mà dạy động tác, từ rời rạc đến đặt trong hoạt động tổng thể của toàn cơ thể trong môi trường nước. Chính vì tính tận dụng cao như thế, mà với trẻ con hầu hết khoảng hơn 10 buổi, cá biệt có các cháu chậm hơn: 15 đến 20 buổi là có thể biết bơi 3 kiểu: trường sấp, ngửa và ếch, và đã tiếp cận bước đầu với bơi bướm, cháu nào thể lực trội hơn một chút thì thậm chí bơi được bướm rồi. 

Tôi nhớ lại một huấn luyện viên công huân Liên Xô cũ, người tôi đã gặp ở bên Nga và chính ông này đã từng tham gia huấn luyện A. Popov, ông ấy nói thể thao của chúng tao rồi cũng phải bỏ cách tiếp cận Xã hội Chủ nghĩa cũ, hướng tới như người Mỹ hay Australia đang làm: thể thao đại chúng. Bên đó (Mỹ, Australia, Anh, Canada…) không có bơi chuyên nghiệp, mà vận động viên Olympic chính là các sinh viên, thậm chí sinh viên giỏi. Điều này cũng đúng với bóng đá Mỹ (cầu thủ sinh viên) và chỉ không đúng với các môn có giải chuyên nghiệp như bóng rổ, quyền Anh, thật ra bóng rổ cấp độ học sinh sinh viên của họ cũng đã rất mạnh. Ông là người làm cho tôi hiểu được, người dạy bơi ở cấp độ xóa mù không cần phải là vận động viên đi lên thành huấn luyện viên, mà trước hết phải là nhà sư phạm, tức là dạy thái độ của con người với nước nói riêng, với thiên nhiên và thế giới nói chung. Còn huấn luyện viên, cũng không nhất thiết phải từ vận động viên đi lên, mà huấn luyện viên giỏi ngoài là nhà sư phạm, còn phải là nhà khoa học. Ông chỉ ra điểm khác biệt lớn của thể thao Nga so với thể thao một số nước còn rơi rớt trong khối XHCN, là ở thế mạnh của giáo dục: thể thao Nga vẫn còn coi trọng trang bị kiến thức cho vận động viên để sau này họ có thể đi tiếp lên con đường làm huấn luyện viên.

Điều này làm cho tôi thấy chạnh lòng khi nghĩ đến thể thao nước nhà, và hiểu tại sao khi một số bạn bè trong ngành đề nghị cho con lớn theo thể thao chuyên nghiệp, mẹ cháu lại kiên quyết từ chối. Rất nhiều vận động viên của ta xa nhà sớm, thiếu vắng sự giáo dục rất cần thiết của gia đình nên thiệt thòi ngay cả trong các kỹ năng cư xử về mặt xã hội. Đồng thời với môi trường và cuộc sống luyện tập, việc học tập cũng không được chú tâm đúng mức, điều này cho chúng ta kết quả là nhiều huấn luyện viên viết một câu tiếng Việt cũng không xong, lỗi ngữ pháp chính tả sai be bét – thì làm sao mà hiểu được những vấn đề thuộc về khoa học, ít nhất phải nhớ được những định luật vật lý, hóa học, toán học? 

Quay lại với câu chuyện học bơi kiểu gì trước, khi nói chuyện này thường tôi vấp ngay phải cách giải thích đúng theo kiểu Việt Nam: đổ lỗi; mà ở đây là đổ lỗi cho phụ huynh. Xin nói thẳng phụ huynh là thủ phạm chính, cái này đúng, nhưng là họ không biết và nếu họ không biết thì việc của các thày cô, không phải là tư vấn, giải thích cho họ hiểu hay sao? Theo cách nhìn của tôi, việc dạy bơi kiểu gì trước, không phải vấn đề quan trọng, như trên đây tôi đã trình bày, dạy bơi nên dạy tổng hợp để kết quả sau mười mấy buổi, trẻ con biết bơi ít nhất ba kiểu và trong đó có cả kỹ năng chống đuối nước thì càng tốt. Lại không nên đổ lỗi cho… cơ địa của học viên nên chỉ được bơi ếch trước. Thực tế là cách tiếp cận khoa học thì nó đúng cho mọi cơ địa, và cháu nào đã khó khăn thì học bơi gì cũng khó khăn. 

Lại có những ý kiến của các thày cô chê phụ huynh chỉ biết là con đến học cho biết bơi là đủ, sau đó cho nghỉ luôn – điều này đúng, và đó là quan niệm sai lầm của hầu hết các thành viên xã hội chúng ta. Đó là quan niệm cho rằng học chữ là quan trọng hơn cả, giới thể thao toàn đầu óc ngu si, tứ chi phát triển, vai u thịt bắp mồ hôi dầu, nách hôi như cú… Không phải: thế giới đã ghi nhận rất nhiều giáo sư là nhà thể thao chuyên nghiệp như giáo sư Nhekrasov của Liên Xô cũ, vừa là giáo sư toán vừa là vận động viên cử tạ có hạng. Hoặc như các con tôi, các cháu hàng tuần vẫn dành thời gian để chơi thể thao đều đặn và điều này có tác động tốt lên quá trình học tập của các cháu. 

Với các gia đình con đã chơi một môn thể thao khác rồi (như tôi vẫn khuyến khích các cháu chơi một môn nào đó khác ngoài bơi nhưng không ăn thua) thì bơi vẫn đặc biệt có ích để phát triển chiều cao mà các công trình nghiên cứu của thế giới đã dẫn ra rằng trong các kiểu bơi, kiểu trườn sấp (front crawl) sau đó là bơi ngửa đặc biệt tốt cho kích thích phát triển chiều dài cơ hơn hẳn hai kiểu còn lại. Như trong một chương của cuốn “Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu” tôi có viết rằng trên các diễn đàn quan tâm đến phát triển chiều cao của học sinh, người ta đã băn khoăn rất nhiều về việc chơi bóng rổ và bóng chuyền có làm phát triển chiều cao của trẻ hay không, thì không có công trình nào cho đến hiện tại, khẳng định hai môn đó thực sự có lợi cho phát triển chiều cao trẻ bằng bơi, mà cụ thể là bơi trườn sấp (ở Việt Nam gọi là sải). Đó là lý do ở một giai đoạn nào đó các vận động viên bóng rổ và bóng chuyền Mỹ phải bơi nhiều hơn chơi môn chính, là để phát triển chiều cao. Vì thế cần nói chính xác, bóng rổ và bóng chuyền sẽ chọn vận động viên cao để bồi dưỡng đỉnh cao, còn lại những vận động viên không đạt tiêu chuyển sẽ bị đào thải hoặc thuyên chuyển. 

Vậy tại sao các thày cô dạy bơi Việt Nam không tiếp cận theo cách đó – giải thích ích lợi cho bố mẹ hiểu rằng nếu dạy bơi hỗn hợp thì chỉ mất thêm của gia đình và con anh chị một số buổi nhất định thôi, không quá nhiều, nhưng ích lợi của nó là rất lớn? Nếu họ đồng ý phương án này, thì chỉ các thày có lợi khi mà họ theo các thày được lâu dài, thay vì học của các thày hơn chục buổi thu đâu hai triệu rưỡi ba triệu gì đó cho kiểu ếch là hết. Các thày có thể chê phụ huynh là ngắn nghĩ, vậy các thày có dài nghĩ hơn không? 

Thực sự ở đây có một lý luận rất kỳ lạ mà tôi gặp ở người thày cô dạy bơi: cho rằng học bơi ếch là “cơ bản 1” sải là “cơ bản 2” hay “nâng cao 1 tí” rồi hai kiểu còn lại là nâng cao tí nữa. Thế giới người ta đang làm là đã bơi, là phải đủ 4 kiểu, với tất cả các kỹ thuật như nhau cho vận động viên phong trào (học sinh) và vận động viên đỉnh cao, và sự phân biệt khác nhau chỉ là thời gian tập luyện. (Mà ngay cả vận động viên đỉnh cao của họ cũng chẳng tập nhiều bằng ta, đây là một câu chuyện dài tôi không muốn nói ở đây.)  

Thậm chí còn có thày sau khi tuyên bố dạy 2000 người biết bơi nhưng vẫn “phát triển của thể thao không phải việc của mình!” Đây có thể nói là quan niệm không chỉ phi thể thao mà còn phản giáo dục và thày đó cần xem lại, vì thể thao phải là một phần không thể tách rời của quá trình giáo dục. Quan niệm xã hội có thể sai, nhưng mình làm thày không được phép sai.

Tôi muốn dành sự trân trọng của mình cho các thày, không phân biệt hiện nay ai đang tiếp cận bơi lội phong trào với hướng nào: Câu Lạc Bộ hay lớp dạy xóa mù, cái nào cũng cần cả, nhưng nếu các thày xóa mù có cách tiếp cận đúng đắn hơn, sẽ giúp cho các thày đang đi theo con đường phát triển Câu Lạc Bộ đỡ khó khăn hơn nhiều, đó là thực tế hiện nay. 

Đoạn cuối xin nói về câu chuyện giáo trình. Hôm qua trong một Group về bơi có nhiều thày cô tham gia, tôi có viết mấy dòng mục đích “gây bão” về một cuốn giáo trình, được biết nó là giáo trình chính thức để dạy ở trường ĐHTDTT của ta. Có thể nói đây là một giáo trình viết gì cũng đúng, nhưng với tư cách là người cũng tham gia giảng dạy ở cấp độ đại học, thì đây là một giáo trình không tốt, vì quá nhiều điểm mâu thuẫn. Dường như người biên soạn quá tham đưa vào nhiều quan điểm khác nhau đến trái ngược nhau (đáng mừng là khá mới!) nhưng vì yếu về phương pháp luận khoa học, chưa làm rõ được điểm mạnh điểm yếu của những chỗ khác nhau và tại sao lại có những mâu thuẫn đó. Điều này sẽ gây khó cho ngay cả những người học sau đại học rồi, chứ chưa nói đến các sinh viên đi lên từ vận động viên. 

Xin trân trọng cảm ơn các huấn luyện viên bơi lội tôi đã quen vì sự giúp đỡ của họ trong thời gian qua để có được nhận thức của tôi ngày hôm nay, đặc biệt là trong quá trình viết cuốn sách mới nhất mang tính giáo khoa về giáo dục mà quan điểm xuyên suốt của nó, thể thao đối với giáo dục con trẻ, mang tính nền tảng quan trọng không kém gì học chữ. 

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment