Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, December 4, 2020

Đôi bờ chiến tuyến

Thế là con đã lên lớp Sáu được mấy tháng rồi đấy nhỉ, con gái yêu quý của ba. Năm học này con đã bước chân vào một môi trường hoàn toàn mới, lên cấp trung học (cơ sở) nó đã khác hẳn với tiểu học – tất nhiên ở đây ba sẽ không nói về cách học và cách tiếp cận kiến thức, cũng như cách giải quyết vấn đề.


Trong bức thư này, ba sẽ nói chuyện với con về những thay đổi về quan hệ xã hội con sẽ gặp phải. Năm học trước, ở những tháng cuối cùng các con đã bùi ngùi đếm tứng ngày đến lúc phải chia tay nhau, rồi mong ước được học tiếp cùng bạn này, bạn khác… khi lên lớp Sáu, nhưng cuối cùng hầu hết những mong ước đó không thành sự thật và cũng lại “cuối cùng” chẳng có bạn nào làm sao cả, tất nhiên vẫn có những ngoại lệ. Nhưng chính những ngoại lệ đó lại đem lại những bất ngờ, cùng bao bất ngờ khác từ những cái “nội lệ.” Sang môi trường mới, khi các con thêm một tuổi, lớn hơn một chút, cơ thể có những thay đổi thì con cũng sẽ nhìn nhận thế giới xung quanh khác đi một chút, thậm chí nhiều chút. Những người bạn con mong muốn được tiếp tục học cùng có thể sẽ không còn cùng chia sẻ với con nhiều điều của cuộc sống học đường mới được nữa, cũng như con sẽ có những người bạn mới mà con cảm thấy dễ dàng tìm thấy tiếng nói chung hơn.

Con còn nhớ năm ngoái, con đã vấp phải một câu chuyện là bị tẩy chay, từ chính cô bạn con coi là thân nhất không? Ba đã nói với con, rằng cô bé ấy vẫn không phải là người xấu, chẳng qua bạn ấy có nhu cầu khẳng định bản thân từ những nhu cầu rất mơ hồ: muốn tự nâng vị thế mình lên nhưng không biết bằng cách nào, sốt ruột vì những thành công của bạn, muốn được chú ý từ các bạn khác phái và muốn nhận được sự “vây quanh,” “tôn sùng” từ các bạn cùng giới tính. Năm nay có thể con sẽ gặp nhiều những chuyện như thế hơn, và nếu có thì con hãy coi đó là chuyện hết sức bình thường. Đáng tiếc là ở tuổi của các con, nhiều khi các con không biết hành xử như thế nào và biến chuyện trẻ con thành hằn thù không cần thiết. Với những người trưởng thành như ba cũng đã từng qua những chuyện như vậy và ba rất tiếc là hồi đó chẳng có ai hướng dẫn cho ba cả - chỉ mãi đến bây giờ sau vài chục năm khi gặp lại những người bạn cũ, ba cùng với họ mới thấy hồi đó sao mà bọn mình trẻ con thế. Tất nhiên đến lúc này, chúng ta có thể nói rằng những chuyện đó là thi vị của cuộc sống, nhưng thật ra khi đang đi học, những chuyện đó chẳng dễ chịu chút nào, có rất nhiều bạn coi đó là một thảm họa hoặc, ở trong tình trạng bị bắt nạt rồi rơi vào stress. Chuyện có thể đến từ những điều rất nhỏ nhặt: con đánh rơi đồ, bạn không những không nhặt hộ có khi còn đá ra chỗ khác; con có gói đồ ăn, bạn cố tình vứt vào cái gì đó… Với anh trai con, những điều đó khá dễ dàng vì anh hiền hậu và được ông bà, ba mẹ nói chuyện khá kỹ về những thái độ và hành xử cần có trước tình huống: anh được dạy yêu thương các bạn và tất cả những chuyện có thể xảy ra, đều dễ dàng bỏ qua dù có thể vẫn rõ ràng tỏ thái độ: cậu không nên làm như thế! Nhưng, với con gái của ba vốn có khí chất mạnh mẽ, đôi lúc còn ương bướng, không dễ bằng anh con, nhưng không phải là không làm được. Quan trọng là “thái độ của chúng ta trước sự việc” – đúng không nào, con gái? Nếu con coi đó là hành động thù hằn, có chủ ý, có tính lặp đi lặp lại thành quá trình lâu dài, thì điều đó sẽ rất khó khăn cho con. Nhưng nếu con coi đó là những hành động xuất phát từ những thay đổi tâm lý của lứa tuổi, không còn bé nữa nhưng cũng chưa hẳn là lớn, chưa đủ chín chắn… đặc biệt là không biết hành động như thế nào cho phải, lại không được cha mẹ hướng dẫn cách quan sát những thay đổi tâm sinh lý của bản thân thì đó cũng là những chuyện nhỏ thôi. Con hãy nghĩ rằng “cậu, tớ, cả bạn Hà bạn Thảo nữa, đều có những vấn đề như nhau, vậy tại sao chúng ta không cộng tác để cùng giải quyết?”

Lại nói chuyện bị tẩy chay, rồi cố tạo cho mình một “vòng ảnh hưởng” nhưng có khi bằng những cách không lành mạnh cho lắm, ví dụ ở trại hè vừa rồi để cạnh tranh với bạn, con lại hướng tâm lý và hành động ra bạn khác nữa, chèn ép bạn, chuẩn bị đến mức bắt nạt bạn. Ba thấy rất ân hận vì đã không theo sát con để hướng dẫn con kịp thời, và ba cũng trách anh con vì anh con biết từ lâu rồi mà không cho ba biết.

Quay lại với chuyện đang nói trên kia – quan trọng là thái độ của chính chúng ta, chứ không phải là hành động của người khác con ạ. Ba biết có một vài trường hợp các bạn luôn tự coi tất cả những hành động, lời nói, cử chỉ của các bạn xung quanh trong lớp, là hành vi bắt nạt và bạo hành. Có bạn ấm ức thường xuyên: “Bạn ấy cứ nhìn con và cười!” “Ơ thế nhìn con mà cười thì tốt chứ sao?” “Nhưng đó là cười đểu!” “Sao con biết là cười đểu?” “Con biết thế, có lần bạn ấy nói không tốt về con, và từ đó bạn ấy cứ nhìn con mà cười.” “Thế cái điều không tốt ấy, bạn ấy nói có đúng không hay bịa ra? Bạn ấy nói với ai?” “Bạn ấy nói với các bạn trong lớp rồi có lần trong cuộc họp lớp bạn ấy phê bình con. Đúng con cũng có như thế nhưng mỗi một lần thôi.” “Thế thì bạn ấy nói cũng có ý đúng, còn con nếu mới có một lần là tốt rồi, ta từ từ sửa chữa đi. Còn bạn nhìn con, cười… có khi lại muốn gần gũi với con đó thôi. Tại con tưởng bạn ghét mình, dần dần trở nên ghét bạn… và cuối cùng thì cái gì cũng nghĩ là xấu. Nhỡ hôm nào bạn nhăn mặt lại tưởng bạn gầm gừ đe dọa thì dở lắm.”

Ba còn phải nói về góc độ của chính bản thân mình nữa. Cuộc sống này, xung quanh chúng ta có biết bao con người khác nhau, con cao hơn bạn này thì vẫn thấp hơn bạn khác, con học tốt môn này thì môn khác lại không bằng bạn khác… tất cả đều là bình thường. Nếu không có sự bình thường đó, không phải là cuộc sống. Con hãy vui vẻ trước tất cả những thành công của các bạn con, từ nhỏ đến lớn, vì tổng thể xã hội này cứ có những thành công của các thành viên, thì nó chỉ có tốt đẹp hơn, mà xã hội tốt đẹp hơn thì con, nói chung là chúng ta sẽ sống thoải mái hơn, ít gặp phiền nhiễu hơn. Về phần con, con hãy cứ đi con đường của con, làm thật tốt những nhiệm vụ của con một cách hứng khởi và vui vẻ, không ngần ngại chia sẻ những điều hay điều tốt con biết, để bạn con cũng sẽ giỏi như con, và những điều con chưa biết thì cứ chân thành hỏi bạn…

Thế đó, thực ra “chiến tuyến” nếu có, nó chỉ có trong lòng chúng ta chứ nó không hề tồn tại giữa con và các bạn của con. Bây giờ ba sẽ nói một “chiến tuyến” nữa cũng rất thú vị. Khi dạy cho các bạn ở tuổi của con mới bước chân lên cấp trung học (cơ sở) thì các bạn gái nói về các bạn trai như thế này: “Con ghét bọn con trai lớp con lắm!” “Tại sao lại thế?” “Như cái lũ dở hơi, trẻ con lắm!” (Bác cười thầm!) “Thế bọn con trai lớp khác thì sao?” “Cũng thế thôi, nhưng bọn con ít ghét hơn.” “Kể kỹ bác nghe xem nào!” “Thì chúng nó vẫn nhố nhố nhăng nhăng như bọn tiểu học, cười đùa nhí nha nhí nhố, chạy nhẩy tâng tâng, ăn nói thì ngốc nga ngốc nghếch…” (Đến đây thì bác cố nhịn cười vì chính các cô bé đang nói chuyện với bác, cũng không trưởng thành hơn được bao nhiêu.) “Thế các anh lớp trên thì sao con?”

Đến đây thì câu chuyện ngập ngừng hẳn.

“Con không biết ạ. Nhìn chung con không để ý các anh lớp trên, vì còn đang phải học.” “Thế nhỡ có anh nào để ý con thì sao?” “Con sẽ ghét anh ấy luôn!” Đến đoạn này thì bác cười to.


Câu chuyện này chỉ là một trong vô vàn câu chuyện với biết bao sắc thái, cung bậc tình cảm của lứa tuổi các con, mà trong con mắt người lớn như ba, như mẹ của con… chúng thật là dễ thương. Đúng, ở một hai năm đầu tiên của cấp trung học (cơ sở) tức là lớp Sáu, lớp Bảy… các con sẽ thấy… ghét các bạn trai, một phần lớn do sự khác biệt, hay khoảng cách phát triển giữa hai giới. Hầu hết các con gái đã dậy thì được một vài tháng, thậm chí một, hai năm, trong khi các bạn trai thì chưa. Sự thay đổi tâm sinh lý của chính các con, các con còn chưa “nghiên cứu” được ngọn ngành, chưa kiểm soát được hết cảm xúc của mình, thì sao có thể tìm thấy sự gần gũi chia sẻ với các bạn khác phái còn chưa dậy thì được chứ? Điều này phản ánh mâu thuẫn trong tâm lý của mỗi con người khi người ta chuẩn bị / đang bước sang một giai đoạn khác của cuộc đời, và dần dần các con sẽ bình tĩnh lại. Sang năm, sang năm nữa, nhiều bạn trai trong lớp con sẽ dậy thì, thường sau các con một, hai, ba… năm. Các bạn lớn vọt lên, giọng nói ồm ồm, chân tay dài ngoẵng nhưng vẫn chưa khéo léo gì hơn mấy đâu. Các bạn ấy còn vụng về lắm, đi lại thì lộc ngộc, đụng cái gì đổ vỡ cái ấy, nhưng chắc chắn với con, các bạn ấy rất dễ thương và đáng yêu. Các bạn ấy rất muốn các con chú ý, thậm chí rất muốn chăm sóc các con, nhưng hoàn toàn không biết phải làm thế nào cả, và luôn luôn làm điều này, điều khác thất thố với các bạn khác giới, vì thật ra cả các bạn nam và các bạn nữ, chưa hề hiểu tâm lý “đối phương” và lại càng không thể giỏi nắm bắt tâm lý của họ. 

Nhưng cũng không nên vì thế mà coi đó là thảm họa, vì tất cả những điều này đều là bình thường, thậm chí nếu không có chúng mới là không bình thường. Các con hãy cứ bình tĩnh đón nhận chúng, như những điều thi vị cần có của cuộc sống học sinh, để sau này nhìn lại các con sẽ thấy trong mình một cảm xúc tuyệt vời: bâng khuâng, xúc động một chút, và thấy mình hạnh phúc vì đã từng có những đoạn đời đẹp đẽ đến thế. 

Bài trên Fanpage tại đây và Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment