Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, May 22, 2020

Bố con tôi cũng “chạy trường”


Cô bé Corona này đã chứng minh được cho anh em nhà Bôn Ba Nhi Bá, Bá Ba Nhi Bôn thấy nếu không được đến trường, thì hoàn toàn có thể tự học được ở nhà. Hôm trước mình đã kể về quãng đời tuyệt vời vừa nghỉ học lại vừa… không phải học online. Hai anh em tranh thủ làm được khối việc: rèn luyện thể chất, học làm việc nhà và học đủ thứ khác rất hay, xem hướng dẫn trên mạng và làm. Ước mơ lớn nhất của ba cha con là người ta bỏ béng cái năm học này đi, giá mà không phải thi đầu cấp thì tốt quá, nhưng đời có bao giờ như là mơ?

Năm nay thật ra anh học lớp Chín, em học lớp Năm, nên cả hai cùng phải thi vào một trường nào đó. Ông anh thì đăng ký vào một trong những trường thuộc hệ thống công lập và rất may là nếu có đỗ thì cả hai trường đều gần nhà. Còn lại những trường chuyên hay chọn gì đó, Bôn Ba Nhi Bá tự quyết định hết, ba mẹ chỉ hỗ trợ các việc “râu ria” ở ngoài mà thôi.

Đang yên đang lành thì ai đó quyết định cho các bạn đi học trở lại để kết thúc năm học và bắt thi chuyển cấp như… bình thường. Thế là tất cả xã hội cùng “vào cuộc,” cũng học ôn như ai. Tuy nhiên để chạy đua vào các trường này trường khác, thì đúng là ba mẹ của Nhi Bá, Nhi Bôn không nỡ và thấy con cũng không đủ sức, do đó chỉ cho hai bạn tham gia lớp học thêm tiếng Anh vì thấy rằng nếu không học chỗ này thì tiếng Anh vẫn nên học chỗ khác, từ từ học mỗi hôm một ít. Các “chạy đua” khác thì chịu, không theo được.

Một buổi sáng, thấy Nhi Bá ngồi suốt, vì hôm sau có đến… bốn bài kiểm tra một tiết (kiểm tra dồn dập sau khi hết cách ly xã hội) ba cậu ta hoảng và yêu cầu cậu ta đứng dậy… “Hôm nay Chủ nhật, con và em đi quét nhà và lau bốn tầng nhà đi. Nếu con học xong rồi, thì chưa xem lại vội, để việc đó đến chiều. Chiều nay con xem lại tất cả một lượt, rồi cùng em đi dạo ngoài ao làng ấy. Tối con xem phim rồi đi ngủ sớm, sáng mai dậy sớm giở sách ra xem một lượt rồi đi đến trường. Sau này các bài thi của con cũng thế, học phải biết lúc căng lúc chùng, cho nó nghỉ rồi lại bồi…”

Đến trưa, sau khi hai anh em lau nhà xong, trong bữa cơm ba giải thích cho cả hai anh em:

“Có những lúc ba học thi căng quá, đến lúc vào phòng thi là không nhớ lấy một chữ nào. Con tập luyện để đi thi đấu môn bơi cũng thế: cả quá trình coi như một buổi tập thì có làm nóng, tăng tốc dần đến tốc độ tối đa, rồi giảm dần như các thày của con gọi là “xả khối lượng” rồi tính toán sao cho đến tầm đi thi đấu con đạt phong độ tốt nhất. Con học căng đã biết cách tự tăng sức ép rồi, thì cũng phải biết tự làm chùng, rồi lại nhắc lại… để cái đầu của con đến khi đi thi đạt phong độ tốt nhất, thế mới là khoa học.”

Mấy hôm sau ở lớp cô giáo thông báo có tài liệu ôn thi nâng cao cho các môn, ngay lập tức các nhà ào ào đăng ký mua cho con chẳng cần biết con có thể kham được hay không, còn Nhi Bá thì thẳng thắn: thôi ba ạ! Đúng, thôi con ạ, con cũng chẳng đủ thời gian và sức lực đâu mà tham đến thế. Mình nỗ lực là nỗ lực hết sức với chương trình tiêu chuẩn, chứ chạy theo những luyện thi mẹo mực làm gì.

Lại một buổi tối… cô bé Nhi Bôn cầm bài tiếng Việt ra hỏi: phân tích những câu này ra các thành phần, thành phần gì đóng vai trò như thế nào… Lúc đó đã khuya rồi mà còn cứ loay hoay… Ba cô bé phải gắt lên: “Bài thế này thì ba cũng không hiểu chứ đừng nói là con, con cố làm làm gì? Để giỏi văn con cần đọc sách, không cần học những cái này…”

Thế đấy các con, xã hội như thế nào thì ta thử đương đầu như thế, nhưng cũng chẳng nhất thiết phải chạy đua quá làm gì, cuộc đời còn biết bao điều tươi đẹp phải học, và cả những “trận đấu thi cử” này cũng là một quãng đời tươi đẹp của các con: các con hãy luyện quen với sức ép, cứ chuẩn bị hết sức mình và thật khoa học, còn kết quả ra sao, ba mẹ chẳng bao giờ trách cứ các con đâu.

“Mà Nhi Bôn này, ngày xưa anh Nhi Bá không phải thi lên lớp Sáu, nên bây giờ để chuẩn bị cho thi vào lớp Mười anh cũng sẽ nhiều ít thấy vất vả, nhưng em Nhi Bôn thì được tập cả một trận to, dù có trượt cũng là có ích, nên đừng ngại, cứ thử sức đi con ạ.”

Bài trên Fanpage Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment