Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, April 21, 2020

Học toán để làm gì?

Euclid
Tôi có cô bạn học cùng hồi đại học, một ngày xấu trời vì Covid-19 tự dưng hỏi: hồi mình học năm thứ nhất, nhà trường tự dưng hứng lên bắt học toán cao cấp rồi sau đó không bao giờ được dùng vào việc gì, vậy thì bắt học làm gì nhỉ? (với cái trường thuộc khối xã hội).

Hồi đó sinh viên đồn đại là có tư tưởng của lãnh đạo nhà trường cho rằng với khoa luật kinh tế thì sau này sinh viên sẽ học… toán kinh tế, nghĩa là thằng nào vào khoa luật kinh tế sẽ có lợi – số sinh viên này đông, chiếm khoảng 2/3 số sinh viên toàn khóa. Nhưng cuối cùng thì chính cái khoa luật kinh tế trứ danh này cũng chẳng có ma nào được học toán kinh tế cả thì phải.

Nhưng câu hỏi dạng như thế này thì dai dẳng đến tận bây giờ. Tình cờ có lần tôi rơi vào một diễn đàn có cả… giáo sư toán, cả thày giáo dạy toán và đông nghịt phụ huynh, cũng lại cãi cọ liên miên là “học toán để làm gì?” Trong khi các phụ huynh rất nhiều người đồng ý với nhau rằng học toán chẳng để làm gì cả thì các nhà toán của đất nước đâm cho mỗi bác một nhát trúng tim: học toán để luyện phương pháp tư duy. Chết đứ đừ, không ai cãi được câu nào.

Thực tế nếu hiện nay Việt Nam có 96 triệu dân thì chắc là chỉ có một Ngô Bảo Châu, còn lại 95.999.999 bác còn lại học toán chỉ để tính lô!

Câu hỏi này cũng sẽ áp dụng được với tất cả những môn khác, như học văn để làm gì? Tôi phải nói rằng thế này, tôi học chuyên văn gần hết những năm phổ thông, và bây giờ dịch covid-19 bắt bà con ở nhà, bí lắm, đến mức tôi chuẩn bị nhận lời sáng tác thơ đề, mỗi ngày lấy chục bài càng ngu si tối nghĩa càng tốt, nhuận bút cao hơn khối báo mạng. Đấy, học văn để làm việc đó chứ làm gì!

Các nhà toán cứ làm như nếu không có toán của họ thì cả cái xã hội này đều không biết tư duy cả đấy. Điều chúng ta sai chính là ở chỗ đó: tất cả cứ nhăm nhe đi học chỉ có văn và toán, đến thi vào lớp 10 cũng chỉ văn và toán. Học toán của Việt Nam thì hàng khủng, khó cỡ cụ thằng Tây cũng không theo được, vậy tại sao tư duy của học sinh Việt Nam vẫn cứ lọt phà lọt phọt không bằng thằng Tây?

Vì tất cả chúng ta sai, từ các nhà toán đến bố mẹ, áp dụng ngược hết cả: mục đích quan trọng hàng đầu của giáo dục phổ thông chính là để dạy phương pháp tư duy, mà để dạy phương pháp tư duy thì phải có triết lý giáo dục xuyên suốt và thể hiện trong tất cả các môn, chứ không chỉ có toán. Cũng như vậy, cứ cho là học ngữ văn để biết sử dụng tiếng mẹ đẻ tròn vành rõ tiếng, câu ra câu cú ra cú – vậy bao nhiêu cử nhân ra trường viết một văn bản không thể đọc được? – câu trả lời xin đọc Tony buổi sáng. Trong khi đó để sử dụng tiếng mẹ đẻ nó có trong tất cả các môn học chứ, kể cả toán, mà trong sử địa thì càng nhiều.

Để dạy được phương pháp tư duy, người thày giáo giỏi dù ở môn nào người ta cũng dạy được, như thày giáo dạy sử của chúng tôi hồi lớp Sáu, đã bảo các trò không phải học bài Cổ Loa trong sách, vào Bảo tàng lịch sử xem mô hình thành Cổ Loa, ngẫm nghĩ kỹ xem tại sao người xưa lại đắp như vậy, cho tưởng tượng thoải mái, tìm đủ các phương án trả lời… Cuối cùng chúng tôi lên được không biết bao ý tưởng cho người xưa, và cả những phương án mới đề xuất lên An Dương Vương nữa. Vậy học sử để làm gì?

Chờ cái ngành giáo dục này còn lâu, trước hết các vị, các bố mẹ, hãy thay đổi trước đi đã. Học toán để làm gì hả? Để tôi kể cho quý vị nghe nhé – năm 1985, tôi học lớp 10, lứa 11 năm cũ, thì trong đại gia đình xuất hiện một ông anh rể làm chủ thầu xây dựng. Ông ấy học hết lớp 3, là thợ xây nhưng rất nhanh ý, dần dần do quan hệ tốt nên nhận được nhiều công trình. Có lần nhận được công trình san lấp và làm hạ tầng cho một miếng đất rất to, ông ấy không thể nào tính ra được diện tích của nó vì miếng đất là một hình tứ giác thường. Nếu như bây giờ căng bản đồ số lên máy thì đúng là trẻ con cũng làm được, nhưng thời đó thì chịu. Nhờ tôi, tôi gãi đầu gãi tai bảo, anh gọi đến hiện trường nhờ ai đó đo cho em một đường chéo, đường nào cũng được miễn là đúng vị trí. Thế là có một đường chéo, nghĩa là tôi có hai tam giác biết cả ba cạnh, tính ra được luôn diện tích, chính xác. Ông anh rể tròn mắt, vì thấy kết quả hợp lý và bé hơn nhiều so với việc ông ấy cứ lấy hai cạnh nhân với nhau, khổ có phải hình chữ nhật đâu mà làm thế! “Thằng này giỏi nhể!” “Không phải em giỏi, mà Ơ-cơ-lít giỏi.”

Học toán để làm việc đó chứ còn gì!

Thế nên sau này đi làm, các cháu thế hệ cuối 8x, cả đầu 9x lắm lúc khinh khi, nhưng thực ra thế hệ sau này thua thế hệ chúng tôi rất xa về khả năng ứng dụng, thái độ “mở” trong giải quyết vấn đề. Khi làm giám đốc một dự án xây nhà máy, tôi có thể đọc bản vẽ, dù không có kỹ sư ở đó tôi vẫn giải thích được cho thợ về một số vấn đề - đến mức cậu kỹ sư trẻ hỏi “Sao chú biết?” “Tao biết vì tao đọc hết hai quyển “Cơ lý thuyết” và “Sức bền vật liệu” của trường chúng mày rồi, tí vật lý với hóa học thôi mà, trình độ lớp 12 hiểu được.”

Nhưng nó không hiểu là để đọc mà hiểu được, chúng tôi có cả gần 20 năm vật lộn với đủ trò, tầm vớ vẩn là chưng cất nước đái để có phốt pho, hơn nữa là máy bắn đá đủ bắn sang sân tập thể cách đó mấy chục mét, tầm oách hơn là chế tạo bộc phá châm bằng điện, tên lửa từ một đến nhiều tầng đẩy bằng thuốc súng… tất cả đều phải tính toán, có toán lý hóa trong đó hết. Thời các cháu đã oánh Ninteldo, có cục qứt ấy mà nghịch. Cũng không nên nghĩ thế hệ cũ thì thua về công nghệ, đã mò mẫm thì tìm hiểu được hết.

Thế nên tôi trả đũa các nhà toán bằng một nhát trúng tim khác: các vị chỉ khen toán của các vị là để dạy phương pháp tư duy, nhưng tôi hỏi các vị, thế quan niệm của các vị như thế nào về lao động của học sinh? Xin hỏi các vị ngày ngày đi dạy toán, nhưng vị nào đóng được cái ghế con cho vợ ngồi nhặt rau? Đấy đầu bài, cái ghế kích thước như thế, gỗ dày như thế, đinh phải dài mấy xăng-ti-mét chỗ này, mấy chỗ kia… không là toán thì là gì? Ngay thày giáo của tôi cũng có ông dạy vật lý mà không biết đấu cái đèn neon ra sao vì không biết mạch điện…

Con của chúng ta chúng không dốt hơn bất cứ trẻ con nước nào, nhưng chúng nó dốt hơn trẻ con nước khác rất nhiều vì chính chúng ta sai. Nếu con gái học lớp 5 biết đạp máy khâu như cô bé nào hôm nọ may khẩu chao tặng mọi người, nó sẽ biết tính vải, và biết cả dùng vải chất liệu nào để may lớp nào, không là toán, lý, hóa đấy thì là cái gì? Thế nên đừng có loạn lên vì trường này trường khác, trường tốt nhất là ở nhà, các vị tổ chức cho con lao động đi, cho nghịch đi, tự khắc chúng nó sẽ giỏi.

Một đội kịch học sinh

Nhân tiện, hôm trước chị giám đốc NXB Phụ Nữ trăn trở làm thế nào để trẻ con ham đọc sách hơn – đúng, chúng không ham bằng chúng ta ngày xưa, nhưng chúng ta ngày xưa ngoài nghịch, chỉ còn đọc sách, đọc tràn lan, cấp 1 đã đọc cả “Trà hoa nữ,” và chất lượng đọc không cao. Do đó bây giờ một mặt vẫn khuyến khích, mặt khác phải nâng cao chất lượng đọc và chấp nhận việc chúng đọc ít hơn thời chúng ta về số lượng. Chẳng hạn như tôi, tôi thường bắt trẻ con ở nhà đọc các tác phẩm mà chúng sẽ phải xem các bản phim người ta đã dựng trên tác phẩm đó. Do đó, tôi rất muốn đề xuất với chị Hoa Phượng tổ chức một giải diễn kịch cho các đội kịch trong ngoài thành phố, chẳng hạn giải… Hoa Phượng, tổ chức xuân thu nhị kỳ chẳng hạn. Yêu cầu là phải tự biên tự diễn, lấy tác phẩm văn học tự xây dựng kịch bản, tự phân vai, tự giàn dựng… lúc đó chúng nó sẽ không phải là đọc nữa, mà là tiêu hóa cái tác phẩm văn học đó.

Học ngữ văn để làm việc đó chứ để làm gì!  

Bài trên Fanpage tại đây 

No comments:

Post a Comment