Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, March 12, 2019

Làm trai phải biết quét nhà

Anh chàng Bôn Ba Nhi Bá giống y như bố, rất bừa bộn. Anh ta có thể ngồi học bên một cái bàn mà mặt bàn thì bừa bộn những sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi… và chỉ cần đẩy cái này một chút, cái kia một tẹo tạo ra một khoảng trống đủ để đặt quyển sách, quyển vở là được rồi. Ba của anh chàng cũng y như vậy trong suốt mấy chục năm, chỉ gần đây mới “tự dưng” nhận ra một điều rằng gọn gàng sạch sẽ thì dễ dàng hơn nhiều trong duy trì một lối sống thong thả và lành mạnh.

Thế là, quyết định làm một cuộc cách mạng trong lối sống, ba của Nhi Bá dọn sạch những chỗ đập vào mắt người khác và thu xếp một số kho ngóc, kho ngách để chứa những đồ “do-it-your-self” vào, trước mắt là cho “khuất mắt” cái đã. Mỗi sáng, trước khi làm việc bao giờ cũng phải quét nhà, đến văn phòng thì quét phòng, lau bàn không để bác lao công phải làm. Trước khi chấm dứt công việc, cũng dọn dẹp gọn gàng mới ra về. Thật ra bao năm nay mỗi khi sửa chữa điện, cơ khí… ba của Nhi Bá rất cẩn thận lấy khay ra mới bầy dụng cụ lên, và sau khi làm xong, dù có thể vẫn đang dở việc vẫn lau dụng cụ, sắp xếp cất gọn, quét dọn cẩn thận. Chỉ có việc văn phòng là mới bừa thôi.

Nhi Bá thì được cái ngoan, nên thực hiện cẩn thận lắm, dù vẫn còn khá bừa bãi, không như cô em nó ngăn nắp hơn nhiều. Bây giờ cứ một hôm Nhi Bá lau bàn, quét phòng thì hôm sau thêm cả lau phòng sau khi quét. Thực hiện được một thời gian, ba hỏi Nhi Bá:

“Thế nào con, bây giờ thì con thấy trước khi học bài, quét được cái nhà thế nào, có khó khăn lắm không, mất nhiều thời gian không?”

“Không ba ạ, nhanh thôi.”

“Đúng rồi, ba để ý con quét nhà chỉ mất hai phút, tất nhiên là để đến mức quét sạch như lau như li thì còn lâu, nhưng mà như thế cũng đã là hơn con trước đây nhiều. Trước con được dạy quét nhà rồi, nhưng không mấy khi con được quét vì các con bây giờ đi học suốt ngày, về nhà tối mịt thì đó chẳng phải là thời gian thích hợp cho việc quét nhà. Sấp sấp ngửa ngửa tắm táp, thay quần áo, ăn uống rồi lại mê mải học bài… Ba mẹ cũng thiếu sót quên hẳn việc nhắc các con rằng, có những việc mất rất ít thời gian nhưng cũng vẫn rất cần thiết. Thế con có thấy dọn bàn, quét nhà hàng ngày trước khi học, có tác dụng tốt không?”

Nhi Bá ngần ngừ một tí, rồi đáp: “Không rõ ba ạ.”

“Ừ, không rõ là bình thường thôi, nhưng thật ra nó có tác dụng rất tích cực. Cơ thể của con được vận động một chút thế thôi, đủ để máu lưu thông, học tốt hơn. Đồng thời việc học tập hiệu quả cũng được mang lại do mình ngồi trong một môi trường sạch sẽ, gọn gàng. Sau này đi làm con sẽ thấy tạo cho chỗ ngồi của mình sự sạch sẽ chính là một biểu hiện đầu tiên của thái độ làm việc chuyên nghiệp.”

Con thân mến, bây giờ ba sẽ kể cho con nghe một chuyện. Bước chân ra khỏi cổng trường đại học, ba được tuyển dụng vào một cơ quan mà ở đó có những đòi hỏi rất cao, rất khắt khe đối với người nhân viên, cả về sức khỏe lẫn đầu óc làm việc minh mẫn và tỉnh táo. Tất nhiên, vẫn có những bạn khác vào đó làm việc vì những lý do nào đó, nhưng với những người phải làm việc thực sự, thì yêu cầu vẫn là yêu cầu. Ba là một người xứng đáng để làm việc thực sự ở đó, vì những nỗ lực hết mình của bản thân từ trước khi đó, trong suốt quá trình học tập mười mấy năm. Không phải chỉ là điểm số của ba cho thấy ba học tốt, mà những lời phê của thày cô trong học bạ, luôn cho thấy ba biết sử dụng cái đầu để suy nghĩ và đó là một tiêu chí đầu tiên mà cơ quan đó các bác ấy tuyển dụng ba.

Nhưng câu chuyện ba được đánh giá rất cao, không nằm ở chỗ đó. Việc đầu tiên khi đến cơ quan, là ba bỏ cái lịch trực nhật của cả phòng đi, và sáng nào cũng đến sớm 30 phút. Ba quét tước phòng làm việc sạch sẽ, lau sạch tất cả bàn ghế, chuẩn bị nước uống cho tất cả mọi người rồi ngồi vào bàn làm việc. Vốn quen lao động, nên những việc đó với ba cũng rất bình thường, nhẹ nhàng… và đến cuối giờ, bao giờ ba cũng đi rửa cốc chén, xếp gọn gàng sạch sẽ rồi mới ra về. Nhờ có vận động trong lao động, ba làm việc rất minh mẫn và hiệu quả, luôn được đánh giá cao trong hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như quét nhà, ba quét sạch không để sót một cọng rác nhỏ thì công việc cũng không bỏ sót bất cứ một lỗi nào, có thể nói ba là người theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Vì thế bây giờ, sau khi con đã quen với việc quét nhà thường xuyên rồi, thì con hãy chú tâm hơn đến việc quét thật sạch, không để sót những cọng rác nhỏ trên sàn nhà, dưới gậm bàn… Moi móc hết ra, con cứ làm đi thì sẽ thấy nó có ích trong việc học tập của con rất nhiều – con sẽ có thái độ cẩn trọng, không chủ quan và sau này sẽ không hối tiếc vì đã làm hỏng việc chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt vớ vẩn. Đó cũng là thái độ của những người thành công nổi tiếng trên thế giới, như Lev Tolstoy dù là một bá tước, nhà văn lớn vẫn là người tháo vát và chăm chỉ làm việc nhà. Hay ông Einstein khi buộc dây giày thì chỉ nghĩ làm sao để buộc dây cho chắc chắn không bị tuột.

Đáng tiếc là, ngày nay có những quan niệm rất sai, đặc biệt của những người được gọi là “thành đạt” ở Việt Nam ta. Khi trở nên giàu có, người ta nghĩ rằng việc kiếm tiền là quan trọng và họ được đặc cách phân công, mà nhiều khi người ta gọi bằng những mĩ từ như “sứ mệnh.” Những việc nhỏ nhặt như cầm chổi quét lấy cái nhà, sẽ được coi là xã hội phân công cho bác lao công, vì bác ấy làm để lĩnh lương, còn mình làm ông chủ thì tạo công ăn việc làm cho họ. Hồi ba làm việc cho công ty bác Thắng bạn của gia đình mình ấy, ba vẫn hay đến sớm quét phòng làm việc và phải nói với bác Hiền lao công: “Không phải em chê chị quét bẩn hay gì đâu, mà thỉnh thoảng chị cho em tự quét cái phòng làm việc, cho giãn gân giãn cốt!” Ba cảm ơn bác ấy thực sự, vì đó là nhu cầu của ba và phải nói để bác Hiền bác ấy “nhường” việc cho ba làm.

Tiếc là người ta hay đem câu ca dao “Làm trai rửa bát quét nhà, vợ gọi thì dạ bẩm bà tôi đây” ra giễu. Đường đời của con người có lúc đi lên đi xuống, với người này thì rửa bát quét nhà là hèn kém, nhưng với người khác cầm được cái chổi quét cái nhà, mới là dũng khí đấy con à.

***

Có một điều mình chưa nói cho con trai, để sau này mới nói: Con hãy quét nhà đúng kỹ thuật, đừng thẳng lưng mà cúi xuống để nhìn rõ hơn dưới gầm bàn còn rác hay không, đừng để ai đó nhìn thấy mà lại nghĩ, như ngày xưa ba có lần bị người lớn mắng: “Quét nhà kiểu gì mà cái lưng cứ xòng xõng thế kia!” Cúi được lưng xuống để nhìn, cũng là biết hạ “cái tôi” của mình xuống. Khiêm tốn là điều phải học cả đời, và học từ những việc nhỏ nhất. Người thành đạt vội vàng xa rời lao động, và xa rời luôn cả con đường học khiêm cung, thì sự thành đạt đó chắc cũng chẳng được lâu bền.

***
Lại bẵng đi một thời gian vài tuần nữa, có đến vài tuần ba của Nhi Bá lại hỏi bạn ấy:

“Thế bây giờ con quét và lau nhà đã quen rồi, ba thấy cũng sạch sẽ cẩn thận ra phết, nhưng con có để ý về những đặc điểm của kỹ thuật quét và lau nhà không?”

“Là như thế nào hả ba?”

“Đại khái là quét, lau nhà thì con làm như thế nào, nhanh hay chậm, từ đâu đến đâu…”

“Con không để ý ạ, con quét từ góc nhà trong ra ngoài.”

“Đó chính là kỹ thuật đấy, vậy con có thể nói được con quét và lau như thế nào không?”

“Con quét và lau từ góc trong nhà ra ngoài, thế thôi ạ. Còn thì không để ý đâu.”

“Thế nên thật ra là con làm chưa tốt, và cũng chưa thực sự để ý để suy nghĩ xem tại sao lại như thế – mà câu hỏi “Tại sao lại phải như thế?” cực kỳ quan trọng trong tất cả thời gian chúng ta sống trên cõi đời này. Nếu thường xuyên hỏi câu đó, thì chúng ta sẽ tìm thấy được rất nhiều lẽ sống, nhiều quy luật của cuộc đời và chúng ta sẽ biết cách sống trong cuộc đời hơn. Quét nhà, con phải quét chậm, từ từ, nhát chổi dài và hơi nhấn xuống một chút, không quét nhanh và vung lên để bụi không bay lung tung. Con vun dần bụi vào thành nhóm nhỏ, rồi nhóm lớn hơn… Nếu sàn nhà lớn, nhiều bụi bẩn có thể phải hót dần đi chứ không rê lượng lớn bụi rác từ chỗ này sang chỗ khác. Còn lau nhà thì rất thú vị, con có để ý là con đi như thế nào không?”

“Không ba ạ…” Nhi Bá lí nhí.

“Đó, vẫn bệnh lười suy nghĩ mà mãi chẳng chịu chữa gì cả. Con phải đi giật lùi, hay chưa? Tại sao vậy?”

“Để còn tránh…” cậu chàng ngắc ngứ.

“Đúng rồi, để mình không giẫm vào chỗ sạch đã lau rồi chứ sao. Con thấy thú vị không, quét nhà thì quét ngang, rồi dần dần có chỗ sạch thì đứng vào đó quét tiếp, để không lôi bụi đi lung tung… Lau nhà thì lại khác. Trước ba nói với con là chỉ lau sau khi quét thật sạch – đúng vậy, có những việc chỉ làm sau khi làm thật tốt những việc khác để chuẩn bị cho nó. Sau đó khi lau, ta đi giật lùi…”

Trong cuộc đời cũng vậy, có những việc như quét nhà, cần làm chậm rãi, từ từ, không nóng vội để… hít bụi và sửa sai hết hơi nhưng cái sự từ từ vẫn phải dứt khoát và đĩnh đạc, chắc chắn. Lại có những việc, có những lúc, người ta cần phải biết lùi lại, biết đi giật lùi, như đứng trước vực sâu thẳm, chỉ có người chán sống mới tiến bước, chứ là người bình thường phải biết từ từ lùi lại, tìm con đường khác để đi…

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment