Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, April 26, 2018

“Duyên âm” và “cắt tiền duyên”


Chuyện chẳng phải của riêng ai, nhiều người đặc biệt là các cô gái quan tâm và băn khoăn không dứt được về chuyện này khi nghĩ tại sao mình khó khăn lận đận trong đường tình duyên như thế… Và người ta tìm ra câu trả lời, rằng cô ấy có “duyên âm” theo, muốn xử lý cái món duyên âm ấy, phải “cắt tiền duyên” bằng những cái lễ lạt rất tốn kém.

Có thật vậy không? Tức là có “duyên âm” không?

Nếu chúng ta lên Google là tìm cụm từ khóa “cắt tiền duyên” thì thấy vô số bài về vấn đề này, không thiếu những bài hướng dẫn cụ thể cách “cắt” với lễ lạt chuẩn bị đầy đủ. Nhưng cũng có (hiếm hơn nhiều) những bài tiếp cận từ góc độ Đạo Phật.

Mình cũng vậy, sẽ tiếp cận dưới góc độ Đạo Phật, nhưng thông thường khi người ta giải thích thì sẽ như thế này:

“Tiền duyên chính là luật nhân quả của mỗi người. Kiếp trước mình đã nợ, đã gieo trong quá khứ, cái nhân quả mình đã nợ từ kiếp trước thì kiếp này phải trả. Mà cách trả duy nhất là đi làm việc thiện, làm phúc. Còn “cắt tiền duyên” là để cầu siêu cho linh hồn. Từ cổ chí kim đã có tục lệ cầu siêu cho oan hồn. Cầu siêu có sức mạnh tư tưởng mãnh liệt bất kể đối với người theo một tôn giáo hay người vô thần” (TS Vũ Thế Khanh.)

Tuy nhiên, mình sẽ trình bày vấn đề ở một mức độ khác hơn nữa, không chỉ dừng ở những lý thuyết của Đạo Phật về nhân quả và duyên nghiệp. Đạo Phật vô thần, không thừa nhận đấng sáng thế sáng tạo ra vạn vật, muôn loài và sự tác động của giới thần linh lên cuộc sống con người, nhưng mặt khác Đạo Phật thừa nhận những thế giới tâm linh, hay những thế giới nằm ngoài nhận thức của con người. Ở những thế giới đó vẫn có những chúng sinh có thân vận khác thân phận rất mong manh và hữu hạn của kiếp người. Tùy theo nghiệp lực mà mỗi chúng sinh có thân phận khác nhau, tốt đẹp thì ở các cõi hơn cõi Ta Bà của chúng ta, là các thần linh, tiên Phật và tệ hơn thì có mà làm… ma lang thang, tạm gọi là các “vong.” Thật ra trong mỗi chúng ta đều có phần nhục thân và phần thần thức, riêng phần thần thức thì cũng có cùng bản chất tất cả các chúng sinh ở các cõi khác, kể cả thần linh hay vong, chỉ khác nhau bởi độ tốt xấu, tức là nghiệp lực mà thôi.

Do đó nếu chúng ta ở kiếp này có gặp nhau, thì đều do “duyên” cả. Kể cả là gặp nhau trên mạng xã hội, cũng là một cái “duyên” rất mờ. Do đó nếu ai đó có nói, là cô hay chị có vong theo, tức là có “duyên âm” thì cũng cứ tin đi, chẳng sai đâu. Duyên với người đang sống đang thương yêu nhau, mà người đó chết đi không siêu thoát cứ loanh quanh với ta không phải là “duyên âm” thì còn là cái gì nữa. Nếu cái anh chàng hoặc chị chàng “vong” đó có duyên với ta từ vài kiếp trước, thì việc họ tìm được ta trong cái nhục thân xương thịt ở kiếp này cũng hoàn toàn có thể.

Thế nhưng có những câu chuyện rằng cái món “duyên âm” đó nó ảnh hưởng đến cả cuộc sống của người trần, nào là ngủ mê thấy chuyện ân ái với người khác, rồi nó lẵng nhẵng đến tận người phối ngẫu của kiếp này còn bị ảnh hưởng… thì cũng nên tin đi. Chẳng có gì là không thể cả, chẳng qua là chúng ta chưa hiểu cơ chế của sự ảnh hưởng tạo tác như thế nào mà thôi.

Chúng ta chỉ quen hiểu con người giao tiếp với nhau bằng các giác quan, nhưng không hiểu rằng thần thức của chúng ta, cũng như các “vong” còn có các cách giao tiếp khác, như các tập hợp sóng có thể cộng hưởng với nhau. Tuy nhiên khi có cái thân xác bằng xương bằng thịt nhưng biết tư duy, suy nghĩ lại biết học hành bằng ngôn ngữ của con người, chúng ta cũng sẽ biết cách đối xử với các “vong.” Điều đáng sợ và đau khổ, là thần thức của chúng ta vẫn giao tiếp với các vong, nhưng thần kinh, não bộ của cái thân xác này lại không hiểu được quá trình đó, gây ra một sự xung đột, mâu thuẫn và chúng ta rơi vào trạng thái bệnh lý.

Chúng ta đang vô tình mở rộng những cánh cửa giao tiếp để các “vong” mò vào ngôi nhà thần thức của chúng ta, trong khi chúng ta lại không có phương án nào để giữ cho đồ đạc bên trong nó không bị xáo trộn. Cách giải quyết đơn giản nhất là khi chúng ta còn đang bị hạn chế bởi những năng lực phàm phu, thì đóng cửa không cho các bạn “vong” đó làm gì ảnh hưởng đến chúng ta.

Các “vong” đó có làm gì hại được cho chúng ta không? Mình có đọc một đoạn thày Trí Siêu viết, rằng những “vong” đó do đau khổ mà không có cách giao tiếp với chúng ta, muốn cầu xin được gì đó ở chúng ta thì phải cố gắng hiện lên để báo tin, dù rất mờ ảo, nhưng làm như vậy, “vong” rất tốn năng lượng và rất mệt. Như vậy chắc chắn không phải “vong” nào cũng làm được việc giao tiếp với người phàm chúng ta theo những cách tiếp nhận thông thường của chúng ta. Chỉ có con đường giao tiếp với thần thức, và nếu có hại gì chúng ta thì cũng chỉ theo cách “xui dại” thần thức của chúng ta và nó điều khiển thân xác làm chuyện này, chuyện khác… không loại trừ các tai nạn, chuyện ngu ngốc… là ở đây ra. Kể cả những tội ác chỉ vì những thôi thúc rất nhỏ (số tiền bé tí chẳng hạn) hay những kẻ ác dâm thủ ác cả với những cháu bé nhỏ xíu… gặp nạn nhân có nghiệp quá nặng, lại đã từng có thâm thù với nhau từ tiền kiếp… những cái ngẫu nhiên đem lại một định mệnh tội ác là như thế. Những tội ác ấu dâm nhiều khi cũng chỉ là cháu bé gặp tên thủ ác vốn có thù tiền kiếp quá sớm mà thôi – nếu chậm lại chục năm thì cháu bé lại đã là người lớn, còn tên thủ ác lại là một lão già, câu chuyện lại khác đi. Nhưng không có gì nằm ngoài “nhân quả” cả.

Đức Phật thì dạy chúng ta yêu thương tất cả chúng sinh, nghĩa là cả các “vong” cũng cần được yêu thương. Điều đầu tiên chúng ta làm được là dấy nên trong mình tình yêu thương với hết thảy chúng sinh, cả những chúng sinh đang bươn chải trong cõi người xương thịt này và những chúng sinh vô hình đang lang thang không nơi nương tựa là các “vong.” Khởi nên tâm yêu thương, chưa đủ vì nếu u mê, chúng ta càng dụ dỗ các “vong” lại gần. Còn cần phải có trí tuệ nữa, chính trí tuệ là cái lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi sự dụ dỗ dẫn đến việc “vong” có thể làm hại chúng ta. Trí tuệ chính là việc chúng ta hiểu biết về bản chất vấn đề, vong hay không cũng đều là chúng sinh cả, nếu bản lĩnh ta vững vàng, thì họ không hại được gì ta. Nếu ta yêu thương họ, thực tâm muốn họ sẽ đến được những trạng thái tốt đẹp hơn, thì chắc chắn dù sớm hay muộn họ sẽ đạt như vậy.

Trong Đạo Phật dạy các phép tu, cách cách cầu nguyện, đọc chú… và tập trung hướng tới các chúng sinh mọi cõi, hồi hướng cho họ được những cảnh giới tốt đẹp hơn chính là như thế. Khi tập trung vào pháp tu, chúng ta đã đóng cửa không để cho các “vong” lục lọi đồ đạc. Nếu ai đó trên con đường tu tập mà lại thấy mình loạn xạ, chính là đã đi lạc trên con đường đó và mô tình lại mở rộng cửa cho các “vong” vui vầy.

Vậy việc lễ lạt để “cắt tiền duyên” có ý nghĩa gì không? Lễ lạt chính là cầu “tha lực” của người khác giúp mình, chính xác là ở đây người phàm giúp người phàm. Xin thưa rằng mấy ông đồng bà cốt, đã cúng bái vì tiền, thì năng lực tâm linh có cũng thành không, nhờ cậy gì được. Trong khi đó các vị chân sư thực tu, có thể giúp được chúng ta, thì các thày lại chỉ hướng dẫn chúng ta con đường đi đúng, và phải tự đi, chứ không giúp theo kiểu cúng bái kia. Nếu có thày nào giúp chúng ta na ná như thế, thì hoặc là theo kiểu đồng cốt, cúng bái (cũng có, mà bây giờ không hiếm!) nhưng cũng có thày giúp chúng ta cầu nguyện, làm tâm chúng ta an hơn và một bước trợ duyên đưa chúng ta trở lại con đường chánh pháp. Ranh giới rất mỏng manh, xin đừng lầm lẫn, sinh sân hận hỏng con đường tu học.

Trong tác phẩm “Mê tín Chánh tín”, Cụ Thích Thanh Từ có viết: “Đồng cốt là hiện tượng mê hoặc khủng khiếp. Những kẻ làm ông đồng bà cốt đều là người sống trong trạng thái bất thường. Bản thân họ đã mất hết khả năng tự chủ, họ bị sai sử bởi một ma lực huyền bí nào đó. Khi ma lực ấy dựa vào họ, liền lạm dụng các danh hiệu thánh, những bậc vĩ nhân của thuở xưa dùng mạo xưng để lừa bịp người đời… Mê tín là lối tin mù quáng khiến con người mất hết trí thông minh. Những kẻ chủ trương mê tín là người làm hoặc loạn thế gian, đưa dân tộc lùi lại bán khai.”

Như vậy nếu bạn nào có “chậm duyên” có thể do nhiều yếu tố, mà chủ yếu là cái “duyên” của kiếp này chưa đến, mà cái chuyện “duyên” đó nó dài dòng phức tạp, chẳng ai biết đằng nào mà lần. Nhưng nếu tin vào những chuyện đồng cốt mê tín, vô tình chúng ta mở rộng những cánh cửa tâm linh cho những con ma vô hình dụ dỗ mê hoặc một nhẽ, còn cả những con ma bằng xương bằng thịt là những ông đồng bà cốt, nó dụ cả cái xác phàm của chúng ta nữa, thật là tai họa.

Thật ra thì kể cả kiếp này duyên xác thịt có không đến, cũng đâu phải là tai họa. Thà nó không đến còn hơn đi cầu những duyên vớ duyên vẩn, có khi thế mới là tai họa đó.

Chẳng có cách nào tốt nhất bằng sống vui vẻ, yêu đời, chăm sóc cái thân xác của chúng ta khỏe mạnh, làm việc tốt… Mở lòng yêu thương mọi chúng sinh, cả những chúng sinh vô hình, nhưng đóng kín những con đường vọng động không để dẫn dụ, mà thành tâm mong họ thoát khỏi những kiếp đau khổ này, thì mới là đúng đắn.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment