Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, November 29, 2017

Cải tiến cách biểu đạt tiếng Việt nghĩ về tính cách của cư dân mạng Việt

Những đề xuất của PGS – TS Bùi Hiền về thay đổi cách biểu đạt tiếng Việt đã gây bão dư luận suốt mấy hôm qua, cả truyền thông chính thống lẫn “cộng đồng mạng” đều “vào cuộc.” Không phải là nhà ngôn ngữ học nên tôi không có ý định trình bày bất cứ ý kiến nào về vấn đề này, nhưng trong bài viết này tôi sẽ xuất phát từ góc độ một người hàng ngày phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt như một phương tiện công việc.

PGS – TS Bùi Hiền có lý khi một số khía cạnh của cách biểu đạt hiện nay làm mất khá nhiều thời gian, như tôi đồng ý với ông, từ góc độ người viết thì đúng vậy. Đơn cử, riêng chữ “gi” (giê-i) và “d” (dê đê) rất nhiều trường hợp phải tra từ điển nếu không muốn bị lỗi chính tả. Đó mới chỉ là một ví dụ, còn nhiều ví dụ khác nữa, điều đó cho thấy việc cải tiến phương pháp biểu đạt vẫn dùng chữ quốc ngữ, thực sự là một nhu cầu có thật.

Tất nhiên, nhu cầu là nhu cầu, nhưng cải tiến như thế nào thì còn là một câu chuyện dài. Tôi có “liếc” qua thử đề xuất của ông Bùi Hiền (tất nhiên qua một số bài báo) thì thấy đúng là với những người đã quá quen với cách biểu đạt cũ hiện hành, cách này quá khó, thậm chí đem lại khá nhiều điều… thú vị.

Quay lại với mạng xã hội, ngày nay chúng ta đã quen dần với việc theo dõi thông tin trên truyền thông trước, sau đó theo dõi phản ứng của dư luận thông qua mạng xã hội. Phải thừa nhận sức mạnh của mạng xã hội hiện nay đã tới mức đáng nể, nên kể cả truyền thông chính thống cũng phải lựa theo nó. Nhưng cũng phải nhìn thẳng thắn, rằng có một sự thật rất phũ phàng rằng những tác động của mạng xã hội tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Những gì mà mạng xã hội, hay “công luận vỉa hè online” hiện đang dành cho ông Bùi Hiền, bênh vực rất ít, mà hầu hết là “ném đá” theo kiểu một người bạn đang gọi: lên đồng tập thể. Điều này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về tính cách của “người Việt cư dân mạng” hiện nay…

Nếu như ai đã học tiếng Trung Quốc phổ thông hiện hành, sẽ phải học quy tắc bính âm, dùng chữ latinh để biểu đạt cách phát âm của tiếng Trung. Tôi xin đưa một ví dụ, chữ “C” trong bính âm sẽ phát âm là “ch” (hoặc “tr”, không giống và rõ hẳn như ta) và trong tiếng Trung còn vài chữ “ch” nữa, như chữ “Z” hay “J,” khá phức tạp. Nhưng khi đã quen rồi, thì việc chữ “C” mà phát âm thành “ch” thì “trục trặc” vẫn là trục trặc chứ không ra cách phát âm mà người ta liên tưởng là bậy bạ tục tĩu gì đó lan tràn trên mạng mấy hôm nay.

Giả sử như, cách biểu đạt này được dạy cho một cháu bé mới bắt đầu học chữ, nó sẽ phát âm một cách bình thường, vì đơn giản với trẻ con, chưa có thành kiến. Còn với người lớn mới là vấn đề, chúng ta cho rằng ông PGS – TS kia là sai, là khùng, là ngớ ngẩn… nhưng ngay từ đầu chúng ta đã không thèm đọc theo cách ông đề xuất, mà cố đọc theo kiểu chúng ta vẫn được học.

Lại tất nhiên, đó chính là điều cho thấy đề xuất của ông Bùi Hiền là phi thực tế, vì chắc có gần hết dân số Việt Nam sẽ gặp khó khăn và sẽ cố đọc theo cách được học từ mấy chục năm trước, chứ không thể dễ dàng đọc ngay theo kiểu của ông. Đó chính là việc mà những nhà nghiên cứu khoa học cần tính đến trước khi đưa ra những đề xuất chính thức mang tính kết luận.

Những đề xuất đó có thể chưa phù hợp, thậm chí là phần lớn, nhưng những gì mà dư luận, đặc biệt trên mạng xã hội đang phản ứng, thì không hề đúng mực chút nào. Kể cả chúng ta có không muốn để ý, thì chuyện nó vẫn cứ sục sôi và thường xuyên đập vào mắt, và không ít trong số những ý kiến lại không ra hồn ý kiến, chính thức phải được gọi là “chửi rủa” và “giễu cợt.” Cũng hầu hết những chửi rủa và giễu cợt đó, từ những thành viên cõi mạng có vẻ chẳng quan tâm gì đến cần tôn trọng những nghiên cứu khoa học, chưa nói đến việc họ có nhu cầu sử dụng ngôn ngữ một cách dễ dàng hơn mà vẫn đảm bảo tính trong sáng.

Chính vì vậy, mà rất nhiều cư dân mạng đã dùng những thứ ngôn ngữ rất không trong sáng để chửi rủa và giễu cợt một mong muốn có thể chưa thành công nhưng nghiêm túc.

Tôi đã từng đọc một bài ở đâu đó, về tính cách của người Việt là duy lý hay duy tình – cuối cùng thì tác giả kết luận người Việt không duy lý mà cũng chẳng duy tình, lúc cần cái này thì áp dụng cái kia và ngược lại. Câu chuyện ngôn ngữ hôm nay cũng đang cho thấy, “cư dân mạng người Việt” đang hành xử rất cảm tính. Không thiếu những ý kiến này khác, chỉ dựa trên việc chủ nhân của chúng đọc cách biểu đạt mới, thấy khó đến mức “đau cả mồm” mà vội vàng gán cho tác giả của những đề xuất những nhận xét và đánh giá thật không ra gì.

Mạng xã hội với tính lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng ghê gớm đã “nhân rộng” một thứ, phải gọi thẳng ra là tính bầy đàn, từ nhẹ là cười cợt, đến mạnh là chế giễu, và nặng hơn nữa là rủa xả, xỉ nhục. Cái xấu từ suy nghĩ đến lời nói viết ra trên mạng, cứ thế được nhân lên nhanh chóng không biết bao nhiêu mà kể. Chưa bao giờ người Việt lại thiếu tôn trọng nhau đến thế, ở cái thời của mạng xã hội.

Đề xuất của vị PGS –TS là một góc thuộc về văn hóa, có thể nó chưa hoàn thiện, chưa đúng đắn… nhưng nó không đáng bị đối xử như vậy. Cứ cho là nó kém cỏi thật đi, nhưng nếu chúng ta cứ đối xử với nó một cách thiếu văn hóa, thì liệu nền văn hóa của toàn dân tộc, có cao lên được chăng?  

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment