Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, May 29, 2017

Chuyện vịt chuyện ngan

Nghỉ hè, bà ngoại bảo hai thằng cháu, anh em “con dì con già” với nhau: “Chúng mày phải có việc gì đó mà làm, chứ cứ chơi nhong nhóng nó hư người.” Hai thằng “nhong nhóng hư người” thực ra, thằng lớn 10 tuổi là mình, thằng bé 5 tuổi là nó, chưa có mấy khái niệm về việc phải có một “công ăn việc làm.”

Nhưng kế hoạch thì vẫn được “lên” và thực hiện… như người lớn. Tiền mừng tuổi được xuất ra, mua lấy hai con ngan bé xíu, để hai thằng tự chăm sóc, khi nào nó lớn thì tùy cơ ứng biến, hoặc giết thịt, hoặc… bán, nếu có thể.

Việc cũng chẳng có gì nhiều, mỗi ngày đi bộ ra chợ, mua 1 hay 2 hào gì đó bèo hoa dâu, loại bèo đúng của chú Phạm Tuân đem lên vũ trụ ấy mà – năm đó hình như do có công trình nghiên cứu khoa học này mà phong trào nuôi vịt ngan lên hẳn, bèo nhiều hôm cháy hàng. Bèo mua về đổ vào cái chậu bằng cao su ở trong chuồng của hai con ngan. Thế là chúng nó sục sục cái mỏ, thậm chí nhảy cả vào chậu vùng vẫy, lặn ngụp. Thế mà hai con ngan lớn nhanh đáo để, chỉ nửa tháng mà nó đã to hẳn lên. Mẹ mình bảo, nuôi đến Rằm tháng Bảy âm là chúng nó đủ to, vừa béo… là có thể giết thịt liên hoan được rồi.

“Mùa vịt” – mẹ bảo thế. Có mùa nhãn mùa vải, nay lại nghe cả khái niệm “mùa vịt.” Mẹ giải thích, vịt thì lúc nào chẳng có, nhưng mùa thu vịt nó béo, ăn ngon, chứ mùa khác vịt gầy. Vốn dĩ con vịt nó không được nhiều thịt như con gà, nên phải vào mùa ăn mới ngon. Con vịt thì được đĩa tiết canh, đĩa thịt luộc chấm nước mắm tỏi ớt và còn được nồi xáo măng ăn với bún, nghe thích chưa?

Được nửa tháng, thì ông hàng xóm mua về một con vịt. Ông này – gọi là hàng xóm nhưng là một thứ hàng xóm rất đặc biệt. Số là ông ngoại mình là người làm việc cho người Pháp từ thời Kháng chiến 9 năm [1] nên sau năm 1954 “Hòa bình lập lại,” gia đình có cái nhà to trong thành phố phải tạo điều kiện cho các gia đình cán bộ kháng chiến từ các vùng kéo về thủ đô, có chỗ ở. Thế là có đến mấy gia đình, “tràn” vào nhà mình, mỗi gia đình chiếm một phòng với một số tiền thuê nhà rất tượng trưng, và sau đó khoảng 10 năm gì đó, họ còn chẳng trả tiền nhà nữa.

Quay lại với con vịt – ông “hàng xóm” bằng đúng tuổi bố mình kia, mua nó về với một bộ dạng cực kỳ thiểu não, gầy nhom, cổ ngẳng ra, lông lá xám xịt và lơ thơ. Đứng cạnh hai con ngan đẹp mã của bọn mình, nó đúng là “vịt con xấu xí” đứng cạnh hai con… thiên nga.

Câu chuyện là, những người “ở thuê” đó tự coi mình là những người được phục vụ, khi đối xử với gia đình mình thì họ giống ông chủ bà chủ hơn là người ở thuê, còn khi nhà bị hỏng thì họ tự coi mình đúng là người ở thuê, trách nhiệm sửa nhà thuộc về người chủ sở hữu. Bao nhiêu năm gia đình mình chịu sự đè nén đó, cuộc sống cũng không hơn gì địa ngục.

Con vịt cũng là một công cụ để thực hiện sự áp bức – ông hàng xóm cứ buổi sáng rình rình anh em mình đổ bèo cho ngan vào chậu, thì ra thản nhiên… thả con vịt vào chuồng ngan, trước hai cặp mắt tròn xoe, ngạc nhiên và uất ức của hai thằng bé. Sau đó ông ta vênh váo, dắt xe đạp, huýt sáo véo von, đi làm.

Con vịt vốn bị bỏ đói, nó cậy bé và nhanh nhẹn, luồn qua dưới ức của hai con ngan, xông vào ăn. Nó chỉ cần xục một tí, hết veo chỗ bèo. Thế là hai thằng uất ức lại lóc cóc đi bộ ra chợ, mua thêm.

Được vài ngày, uất ức lên đến đỉnh điểm, mình không chịu được, bê con vịt vứt oạch cái ra ngoài. Nhìn nó rơi xuống nền sân gạch, ngã trẹo về một bên, hai cái chân loai nhoai đạp xuống đất mấy cái mới đứng được lên rồi lạch bạch đúng như một con vịt, nó nặng nề chạy về nhà. Nhìn nó ngã rồi chạy đi, mình thấy thương nó thế. Từ hôm đó, hai anh em mua bèo về chưa cho ngan ăn vội, mà chờ ông “hàng xóm” thả vịt xong, đi làm đã mình mới ra, bê con vịt nhẹ nhàng bỏ ra ngoài, rồi cho ngan ăn. Ông ta không thể chờ hai thằng rỗi rãi được, vì còn phải đi làm – đương nhiên nếu đã bê vịt ra thì chẳng có ai mà bê nó trở lại được cả.

Con vịt bị đói – và người nhà ông ta phải cho nó ăn. Ít ra mấy bà con gái của ông ta cũng nhiều tự trọng hơn ông bố một chút. Con vịt này thì chẳng cần bèo, cơm thừa canh cặn đổ ra nó xực tất…

*********

Câu chuyện được kể cho con trai nghe, nhân dịp hắn ta chuẩn bị vào hè. Bây giờ thì chẳng có chỗ mà nuôi ngan nuôi vịt, và nếu có chỗ thì cũng không nên nuôi vì cuộc sống đã khác. Nuôi phải chấp nhận điều kiện vệ sinh sẽ bị ảnh hưởng, nó không còn được như nếp sông gia đình bây giờ nữa.

Mình cũng không giấu con trai chuyện con vịt của ông hàng xóm.

“Tại sao lại phải cho nhà người ta vào nhà mình ở như vậy hả ba?”

“Vì người Pháp sang Việt Nam chiếm nước ta làm thuộc địa, bóc lột nước ta. Vì cái nhìn cho rằng người làm việc cho người Pháp, cũng là bóc lột, và khi người Pháp thua trận, cần phải lập lại công bằng. Gia đình ông ngoại của ba rất sẵn lòng chia sẻ, cho ở nhờ nhiều lắm, nhưng có những người biết điều và cũng có những người như ông hàng xóm đó vậy.”

“Thế ba không ném con vịt nữa à? Xong mình có cho nó ăn không?”

“Ừ, ba thương, sợ nó đau, nên không ném nó nữa. Nhưng mới 10 tuổi, ba muốn tin vào sự công bằng. Ba và chú Tuấn nuôi ngan bằng tiền công quét dọn sân vườn của mình, còn ông ấy thì chẳng mất gì mà người khác vẫn phải nuôi vịt cho mình.”

(Thở dài) “Không tự trọng ba nhỉ…”

“Ừ, đúng vậy, rất thiếu tự trọng. Ông ấy quen suy nghĩ là làm cái gì, làm thế nào thì nhà mình bên này vẫn phải chịu. Tiếc là hồi đó người lớn trong nhà cũng không ai hướng dẫn được cho ba phải hành xử như thế nào.”

“Con mà như ba hồi đó, con vẫn cho nó ăn, và con sẽ sang gặp ông ấy. Con sẽ nói thế này: “Cháu đã mua bèo cho cả con vịt của bác ăn, và nay bác phải trả cháu tiền mua chỗ bèo đó. Từ ngày mai nếu bác muốn, thì bác đưa tiền cho cháu để cháu đi mua bèo giúp bác và cháu sẽ cho vịt của bác ăn luôn!””

Mình tròn mắt – “Con dám làm thế thật ấy à?”

“Vâng, có sao đâu, con sẽ sang nói như thế. Còn nếu ông ấy vẫn không nghe thì con sẽ làm như ba, bê con vịt ra ngoài.”

Đúng vậy – ai đã làm việc gì thì phải tự chịu trách nhiệm về việc đó, chứ không phải biến nó thành chuyện làm vất vả thêm người khác.

Con trai của tôi đã lớn thật rồi.

Có một chuyện mình chưa kể cho con trai, hồi đó ông ngoại mình rất khổ. Nhà có cái đài quay đĩa, có thể bắt được nhiều đài nước ngoài. Ông hàng xóm buổi tối toàn bò bò, nấp dưới cửa sổ nghe xem ông ngoại mình có “nghe đài địch” (“Bê-bê-xê”, “Vê-ô-a…”) không rồi ra đồn công an báo cáo. Thế là anh cảnh sát khu vực lại vào, hoạnh họe ông ngoại mình đến cả ngày trời.

[1] Kháng chiến chống Pháp từ 1945 đến 1954.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment