Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, May 24, 2017

Bại não


Có những bạn sinh ra đã không được làm người bình thường – những người tàn tật bẩm sinh, mà trong đó những bạn bị bại não là các trường hợp đáng thương nhất. Cạnh nhà mình có một bạn như vậy: bố của bạn ấy cũng là bạn hàng xóm bằng tuổi mình, có hai cô con gái. Cô lớn hơn Bôn Ba Nhi Bá một tuổi, thì bình thường và rất xinh, cao trắng giống mẹ. Em của cô bé, kém Nhi Bá một tuổi, thì lúc bạn ấy khoảng gần 20 tháng tuổi bị một cơn ốm nặng – và từ đó bị bại não.

Không phải bẩm sinh, nhưng đau khổ thì không kém. Anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn, nhất là ông anh vốn đã nhận thức được nhiều thứ rồi, mỗi lần gặp em đó được bế ra đi chữa bệnh, cậu nhìn rất lo lắng.

Là cha, mình có thể cảm nhận rất rõ được cái lo lắng đó như thế nào: cậu ta thương em lắm, nhưng chưa ý thức được chính xác là phải có thái độ bên ngoài ra sao, tỏ ra thương cảm, nhỡ cô chú bên ấy lại nghĩ là mình thương hại thì sao…

Còn mình thì mỗi lần nhìn ông bạn bế con gái ngoài sân, cô bé đã dài thượt gần bằng bố đến nơi, lại thấy tim cứ đau, đau lắm, nó nhói nhói ở một chỗ rất sâu.

Hàng xóm ở nhà cũ của mình cũng vậy – có một chị mà hiện nay, chị là một người giàu có, có tiếng trên sàn chứng khoán, cũng sinh một con gái bị tương tự. Chị cũng mất cực kỳ nhiều công sức để chăm cháu, gần 20 năm…

Khi sinh con như vậy, không ai khác ai, đó là một nỗi khổ mà khó có gì sánh được. Hôm trước trên mạng xã hội có ai đó viết rất đau, rất thấm: có con như vậy, cha mẹ có chết cũng không nhắm được mắt khi mà con còn sống… Có một điều an ủi rằng, các cháu bị như thế thường cũng không sống được lâu.

Nhân tiện cả nhà ngồi nói chuyện sau bữa cơm chiều, về một chú ở tận trong miền Nam nuôi hai con bị bại não, rồi sang chuyện báo chí và mạng xã hội dằn vặt cả chú ấy lẫn vợ chú, tức là mẹ của ai bạn nhỏ xấu số kia.

“Tại sao chuyện lại ầm ĩ lên thế hả ba?” – Nhi Bá vẻ mặt không vui, hỏi.

“Do báo chí “vào cuộc” con ạ. Lúc thì phát hiện ra trường hợp khó khăn của chú ấy, đưa lên và thế là làm được việc tốt, mọi người biết đến và quyên góp được rất nhiều tiền cho ba bố con – đó là khía cạnh tốt của báo chí. Sau khi chú ấy trở thành “người nổi tiếng bất đắc dĩ” thì lại có những chuyện khác cũng trên báo chí, phát giác ra là chú ấy không phải thế này, thế khác… và lại bới móc ra, rằng chú ấy là người thế khác, thế này… Đóng góp một phần không nhỏ vào câu chuyện là mạng xã hội, ai cũng muốn có ý kiến, và có cả những diễn đàn đông đảo, nhiều người đã từng quyên góp cho chú ấy, lại tham gia và lần này thì những ý kiến của họ không vui vẻ chút nào…”

“Mạng xã hội như cái chợ ấy mà con” – mẹ của Nhi Bá tham gia – “Đó là lý do tại sao chú Mark Zukerberg không đồng ý cho các con tham gia nếu chưa đủ 18 tuổi.”

“Người đời nhiều khi thích chuyện thị phi, bới móc đời tư của người khác, nên báo chí cũng hay khai thác những chuyện như vậy – đó là khía cạnh không tốt của báo chí. Những người làm báo cũng là người bình thường nên báo chí cũng có nhiều khía cạnh chứ không chỉ lúc nào cũng là tốt, là tích cực – có nhiều tiêu cực lắm chứ. Còn chuyện nữa, đó là mạng xã hội. Ba muốn nói đến thái độ của những bác đã từng quyên góp cho người khác vì mục đích từ thiện. Đã gửi đi, nghĩa là thấy người ta cần được cứu trợ khẩn cấp, và đó là mục đích chính. Đã gửi đi, là nên quên chuyện đó đi – nhưng nhiều khi chúng ta nhầm lẫn. Chúng ta muốn người được cứu trợ đó, phải ít nhất “tốt” theo tiêu chuẩn của chúng ta. Vì thế, khi thấy có những chuyện thế này, thế khác về người mà chúng ta vừa giúp đỡ, thì chúng ta lại không vừa lòng.”

Mẹ Nhi Bá chợt nhớ ra chuyện chú “Em xi” gì đó hôm trước “bị” nhận một số tiền quyên góp rất lớn để giúp đỡ miền Trung bị thiên tai – và người ta cũng sôi lên vì chuyện này chuyện khác. Còn ba của Nhi Bá thì vẫn suy tư…

“Con nghĩ mà xem, như mình mà được cứu trợ, thì mình cũng làm sao mà hoàn hảo theo tiêu chuẩn của người khác được. Trong trường hợp đó có khi không nhận cứu trợ còn tốt hơn ấy chứ – các bác có lòng thì em chịu ơn lắm, nhưng bắt em phải sống theo các bác hình dung thì chắc em chưa làm được… Giúp được người ta một số tiền, nhưng cái khổ sở mà người ta phải chịu, đặc biệt khi mất đi cuộc sống bình yên, thì khổ sở hơn nhiều lần. Ba nghe nói chú ấy phát biểu một câu như thế này: “Nâng tôi lên cũng là báo chí, mà dìm tôi xuống cũng là báo chí.” Nghèo thì đã nghèo rồi, không có giúp đỡ thì cũng vẫn phải sống chứ không thì làm thế nào? Nghèo mà bình yên còn hơn có chút tiền, mà bị hành hạ ghê gớm về tinh thần.”

Nỗi đau dường như quá lớn, lại được nhân lên gấp bội vì cái tôi quá lớn của người đời. Yêu cầu người khác phải sống theo tiêu chuẩn của mình chính là biểu hiện của cái tôi ấy đấy.

“Trên mạng xã hội còn có nhiều người cũng chẳng phải việc của mình, chẳng tham gia quyên góp, từ thiện lấy nửa xu, nhưng cũng tham gia – dù bênh vực hay phán xét, cũng đều không cần thiết. Như ba con mình nói chuyện với nhau, cũng chỉ là nhìn thấy một gia cảnh như vậy, chứ có biết cô chú ấy có những nỗi khổ riêng như thế nào đâu mà phán xét mới chẳng bênh vực. Khi người ta đã đau rồi, thì chưa chắc bênh vực đã là hay mà. Theo ba thì, chuyện gì không biết, không nên nói. Đến chuyện biết mà không đúng lúc, đúng người, đúng việc… còn chưa chắc đã nên nói nữa là. Cái mạng xã hội ấy, nó còn có một điểm dở nữa, là ngoài việc mỗi người khi viết thì tự chịu trách nhiệm về những gì mình viết thì đi một nhẽ, nhưng nó có chức năng “chia sẻ” rất dễ dàng, và nhiều khi người ta cứ “chia sẻ” một cách hú họa, vô trách nhiệm trong khi không hề biết việc mình làm sẽ có tác hại như thế nào.”

Câu chuyện trở nên quá nặng nề – và mình cũng không biết phải đưa không khí gia đình sang một trạng thái khác ra sao. Có mỗi cô bé Nhi Bôn còn chưa nhiều suy tư, lại ăn chậm nhất nhà (đang bận rộn với cái bát cơm sắp ăn xong) thì lúng búng hỏi:

“Trông người bại não như thế nào hả ba?”

“Còn tùy, có người cũng bình thường, nhưng hai bạn con cái chú trong miền Nam mà ba kể chuyện ấy, thì trông thương lắm, rất không bình thường: cái phần của đầu chứa bộ não, nó bằng phẳng, thành ra bé xíu, chắc không chứa được một bộ não lớn đâu.”

“Đầu nhỏ thì não nhỏ ba nhỉ” – Nhi Bôn băn khoăn – “Thế có đầu to não vẫn nhỏ không?”

Mình cố đùa: “Có chứ con – như cái anh Nhi Bá của con kia kìa, rất lười suy nghĩ, trông cái đầu bù xù tổ quạ như thế kia đâm ra có khi óc bé tí không chừng. Như người ta hay ví “đầu to nhưng óc bằng quả nho” ấy, hì hì…”

Nhi Bôn khanh khách cười, và cả Nhi Bá cũng nhăn nhở nhe bộ niềng răng, cười theo.

Còn mình thì cứ suy nghĩ – bây giờ mà cứ bị cuốn theo những chuyện thị phi trên mạng xã hội hay ngả nghiêng theo báo chí, không khéo chính mình cũng bị “bại não.”


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment