Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, March 1, 2016

Xã hội ung thư


Bộ Văn hóa phải ra tay xử lý những lễ hội phản cảm có tính thương mại. Chỉ cần xem trên mạng thôi đã thấy cả vạn người chen lấn dâng sao giải hạn ở Ngã Tư Sở, trèo cả lên cầu vượt để vái vào trong chùa. Cũng hàng nghìn thanh niên trèo lên lưng lên cổ nhau để cướp một cái gốc tre bọc giấy màu.

Hôm qua nghe tin một ông bạn học cùng đại học bị ung thư gan. Cũng thấy bẩu ông bạn giấu không cho bạn bè biết – hỏi thăm thì nói là không sao cả, nhưng tin dữ thì cứ loang ra. Cũng lo lắng cho ông bạn, không phải vì bệnh tật, mà là vì cách đối đầu với nó. Nếu muốn giấu diếm, điều đó có nghĩa là sợ nó, không dám đối mặt với nó. Một khi đã không dám đối mặt, thì việc chung sống với nó là sự chống cự tuyệt vọng, chứ không phải là cách giải quyết tích cực.

Mình có biết chuyện một đại gia sợ chết, đặc biệt sợ ung thư đến mức lùng tìm tất cả các cây thuốc qúy mà người ta bảo là có thể chữa được ung thư, về ngâm rượu uống. Cuối cùng vẫn ung thư như thường, và chết như bao người khác. Đó là sự không hiểu biết, vì ung thư làm gì có thuốc phòng, tức là không có vắc-xin.

Chúng ta sinh ra mỗi người một đặc điểm, hoặc tật, hoặc ưu điểm, mà nghề y người ta hay nói là “cơ địa.” Mình rất lành da, chẳng mấy khi bị nhiễm trùng; trong khi thằng bạn thủng bằng cái đầu tăm là nó mưng thành nhọt to, có lần hồi bé mình chứng kiến từ nốt muỗi đốt mà “nó” phá ra thành một vết thương bằng nửa bàn tay, đầy mủ xanh mủ vàng hôi thối…

Cũng cái “cơ địa” tương tự như vậy mà nó lại là một tổ chức tế bào ở đâu đó tận trong người, một ngày nó phá lung tung ra, bé thì bằng đầu đinh ghim, rồi to dần hàng ki lô gam, đó là ung thư chứ còn gì nữa.

Bây giờ người ta đang bảo người Việt Nam bị ung thư nhiều do ăn uống độc hại, môi trường ô nhiễm… điều này cũng đúng, nhưng chưa hẳn. Ăn uống và môi trường ô nhiễm đúng là đưa chất độc vào người và con người đầu tiên chết vì nhiễm độc, chất độc tích dần trong người thì chắc là nó cũng sinh ra tế bào lạ mà sinh ung thư… Nhưng mình cho rằng còn có một nguyên nhân quan trọng nữa, là do tâm bệnh.

Như ông đại gia sợ chết kia là tâm bệnh. Có nhiều tiền của, lại tham luyến vợ con… sinh ham sống, sợ chết, tìm mọi cách để được sống lâu hơn. Ở thời có nhiều thông tin ông ta coi kẻ thù số một là ung thư, và nó cũng coi ông ta là đối tượng số một. Đương nhiên cuộc chiến là không cân sức, và phần thắng chẳng bao giờ thuộc về ông ta cả.

Có lần mình được đi ké cái xe tiền tỉ của một đại gia (cũng mới nổi, còn tỉnh táo) trên đường gặp hai xe máy va vào nhau, một người ngã lăn kềnh, bị thương khá nặng. Anh đại gia hi hí rồi hả hê: “Đấy, đi xe máy đấy.” Mình kể chuyện một đại gia khác trước đó chục năm, cho bạn mượn cái BMW Serie 7, lái xe chạy sáng sớm đâm vào một chiếc xe chở container đỗ cùng chiều, chiếc xe bị san bằng và chết toàn bộ người ở trên. Đi đổi bằng mà gặp lái xe tải, trông rất nhiều chú có vẻ “ngáo đá.” Với một xã hội đầy những mối nguy rình rập như thế, kể cả đại gia đi xe bọc thép có khi vẫn chẳng thoát. Thử hỏi một cái đầu kéo container nó lao vào thì may ra có xe tăng là chống được… thái độ phân biệt xe máy ô tô, ô tô xa xỉ… đều là những mầm mống cho tâm bệnh.

Vì thế khi một đất nước có hơn 9000 lễ hội một năm, tính ra mỗi ngày có hai mấy cái, bỏ rẻ mỗi lễ hội cũng 1 vạn người đi chen lấn để mưu cầu đi, những người còn lại coi như chỉ đi chơi vãn cảnh… thì vừa xoẳn dân số nước ta 90 triệu dân. Không phải toàn xã hội mê muội thì là gì – kể cả cái thằng đang ngồi chém gió những dòng này cũng là mê chứ đâu có tỉnh?

Tất nhiên tính toán thế chỉ để làm ví dụ – xã hội có người thế này người thế khác, nhưng chỉ cần lấy 1/3 dân số mê muội cũng đã là kinh rồi. Chen lấn cướp lộc, cầu xin… trước đây “tầm thấp” là xin tài xin lộc, mua may bán đắt… thì bây giờ tầm có cao hơn xin được hạnh phúc sức khỏe… cũng chưa thoát u mê. Cầu xin thánh thần phù hộ cũng đồng nghĩa với việc mong đạt được một điều gì đó một cách dễ dàng hơn nhờ có sự hỗ trợ từ thần linh – mà chính cái mong cầu đạt được một cách dễ dàng đó, là nguồn gốc của tâm bệnh. Đi chùa để tìm cái sự thanh thản trong chốn thanh tịnh, thư thái để mai về làm việc tiếp, chứ có phải nhăm nhăm đi xin xỏ để mai về “xúc” tiếp đâu. Cứ người này làm hư người kia, người u mê làm hư nhà chùa còn vướng bận, rồi lại dẫn đến những người “tưởng có tâm” nhìn thấy hành phàm làm ô uế cõi tịnh, lại nổi tâm nguyền rủa… tâm bệnh vẫn hoàn bệnh tâm.

Cơ thể có thể có lỗi, nhưng chắc chắn nó sẽ có cơ chế tự chữa lành, chỉ là nặng quá nó không xử lý nổi mà thôi. Một cái tâm khỏe khoắn đã là cơ chế phòng bệnh tốt nhất, và cũng sẽ là phương thuốc chữa bệnh tốt nhất chúng ta đang có.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment