Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, March 21, 2016

Có ai muốn cưa bom để sống?

Vụ nổ kinh hoàng tại đô thị mới quận Văn Phú, Hà Đông một lần nữa làm dấy nên hồi chuông báo động cho tình trạng ngày ngày người dân vẫn “đánh đu” với tính mạng của mình để mưu sinh.

Cho đến lúc tôi viết bài này, vụ nổ đã được khoảng 6, 7 giờ đồng hồ và chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân – nhưng theo đồng chí trưởng Công an Quận Hà Đông thì nổ do vật liệu nổ chứ không phải bình khí; còn điện thoại hỏi người quen nhà trong đó thì do những người làm nghề đồng nát cưa bom. Dù cưa bom nay cưa bình gì đó, thì vụ nổ cũng đã xảy ra và xuất phát từ một hành vi bất cẩn của con người.

Vụ nổ đã làm chấn động bất cứ ai nghe tin, chưa bao giờ chúng ta cảm thấy rõ ràng thần chết sẵn sàng gõ cửa bất kỳ nhà ai như thế. Khi mà nền “kinh tế mặt đường” vẫn phổ biến, tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố bày hết ra trên vỉa hè thì một ngày đẹp trời nào đó một bình khí đá, một quả bom cũ cũng sẵn sàng phát nổ trong khu dân cư đông người.

Chúng ta nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần về sự bất cẩn đến mức liều lĩnh, thản nhiên của người Việt Nam, và chuyện cưa bom mìn lấy phế liệu thì thực sự là “đỉnh cao;” nhưng còn không biết bao “làng nghề truyền thống” và cũng kiêm luôn “làng ung thư?”

Dạo quanh một tỉnh B.N. đã có cả chục làng nghề như thế, từ nấu chì, nấu đồng, đúc kim loại màu, đến xử lý bề mặt kim loại bằng dung dịch, tẩy...  (đa phần dùng acid đâm đặc, xyanuya…). Tỉnh H.T (cũ) có làng nghề thuộc da, tẩy trắng giấy… H.Y có làng chuyên phá ắc-quy hỏng… tất cả đều cực kỳ độc hại. Nếu như cưa đục bom mìn thì nhìn thấy ngay cái chết, thì những nghề còn lại đều để lại những di chứng lâu dài và nặng nề cho cư dân, những người làm nghề trực tiếp và cả gián tiếp: ngoài mắc bệnh hô hấp, nay đã dấy lên sự lo ngại về vô sinh và ung thư thì là chắc chắn không thể tránh khỏi.   

Những quả “bom nổ chậm” đó vẫn ngày ngày lặng lẽ đầu độc dân làng “nạn nhân kiêm thủ phạm,” và còn để lại di chứng trong môi trường đến nhiều năm sau.

Tất cả những công việc trên ở các nước khác, thường được xử lý theo quy trình, công nghệ đặc biệt, thì ở xứ ta hoàn toàn dùng phương pháp thủ công tuyệt đối không có một biện pháp nào đặc biệt để phòng tránh nhiễm độc cho con người và môi trường.

Không chỉ thế, Việt Nam hiện nay còn “nổi lên” là nước nhập khẩu “rác” ở các nước về để tái chế.

Đầu tiên xin bàn từ góc độ người dân – chúng ta còn nhớ thời Chính phủ chưa cấm đốt, sản xuất, tàng trữ pháo nổ đã từng có vụ nổ xe khách do chở pháo nổ trên xe (và khả năng ngoài pháo có cả thuốc pháo là rất lớn, vì một vụ nổ như bom như thế thì pháo quả nhỏ khó gây ra được.) Khó có thể hình dung ra được một xã hội văn minh lại có những việc làm liều lĩnh đùa giỡn với tính mạng của bản thân và của những người xung quanh đến vậy. Người viết bài này đã từng hoảng hồn khi nghe người quen có nghề khai thác vàng (thổ phỉ, tất nhiên!) kể là anh về thị xã khám bệnh, lúc lên “bãi” (bãi vàng thổ phỉ) tiện qua thị trấn dọc đường “lấy một thùng kíp và thuốc mang lên…” (kíp nổ và thuốc nổ, mua lậu.)

Nghĩa là bất cứ chuyến xe nào hành khách cũng có thể ngồi trên đống bom mìn mà không biết.

Từ góc độ quản lý Nhà nước, rõ ràng chúng ta chưa thực sự nghiêm túc nghĩ đến việc phải cấm những “làng nghề truyền thống” kiểu đó và có một chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân. Nếu xã hội vẫn có nhu cầu về tái chế phế liệu, sẽ cần phải có những nghiên cứu về công nghệ để đảm bảo yêu cầu về môi trường, đặc biệt chú trọng bảo vệ sức khỏe của người dân.

Từ những cơ sở thu mua phế liệu cho đến cả làng nghề – rất nhiều cấp ngành quản lý, nhưng có lẽ quanh câu chuyện này may ra mới chỉ có báo chí là vào cuộc nhiệt tình nhất, còn các cơ quan chức năng thì vẫn chỉ cưỡi ngựa xem hoa. Bất kỳ khu dân cư nào trong thành phố cũng có thể có một điểm tập kết vật liệu phế thải, và chính đó cũng là điểm đầu tiên người ta làm công tác sàng lọc, phân loại và cả “đập phá, cưa đục”. Nhẹ nhàng thì gây ô nhiễm không khí, nguồn nước… nặng hơn là một vụ nổ có thể cướp đi sinh mạng con người. Nhưng cơ quan chức năng thì thường quan tâm nhiều hơn đến các cơ sở kinh doanh to đẹp, mấy ai quan tâm đến những “trung tâm” mà bước chân vào chỉ thấy rác rưởi, nên cũng chỉ quản lý phiên phiến rồi cho qua?

Đó là chưa nói đến tình trạng lâu nay vẫn diễn ra là “phạt xong cho tồn tại” – phát hiện vi phạm thì phạt rồi đâu lại vào đó.

Từ góc độ xã hội, lâu nay những sự việc như vậy thường bị lên án trên các mạng xã hội, mà sự chỉ trích dễ dành cho người dân, những người trực tiếp “cưa bom.” Chúng ta phải chấp nhận với một mức sống chưa cao, người dân còn chưa có nhiều lựa chọn việc làm, đồng thời các tiêu chuẩn của cuộc sống cũng như các ngành nghề, công việc vẫn còn quá thấp bao nhiêu lâu nữa? Chừng nào mà người ta còn lý luận rằng, nếu yêu cầu xe chở cát xây dựng trong thành phố phải dùng container như Singapore thì giá xây dựng nhà sẽ đội lên không ai chịu được, thì chúng ta sẽ còn phải chấp nhận một tiêu chuẩn về môi trường sống “lè tè” mãi như vậy.

Thêm một vụ tai nạn, cũng chỉ mong rằng tất cả chúng ta, từ từng người dân đến từng cán bộ trong chính quyền, thực sự biết “sợ” mà nghiêm túc nghĩ; đã đến lúc những công việc dạng “cưa bom” phải chấm dứt.

Bài trên Việt Namnet tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment