Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, June 26, 2015

Hậu “tập đi xe đạp”

Tặng Bình béo

Ở cái chỗ sinh hoạt Hướng Đạo Sinh ấy mà, có vụ các bạn ấy “săn chuyên hiệu” – phải cố gắng nỗ lực làm được một việc gì đó có kết quả, thì nhận được một chuyên hiệu, ngoài danh hiệu còn một cái phù hiệu con con khâu lên cánh tay áo.

Kỳ này anh bạn Bôn Ba Nhi Bá báo cáo anh phụ trách, rằng em đi xe đạp đến trại hè, cứ 5 kilômét một ngày – anh phụ trách đồng ý nhờ ba giám sát hoạt động và ít nhất phải đạp được trên một tuần. Bôn Ba Nhi Bá thì biết đi xe từ ba tuổi rưỡi, phương pháp tập mình đã viết trong chuyện “Tập đi xe đạp,” nhưng đi đường dài, ngoài đường phố thì chưa đi bao giờ.

Khó nhất là phải sang bên kia đường, vào lúc đầu giờ buổi sáng người đi làm đông nườm nượp. Ba dùng cái xe máy của mình, cản cả một dòng xe cộ, che cho con dắt xe đạp sang đường. Tất cả đều dừng lại, nhẫn nại chờ hai ba con đi sang, kể cũng thật là cảm động.

Trên đường đi ba hướng dẫn con “Cứ đến chỗ đường giao nhau thì con đi chậm lại, thậm chí có thể dừng hẳn lại để tránh xe con nhé.” Cậu cả hì hục đạp, chỉ có thể trả lời lí nhí. Dọc đường có rất nhiều hàng quán, người ta đỗ ô tô, vào ăn sáng. Để an toàn, cậu cả thường đi sát mép vỉa hè, rồi đến sát cái ô tô đang đỗ, rẽ vòng ra ngoài rất… ngoạn mục.

“Ba dặn con này, mỗi khi có chướng ngại vật ở trước mặt mình, như cái ô tô đỗ cạnh đường đó, con cần chủ động đi dịch dần ra ngoài từ xa. Bây giờ đang có ba dùng xe máy đi kèm con, con không sợ gì cả. Việc con dịch ra ngoài như thế, sẽ giúp người đi cùng chiều phía sau con hiểu rằng con sẽ chiếm đường để tránh, và họ chủ động tránh con. Nếu con cứ đi thẳng đến sát chướng ngại vật rồi tạt tránh ra như vậy, thì sẽ là một sự kiện bất ngờ đối với người đi sau con và họ có thể đâm vào con.” “Vâng con sẽ để ý ba ạ.” “Đây là đường đôi rộng rãi, chứ nếu đường nhỏ mà con làm như vậy, còn có thể đâm vào xe ngược chiều nữa kia. Con đi dịch ra ngoài từ xa còn có tác dụng để xe ngược chiều có thể quan sát được con còn chủ động mà tránh.” Cậu cả mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Bất ngờ với ba cậu ta, đến đoạn gặp vũng nước to, cậu ta nhẹ nhàng nhưng quyết đoán, lượn lên đoạn vỉa hè thấp thấp, tránh qua và đi tiếp – ba không cần can thiệp hay chỉ đạo gì cả.

Hồi học lái xe ô tô từ cách đây mười mấy hai chục năm lận, ông thày giáo dạy trong trường là bộ đội, cực kỳ cẩn thận trong đào tạo tác phong và kinh nghiệm cho học viên lái xe. Những trường hợp tránh chướng ngại vật cạnh đường mà để vào đến tận sát sàn sạt rồi đánh tay lái ra như vậy, ông ấy gọi là “rúc đít” (rúc vào đít cái xe đang đỗ) – “Sao anh cứ “rúc đít” thế? Bất ngờ đánh lái ra hoặc là đâm đấu đầu xe ngược chiều, hoặc là bị xe đằng sao đi lên đâm phải…” Bây giờ nhìn các lái xe ô tô học kiểu “rút gọn” mà kinh – người thì lái xe tay phải cầm điện thoại tay trái luyên thuyên, người thì đùn đùn tay lái từng khúc một ngăn ngắn, người thì tạt ra tạt vào, chen ngang chen ngửa còn hơn xe máy… Cái gì cũng ẩu, ẩu từ lúc học đến lúc đi đường, ấy thế mà đến khi có sự cố xảy ra rồi thì có khi lại đổ tại đen đủi.

Đi sau bạn Bôn Ba Nhi Bá mà cứ nghĩ miên man. Đường đời nhiều chướng ngại lắm con ạ, mà thực ra cũng nhiều cái có thể nhìn thấy từ xa, để chủ động tránh dần mà nhẹ nhàng vượt qua. Chúng ta là những người bình thường không xuất chúng, có phải lúc nào cũng làm được kỳ tích để người đời thán phục đâu – mà với chúng ta mỗi trở ngại bé bé hàng ngày, hết ngày này đến ngày khác, ta vui vẻ, nhẹ nhõm vượt qua nó, đã là kỳ tích lắm rồi.

Nghĩ đến năm sau, năm sau nữa… ta chẳng còn được đi sau con để kèm con từng vòng đạp của chiếc xe. Rồi ta sẽ tiễn con đi, bước bằng đôi chân mình trên con đường đời tấp nập người xe. Con sẽ làm thế nào để vượt qua những trở ngại của riêng mình đây? Ba tin con sẽ vượt được, bây giờ ba đã để con tập chủ động xử lý tình huống ngoài việc hướng dẫn những quy tắc an toàn cơ bản, thì sau này con cũng sẽ vững vàng trong cuộc đời thôi.

Đến khi nào trên đường đời tấp nập
Ta sẵn sàng để con bước đi xa…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment