Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, October 23, 2014

"Xóa phông" or not "xóa phông"?

Cái giống nghệ thuật nhiếp ảnh đến là kỳ. Ngày xưa hồi chưa có internet chụp phim đã cãi nhau sứt đầu mẻ trán, bây giờ thì bom nổ đầu rơi máu chảy tè le trên mạng, cứ là kinh hồn.

Một trong những phong trào gần đây phát triển mạnh là đi chụp “gái teen xóa phông”, nôm na là có hồi các cháu học sinh sinh viên là cứ đi chụp đủ các khung cảnh, “mùa nào thức ấy”, lúc thì “yếm và sen”, lúc thì “súng ống suối Yến”, lúc thì lại “tuyết Ô Quy Hồ”, thôi thì đủ các thể loại. Hầu hết, những ảnh như thế thường được chụp với một chiều sâu ảnh trường (DoF) cạn, làm cho cảnh vật phía sau chủ thể được chụp mờ hết, chủ thể nổi bật lên, rất bắt mắt và ấn tượng. Nó hấp dẫn đến mức mấy cô bạn học phổ thông với mình tuổi lại chẳng “gấp đôi teen” rồi còn gào lên: “Đi chụp cho bọn tao, có váy mới rồi! Phải mờ đằng sau đấy nhé!”

Về lý thuyết, kỹ thuật chụp mờ hậu cảnh như thế được học gần như những bài đầu tiên khi đi học chụp ảnh. Để làm mờ như vậy có bốn yếu tố ảnh hưởng, mà nay lên internet ai cũng có thể tìm thấy nhiều bài viết: (1) Độ mở của ống kính (2) Tiêu cự của ống kính (3) Khoảng cách giữa chủ thể và hậu cảnh (4) Khoảng cách máy và chủ thể.

Ai cũng biết, mắt người có tiêu cự từ bốn mấy đến năm mấy milimét, nghĩa là vào tầm của cái ống kính 50mm trên khổ phim tiêu chuẩn 35mm; còn trên phim 120mm thì lại khác và trên thân máy số crop lại khác nữa… chuyện đó không thành vấn đề. Nhưng không mấy ai, kể cả các bạn chụp ảnh để ý, là (1) mắt người không có zoom, hoặc có chỉ có trong phim “The Mask” của anh chàng hề Gia-nã-đại Jim Carrey, mỗi lần khoái cái gì là phóng cả hai mắt ra ngoài (2) Mắt người là một hệ quang học - ống kính tiêu cự cố định nhưng có cơ chế điều chỉnh tiêu cự cực kỳ linh động bằng cách mà y học gọi là “điều tiết” (phồng dẹp thủy tinh thể.) Bạn nào đã thử nhìn vào đầu ngón tay để ở cách 20cm, và nếu để ý, cái tường ở cách ta 2 mét đã mờ lắm rồi, chưa kể những vật thể xa nữa. Nếu đưa vào gần nữa, đến tầm 5, 7cm gì đó, là mắt đã không thể điều tiết được nữa rồi, nhưng nếu cứ để cố định ngón tay, chúng ta phóng tầm mắt ra nhìn phía sau nó, bức tường ngay lập tức hiện rõ mà chúng ta hoàn toàn làm việc đó một cách vô thức, không nhận thấy quá trình “auto focus” cái máy ảnh sinh học được lắp trên đầu chúng ta nó hoạt động hoàn hảo đến như thế nào. Hòa vào cái khung cảnh “sống” đó, chúng ta có vật thể ở gần, vật thể ở xa… cứ xếp lớp, nổi khối – đó là cuộc sống. Một bức ảnh, phải ghi lại được cuộc sống, chứ không phải ghi một gương mặt, kể cả là cười, xinh đẹp, nhưng là cười mãi, cười một cách vô duyên như manơcanh.


Ai mà chẳng được học, là khẩu độ từ lớn hơn 5.6 là hậu cảnh bắt đầu mờ cho đến khẩu độ lớn nhất của ống kính; và từ trên 5.6 trở đi thì độ nét sâu ngày càng tăng lên… bờ la, bờ la… nhưng nếu xét đủ cả 4 yếu tố trên đây, thì nhiều khi, không phải lúc nào cũng như thế. Ví dụ: mình thường dùng một ống kính tiêu cự normal là cái Voightlander Nokton 58mm f/1.4 SL II và chụp trên cả máy phim lẫn máy số, thì chỉ cần chú ý một chút để khống chế hai yếu tố thứ (3) và thứ (4), nôm na là tương quan giữa khoảng cách chủ thể - hậu cảnh và khoảng cách máy – chủ thể đủ lớn, thì kể cả ở f/8 hậu cảnh vẫn lên mờ ảo, xếp lớp và bokeh rất đẹp, nhỏ nhỏ thành chùm nếu qua các tán cây.


Nghĩa là nếu chú ý, chúng ta có thể chủ động chụp như thế nào đó để có một hậu cảnh không phải lúc nào cũng mờ mịt, vì như thế, như nhiều bạn đã nói, phí công đi dã ngoại tìm khung cảnh đẹp. Với mình, việc “xóa phông” là cần thiết trong hầu hết các trường hợp, nhất là ở điều kiện Việt Nam càng ngày hậu cảnh càng khó dàn xếp, “rác” nhiều, thì việc xóa không thương tiếc một hậu cảnh rối rắm đi, cũng là điều nên làm.

Nhưng đã bao giờ chúng ta thử tưởng tượng cứ xem mãi ảnh một cô gái với cái mặt lồ lộ nổi hẳn lên, sau đó là cái phông cứ bền bệt, dính bê bết vào nhau những mảng màu, may ra nhiều khi có được một cành cây mờ tịt sau đó nữa, còn thì hầu hết là không có? Có bao giờ chúng ta tưởng tượng cảnh một người con gái mặc áo dài đứng chờ người yêu là bộ đội, còn anh người yêu ở đằng xa thì mờ tịt trông như một bóng ma – hay cô gái đang chờ một tử sĩ hiện hồn về? Có bao giờ chúng ta tưởng tượng ra cảnh một cặp cô dâu chú rể trèo vào đứng trên đường tàu hỏa trong cầu Long Biên để “diễn”, nhưng chỉ có dưới những chiếc giày của họ là đường ray và tà vẹt, còn thì đằng sau rặt một màu sắt rỉ?

Là vì hầu hết chúng ta đang xóa phông với một thái độ thiếu trách nhiệm. Ngày xưa thiếu thốn đủ bề, anh em đi học chụp bằng máy ảnh cổ lỗ và duy nhất chỉ một cái lens normal 50mm có khẩu độ f/1.8 đầy chằng chịt mạng nhện. Ấy thế mà chính cái lens đó, giựt bao nhiêu giải thưởng trong ngoài nước, trong khi bây giờ thì với bất kỳ ai bắt đầu “chơi” máy ảnh, tiêu chuẩn là “24-70” và “70-200” toàn là “L” và “Nano”? May quá, với rất rất nhiều bạn trẻ do chưa đủ điều kiện kinh tế như các “cụ già tập chơi” nên không với được tới hai cái tiêu chuẩn trên, tự bằng lòng với những cái AI-s hay SMC Takumar từ thời Vương An Thạch còn làm tể tướng bên xứ Tàu, buộc họ phải cố gắng khai thác tính năng và tìm góc mới… Bản thân khi được các bác “gian thương” bơm “đểu” vào trong đầu những “tiêu chuẩn” đó, các bác cũng đã đâm đầu vào những cái thứ vừa đắt tiền, vừa làm hỏng đi một loạt những tư duy cần có khi cầm máy và bấm một bức ảnh. Điển hình nhất là vụ xui mua những ống kính zoom “huyền thoại” (24-70 là một ví dụ), chính cái sự tiện lợi quá dễ thấy của những ống zoom đó, làm cho chúng ta quên đi việc chúng ta cần tư duy kỹ hơn một chút, chịu khó nghiên ngó, khom lưng hơn một chút… và nhiều khi, chúng ta dóng “bộp” một cái xong khuôn hình, nhưng về nhà phát hiện giá mình chụp rộng ra hơn một chút thì đẹp biết bao.

Do đó, mình cảm thấy nhàm chán khi xem những bức chân dung “xóa phông” một cách thiếu trách nhiệm của những “tiêu chuẩn 70-200”, cứ dùng một cái tiêu cự dài, ộp một phát vào mặt mẫu… Chụp ảnh mà dàn xếp, “diễn” như kịch cũng kỳ quái, mà cứ đứng chơ lơ như cái cột điện giữa trời, cũng lại càng kỳ. Còn chụp “ộp” một cái vào mặt bằng một tiêu cự dài và mờ tịt đằng sau không biết có chú bộ đội hay không, lại càng chán nữa. Có thể dùng một tiêu cự dài, nhưng nếu tham độ mở lớn, thì lại ra một cái hậu cảnh bê bết như đã trình bày, đúng, chủ thể có thể nổi bật, nhưng là nổi bật trên một cái phông như cái chăn con công Trung Quốc mà thôi, không hơn. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chúng ta quay hẳn lưng lại với “chăn con công”, vì phần lớn trong số chúng, là đẹp và hiệu quả…


Xóa phông bừa bãi vô trách nhiệm, thì ảnh sẽ không phải là cuộc sống. Do đó, với mình chuyện “xóa phông” hay không “xóa phông”, không quan trọng, mà là xóa vào lúc nào, như thế nào… do đó, nếu phải “say NO” với một cái gì đó, chính là cái sự vô trách nhiệm và lạm dụng trong “xóa phông.”  

Hình ảnh được sử dụng trong bài làm minh họa, trừ tấm ảnh vuông chân dung cô gái, còn tất cả là ảnh chụp mẫu của lens Voightlander Nokton 58mm f/1.4 SL II.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment