Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, September 5, 2014

Vụn vặt 32 – “Khai giảng nắng”

Một. Nếu như Quốc khánh mùng 2 tháng Chín không mấy khi nắng thì ngày Khai giảng mùng 5 tháng Chín, không mấy khi mưa. Nắng chầy chầy, “tháng Tám nắng rám vỏ bưởi (bòng)”, các con các cháu cứ là nhễ nhà nhễ nhại, phơi bằng khô thì thôi. Mấy chục năm nay từ đời bố đến đời con vẫn thế, nhưng rõ ràng, giáo dục Việt Nam đã có nhiều nâng cấp đáng chú ý.

Hai. Hôm qua đi qua trường tiểu học Phan Chu Trinh trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, thấy các cháu đã có mỗi cháu một cái ghế nhựa để ngồi trên sân trường. Ngày xưa thời bố mẹ các cháu, ngồi xổm chán mỏi chân, rút dép kê đít, ngồi bệt. Các bố mẹ thuộc nhóm diễu hành, đồng diễn phải đi giày vải Thượng Đình màu trắng, thì cố kiếm tờ giấy, bài kiểm tra cũ… đứng dậy hết lễ khai giảng là cứ trắng sân.

Ba. Tùy mức độ quan trọng của trường mà có một bác quan chức nào đó về dự lễ. Mèng nhất là phó phòng giáo dục quận huyện, còn to thì bất kể. Lãnh đạo tự dưng có kế hoạch đi dự lễ như Bác Hồ nhà ta ngày xưa, là to chuyện lắm. Kiểu gì chẳng có đọc diễn văn, năm nào cũng như năm nào, dưới cái nắng gay gắt của tháng Chín, đảm bảo không có phần trăm nào của cái bài diễn văn đó chui vào đầu các cháu. Chuyện này, mấy chục năm nay chẳng thay đổi gì cả. Trừ các bạn có “máu mặt” múa hát, oánh trống oánh phách, còn phần lớn anh chị em thuộc khối quần chúng, đi khai giảng như nghĩa vụ kiêm cực hình. Ngồi trong hàng vừa nóng, vừa chán, ngọ nguậy nói chuyện, vớ vẩn “ăn” cái bản kiểm điểm như chơi…

Bốn. Đọc “Những tấm lòng cao cả” (Edmondo De Amicis) thấy lễ khai giảng của họ làm lúi xùi khiếp. Kiểu gì mà thày giáo dẫn các trò vào lớp và đọc cho các trò một đoạn văn “ru ngủ tinh thần chiến đấu”, sụt sà sụt sịt, rồi học luôn như thế. Phải cờ quạt, khẩu hiệu, trống giong cờ mở, xong lễ là giải tán nghỉ về đi chơi chứ, ai lại học cái kiểu nhồi nhét thế bao giờ. Việt Nam mới là ưu việt, học vừa phải, chơi khoa học.


Năm. So với thời các bố các mẹ tầm ba chục năm, các cháu được học điều kiện nâng cấp nhiều. Lớp học ở thành phố chẳng hạn, có điều hòa nhiệt độ (bố mẹ các cháu đóng tiền lắp và đóng luôn cả tiền điện, tất nhiên). Thời bố mẹ các cháu, có quạt trần nhưng chẳng mấy khi có điện mà chạy. Thời ngày xưa cũng vì không có điện mà lớp học có đèn vẫn tối om om, học bằng ánh sáng trời tự nhiên. Hôm nào mưa trời đất tối sầm thì đừng có mơ nhìn thấy cái gì. Ấy thế mà chỉ có những bố nào mẹ nào “cận gia truyền” hay “cận bẩm sinh” thì mới đeo kính, chứ bây giờ đeo kính ba phần tư lớp. Đồng thời, sỹ số của lớp cũng được nâng cấp nhiều, thời cách đây ba chục năm lớp chỉ khoảng 40 bạn là nhiều, bây giờ tiểu học công lập trường điểm, tầm 6, 7 chục là bình thường. Cơ cấu nguồn gốc các cháu cũng có nhiều biến động, hồi xưa bạn nào “người Hà Nội thế hệ thứ nhất” là mì chính cánh, lớp may ra được một hai… nay thì chiếm đến một phần ba đến một nửa.

Sáu. Viết đến đây ngó ra thấy trời dịu đi được một chút, phù, may quá… cho các con dễ thở một tí. Năm nay bỏ chấm điểm tiểu học, lại nhớ ngày xưa đi học cấp Một chẳng có khái niệm gì về học cả, học cứ như chơi, điểm cao có, điểm thấp có… chẳng biết cô cho điểm kiểu gì.


Bảy. Ngày xưa chỉ hỏi nhau “Năm nay có được lên lớp không?” còn bây giờ thì hỏi “Cháu có được học sinh giỏi không?”…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment