Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, September 27, 2014

“Bước đầu của nghệ thuật chụp hình”

“Bước đầu của nghệ thuật chụp hình” là một cuốn sách của hai tác giả Minh Thành và Minh Tuyền, do nhà xuất bản Hồ Hải xuất bản năm 1954. Đây là cuốn sách mình được ai đó cho từ rất lâu rồi, từ hồi học chụp ảnh phim đen trắng, học tráng phim và kỹ thuật rửa ảnh trong buồng tối… cũng như các kỹ thuật chụp “mù”, ví dụ như thời không có máy nào có đo sáng cả, mà toàn ứng dụng “quy tắc f/16”…

Với hầu hết những người chơi máy ảnh số trong thời đại hiện nay, cuốn sách này gần như không có nhiều ý nghĩa, cũng như trên internet có rất nhiều tài liệu hiện đại, minh họa đầy màu sắc, thậm chí dùng file flash nhúng vào web để minh họa… nên chắc không mấy ai quan tâm đến tài liệu cũ kỹ đã có 60 năm tuổi này – tròn 60 năm! Và mình cũng đã giữ nó được gần 30 năm rồi.

Nhưng nếu đọc nó, chúng ta sẽ thấy cha anh chúng ta ngày xưa tập chụp bằng những máy ảnh như thế nào, đầu tiên là máy hộp có cái lỗ đằng trước, mỗi lần chụp thì thay thấu kính (lens); hoặc chiếc máy xếp mà khoảng cách lens và phim thay đổi được, cho phép điều chỉnh tiêu cự để có ảnh rõ nét dễ dàng hơn. Bây giờ máy ảnh kỹ thuật số cho phép tăng độ nhạy sáng của cảm biến lên, nhưng thời chụp phim thì chỉ có thay phim, do đó, trong cuốn sách còn đề cập sơ bộ đến kỹ thuật dùng đèn để hỗ trợ, nghiêng nhiều về kỹ thuật đèn studio, chắc chắn có ích với chúng ta, còn kỹ thuật đánh flash thì chúng ta có nhiều chỗ tìm hiểu rồi. Bây giờ máy ảnh kỹ thuật số cho phép thay đổi nhiệt độ màu để có được hiệu ứng màu sắc như ý muốn, nhưng thời chụp phim, muốn thay đổi điều này phải dùng kính lọc màu. Ví dụ như ngày xưa mỗi lần mượn được cái kính lọc vàng để chụp mây (nó lên rõ được đường viền và nổi khối), là quý lắm, nâng niu, chỉ sợ vỡ…

… nhắc đến thời phim đen trắng và kính lọc, lại nhớ, ngày xưa chụp phim đen trắng là khó lắm, vì nó chỉ có hai màu đen và trắng, hỏng là hỏng luôn – tưởng dzậy mà hổng phải dzậy à nha! Chụp đen trắng là phải nắm vững được màu sắc, vì nó không chỉ là đen trắng, mà là “sắc độ xám” – nghĩa là phải dùng kính lọc màu để tăng màu này, giảm màu kia, nó ảnh hưởng đến sắc độ xám của ảnh. Bây giờ không phải cảm biến máy ảnh nào cũng có được khả năng chuyển sắc độ xám tốt, mà rất nhiều bộ cảm biến chuyển rất gắt, từ đen sang trắng huỵch cái luôn… nếu đọc tài liệu bạn sẽ có thêm nhiều khái niệm cơ bản về “sắc độ xám” (grayscale) để kể cả chụp ảnh đen trắng bằng máy ảnh kỹ thuật số, tấm ảnh của bạn sẽ gần với thời chụp phim hơn bao giờ hết.

Rất quý giá với những bạn đang phục hồi “ảnh phim nghệ thuật sắp sửa bị đánh mất” (hay biến mất, hoặc tuyệt chủng gì đó), chụp phim đen trắng, tự tráng và sắp tới có lẽ tiến lên tự in ảnh đen trắng – trong cuốn sách có những khái niệm rất cơ bản, từ kỹ thuật đến pha thuốc, công thức thuốc, sử dụng hóa chất…

Trong cuốn sách còn sử dụng nhiều cách dùng từ cũ, như “lỗ máy” (diaphragme, ngoài nghĩa là “cơ hoành” còn có nghĩa trong kỹ thuật nhiếp ảnh là “Cửa điều sáng” – xuất phát từ việc ngày xưa lens không có các lá khẩu mà cửa điều sáng được điều chỉnh trên thân máy, khi khép chặt lại nó như một tấm chắn ngang không cho ánh sáng đi qua, nên còn có nghĩa kỹ thuật nữa là “màng ngăn, tấm chắn”) là “khẩu độ” (f); “độ chớp”  (temp de pose) là “tốc độ” (s)… trong sách đưa ra ví dụ máy Leica của Đức là tốt nhất vì có “lỗ máy” đạt f/1.9, Zeiss-Ikon đạt f/3.5 còn Lumirex của Pháp những f/4.5… thật là thú vị phải không các bạn? Rồi là ngày xưa đã làm gì có canh nét, phải ước lượng, bằng một khái niệm “độ xích” (mètrage). Ở trang 72, các tác giả hướng dẫn dùng “kính tán quang” (lentille diffusante) để làm mờ hình bớt đi, đặc biệt có hiệu quả trong chụp chân dung vì nó làm mờ đi lông lá mụn miếc, trứng cá trứng kiếc… bây giờ thì các máy ảnh gia dùng Canon cho nhàn, “da mẫu mịn màng” không bị nét căng hết cả lên như Nikon, he he (dìm hàng tí) và “phô tô thuốc”, í lộn, phô tô sốp. Hoặc trang 73 các tác giả khuyến cáo nên dùng “parasoleil”, nay thì bà con gọi là cái “hút” (hood), trên chợ máy ảnh ti tỉ anh rao: “bán lens gì đó, hook for” (húc là cái móc, còn for là cái gì mình cũng chẳng biết nữa, he he…)

“Lời tựa Bạn hẳn biết: thời gian bay không dừng cánh, nước chảy xuôi không trở lại nguồn, 
Hôm nay các bạn còn trẻ, ngày mai đến, các bạn sẽ già! 
Lúc bấy giờ bạn làm sao nhìn lại được những nụ cười vô tư của bạn trong thời hiện tại?... 
Chỉ có máy hình, nó sẽ giữ lạ cho bạn từ nét mặt, bộ dạng cho đến những nụ cười tươi thắm trong thời hoa xuân mà bụi thời gian ngày một ngấm ngầm chôn phủ! 
Bạn làm sao thấy lại được những buổi học vui vẻ cùng thầy, cùng bạn ở chốn học đường, những kỷ niệm buồn vui trong gia đình, sống cùng với cha mẹ, anh em? 
Chỉ có máy hình, nó sẽ giữ lại cho bạn những kỷ niệm sắp phai tàn ấy… 
Bạn làm sao thấy được hình bóng những kẻ thân yêu hiện đang xa cách bạn hàng vạn dặm?! 
Chỉ có máy hình, nó là giải pháp vô song, giúp bạn phá tan màn không gian để thấy lại dung diện người thân yêu.
Chỉ có chiếc hình, một chiếc hình cỏn con cũng đủ giúp cho bạn khuây khỏa nỗi nhớ mong, ai ủi bạn những lúc mênh mông buồn rủ ở chốn đất khách quê người. Và chiếc hình còn giúp cho kẻ thân yêu của bạn vui mừng khi nhìn thấy bạn qua bao trùng mây nước… 
Các bạn ạ, nếu các bạn biết chụp hình, thì thời gian và không gian gần như vô nghĩa… 
Nhưng… 
…nghệ thuật chụp hình ở nước ta chưa được tuyệt diệu cho lắm. Đem so sánh với các nước ngoài thì nghệ thuật chụp hình chưa được phổ thông. Mặc dầu trong một số đông quần chúng muốn và say theo nghệ thuật chụp hình, Nhưng sách dạy về môn này, không mấy ai nghĩ đến! 
Thấy các bạn mến nghệ thuật chụp hình, loay hoay trong công cuộc tìm tòi học hỏi, nên chúng tôi một nhóm biết chụp hình, căn cứ trên kinh nghiệm và sức hiểu biết của chúng tôi qua bao năm lăn lóc tìm tòi và học hỏi, chúng tôi bèn biên soạn thành tập “Bước đầu của nghệ thuật chụp hình” này để hầu giúp các bạn chưa được thành thạo trong môn này, và cũng để đón nhận những lời chỉ giáo thêm của những bậc đàn anh tài cao còn ẩn náu…”

Hụ hụ… “… nghệ thuật chụp hình ở nước ta chưa được tuyệt diệu cho lắm… Mặc dầu trong một số đông quần chúng muốn và say theo nghệ thuật chụp hình” – thời sự chưa? Thời đại người người nhà nhà sắm máy ảnh và trở thành “máy ảnh gia”, nó chỉ bây giờ bùng phát thời internet chứ đã có gốc rễ từ cách đây 60 năm rồi nhé! Dông dài thế thôi, nay xin chia sẻ cuốn sách để bà con quan tâm, thích thì đọc, không thích thì cứ chụp bừa đi, xấu về nhà “phô tô thuốc”, quên, nhầm, phô tô sốp.

Tải bản Acrobat (PDF) cuốn “Bước đầu của nghệ thuật chụp hình” tại đây

P.S. Ở cuối cuốn sách có phần quảng cáo của hiệu ảnh Hương Mỹ, 58E Lê Thái Tổ, Huế (hồi đó còn là thị xã nhỉ?)… giá mà có bác cùng anh em ảnh nào ở thành phố Huế xác minh hộ xem bây giờ nhà đó là cái gì, như thế nào thì hay quá… mình thích lục lọi những gì xưa cũ…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment: