Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, August 5, 2014

Hành trình tìm bạn chiến đấu cũ của các cựu chiến binh Xô-viết

Bác Trương Văn Ta
Nhận nhiệm vụ của Ban Quản tri trang Web giao, tôi nhờ bác Quách Hải Lượng dẫn đến nhà bác Nguyễn Văn Thân - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 63, đơn vị đánh thắng trận đầu ra quân ngày 24/7/65; đến nơi thì bác Thân đã mời sẵn hộ một trong những bạn chiến đấu của bác Tô-đo-ra-xcô, đồng chí Lã Đình Chi, sỹ quan điều khiển được đào tạo tại Liên Xô, người Việt Nam đầu tiên bấm nút bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bằng tên lửa SAM - 2.

Bác Chi đọc bài báo “Hai CCB Xô-viết tìm đồng đội” tôi đưa, nhìn đi nhìn lại bức ảnh bên trái, rồi bỗng nói với bác Thân: “Ông ơi, quen lắm, hình như cậu này làm phiên dịch tiếng Nga ở tiểu đoàn mình(!)”.

Bác Thân "điếc" và bác
Quách Hải Lượng
Bác Lượng cười to: “Thì đúng nó là phiên dịch, thì mới viết được tiếng Nga và tặng các bạn Nga chứ!”

Bác Chi quay lại nói với tôi: “Thế thì ông này còn sống đấy cháu ạ, đâu như sống ở Sơn Tây!”

Ối chao ơi là mừng! Nhưng ngay lúc đó bác Thân xem lại tấm ảnh và nói:

- Đây là cậu Ta, lấy cô Tuyên, tôi làm chủ hôn cho đôi này khoảng năm '70 mà! Nhưng mà cậu ấy chết rồi, chết mấy năm rồi. Có 3, 4 con trai gì đó...

Và bác gọi điện thoại cho một đồng chí Thiếu tướng, Anh hùng LLVT, nguyên Giám đốc Học viện phòng không, và xác minh được con trai của bác Ta nay là thiếu tá, tiểu đoàn trưởng 61 tên lửa hiện đang đóng quân ở Phúc Yên.

Hiện nay, bác gái vợ goá của bác Ta đang ở Khu tập thể của Học viện Phòng không Sơn Tây.

Cựu chiến binh Lã Đình Chi
Sáng hôm sau, con “tuấn mã phiuchờ neo” lại bon bon đưa tôi lên Sơn Tây. Cơn mưa ở Hoà Lạc cùng cơn mưa đêm qua đã biến vùng ven thành phố Sơn Tây - thành phố xứ Đoài vừa được “đề bạt” - thành một vùng bùn đỏ đặc quánh. Thật bất ngờ khi tôi vượt qua đoạn đường bùn lầy ấy lần vào được khu tập thể của Học viện PKKQ, đưa tờ báo ra thì rất nhiều người nhận ngay ra người trong ảnh là bác Ta, một cựu chiến binh trong khu tập thể hết sức hiền lành, ít nói, được mọi người quý mến.

Căn nhà cũ của bác Trương Văn Ta
Bác Trương Văn Ta, sinh năm 1937, phiên dịch tiếng Nga, là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng tiểu đoàn 63, trung đoàn 236 tên lửa đánh thắng trận đầu ngày 24 tháng Bảy năm 1965. Khoảng năm 1967, bác xây dựng với cô Tuyên, một “chiến sỹ gái” cùng trung đoàn, lễ cưới của họ do phó trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân làm chủ hôn. Họ có 4 người con, trong đó người con thứ hai là anh Trương Quang Ninh hiện đã là thiếu tá, quyền tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn tên lửa.

Cô Tuyên trước bàn thờ
bác Trương Văn Ta
Thật tiếc là người bạn chiến dấu Liên Xô Tô-đo-ra-xcô sau hơn 40 năm mới sang Việt Nam thăm lại chiến trường xưa và tìm lại những người đồng đội của mình thì đã không còn gặp được hai hai người bạn thân thiết nhất. Bác Trương Văn Ta đã mất 2002 vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Hiện nay, bác gái hàng ngày chăm lo cho quán hàng nước trong sân bay Tông - một sân bay ở gần Học viện PKKQ hiện được sử dụng làm sân tập cho các học viên lái xe ôtô. Được biết có bạn của bác Ta từ nước Nga xa xôi tìm sang thăm, gia đình rất mừng và mong được gặp để dẫn người bạn chiến đấu từ phương xa đến mộ chồng mình thắp nén hương tưởng nhớ.  


Tấm lòng của những người dân trận địa tên lửa năm nào

Chia tay gia đình bác Ta, tôi lại tiếp tục lên đường, tìm lên xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Vào được đến làng, chỉ cần hỏi các em thiếu nhi là các em có thể kể về lịch sử xã nhà, mà trong đó phần quan trọng là trận đánh đầu tiên của bộ đội tên lửa. Các em nhiệt tình dẫn tôi vào nhà bà cụ Hoán, để “cụ nói chuyện cho mà nghe”.

Các em dẫn tôi đến cổng, gọi ới ời: bà Hoán ơi... rồi ù té chạy, nói với lại: sợ chó cắn lắm chú ơi... ra đón tôi là một chú khuyển gầy gầy, có vẻ cũng không hung dữ lắm, ra ngửi ngửi rồi chắc là thấy tay này có vẻ ít nguy hiểm nên lẳng lặng bỏ đi. Một bà cụ nhanh nhẹn, “mỏng mày hay hạt” chạy ra.

Bà cụ Hoán
- Cháu xin lỗi, bác có phải là “bà cụ Hoán” không ạ?

- Không chú ạ, tôi là em gái bà Hoán. Mời chú vào chơi!

Bà cụ Hoán còn rất minh mẫn, tuy đã 77 tuổi, nhỏ bé, lưng đã còng. Bà có vẻ không lạ gì các “chú nhà báo từ trung ương về”, cũng không hỏi gì nhiều, kể luôn:

"Huy chương kháng chiến hạng Nhì" tặng thưởng cho
Cựu chiến binh Phùng Thị Hoán
- Ấy mấy năm trước nhiều đoàn về đây tìm tôi luôn ấy chú ạ. Ở báo QĐND có anh Hà Bình Nhưỡng này... Nhớ cái đêm ấy, ngày ta vừa bắn rơi cái máy bay Mỹ, đến sáng hôm sau tôi ra quét sân thì thấy góc sân có tấm vải bạt, thò ra bốn chiếc giày đen. Các chú lính tên lửa thì nằm ngủ la liệt ở sân nhà. Thì ra bốn chiếc giày đen là của bác Phùng Thế Tài và chú cán bộ của bác. Bác dậy, chào tôi, rồi bế con bé cháu con của cô em gái tôi đây - cháu Mai - khi đó chưa đầy một tuổi - “Bác bế cháu nào, cháu gái xinh quá!”. Bác thơm vào má cháu rồi nói tiếp: “Cháu đi sơ tán đi nhé, các bác bắn hết máy bay Mỹ rồi cháu lại về...”. Hồi đó tôi công tác ở xã, phụ trách phụ nữ chú ạ. Hôm đó chúng tôi huy động chị em du kích đi cắt hàng mấy chục gánh lá để ngụy trang tên lửa, pháo cao xạ... rồi làm mấy trận địa tên lửa giả. Ngày hôm đó, trên báo viết mừng công xã nào bên Phú Thọ, không mừng xã Phú Sơn này đâu. Khi có anh cán bộ huyện đội hỏi tôi: “Thế nếu bà con thắc mắc, đồng chí giải thích thế nào?”. Tôi trả lời: “Mỹ nó cũng đọc báo của mình, nếu trên mừng công xã mình thì nó đến nó đánh trả thù, làm sao bảo vệ được các anh bộ đội?”. Anh huyện đội thở phào: “Lập trường của đồng chí như thế, tôi yên tâm rồi!”. Thế mà đến tận bây giờ, xã Phú Sơn vẫn chưa được phong Anh hùng đâu chú ạ! Khéo tôi không chờ được mất...

Địa điểm dân quân Phú Sơn bố trí trận địa tên lửa giả nghi binh,
ngay gần tên lửa thật - khoảng 1km được chim bay là cùng
Gia đình bà cụ Hoán có năm người con gái, đều đi bộ đội và du kích. Nay ở nhà còn hai bà cụ già ở với nhau, mong mỏi xã nhà được phong Anh hùng. Hai bà cụ chỉ cho tôi xem chỗ đào hầm cho ban chỉ huy bộ đội tên lửa, chỗ mảnh vườn trước có một bệ phóng tên lửa... Tôi có hỏi em gái bà cụ Hoán về “cô bé” Mai, bây giờ chắc khoảng 42 tuổi, đúng bằng thời gian từ trận thắng đầu tiên đến nay. Hai bà cụ lại thở dài... - “Nó mất năm 6 tuổi chú ạ. Bị bệnh phổi, không chữa được. Bác sỹ bảo có lẽ do lúc chưa đầy năm nó hít phải khói tên lửa nhiều quá...”.

Khi nghe tôi kể về ông cụ cựu chiến binh sỹ quan tên lửa Xô-viết muốn thăm lại chiến trường xưa, bà cụ Hoán hào hứng hẳn lên. Bà cụ say sưa kể về ông Liên Xô ở nhà bà, cao cao là, da trắng lắm, cứ nắm tay cụ, lắc lắc: “Tôi đã tham gia chiến tranh thế giới (chắc là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại), phụ nữ Nga trong chiến tranh cũng rất gian khổ. Ước gì các nữ đồng chí Nga có ở đây để cùng công tác cùng các nữ đồng chí Việt Nam như đồng chí...”. Khi nhìn ảnh bác Quách Hải Lượng, bà cụ ngờ ngợ hình như đó chính là anh “thông ngôn” nhỏ bé nhanh nhẹn đi cùng Tư lệnh Phùng Thế Tài hôm đó... Và nữ CCB Phùng Thị Hoán cũng rất mong gặp lại những người lính tên lửa Việt Nam và Xô-viết năm xưa, đã từng sống và chiến đấu ở chính nhà bà.

Ra khỏi nhà bà cụ Hoán, tôi tìm đường lên đài quan sát trên đỉnh đồi, nơi có trận địa tên lửa giả để nghi binh ngày xưa, đứng nhìn cầu Trung Hà mới, cong cong vắt sang đất Phú Thọ. Đất nước đang xây dựng, đã thay đổi nhiều từ cái năm Sáu lăm lịch sử ấy, nhưng ở đây vẫn có những con người giữ nguyên ký ức và tự hào về những tháng ngày cách đây hơn 40 năm...

Bài viết khoảng cuối tháng Chín, đầu tháng Mười năm 2007

Đọc tiếp bài "Trận đầu đánh thắng ngay"

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment