Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, May 29, 2014

Nhớ “Hồi khòe Phù Đồng”

Bộ dạng bên ngoài của mình trông như thằng đánh bả gà, ấy thế quái nào mà lại được đi dự “Hội khỏe Phù Đổng” toàn quốc lần thứ nhất năm 1983, tổ chức tại Hà Nội.

Tuy nhiên, đi dự không phải là đi thi đấu, mà là đi để đóng vai quần chúng. Số là, hồi đó học cấp hai học trường chuyên của Quận, nên lớp cùng một số lớp khác được chọn đi làm quần chúng cho lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Cũng không có gì khó khăn lắm, từ trước lễ hàng tháng chỉ phải học một bài hát – có một bác nào đó trông vừa giống giáo sư, vừa giống nghệ sĩ, đến trường dạy cả lũ gào một bài hát khá là... ngang. Bác đó chính là tác giả của bài hát, nhạc sĩ Văn Dung. Một bài hát không tệ, không được nói nó là “ngang phè phè”, bài hát sáng tác phong trào theo đơn đặt hàng như thế có khi còn là “ngon”, nhưng mà hát nó thì hoàn toàn không dễ chịu một tí nào.

Từng đoàn từng đoàn bước đều,
Bình minh dâng nhanh chân trời
Thôi thúc chúng ta lên đường về Hội khỏe Phù Đổng
Với sức mạnh thần kì,với sức trẻ diệu kì
Nhanh hơn ,xa hơn,cao hơn
Với sức mạnh niềm tin
Nhanh hơn ,xa hơn,cao hơn
Với sức mạnh Việt Nam, với sức trẻ Việt Nam.

Riêng cái đoạn “Thôi thúc chúng ta lên đường về Hội khỏe Phù Đổng” là phải hát “Hội khỏe Phù Đổng” thành “Hồi khòe Phù Đồng” (bốn dấu huyền), cứ là chảy cả nước mắt vì nó... quá ngang. Bác Văn Dung đến được một buổi, sau đó là thày dạy nhạc của trường, thày Tuyên, đảm nhiệm những buổi còn lại.

Thế là cả lũ rục rịch kéo nhau đi lên sân vận động Hàng Đẫy để “cổ vũ”. Áo trắng, quần xanh, khăn quàng đỏ; đứa đi bộ, đi xe đạp... toàn thành phố lũ lượt học sinh cấp hai kìn kìn kéo về khu Cát Linh Trịnh Hoài Đức. Phải tham gia hai buổi, buổi tổng duyệt và buổi khai mạc thật. Đến nơi việc của lũ cổ động viên chỉ là kéo nhau vào ngồi trên các khán đài phụ hai đầu sân, khán đài A, dành cho quan chức, khán đài B, cho bọn xếp hình. Mô hình y như là Đại hội Olympic Moscow năm 1980, một đầu cũng có ngọn đuốc. Với cặp mắt tiềm tàng của một nhà cơ khí tương lai, mình nhận ra ngọn đuốc là một cái cột bằng gỗ tròn, đường kính thân phải to đến mét rưỡi hai mét, ở trên có một cái chảo. Đúng cái chảo 100%, loại dùng để rán bánh rán ấy, nhưng mà phải to đến gấp rưỡi cái cột nữa. Nó được dựng ở trên khán đài, thật là bây giờ cũng không nhớ khán đài nào nữa.

Cả lũ học đứng lên, ngồi xuống, chào cờ, tập hát quốc ca... tập hô khẩu hiệu và lại gặp lại bác Văn Dung. Bác ấy bắt nhịp cho cả sân vận động, lại gào điệp khúc quen thuộc “Hồi khòe Phù Đồng”... vẫn mái tóc dài và cái trán cao vời vợi ấy, nhưng bây giờ thì xa tít dưới sân.

Công nhận là Hội khỏe lần thứ nhất toàn quốc có khác, tổ chức hoành tráng ra phết, xem các màn đồng diễn của đội chuyên nghiệp dưới sân oách ra trò, chắc họ phải tập trước hàng tháng trời luôn.

Có một hội nào đó, cũng cỡ tầm tuổi như mình hoặc hơn chút thôi, chắc học cuối cấp II hoặc đầu cấp III là cùng, ngồi thành những khối riêng, mặc đồng phục có cả giày và mũ, cũng chỉ là cổ động viên nhưng rất chuyên nghiệp. Mỗi khi có hiệu lệnh, lúc thì họ reo lên, lúc thì hô, lúc thì vẫy cờ, vẫy khăn gì đó... Mình ngồi cạnh một thằng bạn mới quen trong lớp, nó lên giọng hiểu biết: “Bọn cổ động viên chuyên nghiệp (nghe cứ như là “dư luận viên”, he he), không có bọn này, Hội khỏe không ra cái gì!”. Ông chọi nói như đinh đóng cột, làm mình choáng. Về sau học cùng nhau lâu lâu, mới biết thằng này nó thường như thế, mà bây giờ gọi là “chém”một cách rất... có nghề. Ví dụ, xe đạp “MIFA” nó bảo, “tiếng Anh phải đọc là “mai-phơ”!” khiếp thế, dân học tiếng Nga, biết sao được nó “chém” tiếng Anh đúng hay sai...

Rất đáng chú ý là các đoàn diễu hành vòng quanh sân, có đám rước một bức tranh rất to, vẽ hình Bác Hồ đang tập hai quả tạ tay. “Pho-mét” này đến nay vẫn được dùng: đồng diễn, diễn văn (hay diễn văn, đồng diễn), diễu hành, các đoàn đến dự đi vòng quanh sân, Bác Hồ tập tạ đi đầu. Về sau xem tivi thấy hầu như các Hội khỏe Phù Đổng đều thế cả. Có điều là nhiều tỉnh, bức tranh Bác Hồ tập tạ, thay vì quả tạ bé bé xinh xinh mỗi bên cỡ quả bóng ten-nít, thì họa sĩ vẽ nó to bằng quả bóng đá, nghĩa là mặc dù Bác Hồ trông gày gày, mảnh khảnh, mỏng mày hay hạt thế thôi, nhưng phải có sức khỏe của Lý Đức, hoặc có thể tư duy theo hướng Bác tập quả tạ to tướng như thế, nhưng mà nó rỗng; kiểu gì cũng được. Trong bài này mình sẽ minh họa bằng nhiều ảnh chụp các Hội khỏe với những kích thước khác nhau của của tạ Bác Hồ nhà ta vẫn tập.

Đỉnh cao của buổi tổng duyệt là màn châm lửa vào cái đuốc. Không rõ bằng cách nào mà cái đuốc cháy đùng đùng một cách bất ngờ, bốc khói mù mịt đen thui... về sau ông bạn thân học chuyên Nga bên Lê Ngọc Hân ngồi gần đó, về kể là người ta dùng một hỗn hợp dầu hỏa trộn với than đá để đốt, nên khói mù lên như thế. Mùi khét lèn lẹt bay ra những chỗ cuối gió, bọn trẻ con lè lưỡi, vừa ho vừa hò reo khoái chí...

Đùng một cái, có một ông râu ria xồm xoàm, tóc dài cờm cợp thắt cái băng thổ cẩm ngang trán, da đen nhẻm, mặc áo gi lê màu đen cũng trang trí những hoa văn dân tộc, phóng một con ngựa lọc cọc phi ra đường pít. Phải gọi là con nghẽo thì chính xác hơn, vì bác này ngồi trên lưng nó chân thò dài gần xuống đất. Cả người lẫn ngựa phi ra từ cửa nào cũng không nhớ nữa, nhưng bác ấy thúc con “mãnh thú” phóng khá nhanh vòng quanh sân, tay cầm một cái gậy tre, cứ thỉnh thoảng bộ râu xồm xoàm kia lại hú lên những tiếng hú rất man rợ... Mình nhớ, ấn tượng của bác này gây ra cho lũ trẻ con, là cực kỳ mạnh mẽ, lúc đó đã là cuối buổi, chiều tà... mặt trời đã ngả ngả nên ánh nắng đã vàng đặc chiếu rất xiên trên các khán đài.

Tiết mục phi ngựa này chính là hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt và múa gậy tre đánh giặc Ân. Có điều mình chưa rõ lắm, là tại sao chú bé lên ba làng Phù Đổng, lại râu ria xồm xoàm như thế, và ăn mặc thì giống bà con dân tộc vùng Tây Nguyên, là thứ nhất. Thứ hai, chắc hồi đó việc quyên góp sắt vụn để “nấu nghẽo” chắc có sự ăn bớt ăn xén sao đó, như kiểu “ụ nổi, ụ chìm” ấy mà, nên con nghẽo là hơi còi, trông kích thước chắc chỉ nhang nhác con lừa mà thôi. Thứ ba, là tại sao Thánh Gióng, lại cứ phải hú lên rùng rợn đến mức man rợ như thế, chứ hồi đó dân Văn Lang Âu Lạc nhà mình cũng văn minh lắm chứ có phải dân man di đâu... đúc được cả ngựa, cả gậy sắt cơ mà... Nôm na là Thánh Gióng đã bước vào thời kỳ đồ sắt, chứ không phải là đồ đồng nữa.

Olympic Moscow 1980
Bây giờ ngồi nghĩ lại cứ thấy buồn cười, nhưng hồi đó cũng cười, nhưng là cười một cách khoái trá với màn biểu diễn hết sức ngộ nghĩnh này.

Đúng lễ tổng duyệt Khai mạc là đỉnh cao, vì đến hôm chính hội, cái bác Thánh Gióng được mời từ Liên đoàn xiếc Việt Nam, không thấy đến nữa. Chắc người ta thấy màn biểu diễn man rợ này trông kỳ quái quá, nên thôi. Với lũ học sinh, thật là cụt cả hứng... kể lại có thể không ai tin, nhưng nếu bài này lên mạng internet, chắc chắn có nhiều bác cùng lứa, lại cùng đi làm “cổ động viên”, nhớ ra chuyện “Thánh Gióng xồm xoàm”...

...Từng đoàn từng đoàn bước đều, bình minh dâng nhanh chân trời; Thôi thúc chúng ta lên đường về Hi khòe Phù Đng”...” – hai, ba...

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment