Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, November 23, 2013

Con sán của Hoa Đà

Ngày xưa đọc tích truyện về Quan Vân Trường, ông ấy bị tên độc vào tay, nhờ Hoa Đà phẫu thuật. Thuốc độc đã ngấm đến tận xương nên Hoa Đà đề nghị làm cái vòng sắt gông tay vào cột nhà, xử lý cho dễ. Quan Công bảo, khỏi cần, để Quan mỗ vừa đánh cờ, vừa để cụ làm. Hoa Đà mổ vết thương ra, thấy xương đã ngấm độc xanh lè phải dùng dao cạo ken két, máu mủ chảy đầy một khay. Trong khi đó Quan Công vẫn đánh cờ “chém chiếu hỏi hết” cứ chan chát. Theo cái tích này, cả hai ông, thật phi thường.

Trung Quốc thì họ “huyên truyền” rằng cụ Hoa Đà có cả thuật oánh thuốc mê để làm phẫu thuật, sau thất truyền, nhưng nếu thế thì chắc phải là sau này, chứ nếu có rồi thì gây mê luôn Quan Vân Trường cho dễ xử lý chứ nhể?

Chuyện con sán là như thế này, có một ông tự dưng cứ bị gầy mòn yếu đuối, bụng ỏng đít beo, má hóp đùi tóp, mặt xanh nanh vàng. Một ngày bố già ị ra một con sán dài ngoẵng, biết là có cái của nợ ấy trong bụng rồi mà không biết làm cách nào cho lũ ấy chui ra được, ông ta bèn treo nó ở trước xe rồi đi khắp nơi. Một ngày đi qua gần nhà Hoa Đà, cụ lang nhìn thấy túm cổ lôi vào, cắt thuốc cho uống xổ ra một bụng sán, thế là khỏe mạnh trở lại, hồng hào tươi tỉnh.

Các cụ bẩu “gặp thầy gặp thuốc” là vậy. Gặp được thày giỏi chữa khỏi bệnh cho mình, người ta bẩu như gặp được “Hoa Đà, Biển Thước tái sinh”. Như mình trong lá số tử vi có sao Thiên Lương hãm địa ở cung Tật Ách, ý là mặc dù không bao giờ bị bệnh hiểm nghèo dẫn đến ngỏm củ tỏi, dưng mà hay ốm vặt, bệnh tật vặt vớ vẩn, nhưng luôn luôn gặp thầy gặp thuốc, xử lý dứt điểm, vèo cái xong. Vì có cái thông tin quý giá đó, nên mình cóc sợ bệnh tật, có ốm thì nhè nhẹ thôi, và kiểu gì thì “Hoa Đà, Biển Thước” cũng sẽ xuất hiện, he he… rất yên tâm.

Chẳng biết ở cái xứ Tây, xứ Tàu thế nào, chứ ở xứ ta, rõ ràng là người ta không yên tâm. Bị ốm đến bệnh viện, là lo lắng lắm – nhất là mổ xẻ, chỉ mong gặp được “Hoa Đà, Biển Thước” chứ gặp phải lang băm thì có mà bỏ mẹ. Tỉ dụ như có tin đồn ở bệnh viện V. Hà Nội, có ông bác sỹ Tây, sản khoa, đỡ đẻ thì ô-kê nhưng khâu thì xấu. Chị em mổ xong ổng khâu cho rúm ró “cái í” lại, hoàn toàn không đảm bảo vấn đề… thấm mỹ, hí hí hí. “Lôm la”, ai cũng có điểm mạnh điểm yếu, thợ ô tô ông mạnh về động cơ thì yếu về gầm xe…

Việt Nam ta thì càng ngày người ta càng lo lắng về chuyện đó, nên đã ốm là muốn đi “nhờ” bác sỹ. Bao giờ chẳng thế, đã nhờ vả, là phải quà cáp, không nhẽ nhờ suông à? Thế là một mặt, vừa phải “phi” phong bì, mặt khác, nhiều người lại thích đặt lại vấn đề “y đức”. Từ khía cạnh đạo đức mà nói, thì chẳng cần quà cáp, các đệ tử của Híp-pô-crát ô-tô-ma-tích phải cứu chữa hết lòng. Dưng mà vừa sợ vướng lang băm mua bằng (hèm, chuyện giáo dục xứ Vịt dài à nha!), mà chờ người ta phân công đúng cái ông “nghe đồn là giỏi” thì đúng là như đánh bạc, ai mà dám… mình không nhờ thì nhà khác người ta cũng nhờ, nhân tài như lá mùa thu, bao giờ mới đến lượt mình vào được cửa “Hoa Đà, Biển Thước”?

Đi máy bay gặp mấy cô tiếp viên cau có như thế nào thì đến bệnh viện công, các nhân viên y tế cũng thế. Cả một biển người, đủ các khuôn mặt, đủ các thứ âm thanh ồn ào, đủ các thứ mùi khó tả… bà con cứ thử vào Bệnh viện Bạch Mai thì thấy rất rõ. Và thế là cáu. Nhân viên y tế cáu ra mặt, còn bà con thì vừa sợ, vừa hận ngầm, vừa phải quỵ lụy… chuyện bình thường mà! Rồi mong muốn được một sự chăm sóc nhẹ nhàng, chỉ là đưa về đúng mức “lương y như huynh đệ” thôi, chưa cần “từ mẫu” đâu, người ta cố kéo nó lại bằng phong bì… Làm sao mà mong được các “từ mẫu” vui vẻ từ sáng đến chiều được, đến bố mẹ ở nhà lắm lúc còn nóng giận, nhiều khi đánh oan con cái bỏ xừ nữa là các “từ mẫu” ở cái bệnh viện bây giờ đã không khác gì ga Hàng Cỏ kia.

Cũng chẳng khác gì một huyện bà con đang trèo cổng vào lấy đơn cho con nhập học, quỵ lụy xin xỏ thì vẫn phải làm, bức xúc chửi thì vẫn chửi…

… Luẩn quà luẩn quẩn, luẩn quẩn như chính cái môi trường xã hội chúng ta đang sống, biết nó thế, bức xúc thế, mà vẫn cứ ngày ngày phải bơi trong nó, hít thở nó, ăn nó uống nó, ngủ nghê với nó… và chính nó, cái xã hội của chúng ta, vẫn chưa gặp được “Hoa Đà, Biển Thước” của mình.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment