Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, July 21, 2022

Vai trò của rèn sức khỏe và lao động trong giáo dục

Từ ngày tình cờ biến thành “người nghiên cứu giáo dục” nhờ mấy cuốn sách được xuất bản, tôi cũng hay được hỏi ý kiến về dạy cái này cái kia cho các con. Hè năm nay cũng không ngoại lệ, nhất là trong hoàn cảnh đất nước mới qua một trận dịch giã: có cô hỏi về khóa học thợ sửa điện nước mà con cô ấy theo học. 

Điều mà cô ấy cho biết kèm theo câu chuyện với tôi là rất đáng chú ý: theo học lớp gần như tất cả là các cháu học sinh vừa ra trường phổ thông và mục đích học là có hành trang “giắt lưng” để chuẩn bị du học. Tôi có bình luận: với cháu nhà mình thì rất tốt vì các lý do cá biệt, còn để chuẩn bị hành trang như có nghề phụ thì 10 buổi học không ăn thua, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi. 

Con trai lớn của tôi cũng hơi giống cháu con cô này, là lúc nhỏ học tập hơi “chậm” và tay chân vụng về. Vì thế, tôi xác định cùng con bù đắp không phải là cố gò cho con mình học, mà quay về với cái gốc sức khỏe và kỹ năng: cháu được chơi thể thao (bơi lội) từ nhỏ và tôi cũng thường xuyên cùng cháu làm các việc nhà, tập trung vào việc tôi rất thạo trước khi đi học đại học là học nghề công nhân cơ điện. 

Vì mục đích ban đầu là giúp con khắc phục vụng về, nên việc “đi cùng con” của gia đình tôi cũng từ từ: bắt đầu từ quét nhà cho sạch, lớn dần thì học buộc nút dây rồi mới đến học dần sửa điện và nước… thậm chí cả hàn điện. Đến khi con rất khỏe mạnh “hơn cả bố” thì vai trò lao động chính đã là của cậu ta. Cái mái che nắng mưa ở sân năm ngoái nhân nghỉ học Covid, là hai cha con cùng đo vẽ thiết kế, con là thợ chính và bố làm thợ phụ. Lúc ngồi nghỉ, tôi có đánh giá vừa vui vui, vừa nghiêm túc: nếu thi xếp bậc thì con có thể đạt bậc 3 thợ điện và cả thợ hàn điện. 

Cô con gái nhỏ của tôi năm ngoái 12 tuổi cũng đã được bố để dành tiền nhuận bút mua cho một cái máy khâu rất xinh của Nhật Bản để tập may vá… 

Kiên trì lâu dài cũng đến ngày có kết quả: con trai tôi nay khỏe mạnh, cao lớn, tự tin… và điều đáng nói nhất là học tập cũng rất tốt, dù gia đình hoàn toàn không có chủ trương phải ép cháu học lấy nhiều. Sau này khi đọc nhiều sách về lý thuyết giáo dục, thì tôi mới nhận ra lựa chọn của mình là đúng: ở tiểu học trẻ được rèn kỹ năng là chính, lên trung học cơ sở trẻ cần được học phương pháp tư duy, lên trung học là định hướng nghề nghiệp học tiếp lên hay học nghề. Trong khi đó chúng ta (phụ huynh nói chung) đang không hình dung ra được các đặc điểm trên, dẫn tới ép con học rất nặng từ lúc con còn nhỏ cho đến lúc lớn. 

Điều này dẫn đến một tai hại là các cháu ít có thời gian để rèn luyện thể chất, cũng như không có kỹ năng… Nó cũng xuất phát một phần từ quan niệm xưa cũ của xã hội là coi thường ngành nghề lao động chân tay, quá coi trọng lao động trí óc. Tôi thường nói với con mỗi khi hướng dẫn cháu sửa điện: có thể con vẫn là một doanh nhân, nhưng nghề thợ điện sẽ giúp con có kỹ năng an toàn, có hiểu biết về một lĩnh vực mà hoàn toàn có thể kinh doanh được với nó, cuối cùng là những lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi trong lao động, giúp trí óc của con minh mẫn hơn. Ngay bây giờ việc lao động chân tay cùng với chơi thể thao giúp con học giỏi hơn – bằng chứng là con học nhàn hơn các bạn của con rất nhiều mà kết quả không hề thua kém. 

Nói không phải so sánh, nhưng rõ ràng là tôi đã cùng con mình đạt được lợi thế hơn các bạn khác: khỏe mạnh hơn, vóc dáng đẹp đẽ hơn, khéo léo và tự tin hơn trong khi kết quả học tập ngay cả các cháu giành thời gian học thêm rất nhiều, cũng chưa chắc đã hơn nhiều. Nhờ có thể thao, cháu học lúc nào cũng thấy sung sức, ít mệt mỏi. Nhờ có lao động, cháu thường xuyên thấy mình chủ động và sáng tạo hơn khi học chữ. Bây giờ khi đến lúc hướng nghiệp, khi cháu hỏi: con có thể học phi công được không – thì câu trả lời là: hoàn toàn có thể: phi công bây giờ vừa cần sức khỏe, vừa cần khả năng học tập bằng ngoại ngữ, thì con đạt được cả; trong khi đó rất nhiều bạn muốn, cũng không có được. 

Điều khó khăn còn tồn tại chỉ với thế hệ các cháu sinh từ 1990 đến 2000, khi quan niệm chung của xã hội còn đang nhiều bất cập: tỉ lệ các cháu béo phì, suy dinh dưỡng cao, cận thị nhiều và hoàn toàn không biết lao động dù là cầm chổi quét nhà. Rất may là hiện nay đã có rất nhiều bố mẹ nhận ra được điều đó, nhất là vấn đề thể thao cho con, sau đó là lao động. Ngày càng nhiều ông bố được ghi nhận giành thời gian nghỉ ngơi để cùng con làm việc, chưa biết thì học vì bây giờ đã quá dễ dàng ở thời đại thông tin bùng nổ. 

Làm được như vậy, bố mẹ đã khắc phục được tính “ăn xổi” trong quan niệm là “cứ nhồi chữ trước đã” rồi sau này tính tiếp – trong khi thể chất và kỹ năng của con thì phải được xây dựng trong quá trình lâu dài. 

Để kết luận, tôi xin kể hai tấm gương nhà văn lớn của thế giới. Lev Tolstoy là bá tước người Nga nhưng vẫn là thợ rừng cừ khôi, ông còn là thợ săn và có thể tự dựng được nhà... Ernest Hemingway, nhà văn Mỹ nhưng là người nổi trội cả về học lý thuyết lẫn chơi thể thao; ông đấm bốc, chơi bóng bầu dục, và là một tài năng hiếm thấy trong các lớp học tiếng Anh... 

Vậy đấy các bố mẹ ạ… không có gì tự nhiên đến nhưng nếu chúng ta biết phương pháp và kiên trì, thì trồng cây chắc chắn sẽ có ngày hái quả. 

Bài đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam ngày 17/7/2022

No comments:

Post a Comment