Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, February 10, 2019

Thằng Xù

Năm ngoái, sau khi bị mất mấy con mèo, nhà lại đối mặt với vấn nạn chuột. Nhất là sau khi sửa nhà, chuột từ nóc nhà bên cạnh tranh thủ mấy hôm nhà ta không có tường, cũng chẳng có nóc, “đột nhập” vào và sinh sôi nảy nở. Thôi thì cứ loạn hết cả lên, như cái chợ. Lên trần nhà thấy đầy vết chân, còn bình thường thì cứ chin chít, chí chóe suốt ngày.

Nhìn chung thì nạn chuột cũng không có gì đáng sợ, chỉ sợ nhỡ nó lây cái bệnh gì cho gia đình thì cũng phiền. Nuôi chó, nuôi mèo thì còn cho đi tiêm phòng bệnh được chứ chuột thì căng, ai mà bắt cả đàn đi tiêm cho được. Nhìn chung thì phải tiễn cái đám chuột này đi thôi. Nhà mình thì chắc chắn không chọn phương án bẫy, đánh bả rồi, nên chỉ còn cách duy nhất là kiếm lấy một con mèo. Vừa đầu xuân năm mới, đi bộ ra chợ Bưởi vốn kiêm luôn cả chợ cây cảnh, chó mèo… mua lấy một con. Ngó trong cái lồng một lũ mèo con bé tí, ốm đói, con nào con nấy ốm nhách vì đói ăn, mắt mũi kèm nhèm toét những dử mắt vì đau mắt… Nhưng có một con mèo mướp bất chấp những khó khăn trở ngại đó, vẫn nghịch, nằm giơ chân lên quào quào những con khác. Túm cổ nó nhấc lên, người co quắp như con tôm – và nó đã được chọn.

Đưa về nhà, Mướp (nó được đặt tên như thế) vẫn gầy tong teo, và mắt mũi vẫn toét nhèm. Chỉ sau cả tuần nhỏ nước muối, và trải qua một trận tẩy giun bằng “Fugacar diệt giun như thế này” thì nó mới có thể lớn lên một cách lành mạnh được. Từ đó trở đi, Mướp lớn như thổi, và ngày càng xinh gái, mặt tròn, mắt tròn xoe… đặc biệt rất hay chuột. Từ khi trở thành mèo nhỡ, Mướp dẹp yên nạn chuột trong nhà, nó bắt liên tục hết chuột nhỏ đến chuột hơi to to… và những con còn lại chẳng phải xui, cũng rủ nhau biến hết. Mướp có bộ lông đẹp, vằn như con báo, dáng cao cao… Đến tuổi cập kê, Mướp cũng có dập dìu các tài tử đến gào gọi ngoài hàng rào. Một thời gian sau, Mướp có bầu to tướng.

Liên tục, Mướp đẻ ba lứa, con nào con nấy rất xinh. Lứa thứ ba, bà ngoại mệt quá bèn quyết định cho Mướp về quê để ở quê nuôi cho rộng, lại đang cần nhiều mèo con. Nhà thì giữ lại một con lứa cuối cùng để nuôi. Ấy thế mà, lứa này Mướp đẻ có sự lạ. Số là em sinh hạ được 4 người con, à nhầm, 4 mèo con thì 3 mèo bình thường, riêng có cái anh chàng ra đầu tiên, tự dưng to lớn một cách bất thường. Cậu ta cũng mở mắt muộn hơn các em, cái đầu to bự với cái trán dô ra ngoài, mắt híp nhắm tịt… Bà ngoại lạ lắm, đoán:

“Này cái con mèo to đùng này, có khi nó bị “đao” (down) ấy nhỉ…”

Bốn anh em, mỗi cậu ta vằn mướp giống mẹ, còn thì hai em gái một tam thể, một vàng và một em trai nữa cũng màu vàng. Dần dần cậu ta mở mắt, đi lại được, thì cũng khác hẳn các em. Trong khi các em chạy nhảy choi choi, thì ông anh cả đi lại đĩnh đạc, chậm rãi. Ăn uống cũng khác, dù không ăn uống hỗn hào như ông em Vàng, thường tranh cướp, nhảy cả vào đĩa thức ăn, anh cả chỉ có bám dính tịt vào ti mẹ không rời, thường bú lâu nhất, nên cũng lớn nhanh nhất. Cậu ta thay đổi cũng rõ ràng: bộ lông xù ra, chứ không như mèo ta, mõm ngắn, tai nhỏ, bàn chân to mềm mại… thật đáng ngờ. Cả nhà đoán là cậu ta có bố là con mèo xù gốc Ăng-lê đầu ngõ, còn các em kia là con của con mèo vàng thường vẫn đến tán tỉnh con mèo mẹ.

“Ơ tại sao thế được ba nhỉ?” Nhi Bá thắc mắc.

“À chó mèo có thể thụ thai nhiều lần con ạ. Con chó ở quê mình ngày xưa nó còn đẻ hai lần cách nhau chục ngày, một lần ra 3 con, một lần ra 4 con, hai lứa có bố khác nhau, nhìn biết ngay.”

Hai anh em thích con mèo lớn lắm, và bàn với ba, hay là giữ nó lại nuôi. Nhiệm vụ trước mắt, là phải đặt tên cho nó. Ba đề xuất, tên đơn giản nhất là “Xù” vì lông nó xù. Và từ đó, mèo anh được đặt tên là “Xù.” Nhiệm vụ thứ thai, là phải thuyết phục được mẹ hai bạn cho giữ nó lại – thật may anh chàng này rất ngoan, nó học cách ị tè đúng chỗ thật nhanh, không đi bậy đi bạ bao giờ, trong khi các em nó thì lung tung beng. Mẹ tuyên bố: “Vote cho thằng Xù ở lại!”

Ba em của Xù dần dần cũng có người xin hết, và cuối cùng đến mẹ Mướp của Xù cũng lên đường về quê. Hai anh em Nhi Bá, Nhi Bôn bâng khuâng mất mấy ngày, vì Mướp cũng xinh và ngoan, chỉ có đẻ nhiều quá bà ngoại phải chăm hết cả hơi… May mà có Xù ở lại nên hai anh em cũng khuây khỏa phần nào, dần dần quên Mướp, mà suốt ngày chỉ có “Xù, Xù…”

Xù đúng là giống mèo lai Tây, rất lạ. Mẹ Mướp của nó không thích được vuốt ve, thì Xù lại rất thích, cậu ta quấn người ghê gớm, cứ quẩn vào chân, cọ cọ nịnh nọt. Cư xử rất tình cảm, với người nhà Xù thường “đi tiễn về đón” – ai đi đâu Xù theo tận cổng, rồi lon ton đi vào. Nghe tiếng xe từ xa, Xù te tái chạy ra đón, rồi quẩn quanh vào chân, rất yêu. Cứ tưởng chỉ như thế với người nhà, ai dè Xù đối xử y vậy với người ngoài. Nhà hàng xóm có hai chú, một cô người Mỹ ở thuê, Xù mon men sang chơi, được cho ăn đâm ra cũng thân. Có lần, mẹ Nhi Bá, Nhi Bôn đi làm về, quên chìa khóa cổng phải bấm chuông nhờ bà ra mở, Xù đi cùng bà ra đón. Ai dè một chú Tây đi về cùng lúc, Xù bỏ luôn chạy sang hàng xóm, mừng rỡ. Thế thôi mà Xù bị mẹ giận đến nửa ngày. Nhưng thật ra, chẳng ai giận Xù được lâu vì cậu ta ngày càng dễ thương: yêu quý mọi người, Xù hay rủ mọi người vui chơi cùng, lại hay cắn yêu khẽ khẽ…

Tính Xù quả là dễ thương, bé thích gần gũi mọi người. Hôm nào ba của Nhi Bá, Nhi Bôn ngồi chữa xe máy, xe đạp hoặc đồ dùng ở sân nhà đằng sau, là Xù mừng quýnh quáng. Nó mon men lại gần, rình rình xem có con ốc con vít nào rơi ra, là vồ ngay, đùa nghịch một lúc cho đến khi con ốc con vít bị đẩy vào tận xó xỉnh nào đó, nó mới đi tìm “đối tượng” khác để đùa tiếp. Báo hại ông thợ cơ khí lúc lắp lại đồ đạc, đi tìm ốc vít hết cả hơi. Đùa chán, Xù nằm lăn quay ra ngủ bên cạnh, phát ra những tiếng gừ gừ nhè nhẹ có vẻ rất dễ chịu. Đợt phục hồi cái xe đạp đua, phải đến nửa tháng ấy ngày nào cũng ngồi kỳ cạch, Xù quanh quẩn suốt; đùng cái xe sửa xong, ngay hôm đầu tiên Xù ngơ ngác, chưa hiểu tình hình ra sao. Mẹ hai bạn Nhi Bá, Nhi Bôn đi làm về, Xù tong tả ra đón, kêu ca phàn nàn, ý mách là “hôm nay không có ai chơi cùng…”

Nhà bây giờ đã ít chuột, nên Xù chỉ bắt được có hai con bé bé, không bắt được nhiều như mẹ Mướp của Xù.

Xù khôn lắm, có bốn bàn chân to bẹ và dày, Xù quơ vào người khác nhưng không bao giờ giơ vuốt ra, nên ít gây nguy hiểm. Nhưng ít thì ít, Xù cũng cứ phải đi tiêm như… bình thường. Khi đến phòng chăm sóc thú y, Xù chịu đựng mũi tiêm rất giỏi, không nói năng gì. Xù được phát một cuốn sổ y bạ, trong đó ghi tên: “Xù.” Tên chủ: “Chú Phúc Lai.” Dân tộc, à nhầm, Giống: Mèo ta lai… Nhưng mà ai cũng hỏi, sao nó có xù đâu mà lại tên là “Xù?” “À, hồi bé hắn ta xù, bây giờ chẳng hiểu sao không xù nữa.”

Lớn nhanh như thổi, Xù bắt đầu có nhu cầu đi tìm bạn gái. Đợt cả nhà đi Singapore, chỉ còn ông bà ở nhà, còn hai anh em Nhi Bá, Nhi Bôn đi chơi cứ nhắc Xù suốt, nhớ quá mà. Từ sân bay về đến nhà, hai anh em thấy Xù ra đón, reo lên.

“Vừa mới về đấy, đi chơi đâu biến mất ba hôm nay!” Bà ngoại mách. Hóa ra Xù đi chơi biệt tăm, làm ông bà sốt hết cả ruột. Bà đi tìm suốt mấy hôm, mãi trước khi cả nhà về mấy tiếng đồng hồ, Xù mới xuất hiện ở nhà. Lúc Xù còn chưa về, ông đã động viên bà: “Thôi thì ai, cái gì chẳng phải đến lúc chia tay!” Bà thì bảo, “Chia gì thì chia, nhưng không phải lúc này. Hai cháu đi chơi là nhớ cái thằng này lắm, chúng nó về mà không gặp hẳn là rất buồn!”

Mấy hôm sau bà còn kể, hàng xóm có chú bé, nó cứ khóc đòi “Con mèo, con mèo…” suốt. Chắc chú ta thấy Xù thân thiện, muốn giữ lại chơi, nhưng không giữ được, rình sơ hở, Xù vượt ngục, chuồn về nhà.

Xù từ khi đó, thỉnh thoảng lại đi chơi vài hôm, làm anh em Nhi Bá, Nhi Bôn lo lắng, sốt ruột lắm. Xù to nhanh, lông vằn đẹp như con hổ con, mượt mà… cả nhà chỉ lo cậu ta đi chơi nhiều bị bắt mất. Có lần Nhi Bá đã phải đi sang một nhà ở rõ xa, xin vào bắt Xù về. Còn lúc mà Xù chưa về, hai anh em đứng ngồi không yên. Có lần, chở Nhi Bá đi học thêm về, đầu óc con trai vẫn chưa yên tâm với ông nhóc Xù đi lang thang chưa tìm thấy:

“Liệu lần này nó có bị bắt không ba nhỉ…”

“Con lo quá hả? Không sao, nó không về thì mình nuôi con mèo khác. Tất nhiên thằng Xù tình cảm, cả nhà yêu quý nó nhưng nếu không giữ được thì cũng biết làm thế nào? Con thấy không, nó mới đi chơi có một hôm mà con đã lo lắng thế, thì con hình dung thử xem nếu sau này con lớn lớn một chút, ba mẹ sẽ lo lắng cho con như thế nào trong những trường hợp tương tự. Ba nuôi chú con từ nhỏ, lúc chú con “tuổi teen” cũng thường bỏ nhà đi chơi qua đêm, ba cũng lo lắm, hay phải đi tìm về. Các con sau này cũng vậy, nếu muốn đi chơi, xin phép đàng hoàng, ba mẹ không giữ nhưng cũng phải có những biện pháp liên lạc để ba mẹ đỡ lo.”
 
Nhi Bá lặng im, nhưng mình hiểu câu chuyện “đánh” đúng vào lúc cậu đang tâm trạng lo cho Xù, hiệu quả cực nhiều so với những lúc khác. Mình tin là con trai sẽ có những cư xử đĩnh đạc, chín chắn chứ không nông nổi.

Lần đó, lần cuối cùng Xù bỏ đi chơi. Sau khi quyết định cho Xù thoải mái vào nhà, Xù ít bỏ đi chơi hẳn, và trở nên dễ thương hơn nhiều. Cậu ta cứ xoắn lấy ông ngoại, từ khi biết ông ngoại có món khoai lang luộc ngon quá. Sáng nào cũng vậy, cậu ta vào nằm cạnh chỗ ông ngồi, cọ cọ vào hông của công, xin xỏ. Ăn khoai lang, Xù béo lên nhanh trông thấy, nhưng vẫn rất nghịch ngợm, như một con quỷ con.

Cả nhà cứ đùa: “Thế mà ngày xưa bà ngoại đoán Xù bị “đao”!” Hì hì hì… Hôm nọ xem Youtube của ba, hai anh em gặp đoạn video ba quay mẹ Mướp của Xù hồi nhơ nhỡ bằng Xù bây giờ, đang vờn một con chuột. Hai anh em kêu lên: “Sao mà nhớ con mèo mẹ thế!” Hóa ra thỉnh thoảng vẫn nhớ mẹ Mướp một tí đấy nhỉ.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

Đọc tiếp: Giã biệt thằng Xù

No comments:

Post a Comment