Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, August 7, 2018

Cái phong bì


“Hòa vào” phong trào học thêm của toàn quốc, anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn cuối cùng cũng đi học thêm như ai. Kẹt nhất là ông “xe ôm” là ba của hai bạn, chở hai bạn đi học ở cái khoảng cách về địa lý rất dở, về nhà cũng dở mà ở lại lang thang thì chẳng biết làm gì.

Ôi vấn nạn học thêm!

Cái khó thì phải ló ra được cái khôn: ba Nhi Bá nghĩ ra một phương án là tại sao cũng thời gian đó, ba của hai bạn ấy không tranh thủ cũng học nhỉ? Trước đây đã nghĩ thu xếp mãi việc đi vào khu Ký túc xá sinh viên nước ngoài để tìm một bạn có thể giúp ba Nhi Bá nhớ lại những vốn tiếng Trung Quốc bỏ lâu đã rơi rụng gần hết. Chỉ cần “căn chỉnh” cho thời gian của ba và thời gian của con trùng nhau là được rồi. Tìm một địa điểm phòng học gần đó, gì chứ món này không thiếu. Đến ngồi học ngoài sân còn được mà!

Sau giờ học, hai ba con vào ký túc xá và tìm được một chị sinh viên chỉ hơn Nhi Bá 8-9 tuổi thôi, vừa ra trường nhưng lại có nguyện vọng ở lại Việt Nam để đi làm. “Cô giáo” bé tí này sẽ dạy cho ba Nhi Bá trùng vào giờ học của bạn ấy, tiền học phí sẽ được đưa cho cô giáo vào sau mỗi buổi dạy.

***

Hết buổi học đầu tiên, mình rút trong cuốn vở ra một cái phong bì, bên trong để tiền học phí và để lên bàn cho cô giáo. Cô rất ngạc nhiên, và hỏi: “Tại sao lại phải có phong bì?” Mình chưa biết trả lời sao, vì vẫn còn chưa nhớ ra được nhiều tiếng Trung Quốc để giải thích cho cặn kẽ, đành nói là “Để cho lịch sự.” Câu chuyện tạm dừng lại ở đó. Nhưng câu chuyện của Nhi Bá thì bây giờ mới bắt đầu.

Hết hai buổi học, thì thày giáo của Nhi Bá gửi cho ba mẹ bạn ấy một tờ giấy về nhà, đề nghị xác nhận rằng nếu học tiếp thì buổi sau là ba buổi rồi, Nhi Bá cần mang tiền học phí đến đóng. Như mọi lần, mẹ Nhi Bá cho tiền vào một cái phong bì rồi đưa cho cậu ta cầm đi…

“Con này, con biết tại sao mẹ luôn luôn cho tiền vào phong bì mỗi khi có việc con mang tiền đi nộp cho thày cô không?”

“Chắc để cho đỡ mất và lịch sự phải không ạ?”

“Đúng rồi, để cho đỡ thất lạc một hai tờ là một phần, nhưng một phần là như con nói, “để cho lịch sự” đấy. Nhưng ba sẽ giải thích cho con rõ hơn “để cho lịch sự” là như thế nào. Đã từ rất lâu, chúng ta có tinh thần “tôn sư trọng đạo,” “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nên nghề thày giáo bao giờ cũng phải được coi là một nghề cao quý. Thày giúp chúng ta có được kiến thức, tri thức và những kiến thức, tri thức đó trong tương lai sẽ giúp chúng ta có được rất nhiều, nhiều lần hơn so với cái ban đầu được thày trao tặng. Hơn thế nữa, kiến thức, tri thức còn giúp chúng ta hiểu được cách cư xử hợp đạo lý, như thế thày còn dạy chúng ta học làm người nữa. Do đó, không có tiền nào mua được kiến thức, tri thức và đặc biệt, tiền không mua được tình nghĩa thày trò. Thày có thể phải dạy thêm vì cuộc sống, nhưng không vì thế mà thày là người bán kiến thức – thày luôn luôn là người giúp chúng ta có được kiến thức. Tiền học phí vì thế không được phép đưa trực tiếp cho thày, mà nên cho vào phong bì trân trọng. Ba phải kể cho con điều nữa, cô giáo người Trung Quốc mà ba con mình đã gặp, dạy ba được mấy buổi rồi, và buổi nào ba cũng chuẩn bị sẵn phong bì. Ba cũng không đưa tận tay, mà bao giờ cũng để xuống bàn, và sau đó ba về rồi cô giáo mới cầm lấy cái phong bì.”

Nhi Bá gật gù vẻ đã hiểu…

*** 

Dần dần, học mấy buổi mình đã nhớ ra được kha khá trong cái vốn tiếng Trung Quốc học từ cách đây mười mấy hai mươi năm, nhân buổi học nói về “gửi thư, bưu điện, nhắn tin và các phương thức truyền thông” gặp những từ “phong thư, tem bưu chính…” mới nhớ ra câu chuyện. Mình giải thích cho cô giáo, là mặc dù cô ít tuổi, chưa bằng một nửa tuổi học trò, nhưng vẫn là cô giáo và học trò phải tôn trọng cô. Đó là điều mà mình được dạy từ nhỏ do truyền thống gia đình, đến bây giờ vẫn giữ không thay đổi.

*** 

Lại nhớ ở bên Nga, khi bạn trả tiền cho ai đó, đặc biệt là khi đi nhờ xe ô tô thì không bao giờ nên đưa tiền trực tiếp, mà phải để xuống, người ta mới cầm lên.

Lại nghĩ nữa, bây giờ cũng có nhiều thày cô nhận tiền trực tiếp, thậm chí còn đếm ngay trước mặt học trò. Cũng chẳng có gì sai, nhưng thấy buồn buồn vì đã có nhiều cái tốt đẹp nay không bao giờ còn nữa.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment