Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, November 14, 2017

Và cơn bão lòng ta thổi mãi

Cơn bão đi qua, để lại không biết bao nhiêu di chứng, hậu quả nặng nề cả về người và về của. Biến đổi khí hậu dẫn đến những hiện tượng thời tiết cực đoan, cứ năm sau lại nhiều cơn hơn, và diễn biến thì khó lường, khó dự báo hơn. Nhưng còn có một niềm đau nữa không thể dễ dàng xoa dịu, là cứ có thiên tai thì năm sau hậu quả của nó cho con người lại càng nặng nề, nghiêm trọng hơn, và nó đến thì nhanh chóng và khốc liệt hơn.

Trả lời câu hỏi đó, không phải gì khác là chúng ta đã tàn phá, làm hại môi trường quá nhiều. Ai cũng hiểu, là lũ về nhanh và mạnh như thế, thủ phạm chủ yếu là nạn phá rừng…


Một: như lời cảnh báo

Bảy năm trước, như một con thiêu thân, tôi sa vào vòng xoáy làm giàu. Thay vì tham gia vào những “phong trào” đầu tư ở đô thị, tôi cùng một số anh em chiến hữu, “nhảy” vào lĩnh vực khoáng sản. Mà đã gọi là “làm khoáng sản” có nghĩa là đi rừng đi núi, “bốn cùng” (ăn cùng, ở cùng, uống rượu cùng và… khai thác cùng) với đồng bào dân tộc vùng cao. Mỏ thì có đến mấy cái khoáng sản khác nhau, nằm trên địa bàn vài tỉnh khác nhau (tiếng là vài tỉnh nhưng sát nhau cả ấy mà) và giấy phép tận thu cũng có, giấy phép “quản lý” cũng có, mà “đánh thổ phỉ” cũng có. Điểm mỏ nào không xin cấp phép được, thì tổ chức làm “thổ phỉ,” nếu được hỏi mỏ gì thì xin nói luôn: mỏ vàng.

Cũng lại ham chụp ảnh, nên cứ đi lên mỏ (mà lên hàng tuần, ăn dầm ở dề trên rừng!) là vác máy đi, nhưng cũng mỗi ngày lại nhận ra rằng rừng núi của ta lở loét nhanh quá, đến mức thê thảm, và cảnh để chụp được cũng ít dần đi. Tìm được góc nào đó tàm tạm để chụp, cũng khó khăn và cũng vì thế, không nên tin ở những bức ảnh đẹp đẽ, nó không thể hiện nỗi đau mà rừng núi đang phải chịu đựng từ những vết thương rỉ máu. Đường vào mỏ, cũng là đường kéo gỗ, hầu hết phải đi bộ chứ chẳng có phương tiện nào đi được, những con đường mòn hằn thành rãnh sâu quá gối, do cây rừng bị đốn hạ, kéo ra tập kết ở một nơi nào đó và rồi nó sẽ biến thành cột thành kèo, thành những bộ ghế salông chạm trổ xa hoa ở thành phố.

Một ngày, chính tôi cũng nhận ra rằng, những hang hốc mà mình tổ chức đào bới khoét sâu vào lòng núi, đang góp phần tàn phá không kém gì những nhát cưa đang đốn hạ cây to kia. Những can hóa chất chúng tôi chở lên để tuyển quặng, rồi chính chúng lại được đổ ra suối, chảy ra sông… độc hại đến mức mà trâu bò của bà con cứ uống vào là chết.

Cũng chẳng được bao lâu, một ngày khác cái gì đến, phải đến. Một đoạn hầm mỏ bị sập, nhốt chặt mấy con người ở bên trong, may mà còn cái ống bơm khí còn chưa bị đè bẹp. Mấy ngày lặng lẽ tổ chức đào bới ra, may mà chưa chết mạng nào, nhưng cũng đủ để chúng tôi vét đến những đồng cuối cùng để “giải quyết vấn đề,” cả nội bộ lẫn với chính quyền.

Đó là “câu chuyện” với thiên nhiên – nhưng với con người thì tội lỗi cũng chẳng hề kém. Khai khoáng là ngành nghề có tính cạnh tranh hoàn toàn rất đặc thù, nếu cần người ta sẵn sàng dùng dao kiếm và cả những vũ khí mạnh hơn. Chưa phải làm đến thế, nhưng tôi cũng luôn luôn được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để “lâm trận,” đánh đấm nào có sá gì.

Vụ tai nạn như một lời cảnh báo, rằng những gì chúng tôi làm cực kỳ ảnh hưởng đến cái mà người ta thường không tin, là “âm đức,” hay “phúc đức” của bản thân và gia đình, dòng tộc. Chỉ đến lúc đó, chúng tôi mới có thể dừng lại. Dù trắng tay, chúng tôi cũng hiểu rằng như thế còn hơn những điều ghê gớm hơn nữa, như phải chịu trách nhiệm với những mái đầu khăn trắng, và cả những án tù cho bản thân…


Hai: … và cơn bão lòng ta thổi mãi

Chỉ một trận áp thấp nhiệt đới mà mưa lũ đã cướp đi sinh mạng gần trăm con người, và thiệt hại về tài sản thì cũng thật khủng khiếp, với bao gia đình không dễ khắc phục được trong ngày một, ngày hai. Chỉ đến lúc này, chúng ta mới nhìn thẳng vào sự thật là môi trường thiên nhiên của riêng đất nước chúng ta, bị tàn phá thô bạo đến mức nào. Ngay Thủ tướng Chính phủ mấy hôm trước cũng nói “Thế giới thì bảo vệ rừng, còn chúng ta thì phá rừng nham nhở.” Đã đến lúc, mỗi người chúng ta phải hành động…

… nhưng hành động như thế nào thì lại là một câu chuyện dài, rất dài. Hầu hết với tất cả những người “bình thường” chúng ta, có mấy ai tham gia vào hoạt động tàn phá thiên nhiên trực tiếp như tôi? Như tôi thì dễ, nói dừng là dừng, không làm nữa, còn với hầu hết tất cả chúng ta, đều chẳng hình dung ra được cần phải làm gì, ngoài những bước đầu tiên ai cũng nhìn thấy được.

Cái “bước đầu tiên” đó là lên án, lên án, lên án những kẻ đang tàn phá môi trường, hủy hoại thiên nhiên và cả những kẻ đang tiếp tay cho các hành động đó. Điều này hoàn toàn đúng và rất chính đáng. Sự thật cần phải được bộc lộ, phơi bày, điều xấu cần phải được lên án. Nếu bước đầu này mà còn không làm được, thì chúng ta sẽ chẳng thể làm được điều gì khác. Thế nhưng, lại “nhưng (!)” sau cái bước đầu tiên đó, chúng ta phải làm gì?

Xin quay trở lại với rừng núi… Nơi chúng tôi công tác trước đây, vào nhà nhiều quan chức “to to” một chút thì thấy phổ biến một lối kiến trúc rập khuôn, là bên trong nhà xây trần bê-tông là nội thất ốp gỗ, ốp từ chân tường lên đến kín cả trần nhà, rồi tất cả cột kèo, bậc thang, con tiện tay vịn… đều là gỗ, mà là gỗ tự nhiên. Một ngôi nhà như thế không chỉ cho thấy chủ nhà có tiền, mà còn có thế lực, vì trong hoàn cảnh hiện nay mua gom được lượng gỗ tự nhiên từng ấy, chẳng phải chuyện dễ. Nhưng lối kiến trúc đó cũng chẳng phải độc quyền của “quan chức” mà cả những tay đại gia, trung gia máu mặt cũng theo. Tôi có ông bạn thân người dân tộc thiểu số xây nhà trên một thị xã miền núi (vừa được “đề bạt” thành phố mấy năm nay) cũng theo lối đó. Anh chàng “ăn nên làm ra” chính nhờ cung ứng dịch vụ cho chính quyền, nhưng lại suốt ngày rỉ rả là “quan chức thời nay không biết họ “ăn” gì mà nhiều tiền thế…”

Chỉ còn lại mối băn khoăn, rằng chính anh bạn cũng không khác những người khác, chẳng qua chỉ khác ở… cách ăn mà thôi. Còn nữa, chúng ta còn khác nhau ở… cách chửi, nói thế hơi quá lời, nhưng chúng ta khác nhau ở cách nhìn nhận xã hội và phản ánh các hiện tượng xã hội. Khi những đợt gió cuối cùng của áp thấp nhiệt đới vừa dứt, câu chuyện bão lũ và tàn phá hoành hành khắp chốn, và nó đang rít lên từng hồi ở bàn cà phê bên cạnh nơi tôi ngồi. Những “con người trách nhiệm” đang nói lên những điều cực kỳ đúng đắn về nạn phá rừng, về những tiêu cực trong bảo vệ rừng, về thủy điện xả lũ, về vỡ đê… Nhưng đồng thời họ cũng rút ra mỗi người một bao thuốc riêng, điềm nhiên nhả khói mù mịt bất chấp xung quanh có những người đang phải hút thuốc thụ động. Không chỉ là chuyện khói thuốc góp phần phá tầng ô-dôn ở đâu đó, mà ngay bản thân họ và những người hút thuốc thụ động quanh họ, đều có nguy cơ bị ung thư phổi. Cứ thêm một người bệnh, là thêm một gánh nặng, cả với kinh tế gia đình người đó lẫn trên bình diện chi phí toàn xã hội. Ấy thế mà không ai trong số họ, lại nghĩ đến việc dừng hút thuốc cả.

Một “ông anh,” tổng biên tập kiêm nhà thơ, viết rất đúng: “đừng vội lên án, tất cả chúng ta đều có tội” nhưng nhanh chóng, anh bị “lên án” kinh khủng trên mạng xã hội, lượng gạch đá đủ để xây nhà ba tầng. Người ta chửi anh đúng kiểu “ào ào như sôi” nhưng mấy ai trong số họ có thể nghĩ được rằng, chính họ vừa mới đặt mua một bộ sa-lông mới bằng gỗ tự nhiên? Ai trong số họ vừa lát sàn nhà và “nói không” với gỗ nhân tạo? Và ai trong số chúng ta có ý thức để gom những chiếc túi nylông “50 năm mới phân hủy” lại một chỗ để đỡ mất công phân loại, mà ném thẳng nó vào thùng rác? Ai trong số chúng ta có ý thức tắt bớt đèn khi không dùng, khóa vòi nước nơi bể bơi công cộng để giảm thiểu chi phí sử dụng nguồn lực của Trái đất?

Tất nhiên, bài viết này vẫn sẽ được sắp chữ và in lên tờ báo bằng giấy, lại thêm một vết thương cho Mẹ Trái đất. Việc phải làm thì vẫn phải làm, không ai xét nét cả đến từng lít xăng dành cho xe hộ đê, dành cho xuồng cứu hộ bà con vùng lũ… Nhưng xin bình tâm nghĩ lại, mỗi ngày ngồi lên yên xe máy, hoặc bước vào chiếc ô tô mát lạnh điều hòa, đến văn phòng bấm nút thang máy chạy vo vo lên những tầm cao mơ ước của bao người và chiếc điều hòa đang chạy rì rào nhè nhẹ làm ta sung sướng kia, cả những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm trong thành phố… tất cả chúng đang gây ra những vết thương không thể lành cho Mẹ Trái đất.

Sau cơn bão khô thì thường có mưa, người ta gọi là “mưa đền cây,” để cây xanh thắm lại. Nếu mỗi chúng ta biết ý thức được rằng thiên nhiên quanh chúng ta tuyệt vời và đáng yêu nhường nào, để biết bỏ cái xe máy, cái ô tô lại mà đi bộ, mà đạp xe… với lấy cái điều khiển điều hòa tắt máy đi, mở tung cửa hưởng không khí bên ngoài, dù có thể chưa trong lành nhưng lại là hành động góp phần bảo vệ Trái đất. Nếu mỗi chúng ta không làm ngay bây giờ, thì sẽ chẳng bao giờ làm được.

Còn chưa thấy lỗi của mỗi chúng ta ở chỗ nào, chỉ thấy lỗi người khác, thì bão đến bão lại đi, nhưng những cơn bão của lòng ta, cứ thổi mãi…

Bài trên An ninh Thế giới tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment