Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, November 3, 2017

“Tự hào của mẹ” hay “hiếu thắng của mẹ?”

Có lần mình gặp lại bạn học cũ trên Facebook, nói chính xác không phải bạn học chính thức, chỉ là bạn học thêm thôi, và vụ gặp lại này đã kết thúc không có hậu. Lỗi chủ yếu là do mình, tính tình hay trêu đùa, chọc tức. Và cô bạn này thì hoàn toàn không dễ để bị chọc tức như thế, hậu quả tất nhiên là mình gánh chịu. Cổ chửi cho mình vài trận, màc chửi ghê chửi gớm chứ không có vừa. Sau đó là chặn nhau trên Facebook…
 
Bẵng đi một thời gian, quên biến chuyện đó, hôm nay gặp một người quen chung mới kể chuyện cô kia đang om xòm về vụ “trường V tăng học phí.” Người quen chung cũng nói, chuyện có vẻ cũng nằm ngoài cả mong muốn của hai con cô bạn, nhưng cứ sồn sồn lên bắt chuyển trường trong khi hai cháu đã một cháu lớp 12 và một cháu lớp 9, chỉ còn vài tháng nữa là hết năm học. Cô bạn cũng biến mạng xã hội thành diễn đàn tung cả những câu chuyện va chạm, đối đáp với hiệu trưởng của trường, đến mức con còn phải rón rén: “mẹ có thể không viết được không?”

Chỉ có thể nhận thấy, mấy năm trước cô bạn như thế nào, nay vẫn thế. Hồi đó khi có chuyện với mình, mình cũng nhắc, rằng chúng ta không nên hiếu thắng, cương cường quá, nếu không muốn ảnh hưởng đến các con, mà các con của bạn chúng nó đẹp đẽ nhường kia! Cô bạn sừng sực, sừng sực lên: “A, ai cho mày dám đụng đến con tao! Mày có biết tao là ai không?” – thú thực là chỉ biết bạn cũ học thêm cùng như thế, như thế… chứ mình không có biết bạn bây giờ là ai cả - “Thế thì mày lên Webtretho hỏi xem tao là ai nhé!”

Một cái tôi quá lớn, một lòng hiếu thắng quá mạnh mẽ.

Mình cũng thế - cũng chỉ mấy năm trở lại đây thôi mới hơi tỉnh tỉnh ra, chứ trước đây phải nói thật là trường con học cũng khốn khổ với mình. Nhiều khi mình cứ nghĩ mình đúng phăm phắp, làm chuyện nọ chuyện kia cũng là vì cái chung. Bây giờ nhìn lại, thực ra không phải vậy. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh – không phải cứ cái gì mình cho là đúng thì sẽ đúng với tất cả mọi người. Ầm ĩ sồn sồn lên chỉ tổ làm hỏng việc, còn về phần mình thì đương nhiên phải gánh chịu nhiều hơn người khác rồi, và chúng ta nếu vẫn nghĩ chúng ta đúng, chúng ta lại cho rằng chúng ta dũng cảm.

Hiểu thế sai rồi, dũng cảm là biết bình tĩnh trở lại, lắng nghe, và hạ cái tôi của mình xuống.

Rất rất nhiều người trong số chúng ta gặp nhau ở cùng một mục đích, một ham muốn, một hoạt động là “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” – điều này cần phải ghi nhận. Nhưng cũng có những điều khác rất thú vị, như trẻ con là tờ giấy trắng mà ta muốn viết gì thì viết, ngược lại cũng có những điều chúng nó khác chúng ta. Nếu chúng ta cứ tiếp tục ép buộc, ngồi lên đầu lên cổ chúng nó thì sẽ có ngày chúng oán chúng ta. Thế nên việc giáo dục con cái, cái sự “tùy duyên” lại càng trở nên sâu sắc.

Bố mẹ nào cũng có quyền tự hào vì con cái của mình, cứ nhớ mãi bài hát “Mother’s Pride” của George Michael; và chúng ta thường nói với con cái của chúng ta rằng con hãy cố gắng hết sức mình để làm cho ba mẹ tự hào vì con.

Nhưng dần dần, mình hiểu được rằng tất cả chúng nó, đều như con của mình cả, đó là tương lai của đất nước và cả thế giới, nên mình thích làm việc với chúng nó, dạy chúng nó những gì mình biết. Khi chúng nó đi thi, mình khuyến khích và giúp chúng nó như một huấn luyện viên thực thụ, tuy vẫn… nửa mùa. Tuần sau hay tuần sau nữa, chúng nó bước vào cuộc thi đấu, có thể không đoạt giải nhưng chắc chắn mình sẽ rất vui nếu chúng nó chỉ cần chiến thắng bản thân thôi.

Tính hiếu thắng, cương cường rất nguy hiểm. Mình gặp nhiều ông bố bà mẹ ngoài truyền cho con tính say mê, nhiệt huyết đến máu lửa thì truyền luôn cho con tính hiếu thắng. Làm con như thế thật tuyệt, nhưng cũng thật thiệt, thiệt thòi ghê gớm vì sau này ra ngoài cuộc đời, tính hiếu thắng làm cho các cháu gặp nhiều trở ngại. Các vị cha mẹ đó tuy nhìn rõ được cần thiết phải cân bằng giữa học tập và rèn luyện thể chất, nhưng ngay thể thao lại là công cụ để họ thỏa mãn cái hiếu thắng trong bản thân họ. Tất nhiên điều này sẽ bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, đúng là muôn màu muôn vẻ: nhà thì bắt con đua tranh về học tập, nhà thì cầm kỳ thi họa, nhà thì thể thao.

Đi kèm với tính hiếu thắng, có người bạn đồng hành ít khi vắng mặt là tính đố kỵ. Khi bạn không vui vẻ, không thoải mái với những thành tích của con người khác, đó là bạn đã đố kỵ rồi đấy.

Tình trạng này không tha một ai, thậm chí có cả người làm trong ngành giáo dục, thày cô giáo còn “dính” - và họ nghĩ với xuất phát điểm của họ như thế, học vẫn rất… sư phạm. Tính hiếu thắng thậm chí làm cho chúng ta đang ở thế rất mạnh, nhưng sau đó lại chuốc lấy thất bại: từ lúc tự mua lấy rắc rối, đến không biết lý lẽ của người khác mà quá cương cường, tưởng mình có lý, có thế thắng nhưng hóa ra thua lúc nào không biết.

Ở đây không nói chuyện “thắng thua” là quan trọng, mà quan trọng là sống ở đời phải giữ được chữ “hòa.” Chữ hòa hiếu giữ được, là các bên đều thắng. Luật sư giỏi là phải giúp thân chủ tránh được phải ra tòa, dù ra tòa có thể thắng, chứ không phải cứ xui nhau ra tòa để tranh cạnh mà giỏi đâu.

Vì thế, “lòng tự hào của mẹ” đã biến thành việc thỏa mãn tính hiếu thắng của mẹ lúc nào mất rồi.




Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment