Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, September 12, 2017

Câu chuyện “hèn hạ” thứ nhất: “Thế nào là hèn?”

Chú Tuấn Anh là em họ con dì con già của ba, do đó em Nhí con chú Tuấn Anh, là em họ của anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn nhưng đã xa hơn một tí. Nhí xinh xắn, dễ thương và ngoan. Đặc biệt Nhí có vẻ rất nhanh nhẹn, có tố chất thể thao. Năm ngoái, Nhí vào lớp Một, là học sinh bé nhất của trường và… câu chuyện bắt đầu.

Số là, có lần cả đại gia đình tập trung ở nhà ông bà ngoại ba Nhi Bá, Nhi Bôn (cũng là nhà ông bà ngoại chú Tuấn Anh) vì có đám giỗ. Chú Tuấn Anh sau một câu chuyện cao trào, khoái chí kể:

– “Cháu Nhí của bác đi học, đánh được các bạn từ lớp Một đến lớp Năm!” rồi cười rất thỏa mãn.

Ba của Nhi Bá băn khoăn:

– “Thế nhưng bắt nạt được tất cả thậm chí cả các anh các chị lớn như thế thì có gì là hay? Là các anh ấy nhường chứ chênh lệch về cơ thể như thế, các anh đập một cái là lăn quay ra chứ đùa à.”

Chú Tuấn Anh có vẻ không nhận ra điều gì trong đó, vẫn cười khìn khịt mà rằng:

– “Nó là nó bắt nạt được tất, mà bọn kia còn sợ chứ có phải là nhường đâu.”

– “Anh quan niệm khác chú ạ. Điều quan trọng sống trong đời của con người ta, là phải biết nhường nhịn, chứ không phải tranh cạnh hơn thua. Trẻ con cũng nên dạy cho các bạn ấy nhường nhịn, điều đó làm cho các bạn ấy sống trong đời được an toàn hơn.”

Đến đây, mẹ của em Nhí tham gia vào câu chuyện:

– “Nó phải tranh được cho có rồi thì mới nhường được, chứ chưa có thì lấy đâu ra mà nhường! Anh dạy con như thế nó hèn người ra.”

– “Các em có vẻ thích đem tiêu chuẩn về tiền bạc áp dụng mọi thứ nhỉ?” – Ba Nhi Bá thở dài.

– “Em chẳng nói gì đến tiền hết” – mẹ Nhí cất giọng sang sảng. “Có mà anh lúc nào cũng chê bọn em chỉ nghĩ đến tiền thì có…”

Ba Nhi Bá chợt nghĩ, có thể mình cũng khắt khe với cô chú ấy thật chăng? Thế nên, ba Nhi Bá im lặng, không nói tiếp nữa.

__***__

Câu chuyện làm cho ba của Nhi Bá suy nghĩ mãi, xem mấu chốt nó nằm ở đâu – có đúng phải “có” rồi thì mới nhường được không? Đúng vậy, nếu con người cứ nhăm nhăm cho rằng những cái tồn tại hiện hữu, đặc biệt những thứ có thể vật chất hóa, là quan trọng và tất cả sẽ được đánh giá xung quanh những giá trị đó.

Cuối cùng thì có lẽ, ý tưởng “có rồi mới nhường được” hóa ra, nó vẫn rất gần với sự vật chất hóa mọi chuyện. Nhưng nếu có vật chất hóa đi chăng nữa, thì người ta vẫn có thể nhường nhau lúc “chưa có” kia mà? Chẳng hạn nhường nhau đi trước ở ngoài đường, và nhường nhau cơ hội học tập, phát triển, thậm chí thăng tiến trong công việc.

Không phải lúc nào “có” rồi thì mới có thể nhường nhịn được, người ta có thể nhường nhau từ lời ăn tiếng nói, đến những cái cực kỳ cao cả là hi sinh mạng sống để nhường cho người khác cơ hội được sống. Nếu các con của chúng ta đã được dạy tranh cạnh, thì số cháu có thể phân biệt được ranh giới, lúc nào cần tranh và lúc nào cần nhường, chắc là sẽ rất ít. Do đó, thường là các cháu sẽ tranh cạnh trong hết cuộc đời của mình.

Người mà suốt đời tranh cạnh, là người bất hạnh.

__***__

Câu chuyện ba nói với vợ chồng chú Tuấn Anh, diễn ra ngay trước mặt các bạn nhỏ, và người chú ý nhất không phải ai khác, chính là bạn Nhi Bá của chúng ta. Một câu chuyện khác với Nhi Bá là không thể tránh khỏi…

– “Tại sao cô chú lại cho rằng dạy nhường nhịn là hèn người đi hả ba?”

– “Tại vì cô chú ấy nghĩ người mạnh mẽ phải đi kèm với những biểu hiện có thể nhìn thấy được, như là hơn người khác về khả năng đánh đấm, bắt nạt lúc nhỏ; lúc lớn thì hơn người khác ở khả năng nắm bắt cơ hội bất chấp có thể phải tranh giành với người khác.”

– “Thế nếu không như thế sẽ là hèn phải không ba?” Nhi Bá băn khoăn.

– “Con có biết như thế nào là “hèn” không đã?” Mình hỏi lại Nhi Bá.

– “Con không ạ.”

– “Ba hỏi nhé, bây giờ con học lớp Bảy, nhưng từ lớp Một đến bây giờ, con có bị đánh, hay bị bắt nạt bao giờ không?”

– “Dạ cũng không ạ.” Nhi Bá căng đầu, cố nhớ lại.

– “Đó là vì ông bà, ba mẹ đều dạy con sống hồn hậu, biết yêu thương mọi người, nên con cũng không bị bắt nạt. Vậy bây giờ ba hỏi con tiếp điều này nhé, chắc cũng có những lúc bạn bè nổi cáu, dọa đánh con chứ?”

– “Dạ cũng có ba ạ.” Nhi Bá cười, nhe hàm răng đang chỉnh nha, đầy những sắt thép ra.

– “Vậy những lúc bạn cáu, dọa đánh con chẳng hạn, con có thấy sợ không?”

– “Con không sợ.” Nhi Bá khẳng định chắc nịch.

– “Đó, câu chuyện ở chỗ đó – chính vì con yêu thương bạn bè, nên lúc bạn cáu, dọa đánh, có thể con chỉ nghĩ là bạn cáu nhất thời thôi. Kể cả khi bạn có vẻ ghét mình, nhưng mình yêu quý bạn thì mình cũng thấy, mình và bạn chưa hiểu hết được nhau, nên còn có những lúc ghét nhau…”

Nhi Bá vẫn tiếp tục chờ đợi…

– “Điều quan trọng ở đây là con không thấy sợ hãi. Định nghĩa “hèn” thường là, khi người ta luôn luôn cảm thấy sợ hãi trong lòng, chứ không phải là cách người ta thể hiện ra bên ngoài như thế nào. Không phải những anh hùng dũng sĩ ai cũng khắc phục được những nỗi sợ hãi ngay, mà cũng phải trải qua một vài lần, có kinh nghiệm, từng trải rồi thì mới có thể tỏ ra dũng cảm được.”

– “Thế nếu bắt nạt bạn khác như em Nhí có phải là dũng cảm, và không hèn không?”

– “Bảo là dũng cảm, đúng và cũng là không đúng. Đúng là ở chỗ, em ấy dám bắt nạt bạn khác, dám đánh bạn khác trong khi chúng ta không dám làm điều đó. Bà nội của con dạy ba không bao giờ được đánh bạn, có lần đã phạt ba vì chuyện đó rồi, và sau này cũng vậy, khi vào tuổi thanh niên đôi lúc ba đánh người khác, ba thấy mình tội lỗi kinh khủng. Bây giờ nghĩ lại, ba vẫn thấy ân hận vì những lúc ba đánh người khác đó… Vì thế, nói chuyện đó không đúng cũng phải, vì người ta phải đủ dũng cảm và tỉnh táo khắc chế được cái nóng giận trong mình, thì mới có thể dừng tay được trước khi đánh người. Như thế, dám đánh bạn và sau này ra đời đánh người khác, là thô bạo và lì lợm, chứ không phải là dũng cảm. Người không biết giải quyết vấn đề bằng cách khác, mới phải giải quyết bằng nắm đấm. Người không biết yêu thương người khác và làm cho người khác yêu quý mình, mới phải đem nắm đấm ra dọa và giải quyết vấn đề.”

– “Tại sao chú Tuấn Anh lại vui khi thấy em Nhí như thế?”

– “Vì chú ấy chưa nhìn thấy một số góc cạnh của vấn đề, còn ba thì đã thấy sợ rồi. Ba có một người bạn, chú ấy rất hung hăng và hay bắt nạt người khác. Khi ra trường phổ thông rồi, chú ấy vẫn “làm mưa làm gió” ở khu vực trường, bắt nạt các em nhỏ hơn, mặc dù rõ ràng chú ấy cũng không to cao hay võ nghệ giỏi giang gì cho lắm. Tức nước vỡ bờ, một học sinh lớp dưới do bị bắt nạt nhiều quá, đã cầm dao đâm chết chú ấy ngay ở cổng trường. Bẵng đi mấy năm, lần ba gặp lại anh bạn cũ lại là gặp tấm ảnh do gia đình ôm đến Tòa án, hôm diễn ra phiên xử chú em học sinh kia… Con thấy không, sinh con ra, mà con lại hung hăng như thế, có phải có ngày mất con không? Một cuộc đời mất hẳn, và một cuộc đời sa vào tù tội.”

__***__

Tuấn Anh, em họ mình, hồi bé tuy ngổ ngáo, nhưng lại dễ bị dọa – cậu ta sợ đủ thứ ma mãnh, và sau này thích xem những phim, truyện ma, những chuyện kinh dị; cũng là do sợ mà thích, và một phần cậu ta sợ là do bị… mình dọa. Ngược lại, mình hiền lành, không bắt nạt ai mấy khi, (chỉ đánh nhau khi bênh Tuấn Anh vì em bị đánh!) nhưng lại rất lì, không sợ cái gì bao giờ, bóng tối không, độ cao không, ma quỷ cũng không nốt…

Không rõ bây giờ sau thời gian, Tuấn Anh còn sợ ma sợ mãnh hay không, chứ hồi bé, thì chẳng biết thằng nào dũng cảm hơn thằng nào.

“Ai cũng có nỗi sợ bên trong mình cả. Dũng cảm hay hèn là ở chỗ có biết khắc phục nỗi sợ đó hay không. Và người dũng cảm hơn cả là người biết khắc chết cái tôi của mình để có thể nhường nhịn được người khác. Người không biết yêu thương người khác và làm cho người khác yêu quý mình, mới phải đem nắm đấm ra dọa và giải quyết vấn đề…”


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment