Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, June 9, 2017

Tinh thần Nhật Bản – “tinh thần thép”

Một – Hậu “Hội thi bơi”

Hồi lớp Năm Bôn Ba Nhi Bá đi thi bơi và mình đã kể chuyện này rồi, cậu ta bị sốt sình sịch nhưng vẫn về nhất được ở lượt bơi hôm đó, còn về trước một bạn mà mặc định là “Nhi Bá bơi kém bạn ấy xa…”

Kết thúc lượt thi, bạn ấy còn nói: “Hôm nay Nhi Bá bơi còn về trước cả tớ…” Nhưng đây là “chuyện bây giờ mới kể.” Số là mặc dù Nhi Bá về nhất lượt, nhưng như đã được ba mẹ bạn ấy dự đoán từ trước, bạn ấy không có giải gì cả.

“Con không được giải gì cả ba ạ.” – Nhi Bá về kể lại, cũng không có vẻ buồn lắm.

“Ừ không sao, hôm trước ba đã nói với con rồi, hoàn toàn con có thể không có giải gì cả, chuyện đó không quan trọng. Thi lần này các trọng tài bấm giờ “bằng tay” tức là không có hệ thống cảm biến điện tử, nên sai số cũng là bình thường. Điều quan trọng là ba con mình đã cố gắng hết sức trong một tháng trước giải, và hôm đó dù ốm con vẫn có thể thi đấu được rất nỗ lực. Đó mới là thắng lợi.”

Nhi Bá yên tâm hẳn, nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Mấy hôm sau Nhi Bá lại hỏi khi đi học về.

“Ba này, theo như video ba quay thì con còn về trước bạn An Khánh, nay trường thông báo bạn ấy được giải nhìn còn con thì không có giải.” Đúng là sự băn khoăn đã trở nên rất… băn khoăn rồi, không thể đùa được nữa.

Những chuyện tương tự như vậy đã xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều nhiều, và lần này nó xảy ra với nhà mình. Mình cũng nghe về những chuyện kiện cáo về thành tích, các cuộc thi bơi thi lội thế nào đó… những chuyện người lớn làm hư trẻ con ấy mà. Mình định tính kế động viên con tiếp, để cho nó vui vẻ chấp nhận chuyện đó, nhưng ông ngoại của Nhi Bá thì có một lời khuyên rất xác đáng.

“Cháu nó còn đang trong sáng, và nó cần phải tin vào sự công bằng. Kết quả như thế, và trong video thể hiện như thế, điều đó có nghĩa là cháu sẽ thấy không ổn về mặt logic. Cũng nên trước tiên trao đổi thêm với cô giáo xem thế nào, để cô giúp cho đã.” Ông ngoại nói.

Số là, ông ngoại là bạn thân của vợ chồng bà hiệu trưởng trường Nhi Bá, nhưng ông chưa đề nghị việc báo cáo cho bà hiệu trưởng vội – mình cũng đồng ý với phương án đó, nên nhờ cô giáo chủ nhiệm giúp trước đã xem thế nào.

Và mình gọi điện cho cô giáo, trình bày rằng – “Hiện chúng ta, những người lớn, đã nợ của con một câu trả lời thỏa đáng. Do đó trăm sự nhờ cô, cô trao đổi thêm với thày thể dục để gia đình có thể nói chuyện với con dễ dàng hơn…” sau đó gửi cho cô thư điện tử có kèm đoạn video bơi của Nhi Bá.

Câu chuyện còn khó tin ở một chỗ, kết quả thông báo chính thức của nhà trường thì Nhi Bá bơi 50 mét tự do hết… 2 phút, trong khi xem lại trong video bạn ấy chỉ bơi hết có 53 giây thôi.

Cô giáo nói chuyện với thày tổ trưởng thể dục, và thày thì sang làm việc lại với Trung tâm thể dục thể thao dưới nước, là nơi cung cấp “dịch vụ” bể bơi và cả trọng tài luôn. Cuối cùng thì Nhi Bá được “bổ sung” một giải nhì và mang về một giấy chứng nhận kèm một huy chương bạc.

Mặc dù thiếu tính chính thức, nhưng thôi dù sao thì cũng dễ dàng hơn nhiều trong việc giải thích cho bạn ấy rồi – thật là một giải thưởng cực kỳ… “an ủi.”


Hai – Hai năm sau.

Hơn một năm nay, Nhi Bá đến tập ở nhóm bơi trình độ thi đấu của một trường quốc tế. Tập ở đó, bạn ấy có thêm cơ hội được thi đấu, cọ xát với các bạn, các anh chị lớn hơn, các bạn nước ngoài khỏe hơn rất nhiều và có rất nhiều bạn bơi ở tầm đẳng cấp của vận động viên chuyên nghiệp.

Giải năm ngoái, Nhi Bá đi thi đấu không những không được giải gì, mà còn bơi rất kém, không bằng ngày thường, đặc biệt về tinh thần thi đấu. Cậu ta thi đấu mà như đi… dạo mát. Ba phải phê bình – nếu con không thích thi thì thôi ngay từ đầu, chứ đi thi đấu mà như đùa vậy, thì chẳng đi còn hơn.

Năm nay bạn ấy tham dự – mặc dù hôm thi đấu rất mệt do chiều hôm trước, thày dạy thay do không biết nên cho các bạn tập quá sức, nhưng Nhi Bá đã rất cố gắng – quan trọng là thành tích của bạn ấy còn cao hơn ngày thường.

Ba bảo bạn: “Mặc dù năm nay con cũng chẳng có giải, nhưng tinh thần thi đấu của con đã khác hẳn, y như hồi thi ở trường con năm kia. Mặc dù con mệt nhưng kết quả của con còn tốt hơn ngày thường, nếu không bị mệt do tập căng sức quá thì con còn bơi tốt hơn nữa ấy chứ.”

“Sao ba biết hôm nay con mệt?”

“Thì nội dung của con vào buổi chiều, con ăn trưa xong đi ngủ một lúc, đến lúc ba gọi con dậy rất khó khăn, trông uể oải ba biết – à thế là con mệt mỏi rồi.”

Giải lần này có nhiều thời gian, hai ba con ngồi xem đến hết. Nhi Bá lạ lắm, là ngoài những bạn dẫn đầu các lượt bơi, ba của bạn ấy còn cổ vũ rất nhiệt tình cho các bạn bơi cuối nữa…


Ba – Tinh thần Nhật Bản.

Nhi Bá tập cùng đội với 7, 8 bạn người Nhật Bản, trình độ bơi cũng ngang ngang Nhi Bá, duy chỉ có anh bạn Tsuchida Hiroshi thì cực kỳ vượt trội. Người thấp đậm, to ngang chứ không dài và loẻo khoẻo như Nhi Bá. Dù chỉ hơn Nhi Bá có một tuổi, nhưng Tsuchida đã có các bắp thịt nổi cuồn cuộn, sắp được như người lớn đến nơi.

Nhưng chuyện lại không nằm ở chỗ đó – mà ở chỗ tất cả các bạn Nhật Bản lúc không tập thì cười nói rôm rả rất vui vẻ, nhưng đã tập thì cực kỳ nghiêm túc, làm hết sức mình, có thể nói là “máu lửa.”

Ngồi xem các bạn tập, thấy một sự khác biệt quá rõ ràng giữa ba bạn Việt Nam và nhóm bạn Nhật Bản kia, đặc biệt là hai anh chàng – Nhi Bá và An. An học lớp 9, còn hơn các bạn Nhật từ 2 đến 3 tuổi nhưng thái độ khá… lờ phờ: hay đến muộn, còn hôm nào đến đúng giờ thì lại đòi về sớm.

Ba Nhi Bá trường hay trêu hai thanh niên Việt Nam kia là bơi có tính thiền rất cao, hi hi. Thật ra cũng cứ phải “khích” một tí. Khích tướng kiểu như thế này: “Tinh thần của các bạn Nhật Bản là tinh thần thép, còn hai anh chàng nhà ta thì là “tinh thần Việt Nam, tinh thần bún…” hi hi…” với Nhi Bá có chút tác dụng còn với An thì chẳng có động tĩnh gì.

Càng gần đến hè – nhóm sẽ nghỉ vài tháng đến mùa thu tập tiếp – Nhi Bá càng tiến bộ hơn, đặc biệt về tinh thần tập luyện để theo kịp các bạn Nhật Bản. Còn An thì cũng do bận rộn, sắp vào lớp 10 nên chuyện bơi lội là thứ yếu…


Bốn – “Tinh thần thép.”

Thế là nhóm tập bơi đã nghỉ, Hội thi bơi khép lại đợt tập luyện của các bạn nhỏ. Mấy ba con lại lóc cóc đi ra bể bơi gần nhà để bơi trong hè cho đỡ… quên. Không nhớ vì lý do gì, mà Nhi Bá hỏi ba:

“Ba ơi, hôm trước thi bơi, anh bạn Tsuchida Hiroshi bơi nhanh hơn con đến 10 giây, như thế là còn nhanh gấp đôi con hồi thi ở trường cách đây 2 năm nhỉ.”

“Đúng rồi con ạ.”

“Thế hồi đó, làm sao mà con lại bị mất giải ba nhỉ?”

“Hồi đó con còn nhỏ, ba chưa nói với con được, nhưng bây giờ con đã lớn hơn, ba sẽ phải nói với con rằng, xã hội còn có nhiều chuyện tiêu cực. Một trong những chuyện đó là người lớn, tức là bố mẹ các bạn, tác động vào các trọng tài làm sai lệch kết quả, thành tích của cuộc thi. Như thành tích của con chẳng hạn, là của một bạn nào đó bơi với thời gian… hơn 2 phút, nhưng họ đổi sang cho con, còn bạn nào đó thì lấy thành tích của con, và có thể bạn ấy còn được huy chương vàng hoặc bạc nữa.”

“Làm như vậy để làm gì hả ba?”

“Không để làm gì cả – nếu để nộp hồ sơ vào lớp Sáu thì con thấy đấy, hồi đó Huy chương bạc của con có được chấp nhận đâu. Như vậy, để trả lời câu hỏi “Để làm gì?” thì ta phải hiểu, là để… thỏa mãn sĩ diện của bố mẹ bạn, để đem đi khoe, chứ chẳng có tác dụng nào khác. Nếu ba mà làm như thế với con, con có thích không?”

“Không ba ạ.”

“Tốt lắm – thể thao là phải trung thực, cao thượng, như người ta nói là với tinh thần thượng võ. Còn thể thao dùng mánh khóe, tiểu xảo… thì rất xấu. Chúng ta chơi thể thao để khỏe, để trở thành người trung thực và hào hiệp thì cũng chẳng cần những thành tích không có thật, không phải của mình đó.”

Nhi Bá bỗng hỏi: - “Thế nếu mà Tsuchida mà bơi cùng con hồi ở giải trường 2 năm trước ấy, cũng với thành tích 29 giây như thế, thì liệu có bị mất giải không nhỉ?”

“Thường người ta cũng sẽ phải tính toán, để người sẽ được tác động mà có giải thi cùng với những người tầm tầm cùng trình độ, thì việc đổi kết quả chẳng hạn sẽ không lộ liễu quá. Chứ lấy của một người nhanh hơn mình gấp 4 lần thì ai người ta chấp nhận được. Người ta chẳng kiện um cả lên ấy chứ.”

Đi qua chỗ đường đông, ùn lại do đèn đỏ, mình nói tiếp:

“Vừa nãy ba nói về tinh thần thượng võ, ở đây còn có một yếu tố là ý chí ngoan cường trong chơi thể thao. Con đã hỏi ba, là tại sao ba còn cổ vũ cho các bạn bơi chậm, tụt lại phía sau không?”

“Vâng đúng là con có hỏi, và… tại sao hả ba?”

“Các bạn đó dù bơi rất kém, nhưng họ không ngại ngần vẫn đăng ký dự thi, đó mới là thể thao. Dù kém như thế, nhưng họ không bỏ cuộc, chậm hơn các bạn về trước rất nhiều, nhưng vẫn cố gắng bơi về được đến đích. Con có thấy sự nỗ lực đó mới là phi thường không? Với người có khả năng, chỉ cần nhẹ nhàng một cái là có thể đến đích, nhưng với những người khác, thì khó khăn hơn nhiều – sự nỗ lực đó mới là đầy dũng khí và nghị lực, và chúng ta còn phải cổ vũ cả những trường hợp đó nữa.”

Trong cuộc sống quanh ta có rất nhiều người như vậy – khi mà người khác bước chân vào đời đã được đặt lên một bệ phóng rất cao thì có những người lại phải đi những chặng đường khó khăn hơn nhiều. Mình không chỉ nói về chuyện “nhà có điều kiện” đâu, mà còn nói đến những khó khăn về thân thể, như các bạn tật nguyền chẳng hạn. Những kết quả của họ có được, có thể là rất nhỏ nhoi so với những người “bình thường” nhưng thực ra, nỗ lực của họ đã bỏ ra để có được những kết quả đó là phi thường.

Nghĩ đến những bạn có đủ đầy các loại điều kiện, thì lại phá nó đi bằng rong chơi, cờ bạc, nghiện ngập… đến sống vô trách nhiệm, chẳng có lẽ sống gì thật đau lòng. Nếu có thể chuyển được những điều kiện đó cho bạn khác thì tốt biết mấy…

“Hôm đó còn có một chuyện rất đáng thán phục nữa, là ở nội dung thi bơi đồng đội tiếp sức 4 môn phối hợp, đội các bạn Nhật Bản con nhớ không, có hai bạn bơi rất kém – kém con nhiều. Hai bạn đó bơi ở lượt thứ hai và thứ ba, đã làm cho đội Nhật xếp bét sau lượt ba (6/6 đội). Tsuchida bơi lượt cuối đã cố gắng kinh khủng, vượt được đến 2 đối thủ với khoảng cách từ nửa bể (12 mét) trở lên để toàn đội Nhật về thứ ba giành huy chương đồng. Ba đứng trên khán đài xem cùng con mà thấy sướng thế, hét khản cả cổ dù họ chỉ về thứ ba, nhưng cái nỗ lực phi thường đó rất đáng được ca ngợi.”

Thật ra, sẽ có lúc phải nói với con trai rằng, người Nhật Bản cũng sẽ có những sức ép tâm lý của người Nhật Bản, thể hiện bằng việc thỉnh thoảng lại nghe chuyện có bạn nào đó tự tử vì làm việc quá căng thẳng. Nhưng mà thôi – dù sao thì con trai mình nói riêng, người Việt Nam ta nói chung đều làm việc luôn luôn với một “tính thiền” rất là cao, đến mức như… ngủ gật vậy, mong được một nửa cái thứ “thép đã tôi thế đấy” của người Nhật Bản đã phúc tổ 70 đời rồi, còn khướt mới đến mức… tự tử.

Thế nên, cứ hãy thán phục và học tập cho một tí ti thôi cái “tinh thần Nhật Bản – tinh thần thép” đi đã…


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment