Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, May 7, 2017

Ngày Chiến thắng

Con trai yêu quý,

Những ngày này cách đây 12 năm, ba mẹ đã chờ con ra đời, cùng dịp với toàn thế giới chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng phát-xít, và cũng là ngày kết thúc cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.

Để đi đến Chiến thắng đó, nhân loại đã phải một cái giá rất lớn với hàng chục triệu mạng người, biết bao thành phố đẹp đẽ bị phá hủy. Chỉ có mấy năm, những người sống sót đã trải qua nỗi đau khổ cùng cực của địa ngục trần gian. Chỉ riêng ở Việt Nam đã có 3 triệu người chết đói vì phát-xít Nhật.

Vì thế mà ở Liên Xô trước đây và cả những nước trước đây là Liên Xô, người ta gọi Ngày Lễ Chiến thắng là “Ngày lễ lệ tràn mi.” Không có gia đình nào là không có mất mát người thân sau cuộc chiến tranh đó.

Để đi đến Chiến thắng đó, toàn thế giới tiến bộ đã phải chiến đấu hết sức mình cả ngoài mặt trận lẫn trong các nhà máy, từng hạt lúa, từng viên đạn đều đóng góp cho chiến thắng. Và không thể quên công lao, hình ảnh của những người lính Hồng quân Liên Xô, những người lính Anh, Pháp, Hoa Kỳ và cả những người Việt Nam đã ngã xuống trong trận đánh bảo vệ Matxcơva.

Thế giới còn đang cố tranh cãi xem, ai là người chiến thắng chủ nghĩa phát-xít. Sau này đọc sách con sẽ thấy những câu nói như thế này được trích dẫn một cách có chủ ý: “Họ (Phương Tây) cứ trì hoãn mãi việc mở mặt trận thứ hai. Cũng chẳng sao, chúng ta sẽ chiến thắng Hít-le mà không có họ.” (Stalin nói với Nguyên soái G.K. Zhukov, trích trong hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ” của Nguyên soái.)

Nước Mỹ cùng Đồng minh Anh và Pháp mãi tháng 7 năm 1944 mới mở Mặt trận thứ hai ở Châu Âu, trước đó nước Mỹ chỉ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương, với nước Nhật. Bom đạn chưa rơi trên lãnh thổ nước Mỹ. Chính vì thế để đưa quân đi sang lãnh thổ khác, đó là sinh mạng những người con của nước Mỹ, họ cũng sẽ phải mất thời gian để tìm sự đồng thuận.


Chúng ta sẽ không phủ nhận những công lao to lớn đó, chẳng hạn nước Mỹ bằng sức sản xuất to lớn của mình đã hỗ trợ cho quân Đồng minh nhiều đến như thế nào. Công bằng mà nói, công lao của Chiến thắng, phải thuộc về nhân loại.

Ba kể cho con khi những hình ảnh từng đoàn quân diễu hành qua Quảng trường Đỏ Matxcơva. Con biết không, khi những người lính hoàn thành nhiệm vụ, người chỉ huy của họ bao giờ cũng nói một câu: “Cảm ơn đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ!” Nhưng người lính Liên Xô thời đó họ không nghĩ về mình, họ trả lời:

“Chúng tôi phục vụ Liên bang Xô-viết!”

Và bây giờ, khi đất nước vĩ đại đó không còn nữa, thì những người lính vẫn tiếp tục trả lời một cách tự hào:

“Chúng tôi phục vụ nước Nga” – “Chúng tôi phục vụ nước Ucraina…”

Con có nhớ trong những bộ phim về chiến tranh, kể cả những người lính Mỹ khi chuẩn bị hi sinh cùng nhau, họ nói “Tôi vinh dự được phục vụ cùng anh!” và người kia trả lời “Vinh dự là của tôi!”

Đó là lòng tự hào của người lính, những người buộc phải cầm súng bảo vệ Tổ Quốc. Họ không cần phải được trở thành anh hùng hay được thưởng huân chương, và cũng chẳng cần được chiến đấu cạnh người anh hùng. Họ chỉ nhận thấy vinh dự được phục vụ Tổ Quốc bên cạnh những người lính chân chính, trung thành với Tổ Quốc. Niềm vinh dự đó không gì có thể sánh được. Với họ, người đã chia sẻ với họ miếng bánh lúc giặc vây, chia với họ tấm áo bạt trong đêm mưa rừng mới chính là người anh hùng.

Nếu là ba, ba cũng sẽ rất tự hào và xúc động nói với người đồng đội của mình: “Tôi rất vinh dự…” và hơn hết, ba sẽ nói thầm với Tổ Quốc “Tôi vinh dự được phục vụ Người.”  

Ba không muốn nói với con nhiều về chiến tranh, vì từ xưa đến nay ba chỉ muốn dạy con lòng yêu thương, nhưng không thể có lòng yêu thương tất cả mọi người đang sống trên trái đất này, từng lá cây, ngọn cỏ… mà không yêu những người xung quanh, yêu nhân dân của mình, yêu Tổ Quốc của mình.

Khi đất nước có chiến tranh, chúng ta sẽ phải lên đường để bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ những người yêu thương nhất, và bảo vệ hòa bình. Nhiệm vụ của người lính là cực kỳ nặng nề và có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Họ bước vào trận đánh không mong mỏi được trở thành anh hùng, mà trên vai họ là gánh nặng kinh khủng của việc phải cầm súng lấy đi mạng sống của người khác, và mình cũng có thể sẵn sàng chia tay cuộc đời bất cứ lúc nào. Họ bước vào trận đánh với hình ảnh của những người thân yêu trong tim, và nếu ngã xuống, họ cũng mang theo những hình ảnh đó.

Cũng trong cái tháng có sinh nhật con, đất nước Việt Nam chúng ta kỷ niệm một chiến thắng nữa, là Chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt 100 năm đất nước là thuộc địa của nước Pháp. Đó là những sự kiện lịch sử chúng ta không được phép quên. Đất nước ta cũng là một đất nước nhiều đau thương và mất mát vì chiến tranh.

Trong suốt lịch sử của mình, con người chưa bao giờ gặp một con quỷ nào đáng sợ hơn thế, con quỷ chiến tranh. Và hôm nay, ba lại nói với con nghe những câu chuyện về chiến tranh, về người lính, về nghĩa vụ với Tổ Quốc.

Không có gì là không thể xảy ra, kể cả chiến tranh. Nếu điều kinh khủng đó xảy ra, thì những thanh niên đầu xanh tuổi trẻ sẽ lên đường đầu tiên, với thế hệ của ba mẹ, họ không khác gì con, vì có thể chính con cũng phải lên đường. Có thể con không thể hình dung ra được những vết thương vô hình trong tim của các bậc cha mẹ tiễn con lên đường, vào chiến tranh. Con có biết không, hầu hết những người lính hi sinh trong chiến tranh đều là những thanh niên rất trẻ, mười tám đôi mươi. Đó là những chú bé, đúng nghĩa của nó.

Khi những chú bé đó cầm súng bắn vào nhau trong chiến tranh, họ cũng đã từng hỏi “Chúa đứng về phía ai, ta hay họ?” – là con quỷ lòng tham của con người gây ra chiến tranh đấy con ạ, Chúa không can thiệp được vào tâm địa của con người khi họ quá u mê và tham lam. Để ngăn chặn chiến tranh, cách tốt nhất là mỗi người hiểu rằng cái lòng tham, sự hận thù… mới là thủ phạm chính gây ra chiến tranh.

Ba chỉ mong dạy được con lòng yêu thương, và hiểu đó là cái gốc của lòng dũng cảm. Khi người ta đã có lòng yêu thương đối với hết thảy những gì xung quanh, thì người ta cũng sẽ rất dễ chiến thắng bản thân để có được lòng dũng cảm.


Chúng ta là những con người hết sức nhỏ bé trước nhân loại và lịch sử, chúng ta không làm được gì nhiều để ngăn chặn chiến tranh. Nhưng chúng ta cũng không nên quên, điều rất lớn chúng ta làm được, là yêu thương. Hãy yêu quý tất cả những con người bình dị xung quanh chúng ta, cả những người chưa gặp trên mạng xã hội, cả những người không quen biết ở tận đâu đó bên kia trái đất.

Lòng yêu thương có sức mạnh rất lớn, khi nó được nhân lên gấp bội từ mười người, trăm người, vạn người, triệu người. Nhưng nó sẽ không có gì cả nếu từng người chúng ta không có lòng yêu thương.

Còn bây giờ, thì con học bài đi nhé, học tập và rèn luyện sức khỏe, cũng là một phần của nhiệm vụ bảo vệ cho hòa bình.

Ba rất yêu con, con trai của ba.


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment