Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, February 17, 2017

Từ nay có khỏi dứt “tiểu đường?”

Từ lâu mọi người hay nói đùa có “tiểu đường” bị công an phạt, có loại tiểu đường mà không biết đường chữa chạy thì chỉ có chết. Bài viết này đề cập đến loại “tiểu đường” thứ nhất, tức là “tè bậy” ở ngoài đường.

Số là từ 1/2/2017 mức xử phạt hành chính đối với hành vi “phóng uế nơi công cộng” (cả tiểu tiện và đại tiện) sẽ bị áp dụng mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Vấn đề môi trường đi kèm với văn minh đô thị vốn đã và đang là vấn nạn ở các thành phố trên toàn quốc, đặc biệt là ở Hà Nội. Mặc dù là thủ đô, trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị nhưng chính câu chuyện “phóng uế nơi công cộng” lại trở nên khiếp đảm hơn bất cứ nơi nào khác. Không cần đi đâu xa, chỉ cần đến phố Phùng Hưng giao với Đường Thành – Cửa Đông có một vườn hoa tam giác có từ thời Pháp thuộc, trên đó tọa lạc một trạm biến thế. Cả mấy mặt tường của trạm là bấy nhiêu “nhà vệ sinh thiên nhiên,” nó tự nhiên và được sử dụng “hiệu quả” đến mức nước tiểu chảy thành dòng như suối xuống cống. Bên kia đường, trên hè phố Phùng Hưng dưới chân đường tàu hỏa trên cao là bãi đỗ xe có thu phí, tình trạng cũng tương tự. Các lái xe thường xuyên đỗ ở đây cũng quen với việc “đã đỗ xe, không đi ra sau xe, nếu có đi ra sau xe, chỉ để đi… tè.” Đáng chú ý là ngay trên vỉa hè này có một nhà vệ sinh công cộng có thu phí.

Việc hành vi “tè bậy ị bậy” ngoài đường sẽ bị phạt nặng chắc chắn sẽ làm dấy lên trong dư luận những bàn cãi, và cũng chắc chắn sẽ đặt ra cho xã hội và các cơ quan chức năng nhiều câu hỏi…

Ai là người sẽ phải nộp phạt?

Đó là những người lao động thường xuyên “đánh bóng mặt đường,” như mới đây ba lái xe taxi bị Công an quận Hoàng Mai xử phạt mỗi người 2 triệu đồng vì hành vi “tè bậy.” Các bác xe ôm, bán hàng rong, đồng nát… và thậm chí ngày nay xung vào đội ngũ có thêm cả các “síp-pơ” (shipper) đều có thể là những “đối tượng tiềm tàng” bị xử phạt.

Chúng ta có thể loại ra những du khách nước ngoài – vì chính họ lại ít sa vào tình cảnh tréo ngoe là “cứng cả bụng” nhưng không tìm ra chỗ. Bạn tôi làm công ty du lịch kể, hướng dẫn viên bây giờ phải thuộc nằm lòng những điểm có thể đưa khách đi… vệ sinh, đặc biệt là ở khu phố cổ. Để bảo vệ uy tín công ty, những khoản phí vệ sinh này hướng dẫn viên lặng lẽ trả tiền về công ty thanh toán. Hiện nay ngành du lịch đang trong tình trạng cạnh tranh khá khốc liệt, việc lo liệu đến cả vấn đề vệ sinh cho du khách ở Hà Nội và Sài Gòn cũng đã được đưa vào “chương trình hành động.”

Khách du lịch vãng lai đến Hà Nội mà loanh quanh hồ Hoàn Kiếm, thông thạo một chút thì khỏi lo, vì quanh hồ có vài nhà vệ sinh công cộng và miễn phí. Ngoài ra chỉ cần đi khỏi bán kính quanh hồ vài trăm mét nữa thôi là… hết miễn phí, và thậm chí tìm được chỗ mà “giải quyết nỗi buồn” cũng khó.

Ngay bản thân chúng ta hôm nào phải đi ngoài đường nhiều mà sơ ý cũng khốn khổ, cố mà chạy về đến nhà không biết có kịp không nữa.

Ai là người đi xử phạt?

Như ví dụ trên đây, người xử phạt là cơ quan công an Quận Hoàng Mai. Theo Luật xử phạt hành chính năm 2012, việc xử phạt hành chính có thể thuộc thẩm quyền của nhiều người, và thông thường thì những lĩnh vực thuộc hoặc gần gũi với trị an và nếp sống công cộng như thế này sẽ được giao cho cơ quan công an, từ cấp phường xã trở lên.

Tất nhiên đến đây sẽ nổi lên câu hỏi, rằng làm như thế nào có thể phạt được hết vì “đặc thù” của hành vi vi phạm là diễn ra rất nhanh, người vi phạm cũng thường phải tìm nơi khuất nẻo ít người qua lại để “hành sự,” đồng thời “tang chứng” chỉ có mỗi vệt nước khai khai mà khó chứng minh được ai là tác giả. Có những đoạn đường to nhưng còn vắng vẻ thì có thể có camera để phạt nguội, nhưng không nhẽ sẽ phải đầu tư thật nhiều camera lắp ở những nơi khuất nẻo, heo hút đó chỉ để phục kích người tè bậy?

Đâu là giải pháp?

Câu chuyện vẫn là luẩn quẩn “con gà hay quả trứng cái gì có trước?” Phạt thật nặng để người ta khiếp mà không tè bậy nữa, rồi lấy tiền phạt được đi xây nhà vệ sinh; hay xây nhà vệ sinh trước và đi phạt tiền thật nặng đề bù vào?

Theo thiển ý của người viết, chúng ta cần phải áp dụng song song cả hai hướng. Phạt là cần thiết nhưng cần mạnh dạn bỏ ngay tư duy phạt thật nặng để răn đe, như là hình thức “dọa” xuất phát từ đó mới đi xây dựng hạ tầng. Làm như vậy sẽ sa vào tình trạng bấy lâu nay Việt Nam ta vẫn mắc, là luật ra rồi nhưng không thực hiện được, gọi là “quy định trên trời.” Đến lúc đó thì số trường hợp bị xử lý chắc không thấm vào đâu so với số trường hợp không xử lý được. Đồng thời cũng không phải là quy định mức phạt thạt nặng, mong người ta vi phạm thật nhiều để thu được nhiều tiền phạt. Nếu như vậy thì thành phố khai rình lên rồi, còn lấy đâu ra môi trường sạch sẽ nữa.

Cần phải đầu tư cho hạ tầng trước, và đặc biệt là phải bỏ ngay tư duy “phải thu tiền,” một trường hợp xử phạt được đủ trả tiền cho 3000 người đi tiểu tiện, nếu thu 1000 đồng kia mà? Hãy nhìn ra xung quanh, như Singapore nhà vệ sinh khắp nơi và hoàn toàn miễn phí, và đương nhiên mức phạt cho “tiểu đường” thuộc hàng khủng. Nam Ninh, thành phố lớn của Trung Quốc gần chúng ta nhất cũng miễn phí, đôi chỗ chỉ phải trả tiền mua giấy vệ sinh…

Ở phạm vi xa hơn, cần phải nghĩ đến một thành phố tương lai hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân – còn nhiều xe máy, ô tô cá nhân thì còn khó phát huy tác dụng của nhà vệ sinh công cộng. Đi “tè được một bãi” mà mất cái xe máy hoặc chí ít, 5000 đồng gửi xe là việc chẳng ai muốn cả.  

Để có được một môi trường sạch sẽ, không chỉ là việc phạt thật nặng – mà cần những tư duy lớn hơn, như quy định được có phải được thực hiện nghiêm minh, và quy định này phải nằm trong một tổng thể phát triển chiến lược, ví dụ như hạn chế xe cá nhân trên đây tôi đã viết.

Từ góc độ người dân, “tư duy lớn” không phải là gì to tát, ngoài việc “không tiểu đường” còn từ những việc mạnh dạn bỏ xe máy, ô tô ở nhà, đi gần gần đi bộ hoặc xe đạp. Ngày hôm nay chúng ta không làm việc nhỏ, sẽ chẳng bao giờ toàn xã hội đạt được những điều gì lớn hơn…

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment