Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, September 17, 2016

Phản biện GS Ngô Bảo Châu về “phẫn nộ tạo động lực phát triển xã hội”

Sau khi viết bài “Tôi và Ngô Bảo Châu” đã nhận được nhiều ý kiến, cả đồng tình lẫn phê bình – và thực sự tôi rất lấy làm cảm kích vì nhờ những lời phê bình đó mà tôi có thể viết lại bài đó thành một bài báo hoàn chỉnh. Về nguyên tắc, tôi vẫn giữ nguyên nhãn quan của mình, nhưng rút kinh nghiệm một số ý được trình bày với một cách khác, đỡ gây hiểu lầm hơn.

Có một người bạn gửi cho link dẫn đến bài báo từ năm ngoái về buổi giao lưu ra mắt sách “Kẻ trăn trở” của TS Lương Hoài Nam. Đáng chú ý ở buổi giao lưu này, GS Ngô Bảo Châu nói “Người biết phẫn nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

GS Châu đưa ví dụ về một người Ấn Độ Kailash Satyarthi - một người Ấn Độ được giải Nobel về hoà bình, từng có bài giảng cũng với tiêu đề “Hãy phẫn nộ.” Ông Satyarthi phẫn nộ về tình trạng trẻ em Ấn Độ phải làm nô lệ trong những điều kiện lao động khổ sai và đấu tranh để chống tình trạng đó. Chuyện thực ra không có gì đáng nói, nhưng do trong bài báo có một câu “Ấn Độ là đất nước của Phật Giáo và Ấn Độ giáo” nên tôi cũng muốn có đôi ý kiến, vì e rằng câu này sẽ làm cho nhiều người nhầm rằng, phải chăng nhãn quan “cần phẫn nộ” sẽ được chia sẻ bởi tinh thần Đạo Phật?

Thực tế, Ấn Độ không phải là đất nước của Phật giáo, vì người dân theo Đạo Phật ở Ấn Độ chỉ chiếm có 3% dân số mà thôi. Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo như Hindu (Ân giáo), Kỳ Na Giáo, Đạo Sikh… Nếu nói đất nước nào là đất nước của Đạo Phật, thì phải là Thái Lan, Myanmar chứ không phải là Ấn Độ. Ấn Độ chỉ là quê hương của Đạo Phật, nơi Thái tử Tất-đạt-đa sinh ra là một trong những “xứ Ấn Độ”, bản thân vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã sinh ra Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa), người sau này trở thành Phật Thích Ca; nay cũng thuộc về Nepal.

Những gì mà ông Satyarthi gặp trong ví dụ của GS. Châu, chính là sự phân biệt giai tầng xã hội đặc thù của xã hội Ấn Độ, có nguồn gốc từ Bà La Môn mà bây giờ là Ấn Độ giáo (đạo Hinđu.) Ngay từ thời của Đức Phật, Ngài cũng đã phải đấu tranh với những tư tưởng của Bà La Môn để bảo vệ quan niệm của mình về con đường đúng đắn đưa con người đến giác ngộ và giải thoát.

Từ góc độ Đạo Phật, nếu nhìn vào sự việc bóc lột sức lao động trẻ em như nô lệ, sự thương cảm của ông Satyarthi với nỗi đau của đồng loại khi nhìn thấy những đứa trẻ đang làm việc khổ sai là chính đáng. Nhưng điều này chưa đủ, Đạo Phật sẽ nhìn cả về phía những người đang hành hạ và bóc lột trẻ em kia, với cái nhìn bao dung vào yêu thương; vì chính họ cũng đang sai lầm.

Nếu họ được cảm hóa, thì biết đâu họ vẫn sử dụng lao động trẻ em nhưng với một cách khác, công việc khác… phù hợp lứa tuổi và sức khỏe. Dù sao thì chúng là con nhà nghèo và lượng gia đình nghèo ở Ấn Độ là rất lớn, xã hội vẫn cần lao động trẻ em để phụ giúp gia đình.

Lịch sử đã có nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đến kiểm tra cơ sở sản xuất sử dụng lao động trẻ em trái luật, rồi chính trẻ em và gia đình của chúng phản đối cơ quan kia vì làm như thế chúng sẽ mất việc làm.

Đó chính là cách nhìn nhận của Đạo Phật – không coi ai là kẻ thù cả. Chính vì thế, phương pháp đấu tranh của Đạo Phật là cảm hóa trong sự yêu thương; dùng chính mình, những hành động tốt đẹp của mình làm gương mà người khác cũng có thể thay đổi được.
Chúng ta cần hiểu ý của GS. Châu một cách khách quan, thực ra sự trăn trở của GS là đúng đắn và trong sáng, khi nhìn thấy một xã hội có quá nhiều điều lệch chuẩn, mất đi quá nhiều giá trị nền tảng trong khi dường như con người càng ngày càng trở nên vô cảm hơn.

Đạo Phật sẽ giải thích nguyện vọng này của GS Châu là một nguyện vọng của thế tục (tạm hiểu là đời thường), nó sẽ phù hợp với mong muốn chung của mọi người có lương tri, muốn lập lại một trật tự xã hội quy củ hơn, có một xã hội tốt đẹp hơn. Do đó, GS. Châu đặt vấn đề “cần phải phẫn nộ” – trước ví dụ ông Satyarthi, GS dẫn một nhân vật nổi tiếng khác là cụ Stéphane Hessel với cuốn sách “Hãy phẫn nộ” của cụ. Tôi tiếc là không được biết nội dung cuốn sách, nhưng cũng có phần e ngại vì tựa đề của nó.

Là những người có đạo đức và lương tri, chúng ta “phẫn nộ” và hướng sự chú ý của mình đến các đối tượng mà chúng ta cho rằng đang có những hành động sai trái, lệch chuẩn. Đây là cách hành xử dễ hiểu và dễ nhận biết nhất theo ý nghĩa thế tục. Tuy nhiên, thực ra đó là thái độ nôn nóng muốn cải tạo xã hội. Điều này đúng đắn, nhưng có hại.

Khi “phẫn nộ” chúng ta sẽ mất bình tĩnh, mất đi sự yêu thương cần có dành cho cả trẻ em nô lệ lẫn những “chủ nô.” Theo triết lý của Đạo Phật, họ cũng là đối tượng cần phải yêu thương chứ không phải là lòng căm thù. Cần thay thế “phẫn nộ” bằng sự yêu thương.

Nếu đấu tranh bằng sự đối đầu, nhẹ thì đấu khẩu, nặng thì đấm đá bạo lực hay súng ống dao kiếm… mãi mãi dẫn con người đi vào đường thù hận không bao giờ thoát. Đức Phật chỉ, chỉ có con đường yêu thương mới dẫn con người thoát khỏi bể trầm luân, khổ nạn.

Tại sao vậy? Theo học Phật thì sẽ biết, ai cũng đầy khuyết điểm và không hoàn hảo, ta cho rằng ta đúng trong trường hợp này nhưng trong rất nhiều trường hợp khác ta không đúng. Và chính cái đối tượng ta hướng tới đó, cũng cho rằng họ là đúng chứ không phải là ta. Vì không bao giờ thống nhất được với nhau (ít khi lắm) nên chắc chắn chúng ta sẽ cãi cọ nhau, đối đầu với nhau. Cuộc đấu tranh cứ thế diễn ra bất tận, không bao giờ có hồi kết.


Chúng ta chỉ cần nhìn vào ví dụ, kể cả khi chúng ta có nhẹ nhàng đến mấy, kiên nhẫn đến mấy vẫn có những trường hợp không thể thuyết phục được người khác. Nhưng nhẹ nhàng đến thế còn chẳng thuyết phục được người ta nữa là dùng sự đối đầu.

Vậy Đạo Phật tham gia cải tạo xã hội như thế nào? Ngày ngày nhìn thấy đầy những thói hư tật xấu ngày ngày diễn ra xung quanh chúng ta, những những khiếm khuyết của chính quyền, nạn tham nhũng và sự xuống cấp về đạo đức xã hội… một người có lương tri không thể không bức xúc. Nếu theo đề nghị của GS. Châu, chúng ta sẽ chọn cách hành xử “phẫn nộ.” Chúng ta bực dọc với chính quyền, nhưng chúng ta không nhớ ra, chính quyền là những con người bằng xương bằng thịt không khác chúng ta. Khi xong cuộc sống công việc, về với gia đình họ (những người trong hệ thống công quyền) lại là họ, họ chẳng khác gì chúng ta, họ cũng có quyền được sống như chúng ta, và chắc chắn, họ có quyền “phẫn nộ” y như chúng ta.

Đức Phật thì dạy không có người xấu, chỉ có người làm việc làm xấu. Nếu họ nhận ra và không làm nữa, thì họ là người tốt rồi còn gì! Đạo Phật dạy chúng ta những điều hay điều tốt, giáo dục và thuyết phục, không xỉ vả, không chủ trương bạo lực. Trước những việc làm chưa tốt, những bất công trong xã hội, Đạo Phật vẫn chủ trương phản biện một cách trí tuệ nhưng với tâm từ bi, yêu thương những người còn mê lầm làm điều xấu.

Đơn cử, từ khi đọc những giáo lý của Đạo Phật, tôi vẫn tham gia viết những bài báo phản biện xã hội, nhưng vì giáo lý dạy không nói lỗi người, nên bao giờ tôi cũng viết “chúng ta còn những khiếm khuyết” và quán chiếu, nhìn thấy chính mình trong đó, còn nhiều điều chưa tốt đẹp cần sửa chữa. Đó là hiệu lực giáo dục của Đạo Phật.

Quản lý một xã hội cần có nhiều thiết chế để điều chỉnh, như pháp luật của Nhà nước là công cụ mạnh mẽ nhất và hữu hiệu nhất, sau đó là các quy phạm đạo đức và các hệ thống tư tưởng tín ngưỡng và tôn giáo cũng là những hệ thống có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ. Đạo Phật không tách rời khỏi xã hội, mà hỗ trợ tích cực các thiết chế trên để cùng đưa xã hội đi đến trạng thái tốt đẹp hơn.

Khi một xã hội mà nền pháp luật (là thiết chế rất mạnh, có cả bộ máy đảm bảo như quân đội, cảnh sát) bị “nhờn,” con người không còn sợ pháp luật thì lúc đó các niềm tin Tôn giáo, tín ngưỡng, các quy phạm đạo đức sẽ cố gắng làm trách nhiệm của mình. Tất nhiên dựa trên sự tự giác của con người mà không có cơ chế đảm bảo (hình phạt chẳng hạn) thì nhiệm vụ của những thiết chế này trở nên khó khăn hơn nhiều.

Chúng ta sẽ băn khoăn, rằng đấu tranh theo kiểu Đạo Phật như vậy yếm thế quá, phải có sự trừng phạt người ta mới sợ, mới nghe. Cũng sẽ có câu băn khoăn khác, rằng cách đó của Đạo Phật e lâu la quá chăng? Thực tế đặt câu hỏi như vậy là tách rời Đạo Phật ra khỏi xã hội, hay nói cách khác là tách rời Phật pháp khỏi pháp thế gian. Phật pháp không tách rời khỏi pháp thế gian, mà Phật pháp giúp các pháp thế gian dìu dắt con người cùng toàn thể xã hội tiến tới trạng thái và chỗ tốt đẹp hơn.

Điểm quan trọng, là Đạo Phật dạy con người yêu thương, diệt trừ sân hận – điều rất nguy hại cho từng cá nhân con người và tổng thể toàn xã hội. “Một lần sân hận đốt cháy rừng công đức” – trong khi đó nếu chúng ta cần phẫn nộ, thì trạng thái tâm lý đó đã rất gần sự sân hận rồi. Trên bình diện toàn xã hội, một xã hội phẫn nộ, đầy sân hận thì chỉ có làm cho tình trạng bạo lực càng lên cao đến mức bùng phát không kiểm soát được, thì tai họa sẽ đến.

“Phẫn nộ” vì thế không làm cho xã hội tốt đẹp hơn, mà làm cho toàn xã hội càng nhiều nhiễu nhương, bạo lực hơn, hận thù hơn và xấu xí hơn. Xin kết bằng một câu của một người bạn nhận xét sau khi đọc bài báo: “Nếu quả thực giáo sư Ngô Bảo Châu có quan điểm khuyên người ta biết phẫn nộ thì có thể nó phù hợp với quan niệm đấu tranh của xã hội, nhưng không phù hợp với quan điểm nhà Phật. Phẫn nộ sinh sân hận, chắc chắn không thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn mà chỉ làm cho oan oan tương báo không có hồi kết.”

Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment