Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, January 22, 2016

“Lấy giới làm thầy”

Mình có thằng bạn, nói chính xác là bạn của bạn sau cũng thành bạn, quen dắt dây ấy mà – ngoài nghề chính là giảng viên đại học Mỹ Thuật, nó còn có thêm nghề thày cúng. Mình đặt cho nó cái tên “V. phù thủy.”

Đến nhà thấy cậu chuyên nghề mặc cái áo thụng màu nâu, mái tóc dài bẩn bẩn, mặt gầy xương xương đen đúa, chẳng giống ai. Đi lại uy nghi kiểu “cốt cách Tiên Phật” nhưng thực chỉ là một vai diễn vụng. Thằng cha này ăn nói thì ba lăng nhăng lắm, có lần nó bảo: “Mấy ông sư Ấn Độ đầu tiên đến truyền bá Đạo Phật ở Việt Nam [1] cũng lấy vợ sinh con đẻ cái ở đó. Tôi sẽ tu thành chính quả bằng cách… ngủ với gái (!!!!!)” – Chết dân!

Tất nhiên nó là thằng ăn nói lăng nhăng, hành nghề thày cúng chứ không có theo tí ti cái gì có thể gọi là Đạo Phật được.

Đọc kinh điển có truyện một vị Đại sư khi đến một quốc gia có Quốc vương sùng đạo, trước khi được diện kiến nhà vua, ông được tiếp đãi. Lính hầu bưng cho ông món chim quay, nhưng dọc đường từ cung vua đến hội quán, nó thèm quá chén mất một cái chân con chim. Vị Đại sư vẫn điềm nhiên ăn hết con chim quay, nhà vua nghe thế thất vọng lắm. Khi diện kiến, sự thất vọng này không che giấu nổi, nhà vua bèn thổ lộ thì Đại sư khạc một cái, ra con chim còn sống nguyên đủ cả lông cả cánh, bay vù đi. Tiếc là nó còn thiếu một cái chân, ra con chim què. Đại sư: “Cái đó ta không ăn, nên không trả lại cho nhà vua được.”

Câu chuyện kể về những người tu hành khi đã đạt được cảnh giới, quả vị nào đó thì có được những khả năng thần thông. Với những người đó có thể không ăn, hoặc ăn rất ít trong một thời gian dài chẳng hạn. Những khả năng phi thường của những người Yoga Ấn Độ chúng ta nghe rồi… Với người theo Đạo Phật thì không sát sinh là một trong các “giới,” dù không hẳn là cấm, nhưng khuyến khích ăn chay để đỡ sát sinh càng nhiều càng tốt. Tất nhiên bao giờ cũng có ngoại lệ, như ở Tây Tạng thiếu thốn, nghề chăn nuôi phát triển là chủ yếu, ít cây cối, thì kể cả nhà tu hành cũng phải ăn thịt.

Một khi đã theo Phật, hoặc xưng là con Phật, thì phải giữ giới. “Ngũ giới là năm giới, năm điều khuyến khích, phải giữ của người Phật tử tại gia. Sở dĩ đức Phật đặt ra năm giới, vì Ngài mong muốn cho người Phật tử tại gia hưởng được quả báo tốt đẹp. Người Phật tử không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới. Người đã quy y là đã bước một nấc thang đầu tiên, nếu không giữ giới có nghĩa là dừng lại tại đó, không tiến bước tới nữa. Năm giới này không những để tiến bước trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội.” (Trích Wiki.)

Ngũ giới gồm có “không sát sinh,” “không trộm cắp,” “không tà dâm,” “không nói dối (nói lưỡi hai chiều),” “không uống rượu (và các chất say sưa khác).”

Mình không muốn đi sâu vào đề tài giữ giới như thế nào, chỉ liệt kê vậy thôi. Điều đáng nói là có vài bạn trẻ gần đây cũng bắt đầu học Phật, nhưng vẫn uống rượu, hút thuốc lá… bình thường. Họ tuyên bố rằng họ “uống rượu để phá chấp!” – nghĩa là họ cho rằng việc ngăn mình không uống rượu, là một cái “chấp” và họ tin rằng, cho rằng họ uống rượu nhưng vẫn có thể tu học được đạt thành tựu, vì họ phá được “chấp.” Từ đó họ mở rộng ra nhiều điều kỳ quặc khác. Xin nhớ rằng, khi nào chúng ta khạc ra được con chim sống mà hôm qua nó còn là con chim quay, thì hẵng tính chuyện phá giới để làm gương phá chấp cho người khác. Còn thì chúng ta sống trong thời mạt Pháp, tà nhiều hơn chính, người nói nhảm nhiều hơn người nói chánh Pháp, đặc biệt là xã hội suy đồi, người người u mê… như hiện nay chủ yếu do con người chúng ta, (lại) đặc biệt người Việt Nam càng u mê, tham lam, sân hận, u mê hơn nữa thì hầu như không có điều kiện để mà tu lên đến mức khạc ra chim sống đâu.

Đến như các vị rõ ràng là Đại sư đáng kính, như các cụ Phổ Tuệ, Nhất Hạnh, Viên Minh, Thanh Từ… cũng kiên quyết giữ giới, nữa là chúng ta người phàm. Không nhẽ Đức Phật dạy phải giữ giới, là dạy chúng ta sa vào “chấp” à?

Mình chỉ nghĩ đơn giản như thế này, đến ba cái chén rượu, điếu thuốc còn nuông chiều bản thân mà không bỏ được, thì không nên thánh tướng nói Pháp.   

Trong xã hội chúng ta ngày nay sẽ gặp nhiều thày cúng kiểu như ông bạn trên đây, khi cúng họ cũng đọc kinh Phật, nhưng bày ra nhiều trò bùa ngải, sớ… lại thêm những chiêu soạn công văn xin này xin khác, lên Thần này Thánh nọ, lên cả Ngọc Hoàng… nhưng họ vẫn ăn như thuồng luồng từ cái nhỏ là bát tiết canh đến cái lớn như sơn hào hải vị, thậm chí dám cả tà dâm lung tung với giải thích cuồng điên là bậc thánh nhân không cần giữ giới và làm thế có khi còn cho người khác hưởng phước.

Đó là hành động của ma, không phải của những nhà tu hành và Phật tử chân chính. Tu học là “tránh ác, làm lành.” Giữ giới chính là tránh làm điều ác, chưa làm lành được thì vẫn phải tránh ác trước đã.

Xin kết thúc bằng một điển tích. Khi Đức Phật Thích Ca chuẩn bị nhập diệt, các đệ tử của Ngài băn khoăn hỏi: “Khi Thày nhập diệt rồi chúng con biết dựa vào ai?” “Các con hãy lấy giới làm thày.”

[1] Các tăng sỹ Ấn Độ, tiêu biểu là Khâu-đà-la đã tới vùng chùa Dâu (Luy Lâu) nay thuộc Bắc Ninh truyền bá Đạo Phật đầu tiên.

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment