Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, December 18, 2015

Hai “mặt trận,” một “ván cờ” của tổng thống Putin


Trong suốt 2000 năm, Địa Trung Hải, một vùng biển trung tâm của thế giới có vị trí địa lý vô cùng quan trọng, nên cũng là một khu vực có nhiều tranh chấp với những cuộc chiến tranh liên miên từ thời Homer viết trường ca Iliad đến thời không quân của Putin vẽ những vệt khói lên bầu trời Syria.

Từ giữa thế kỷ 19, công trình kênh đào Suez được tiến hành gắn liền với tên tuổi của công trình sư Ferdinand Marie de Lesseps, đã làm cho Địa Trung Hải trở thành con đường thông thương hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới cho đến tận bây giờ. Thông qua eo biển Gibraltar rồi kênh đào Suez, đường thông từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương đã được rút ngắn đáng kể. Địa Trung Hải là cầu nối giữa ba châu lục: Châu Âu, Châu Á và Châu Phi.

Địa Trung Hải còn là biển cửa ngõ thông ra thế giới của Biển Đen. Với những nước chỉ có Biển Đen là biển duy nhất như Bulgaria, Georgia, Romania, Ukraine… thì Địa Trung Hải là cực kỳ quan trọng. Với nước Nga, vốn có bờ biển phía bắc và đông bắc thường xuyên bị đóng băng, thì việc tiến ra đại dương ở phía nam cũng hết sức sống còn trên con đường phát triển.

Chiến lược Địa Trung Hải của Nga có lẽ đã bắt đầu từ vài thế kỷ trước, khi Pie Đại Đế đưa nước Nga thoát khỏi bóng tối, từng bước trở thành cường quốc, đặc biệt là cường quốc hải quân. Năm 1696, quân Nga chiếm pháo đài Azov (Chiến dịch Azov lần thứ hai, bộ phận của Chiến tranh Nga – Thổ 1686–1700,) bàn đạp từ đây đã vững chắc trên Biển Đen và từ đó tiếp tục tính toán đến Đông Địa Trung Hải.

Suốt từ thời đó đến nay, đặc biệt là giữa thế kỷ 20 với sự lớn mạnh của Liên Xô, nước chiến thắng trong Đệ nhị thế chiến và cả thời kỳ nước Nga sau này của V.Putin, Đông Địa Trung Hải luôn luôn là “phần mở rộng” của Biển Đen, do đó Biển Đen cũng luôn là một phần của chiến lược Địa Trung Hải.

Tháng 8/1941, Hồng quân Liên Xô đã phối hợp với quân đội Anh quốc đưa quân vào Iran để ép nước này trục xuất những kiều dân Đức đang sinh sống ở đây, đảm bảo cho Iran sẽ không trở thành nước thân Đức trở thành vùng đệm rất tốt để tấn công Liên Xô theo hướng phía nam. Đến cuối chiến tranh, Liên Xô đã có cổ phần trong một số công ty khai thác dầu khí ở Iran. Ngoài ra, Liên Xô còn có những vai trò tích cực ở Iraq cũng trong giai đoạn này.

Từ trước và sau Thế chiến, Liên Xô đều tham gia đàm phán Công ước Montreux và đàm phán lại Công ước này, liên quan đến quyền đi lại tự do của tàu bè qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, nhưng với vị thế của mình sau chiến tranh, thực sự Liên Xô chưa có được thành công mong muốn trong việc đứng chân chắc chắn hơn nữa ở vùng yết hầu của ba châu lục này.

Thập niên 1960 những cố gắng Liên Xô cũng không hề ngơi nghỉ trong khu vực khi can dự sâu sắc vào xung đột Israel – Arab, như cuộc “Chiến tranh 6 ngày” (thắng lợi nghiêng về phía Israel, Liên Xô ủng hộ các nước Arab.) 

Nước Nga của Putin sang những năm 2010 cũng vậy, quan tâm rất nhiều việc quay trở lại thành cường quốc đại dương: ban hành học thuyết biển mới, sáp nhập bán đảo Crimea, và những hoạt động quân sự khá bất ngờ trong thời gian gần đây ở Syria. Tháng 12/2013, công ty khí đốt của Nhà nước Nga Soyuzneftegaz đã ký một hợp đồng với Syria có giá trị 90 triệu đôla kéo dài 25 năm để thăm dò và khai thác khí đốt ngoài khơi Syria. Cho đến nay, cả Israel, Lebanon, Cyprus, và bây giờ Syria đều nhiệt tình hẳn lên trước những dữ liệu thăm dò địa chất của Hoa Kỳ cho thấy trữ lượng khí tự nhiên khổng lồ dưới đáy Địa Trung Hải, ước tính 120 nghìn tỷ feet khối (khoảng 3400 nghìn tỷ mét khối.) Quan hệ Israel – Ai Cập xấu đi, thì quan hệ Nga – Ai Cập lại nồng ấm lên. Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nguội, thì Nga – Thổ lại rất “cơm lành canh ngọt.” Đơn cử, Thổ Nhĩ Kỳ là nước trong NATO, nhưng lại không tham gia trừng phạt Nga cùng các nước phương Tây sau khủng hoảng Ukraine. Cyprus là quốc đảo được đánh giá rất có tiềm năng trong phát triển khai thác khí tự nhiên ngoài khơi, và Nga cũng có chính sách ảnh hưởng khá mạnh đến tình hình chính trị nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng đe dọa Cyprus vì thăm dò trong vùng biển có tranh chấp. Ba năm liên tiếp, Hoa Kỳ, Israel và Hy Lạp tổ chức tập trận hải quân chung, cũng nhằm tranh giành ảnh hưởng đến vùng biển giàu có này.

Tại sao nước Nga, vốn là nước giàu có về dầu khí, lại can dự khá sâu vào vùng biển đầy rắc rối như Địa Trung Hải ngay từ trước thời điểm họ bị trừng phạt do khủng hoảng Ukraine? Câu trả lời khá đơn giản: sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ dầu đá phiến, cũng như biến đổi khí hậu làm giảm lượng cầu khí đốt của châu Âu. Nước Nga có thể chưa cần bán khí đốt từ nguồn Địa Trung Hải, nhưng cần phải có sự đảm bảo không bị cạnh tranh từ chính nguồn này.

Tartus, căn cứ hải quân cuối cùng của Nga ở nước ngoài là trên bờ biển Syria, ngay ngoài khơi là “mỏ khí đốt khổng lồ.” Do đó Nga còn cần phải mở rộng chân đế của mình hơn nữa, như việc được sử dụng một cảng của Cyprus (2/2015), hay có thêm một căn cứ không quân nữa, bước đầu chỉ được dùng cho những mục đích nhân đạo và y tế.

Gazprom, công ty dầu khí Nhà nước của Nga nhẽ ra đã có được những hợp đồng “tầm cỡ” hơn nữa với Cyprus nếu như không có lệnh trừng phạt của Phương Tây lên Nga làm tình hình khó khăn hơn rất nhiều cả về vốn lẫn công nghệ.


Cuối tháng 9/2015, Nga bắt đầu không kích ở Syria, vào các vị trí mà họ nói là của Nhà nước Hồi giáo (ISIS,) một hành động có thể nói khá bất ngờ của Putin ngay sau khi ông ta tuyên bố ở New York hai ngày. Một mặt, chúng ta có thể coi đây là nước cờ “mở mặt trận thứ hai” của Putin, khi mà tình thế của Nga liên quan đến diễn biến Đông Ukraine còn đang chưa có lối thoát. Mặt khác, những hành động quân sự của Nga ở Syria đã mau chóng mang lại sự biến chuyển lớn trong cuộc nội chiến Syria. Quân Chính phủ của tổng thống Al-Assad giành được nhiều thắng lợi và chiếm được một số địa điểm quan trọng về chiến lược. “Chân đế” của nước Nga, bàn đạp tiến ra Địa Trung Hải, ngày càng vững chắc.

Sự kiện máy bay Nga bị rơi ở bán đảo Sinai chưa đủ làm quan hệ Nga – Ai Cập xấu đi, nhưng sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc cường kích SU-24 của Nga làm cho quan hệ hai nước đang thân thiện, xấu đi nhanh chóng. Biến hại thành lợi, Nga mau chóng mở thêm vài căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria, khá gần biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ. Còn phía Thổ, tranh thủ được sự ủng hộ từ NATO, dồn thêm nhiều nguồn lực quân sự về phía biên giới. Tình hình chưa ngã ngũ, chỉ thấy Nga mất đi một đồng minh (Thổ), có thêm căn cứ quân sự cũng không bù được. Lần thứ hai kể từ năm 1946, Nga lại đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng tay của các đồng minh NATO.

Đánh giá lại hành động của Nga từ cuối tháng 9, chúng ta chợt nhận ra “mặt trận thứ hai” ở Syria, có quan hệ mật thiết với “mặt trận thứ nhất” ở Đông Ukraine. Sáp nhập Crimea, Nga có quân cảng Sevastopol, quân cảng lâu đời gắn với danh tiếng của Hạm đội Nga. Để có đường ra biển cho hạm đội Hắc Hải, Nga phải vững chân ở Đông Địa Trung Hải.

Vậy thì tại sao ông Putin lại hành động có thể coi là “vội vã” hay mạnh bạo đến vậy? Sự tồn tại của chính quyền Al-Assad có quan trọng đến mức Nga phải dồn một lúc nhiều nguồn lực đến vậy, đúng trong thời điểm nước này đang rất khó khăn với tác động kép của lệnh trừng phạt và giá dầu hạ thấp?

Có một lý do khả dĩ chấp nhận được, là việc chính quyền Al-Assad tốn tại hay không, không quá quan trọng; và với lập trường dứt khoát của Phương Tây, thì việc ông Al-Assad phải ra đi có thể đã là chắc chắn. Nga cần phải có quyền là một bên ngồi bên bàn đàm phán. Bây giờ hoặc là không bao giờ, chính vì thế mà Putin cần phải hành động.

Tất cả vẫn chỉ là “ván cờ Địa Trung Hải.”


Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment