Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, October 5, 2015

“Côn Sơn suối chảy rì rầm…”

Con trai bận cả tuần vì những chuyện học hành cũng như hoạt động ngoại khóa, nên cuối tuần này có “kỳ săn” [1] ba vẫn để đến cuối tuần mới thông báo cho cậu ta, rằng lần này đi sẽ có cuộc thi “Tìm hiểu về Nguyễn Trãi và Côn Sơn.” Lúc đó, hai ba con đang đi bộ ra siêu thị gần nhà để mua ít bánh mì và bánh sừng bò, sáng mai dậy sớm ăn sáng rồi đến chỗ hẹn ô tô đón.
 
“Nguyễn Trãi là một mưu sĩ rất giỏi của Lê Lợi, nhờ có công lao rất lớn của Ông mà cuộc kháng chiến chống quân Minh mười năm dành thắng lợi…” “Con nhớ ba ạ, thế này thế này…”

Con trai rất mê lịch sử, nên hắn kể làu làu các chi tiết của cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh, về khởi nghĩa Lam Sơn. Mình còn nhớ trước đây, mình nói với con trai về 20 năm Minh thuộc này của lịch sử nước nhà, 20 năm đen tối với chính sách hủy diệt văn hóa, gần như chặt đứt hết những cái cầu nối giữa lịch sử của chúng ta sau này với những thời kỳ trước đó – mà chúng ta không còn biết từ thời nhà Hồ trở về trước, cha ông ăn mặc phục sức như thế nào, rồi cả dung mạo họ ra sao…

Hai ba con nói chuyện với nhau về câu chuyện bi thảm “Vụ án Lệ Chi Viên”… “Tại sao Cụ Nguyễn Trãi lại bị oan thế nhỉ…” “Vì chính trị con ạ  - chính trị là quan hệ giữa người với người liên quan đến quyền lực. Vua đến nghỉ ở nhà Nguyễn Trãi rồi chết đột tử, ai cũng có thể chết như thế được. Bây giờ thì bảo là đột quỵ hay gì gì đó, hồi đó có khi chỉ biết là cảm nhập tâm chẳng hạn, rồi những cái không rõ, thì người ta nghi ngờ. Nhân tiện có những đại thần ghen ghét với công trạng của Nguyễn Trãi, thì người ta vu oan cho Ông là hãm hại nhà vua. Nguyễn Trãi đã về ở ẩn “vui thú điền viên” tận rừng núi (Côn Sơn bây giờ đi 2 giờ ô tô, ngày xưa đi bộ có mà ốm) nên ông ấy màng gì danh lợi nữa, lại là kẻ sỹ; Ông cùng nhà vua đồng cam cộng khổ chục năm kháng chiến, cái quan hệ đó còn hơn anh em, là đồng chí, đồng đội rồi. Lại trong thời phong kiến, cái mệnh trời ai làm vua, ai làm tôi “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” người ta hiểu rõ lắm, ai tạo phản làm gì…” “Con đọc thấy vợ của Nguyễn Trãi cũng bị xử tử ba ạ.” “Đúng rồi, bà Đặng Thị Lộ.” “Không ba ạ, bà Nguyễn Thị Lộ.” “À đúng rồi, là ba nhớ nhầm. Ba đọc lâu quá rồi.” “Tại sao Nguyễn Trãi bị giết đến ba đời hả ba?” “Chu di tam tộc – giết đến ba đời của ba họ. Họ cha, họ mẹ, họ vợ. Ngày xưa người ta sợ bị trả thù, nên cố giết bằng hết họ hàng của người bị tội. Kinh khủng lắm. Và khổ cái con người cũng nhiều người nuôi chí phục thù cơ, nên thù oán cứ là chất chồng. Bây giờ mình thấy cái đó là kinh khủng, nên học cách không nuôi hận thù, có hận thù thì xóa bỏ con ạ.”

“Mãi sau này đến thời vua nào nhỉ - Lê Tư Thành [2] thì phải – ba đọc trong cuốn “Sao Khuê lấp lánh” ấy, lên làm vua sau những gian truân của cái gọi là “âm mưu chính trị” trong cung đình, thì mới minh oan được cho Nguyễn Trãi.” “Minh oan là gì hả ba?” “Là một người không làm việc xấu, nhưng vẫn phải chịu tội, thì là bị oan, chịu tội oan. Sau này người ta phát hiện ra và công nhận người đó không làm những việc xấu đó, công bố nó lên thì là “minh oan”.”

Buổi tối, mấy ba con mê phim “Thế giới khủng long” quá, hì hục xem đến lúc mẹ nhắc, mới tắt phim để con “luyện thi.” Bôn Ba Nhi Bá giở iPad ra đọc được đúng 10 phút, thì buồn ngủ và cả nhà quyết định đi ngủ mai còn dậy sớm.

Mình không chứng kiến cuộc thi, nhưng thấy một cô phụ huynh trong ban giám khảo kể Bôn Ba Nhi Bá là bạn duy nhất không dùng tài liệu giấy tờ gì, “nói vo” nên không được trôi chảy cho lắm. Bù lại bạn ấy nắm được khá nhiều về niên biểu lịch sử, nhân vật, sự kiện và các con số liên quan. Kết quả, bạn Nam Phước (hơn Nhi Bá một lớp) được giải nhất vì trình bày hay, khoa học… đặc biệt là biết cách viết tóm tắt và cầm theo, trên cơ sở đó trình bày những gì đã chuẩn bị. Nghe phong thanh, bạn Nam Phước đã cùng mẹ chuẩn bị rất kỹ từ trước đó lâu lâu. Đây là kết quả xứng đáng. Bôn Ba Nhi Bá như thường lệ, “chuyên gia về nhì.”

Cậu ta không lấy thế làm buồn, vì đang mê tơi với giải thưởng, một bộ LEGO ráp ô tô (vì giải đồng loạt giống nhau ở “hạng mục chính” chỉ khác nhau những thứ phụ đi kèm theo nên ai cũng sướng như thế cả, có đến 6 bạn được giải cơ.) Tối về cứ là lắp ngay, rồi chơi đến lúc đi ngủ. Sáng hôm sau trước giờ đi học, mình thấy bạn này lại cầm cái ô tô LEGO ráp tối qua xuống ăn sáng, thì tiện thể nói chuyện với cậu ta luôn.

“Con có biết Nam Phước được giải nhất mà chuẩn bị cho cuộc thi như thế nào không?” “Dạ con thấy bảo chuẩn bị và học đến cả tuần.” “Đó, con thấy không, đó là sự chuẩn bị nghiêm túc và dày công mà con cần học tập. Hai lần trước, lần thi tìm hiểu làng Đường Lâm và hai nhân vật lịch sử Phùng Hưng, Ngô Quyền con chuẩn bị khá kỹ, rồi đến thi tìm hiểu hồ Ba Bể thì ba thay đổi cách nhìn nhận những cuộc thi này cho con – bằng kiến thức sẵn có của ba về hồ Ba Bể, nơi ba làm việc trên đó mấy năm, ba kể cho con nghe những câu chuyện, những chi tiết về hồ trong vài hôm, thế là con đủ nắm được mà trình bày. Lần này ba thấy con đã kín lịch hoạt động trong tuần, nên trước một ngày ba mới thông báo cho con về cuộc thi. Ngoài mười lăm phút nói chuyện về Nguyễn Trãi, con còn dùng có… mươi mười lăm phút khác để đọc về Ông trên mạng, mà con lại được giải nhì – cái gì cũng có hai mặt của nó, lợi và hại.” “Là sao hả ba?”

“Ba mẹ không muốn tăng sức ép cho con bằng những cuộc thi thố, biến con thành người ham hố, háo danh, hiếu thắng… nên những cuộc thi như thế này chỉ là trò chơi cho vui thôi, cũng là cách cho các con học thêm, tìm hiểu thêm… như một cách tự nghiên cứu ngoài chương trình con học được ở trường. Chính vì thế mà trước đây ba mẹ vẫn nói với con, những cuộc thi như thế này để cho vui, kết quả của nó không quan trọng và nó phụ thuộc nhiều vào đánh giá cảm tính của các thành viên giám khảo, nên ít nói lên điều gì về kiến thức nhiều hay ít, giỏi hay dốt. Tuy nhiên vẫn có điều thể hiện rõ ràng: với cái cách con chuẩn bị như hôm qua mà vẫn được giải, nếu ba không phân tích rõ cho con nghe, thì có khi con lại có cái suy nghĩ “À, hóa ra học nhếu học nháo như thế này mà cũng được giải!” Thực tế không phải như vậy. Con ham lịch sử, nên cũng nhanh nhớ được tên nhân vật, sự kiện, con số, niên biểu… đồng thời nó cũng là một quá trình con đọc được từ trước, ba nói chuyện với con từ trước về những câu chuyện lịch sử; chứ không phải con “nhếu nháo” mà có kết quả đâu. Thực tế sau này, tất cả các cuộc thi con sẽ trải qua, chắc chắn con sẽ phải nỗ lực, chuẩn bị thật tốt cho nó thì mới có kết quả được. Như cuộc thi bơi vừa qua, ba con mình đã chuẩn bị cho nó cả tháng, nhưng đến khi con thi đấu thật mới thấy rất nhiều bạn giỏi hơn mình…”

Những câu chuyện như thế này, sau một thời gian dài mấy năm nói hết chuyện này đến chuyện khác, con trai nghe cũng đã dễ hiểu hơn. Cậu ta hiểu ngay vấn đề, và ngẫm nghĩ… cứ nghĩ đi con trai ạ. Cái gọi là năng khiếu hay trời phú gì đó, nó chỉ chiếm một phần nhỏ thôi, còn kết quả muốn đạt được phải có sự nỗ lực, cần cù…

Thế nào mà mình nhớ nhầm – “Côn Sơn suối chảy rì rầm, Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…” là dịch bài “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi. Chiều hôm trước nói chuyện với ông con về Nguyễn Trãi và Côn Sơn, lại nói với nó đó là thơ của… Trần Đăng Khoa. Xấu hổ quá, chiều nó đi học về phải xin lỗi nó mới được.

[1] Đi dã ngoại của Hướng đạo sinh ngành Ấu, cho các bạn nhỏ được gọi là “sói con.”

[2] Lê Tư Thành là tên tục của vua Lê Thánh Tông.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment