Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, July 10, 2015

Đôi câu đối

Khi mà ta còn rất trẻ, nhưng đã phải gánh vác trọng trách nặng nề nuôi dưỡng và nhất là giáo dục người khác, thì đúng là quá sức. Lại khi cái người khác ấy, đến tuổi dở hơi mà gây hết chuyện này đến chuyện khác, thì cuộc sống của ta không còn là bình thường nữa, mà thường xuyên rơi xuống những khoảng không vô định, ghê sợ và khủng khiếp.

Một ví dụ đơn giản như thế này thôi – nếu ta đứng ở hành lang bệnh viện, bác sỹ ra nói chuyện với ta rằng, tất cả những nỗ lực của gia đình và các thày thuốc, bây giờ là vô vọng. Lúc đó ta sẽ thấy bất lực, những chạy đôn chạy đáo, bao nhiêu tiền của, đều không còn ý nghĩa.

Sáng nay mình sẽ đưa bố mình, một ông cụ 80 đi thăm một ông cụ khác đồng nghiệp, cũng tám mươi mấy tuổi rồi, đang nằm thoi thóp, chắc không còn được bao lâu nữa. Bác ấy có người con trai lớn kém mình vài tuổi, nghĩa là bây giờ nếu còn sống cũng tầm tứ tuần. Anh ta thời thanh niên rất hư, quậy phá, tụ tập thành bầy đàn làm chuyện trộm cướp, chắc nghiện ngập cũng không tránh khỏi. Năm hai mấy tuổi, anh ta bỏ nhà ra đi và không bao giờ quay lại, không biết sống chết ra sao. Có con mà như không. Cha mẹ sinh con ra, mong con khỏe mạnh, lớn lên học hành, có công việc tốt mà đỡ đần cha mẹ.

Bác ấy là người giỏi giang, sáng láng… rồi những khó khăn ập đến, lại “hỏng đường con cái” mà nay leo lắt. Một kiếp người.

Cái kiếp người của chúng ta nó như vậy đấy, không ai có cuộc sống, đường đời hoàn hảo cả đâu, phúc bao giờ cũng đi kèm với họa, và trong họa thì lại có phúc… cứ thế cái biện chứng tự nhiên của lẽ trời đất nhân sinh nó thế. Muốn sống vui, an lạc với cái lẽ đương nhiên ấy, con người phải và chỉ cần “biết,”  biết lẽ tự nhiên và biết sống.

“Một ông em” vừa hôm trước viết lên dòng thời gian Facebook nhà chú ta về cái sự “nhẫn,” đọc những suy tư mà mừng. Chú em mới non 30, còn trẻ lắm, nhưng cũng đã ngẫm nghĩ về chữ “nhẫn” được là tốt quá rồi. Hồi mình trạc tuổi đó, cuộc đời đang ở giai đoạn khó khăn nhất, thì một ngày đi công việc mà lạc qua một ngôi chùa ở Hải Dương. Cụ từ ở chùa đã rất già, tay run lắm, ngồi còn khó. Ngồi nói chuyện với cụ từ chuyện này sang chuyện khác, rồi kể chuyện những khó khăn của cuộc sống, cụ bảo, để ông viết cho cháu đôi câu đối. Từ đó, mình mới để ý đến chữ “nhẫn.”

Bây giờ nghe chiết tự thì nào là chữ “nhẫn” có chữ “tâm,” trong có cái “đao” nó đâm vào… thế này thế khác. Trên thực tế thì “nhẫn” như thế nào, bây giờ nhìn lại cũng phải gần hai mươi năm sau mình mới hiểu.

Hồi đó chỉ hiểu “nhẫn” là kiên nhẫn, kiên trì… nhưng thế đâu có đủ. Dần dần hiểu hơn, “nhẫn” là phải “nhịn,” người khác có điều gì khác ý, thì phải “nhịn” đi, dần dần cái bực bội trái ý mang lại, nó qua đi. Đó là “nhịn” – ta kìm nén cái trái ý đó đi. Rồi dần dần lại hiểu hơn nữa, “nhẫn” còn là biết tôn trọng “cái tôi” của người khác mà giảm dần “cái tôi” của mình đi. Một thời gian rồi lại hiểu thêm nữa, “nhẫn” là phải “nhường,” họ chưa giảm cái tôi của mình, thì ta giảm trước. Nhường một bước, không mất cái gì, chỉ có được.

Nền tảng của tất cả những biến chuyển đó, là sự “yêu thương” mặc định đã có sẵn, như cha mẹ đương nhiên yêu thương con cái, nhưng phương pháp thì chắc chắn mỗi người, mỗi khác. Người thì quá hiền hậu mà đối với con cái yêu thương vô điều kiện mà thiếu đi kỷ luật và đi đến chiều chuộng thái quá – đó là trường hợp của bạn bố mình. Người khác thì quá khắc nghiệt, sẵn sàng sử dụng bạo lực, áp đặt một cái tôi quá lớn của mình lên người khác – đó là trường hợp của mình. Yêu thương không thôi chưa đủ, còn phải biết cách áp dụng cái yêu thương đó lên người khác nữa.

Tất cả các phương pháp đó, đều không được. Chỉ sau khi được tặng đôi câu đối đến 7, 8 năm, đọc thêm sách Phật, và thời gian cũng làm cho mọi thứ thay đổi, chúng ta đều trưởng thành lên… mà phương pháp cũng thay đổi và hoàn thiện hơn. Tất nhiên, cuộc đời còn rất dài và chưa có cái gì là đỉnh cao hoàn hảo cả, nhưng tiến bộ thì vẫn cứ phải công nhận là có. Đôi câu đối đó là:

“Nhất CẦN thiên hạ vô nan sự
Bách NHẪN đường trung hữu thái hòa”

Một chữ CẦN (chăm chỉ) thì trong thiên hạ không có việc gì khó. Một trăm lần NHẪN thì trong nhà lúc nào cũng hòa hợp, an lạc. “Một sự nhịn là chín sự lành” – đây một trăm lần NHẪN thì chín trăm sự lành. Các cụ lại có câu “Đất không chịu trời thì trời chịu đất,” kiên trì, nhẫn nại, đúng phương pháp, nhường nhịn hết mức nhưng cũng biết bày tỏ điều hay, điều đúng... chắc chắn sẽ cảm hóa được người khác.

Trong bài “Nắm cát trong lòng bàn tay” mình có viết về việc cá nhân này tác động lên cá nhân khác – giáo dục người khác cũng vậy. “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội,” chúng ta đi làm hay sinh hoạt đoàn thể, hội họp… hay trong gia đình thì quan hệ vợ chồng, con cái… đều có quan hệ tác động qua lại. Mong muốn họ thay đổi bằng cách chửi mắng hay dùng bạo lực, không bao giờ đạt được vấn đề. Còn nếu khuyên nhủ mà người ta không thay đổi, thì buộc mình phải thay đổi trước, vừa thể hiện rõ thái độ với điều gì cần làm điều gì nên tránh, vừa phải làm gương. Kiên trì, nhẫn nại chăm cây ắt sẽ có ngày hái quả.

Mà nếu dùng lời nói dễ nghe, hành động tử tế để cảm hóa, thì phải cảm hóa được mình trước đã. “Nhẫn,” trước hết là để dạy được chính mình.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. P.S. Đi thăm một ông cụ tám mấy gần đất xa trời về thật bất ngờ thấy mình nhẹ nhõm. Bác gầy da bọc xương, không còn tinh anh như trước nhưng vẫn đủ nhận ra người quen, vẫn nói chuyện được đôi câu. Gày nhưng nằm cựa quậy được, ngồi lên được, khô ráo... và đặc biệt không than vãn về tuổi tác, ốm đau, hoàn cảnh nghèo khó... coi như đó là lẽ tự nhiên.

    Hóa ra là người già ốm động viên người khỏe, chứ không phải là người trẻ khỏe đến động viên bác ấy. Niệm Phật cho người ốm, mà như niệm Phật cho chính mình.

    ReplyDelete