Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, April 21, 2015

Xin đừng miễn phí

Ngay giữa tháng Tư, mùa hè đã chào sân thủ đô với trận nóng 38 độ, và không chỉ nóng ở ngoài, trên mạng internet cuối ngày Chủ nhật 19/4 còn nóng hơn vì chuyện hàng nghìn người trèo rào vào một công viên để chơi các trò chơi dưới nước miễn phí. Chuyện này trong mấy năm nay với người Việt Nam không còn lạ lẫm, cứ thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin và công luận lại sôi lên với một chuyện chen chúc xô đẩy nào đó.

Nếu như dùng công cụ Google mà tìm kiếm với cụm từ khoá “chen lấn, miễn phí, giảm giá” thì trong khoảng 0,38 giây có ngay khoảng 404.000 kết quả. Chúng ta có thể điểm mặt các sự kiện gần đây như “chen lấn mua hàng hiệu Gucci giảm giá,” “Phát hãi: Chen lấn ăn miễn phí, mua giảm giá,” “Tranh, cướp ăn chơi miễn phí: Chất xấu xí ở nơi Hà Thành,” “Chen lấn uống bia miễn phí” “Tranh cướp áo mưa miễn phí…” hầu hết đều có những yếu tố giảm giá, miễn phí ở đó cả. Chính điều này làm người ta khá dễ dàng đổ lỗi cho máu tham của con người, rằng tham cái lợi nhỏ mà sẵn sàng quên ngay cái tự trọng, thể diện của bản thân mình. Chỉ từ chiều hôm qua thôi theo dõi trên internet đã thấy không biết bao nhiêu ý kiến, từ bình luận ngay vào dưới các bài báo mạng lẫn trên mạng xã hội Facebook… Chúng ta dễ thấy những ý kiến tập trung nhiều vào mảng văn hóa, hay cư xử văn minh của cộng đồng. Có những ý kiến mạnh mẽ hơn nói về cái thiếu sót của ngành giáo dục, nhất là trong giáo dục nhân cách của con người.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thừa nhận một điều, rằng các thành phố của chúng ta nói riêng và trên toàn đất nước nói chung, tình trạng thiếu chỗ vui chơi và rộng hơn, những khoảng không gian xanh cho cộng đồng ngày càng trầm trọng. Đơn cử Hà Nội từ một thành phố được người Pháp quy hoạch cho 4 vạn dân với nhiều vườn hoa, vừa là chỗ thư giãn cho người dân, vừa với tư cách như những đảo phân tuyến giao thông; đã nhanh chóng phình to cả về dân số lẫn quy mô. Sau khi người Pháp rút đi, thành phố đã có những nỗ lực to lớn để xây dựng nên những điểm vui chơi, không gian xanh mới: ngoài vườn Bách Thảo, đã có thêm Công viên Thống Nhất, vườn thú Thủ Lệ hay như đường Thanh Niên là công sức của thanh niên thủ đô cải tạo từ một khu vực rác rưởi ô nhiễm, thành một trong những con đường đẹp của Hà Nội (đường Thanh Niên với một bên Hồ Tây, một bên hồ Trúc Bạch không chỉ là đường giao thông thuần túy, mà còn là chỗ vui chơi hóng mát của người dân thủ đô, trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội.) Nhưng với những công trình có thể nói đếm trên đầu ngón tay đó, thì những nỗ lực đó không thấm vào đâu so với tốc độ tăng dân số cơ học. Về chất lượng, có thể nói những trò chơi cho trẻ em mặc dù có nhúc nhích tiến bộ lên về công nghệ, nhưng cũng chẳng ăn thua so với thời cách đây vài chục năm, vẫn những trò đu quay, tàu điện… Gần đây là những trò chơi điện tử “xèng” cũng được nhập về và xuất hiện những trung tâm vui chơi giải trí, nhưng hết sức ngột ngạt, ồn ào và không thiếu những trò chơi bạo lực, nhưng thường lúc nào cũng đông nghẹt thanh niên học sinh. Các khoảng không gian công cộng như sân của các câu lạc bộ thanh thiếu niên cũng đều đã được tận dụng hết để kinh doanh các trò chơi cho trẻ em.  Ấy thế mà thiếu vẫn thiếu – cứ những ngày nghỉ lễ đi đến những điểm vui chơi công cộng đó, là đông nghẹt người và ai cũng có thể sa vào mê hồn trận những dịch vụ bắt chẹt người dân mà gây nên bức xúc. Khổ cái, tránh cũng không được, ai cũng có con có cái, và cứ ngày nghỉ, là muốn con cái được vui chơi.

Sự ra đời của công viên nước Hồ Tây đã là điểm sáng vì đã đưa được vào cho Hà Nội những dịch vụ vui chơi khác hẳn, tiến bộ hẳn về chất… và đáp ứng được cả nhu cầu vui chơi cho những lứa tuổi khác nữa, không chỉ trẻ em. Từ đó đến nay, Hà Nội chưa có thêm được một dự án nào tương tự như vậy – người dân đã từng mong chờ Công viên Yên Sở đi vào hoạt động nhưng giờ này tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Gần đây có những điểm sáng, có thể nói là rất đáng biểu dương như công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy… với đầu tư nguồn xã hội hóa, những trò chơi rất bổ ích và có tính giáo dục cho trẻ em, nhưng so với nhu cầu của người dân Hà Nội, như muối bỏ biển. Hơn nữa, những trò chơi của hai công viên dạng này, còn hạn chế, chưa thể nói là hấp dẫn được.

Như vậy, trước mắt câu chuyện “trèo rào vào công viên nước,” trước mắt xuất phát từ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân thủ đô – đến mất tiền còn nhiều khi chen nhau bẹp ruột nữa là miễn phí. Việc chỉ mặt đặt tên cái nhu cầu vui chơi của người Hà Nội rõ ràng là chưa đủ, chưa thấu đáo – và cũng không nên chỉ vì gần hết những “sự kiện nóng” kiểu này diễn ra ở Hà Nội mà đổ hết lên đầu người Hà Nội. Không phải vụ chen lấn ăn sushi miễn phí là ở thành phố Hồ Chí Minh đó sao?

Ngược dòng thời gian, tôi còn nhớ khoảng năm 1987, 1988 gì đó, có lần ở Tràng Tiền người ta phát không sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng (Liên Xô.) Mẹ tôi vẫn thường có thói quen đi mua sách để tặng con trai mỗi khi tôi có một điểm tốt, và hôm đó thì cũng “tham gia chen lấn” và được phát một cuốn “Thuyền trưởng đơn vị.” Mẹ về mà rơm rớm nước mắt, vì bị chen lấn khá đau đớn trong mùa hè nóng nực và nhận vài vết trầy xước trên người, do bị đè vào những chỗ cứng ở tường, ở quầy hàng… Những tưởng người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung yêu quý sách vở (người ta còn bảo ăn cắp sách không phải là ăn cắp cơ mà) nên chen lấn để nhận bằng được những cuốn sách được in cực kỳ đẹp và dịch thì rất cẩn thận. Trong thời kỳ bao cấp, sách Việt Nam in trên giấy sần sùi và đen thui (mất điện trong ánh đèn dầu thì khỏi đọc) những cuốn sách Liên Xô đó thật quý giá. Nhưng không phải ai cũng quý sách đến thế, như mẹ tôi chẳng hạn, xin được một cuốn thì thôi, phần cho người khác, nhưng không thiếu những người xin rồi, quay vào xin tiếp… và chỉ vài ngày sau, rất nhiều những cuốn sách như thế xuất hiện ở hàng sách cũ. Cũng khoảng năm 1990, có Hội chợ triển lãm ở Giảng Võ người ta cũng đã chen nhau ghê gớm chỉ để xin những cuốn catalô in bóng loáng đầy màu sắc của các công ty Nhật Bản sang tham gia. Thực lòng là sau khi xin được từ giờ đầu mà không phải chen lấn, tôi đứng trên tầng hai của gian nhà A1 nhìn xuống cảnh tượng mà thấy khiếp hãi. Khi về đến nhà sau nhiều lần xem, bỗng phát hiện ra hầu hết các cuốn catalô đó đều không dùng được vào việc bọc sách vở do cái khổ giấy của nó không phù hợp, mà chỉ để xem cho vui và qua nhiều lần dọn nhà, chúng sẽ được kết thúc số phận trong sọt rác. Ấy thế mà khi chúng được phát, thì chúng bị giằng xé ghê gớm đến mức các “ông Nhật” chỉ mất vài chục giây đến vài phút đã phát hết đống catalô mang từ nước mình sang, vừa ngán ngẩm, vừa ái ngại xòe tay ý là “Hết rồi” với một số người chậm chân có dáng vẻ bề ngoài hoàn toàn không “doanh nhân” tí nào.

Việc chen lấn, đâu phải ở chuyện nhận được đồ miễn phí hay giảm giá, cách đây vài năm người ta đẩy đổ cổng trường chỉ để vào xin hồ sơ nhập học cho con. Hình ảnh các phụ huynh dẫm lên để tràn qua cổng trường, như một sự băn khoăn đến mức thành thách thức lớn đối với chúng ta trước cái mâu thuẫn giữa một bên là lòng hiếu học của dân tộc vốn vẫn được ca ngợi bấy lâu nay, với bên kia là sự hăng hái đến sục sôi để có bằng được lá đơn xin học.

Chính vì thế mà sau vụ “trèo rào vào công viên nước” lần này, không thiếu những ý kiến cho rằng, bố mẹ bế con trèo rào vào để cho con vui chơi bằng được, thì một bên là lòng yêu con vô bờ bến đến mức “san bằng tất cả” và bên kia là sau này, chính đứa trẻ ấy sẽ tiếp tục san bằng những rào cản lớn hơn, thà dẫm đạp lên người khác còn hơn là bị thua thiệt.

Ở đây tôi không định bàn về cách tổ chức và xử lý tình huống của Công ty công viên nước, vì không phải người trong cuộc và sẽ có nhiều bài báo khác bàn sâu, mổ xẻ… tốt hơn tôi trong việc này. Điều tôi muốn bàn là từ khi mở cửa cải cách kinh tế đến nay gần ba mươi năm, song song với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, thì cũng là thời gian ra đời và phát triển mạnh mẽ của những phương thức làm giầu rất phi tiêu chuẩn và hoàn toàn không có những khái niệm về danh dự và tự trọng của doanh nhân. Có những người làm giầu chân chính, nhưng số lượng những doanh nhân như thế quá nhỏ nhoi so với những người làm giầu theo “kiểu khác.” Người ta nói rằng, ở Việt Nam ngày nay thì cơ quan điều tra những sai phạm trong làm ăn kinh tế, hoàn toàn không thiếu việc làm và thậm chí, làm không bao giờ hết việc, hay có thế nói trước mắt họ có hàng núi việc. Nghĩa là các doanh nghiệp đang làm ăn, không doanh nghiệp nào không sai phạm, không ít, thì nhiều.

Không chỉ doanh nghiệp, mà từng cá nhân, chúng ta hoàn toàn không thích cách sống có trật tự, vì nếu sống theo trật tự của pháp luật thì mỗi người phải bớt quyền lợi của mình đi một chút. Chúng ta chọn cách sống với những quy định mù mờ một chút và chấp nhận móc hầu bao trả “tiêu cực phí” để được việc riêng. Ai cũng như vậy – và toàn thể xã hội cứ bị ghì lại, không thể phát triển được theo hướng tiến bộ, chúng ta kêu ca phàn nàn thì vẫn kêu ca, nhưng cứ gặp chuyện là sẵn sàng dung túng cho tiêu cực. Cái vòng luẩn quẩn ấy vẫn cứ ngày ngày chờ đợi bất kỳ ai trong số chúng ta sa vào, người cầm cân nảy mực lẫn người dân… bất cứ lúc nào cũng đều sẵn sàng cho một thỏa hiệp.

Trong số những người trèo rào vào công viên nước, chắc không có những người sẵn sàng bỏ tiền ra bay từ Hà Nội vào chơi công viên nước Vinpearl Nha Trang hay đi Singapore, mà chỉ có những “người bình thường.” Và do đó, đứng trước một số người có hạn được vào trước giờ công viên đóng cửa, chúng ta chọn phương án trèo qua hàng rào, như một cách lập lại công bằng. Nếu như trước những việc có thể trả được “tiêu cực phí,” để “mua thứ công bằng theo kiểu phải trả tiền” và vượt trước trên những người khác sẽ không đạt được quyền lợi đó nếu không chịu thỏa hiệp với tiêu cực; thì với những trường hợp không cần phải trả tiền, chúng ta sẽ chọn phương án dùng sức mạnh để chen lấn.


Khi chọn phương án dùng sức mạnh, đương nhiên lợi quyền sẽ qua tay người khỏe và nhanh nhẹn, còn cơ hội của người khác, sẽ giảm đi một ít. Trên truyền thông cũng sẽ xuất hiện không ít lời kêu gọi người ta giảm bớt lòng tham, sự ham muốn đi một chút… nhưng nếu chúng ta không thực sự nhìn lại cách sống của bản thân mình, chừng nào còn tiếp tục thỏa hiệp với tiêu cực và bằng cách đó lấy đi cơ hội của người khác, thì xã hội sẽ tiếp tục còn những chuyện “chen lấn” như vậy. Và do đó, trước mắt, “ai ơi xin đừng miễn phí,” để người Việt Nam đỡ phải chen lấn, khổ lắm ai ơi.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment