Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, March 1, 2015

Hùng “bẩn” chát tom

Ở gần nhà mình có Hùng “bẩn”, lớn hơn mình một tuổi nhưng học bằng nhau vì mình đi học sớm một năm. Được một thời gian, chẳng hiểu nhà trường rà soát kiểu gì không cho học sớm nữa, mình lại học sau Hùng “bẩn” một năm do xuống lớp dưới, dù đã học hết lớp đó ở trường khác rồi. Lại một thời gian lâu sau nữa, Hùng “bẩn” “đúp” xuống một lớp, lại học bằng nhau. Xong phần tuổi tác và thứ, cấp về lớp học.

Nhà Hùng “bẩn” chính xác là ở khu xưởng than, khu dân cư toàn người lao động và dân ngụ cư. Cả nhà Hùng “bẩn”, từ mẹ, bác chị của mẹ, em gái của mẹ Hùng “bẩn” toàn làm nghề xếp hàng thuê kiêm phe tem phiếu, phe phẩy đủ các thứ hàng hóa ở chợ Nguyễn Công Trứ. Hùng “bẩn” đúng như cái tên của mình, hình như không bao giờ tắm, lúc nào cũng nhem nhem nhuốc nhuốc. Anh chàng này luôn luôn thấp hơn mình một chút, nhưng do hơn tuổi nên sẵn sàng bắt nạt bất cứ lúc nào. Đến khi học cấp 3, mình đã lớn vọt lên còn Hùng “bẩn” vẫn còi còi. Không học hành gì, Hùng “bẩn” hoành hành xung quanh khu vực trường học cấp 2 cũ, “yêu” hết em này đến em khác, toàn chọn những em dậy thì sớm. Bọn con trai cấp hai cực kỳ uất ức vì vụ này – chúng nó phàn nàn “Hùng “bẩn” chuyên yêu rồi nắn tí sờ lờ các bé gái học cùng.” Từ khi mình học cấp 3 không bao giờ có chuyện Hùng “bẩn” đe dọa bắt nạt hay gì cả, đơn giản là mỗi người đã có một thế giới riêng. Coi như xong phần “thân thế” của Hùng “bẩn”, ta sẽ dần dần sang đến phần “sự nghiệp.”

Hồi đó có phong trào vào học ghita do nghệ sỹ Hải Thoại dạy tại nhà trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Mình học được một buổi rồi tự biết, không có duyên với nghiệp đàn sáo, nên thôi luôn, còn thì lũ trẻ trong phố vẫn theo, đứa được một mùa hè, đứa được vài năm chứ không ít. Chứng kiến hầu hết những đứa trẻ cùng trang lứa học ghita, tập luyện như cực hình, nhiều đứa còn được tặng kèm thêm cả roi của bố mẹ. Có những lý luận, nào là cho con thi vào nhạc viện, nào là sau này có thể chơi trong ban nhạc nhẹ. Đơn giản hơn cả là sau này cho cuộc đời thêm thi vị. Mẹ mình thì không cưỡng bức, không thích học thì thôi, khỏi! Cho đỡ mất thời gian và tiền bạc của cả con lẫn bố mẹ. Thấy thích mẹ cho đi học vẽ, học bơi và sau đó là học chụp ảnh, thế thôi. Trong số đi học ghita Hải Thoại, có cả Hùng “bẩn”. Hóa ra tay này theo được lâu phết, không rõ có “định hướng nhạc viện” hay không nữa.

Bẵng đi một thời gian đùng một cái có ngày nhà có tang ông nội. Mình đảm nhiệm vị trí chụp ảnh cho cả buổi lễ suốt mấy ngày, cứ đứng cạnh linh cữu bấm máy chụp các đoàn đến viếng. Và điều bất ngờ nhất: gặp lại Hùng “bẩn”. Anh chàng là một trong năm tay nhạc công của phường bát âm, và thấy khá đa năng: chơi cả nhị lẫn trống. Lúc thì Hùng “bẩn” cò cử cái nhị, lúc thì ôm cái trống mà vỗ gõ chát chát, tom tom. “Oan gia ngõ hẹp” gặp lại đối thủ cũ, à quên, “mối đe dọa” cũ thôi thì chẳng ai nói gì với ai, ai làm việc người ấy. Mình vì chụp ảnh, nên chỗ “tác nghiệp” của hai thằng là ở cạnh nhau, chỉ khác nhau về “đạo cụ” mà thôi; tha hồ quan sát Hùng “bẩn” làm việc. Thấy những năm theo thày Hải Thoại của Hùng “bẩn” quả thật không uổng, tay trống Hùng “bẩn” tom chát chát tom điêu luyện không kém Phil Colins, tay nhị cũng nào có kém mấy cô xinh đẹp của ban nhạc chơi Cross-over Bond.

Chỉ có bửn bửn là vẫn như xưa, Hùng “bẩn” có vẻ chẳng bao giờ tắm. Phương bát âm của Hùng “bẩn” làm việc đúng nguyên tắc, nghĩa là ngoài tiền còn kèm theo bữa chén, họ ăn cơm luôn, gia đình phải lo cho họ một mâm ngồi ăn luôn trong góc đó. Hút thuốc quả là như mỏ khoét, bao Thăng Long mềm cứ rút mỗi người một điếu được hai vòng, là nó đã biến mất đi đâu đó như ảo thuật, và lại hô: “Cho xin bao thuốc!” Nghĩa là cứ hút một nửa bao, lại lận mất nửa bao còn lại, cứ thế. Đúng là làm nghề gì cũng phải có yếu tố tham nhũng, đất nước ta thật kỳ lạ. Đến đây cũng coi như xong phần “sự nghiệp” của Hùng “bẩn”, chúng ta sẽ chuyển sang phần “rút ra bài học” còn kết luận.

Trước Tết, gặp ông bạn cũ dân thợ điện nước, mình ngồi nói chuyện về chuyện con cái, tự dưng nói: hay cho thằng con đi học đàn, cho cuộc đời của nó có gì đó vui vui… Ông bạn hỏi luôn: nó có thích không? Học thử chưa? – Học thử một lần rồi, không thích! – Thế thì thôi luôn đi, tôi 13 năm viôlông định hướng nhạc viện đây này, cuối cùng vẫn thợ điện bất chấp đòn roi của bố mẹ! Bắt nó đi học khi nó không thích, mất thời gian cả của nó lẫn của mình. Mà học đắt chứ, đâu có rẻ. Thày cô nào cũng khen: có năng khiếu đấy, thế là bố mẹ kỳ vọng, ép con ra mỡ. Cuối cùng số cháu theo được “định hướng nhạc viện” được bao nhiêu phần trăm đã ai thống kê, hay là như tôi, chỉ được cái thì thùng cái ghita mỗi lần liên hoan, dã ngoại… là hết, đúng là đời vui thật nhưng cũng chỉ có tí tác dụng lúc… tán gái, cuối cùng thì cũng chỉ có một bà vợ thôi chứ có phải suốt đời đi tán gái đâu... Nếu nó thích, thì cho nó học, coi như là một niềm vui. Nếu thực sự nó có yếu tố tài năng, thường thì nó học sẽ rất nhàn, như chơi ấy, lúc đó thì không khó nhận ra và bây giờ thì “định hướng nhạc viện” chưa muộn. Nếu nó không thích hoặc tài năng làng nhàng, thì thôi luôn đi, đừng có ép…

Nghe có lý, hóa ra “định hướng phường bát âm” như Hùng “bẩn” có khi còn có ích hơn là ép con ra bã cuối cùng có những đứa từ khi bỏ đàn, không bao giờ nó còn sờ vào cái đàn lại lần nữa.

Mấy năm gần đây cùng với sự ra đời và phát triển của máy ảnh số, xuất hiện hằng hà sa số nhiếp ảnh gia của thời kỳ số hóa. Nhiều người tự phong cho mình danh hiệu “nghệ sỹ nhiếp ảnh”, “nhiếp ảnh gia”… không thiếu người xác định chọn cho mình nghề đó để kiếm tiền. Vài người tiên phong thì còn được, chứ đến lúc đi đâu cũng chạm nhiếp ảnh gia, từ gốc cây lộc vừng cổ thụ Bờ Hồ đến Mù Cang Chải Y Tý… ra Hồ Hoàn Kiếm nhìn hàng thợ ảnh thật, sinh sống bằng nghề chụp ảnh dạo kiếm tiền cho du khách, thật tội nghiệp. Những cái máy nhỏ xíu, ống kính nhọn hoắt… bên cạnh các nhiếp ảnh gia thời số hóa, máy to, ống khủng đi lại nườm nượp. Đã ai nghĩ là họ đầu tư cả trăm triệu và nhảy vào thị trường, cạnh tranh nhiệt tình với nhau… bao giờ thì họ hồi vốn? Và đã ai đủ bình tĩnh nhìn nhận lại việc liệu mình có tài năng thực sự hay không?

Thà cứ xác định chơi là chơi, tiền đến đâu chơi đến đó, hơn là nửa mùa, đầu tư vừa chơi vừa kiếm tiền. Xem ra “đúng hướng tom chát” như Hùng “bẩn”, kiếm được tiền một cách thực sự, kéo đám nào, ăn đám đó, còn hơn là mơ hồ…

Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment