Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, January 6, 2015

Khi ông Putin đi "lướt vàng"

Ảnh cư dân mạng photoshop
chỉ có tính chất minh họa
Tuần trước trên trang Đ.V. xuất hiện một bài báo làm nức lòng người hâm mộ tổng thống Nga Putin nói riêng, hâm mộ “nước Nga của Putin” nói chung: “Mỹ-phương Tây sập 'bẫy vàng' của Nga?” . Tác giả Lê Ngọc Thống còn giật “Một doanh vụ siêu kinh điển như…trong phim Mỹ, khiến chúng ta chưa tin đó là sự thật.” Tác giả chưa tin, nhưng mình thì tin ngay, việc Nga mua vàng là sự thật, còn chuyện sập bẫy hay không, ai bẫy ai, bẫy bằng mồi gì và “con thịt” thu được như thế nào, chúng ta cần gác cái “nức lòng của trái tim nóng” lại mà sử dụng “cái đầu lạnh” ngẫm nghĩ một chút xem thế nào…

Đầu tiên là việc Nga mua vàng. Ngày 20 tháng 8 năm 2014 trên trang của Bloomberg đã có bài báo của Nicholas Larkin: “Russia Boosts Gold Reserves by $400M to Highest Since ’93” (Nga tăng dự trữ vàng lên 400 triệu đôla đạt mức cao nhất từ 1993 đến nay). Theo bài báo này thì trong tháng 7/2014 Nga đã mua vào thêm 9,4 tấn vàng, theo giá trung bình tháng là 1.311,82 đôla/ounce; thì con số Nga mua dự trữ ngay trong tháng đó là 398 triệu đôla Mỹ. Quan chức nghiên cứu của ngân hàng Commerzbank AG ở Frankfurt, ông Eugen Weinberg, nhận xét Nga là nước mua nhiều vàng nhất thế giới trong năm, và ông cho rằng chính quan hệ xấu đi giữa nước này với Phương Tây đã thúc đẩy tổng thống Putin quyết định mua vàng vào dự trữ. Trong tháng trước (6/2014) dự trữ vàng của Nga đạt 35,5 triệu ounces (1.104 tấn) từ mức 35,2 triệu; dữ liệu được đăng trên trang web của ngân hàng trung ương Nga. Lượng vàng hiện đang nắm giữ là nhiều nhất kể từ ít nhất là năm 1993, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nga hiện nay là nước sản xuất vàng lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Australia và bằng vụ mua vàng này vào tốp 5 nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Bài này có thể đọc ở đây.

Còn theo tác giả Ngọc Thống thì Nga nhìn chung đã mua vào tầm 55 tấn vàng trong quý 3 (“Trong quý 3 năm nay, khi giá vàng đã giảm 1,9%, tất cả ngân hàng trên thế giới mua vào 93 tấn thì Nga chiếm một con số kinh ngạc là 55 tấn.”) và kết luận Mỹ và Phương Tây có nhẽ đã sập cái bẫy vàng của Nga. Cứ cho điều đó là đúng đi, vậy thì cái bẫy đó nó to đến cỡ nào?

55 tấn vàng nghe thì to, quy ra gram thì còn to nữa, nó là 55.000.000 (năm mươi nhăm triệu) gram vàng, nhân với giá vàng thế giới của ngày 5/1/2015 lúc 15h00 giờ Hà Nội là 38,44 đôla (goldprice.org), thì tổng số là 2.114.200.000 (hai tỷ một trăm mười bốn triệu hai trăm nghìn) đôla Mỹ. Nếu như “thương vụ” này thành công, cứ cho là bán ra khi giá vàng tăng thoát được hết số 55 tấn vàng kia mà giá nó không bị giảm do vàng tăng cung trên thị trường đi – với lãi tỷ lệ cứ cho là tầm 10%; thì ông Putin và ngành tài chính của mình sẽ bỏ túi được 211.420.000 (hai trăm mười một triệu bốn trăm hai mươi nghìn) đôla Mỹ. Nếu đem so sánh thì cái cầu Nhật Tân của ta vừa khánh thành có vốn đầu tư 89,943 tỉ (tám mươi chín phảy chín bốn ba tỉ) Yên Nhật theo tỷ giá cùng thời điểm vừa tính trên đây thì tương đương 746.136.547 (bảy trăm bốn mươi sáu triệu một trăm ba sáu nghìn năm trăm bốn bảy) đôla Mỹ (1 yên Nhật = 0.008310 USD); nghĩa là trong ba tháng ngành tài chính của nước Nga nhờ buôn vàng, kiếm được khoảng 28,335% cái cầu Nhật Tân của ta, tức là chưa được 1/3 cây cầu, khoảng mua được bộ dây văng hoặc có chăng thêm vài cái trụ cầu. Còn nếu vàng tự dưng sốt sình sịch tăng cả 100% (gấp đôi) thì lãi là hơn 2 tỉ đôla, nghĩa là gần đủ tiền làm cái cầu qua biển rồi còn gì.

Cái cầu Nhật Tân với Việt Nam thì là to, nhưng chẳng nghĩa lý gì so với con gấu Nga khổng lồ, đến cái cầu qua biển đến bán đảo Crimée người ta còn định làm với 3 tỉ đôla cơ mà, muỗi! Nhưng với tầm cỡ quốc gia mà bảo kiếm lời hơn hai trăm triệu đôla, nhất là với nước có dự trữ ngoại tệ 400 tỉ đô, lại so với Phương Tây mà bảo là họ đã “sập bẫy”, thì cũng… thú vị. Rõ là Nga định “gài bẫy” bằng được ít nhất một con trong bầy chuột Mỹ, nhưng cái “con thịt” túm được ở đây chỉ là con bọ chét trên lưng con chuột mà thôi. Chỉ riêng vụ giá dầu thô rơi lẫn làm rub mất giá, dự trữ quốc gia của Nga đã mất vài chục đến tròm trèm trăm tỉ đô, muốn “lướt vàng” thì chắc phải mua gấp 10 số 55 tấn, mà với con số 550 tấn đó khi giá vàng lên quăng ra bán thì nó lại xuống.

Giá đồng rub đã bắt đầu hạ từ thời điểm quý 3 của năm 2014 rồi, tức là từ lúc bài báo của Bloomberg về chuyện Nga mua vàng – và giá dầu thô cũng vậy. Như vậy chẳng cần phải là chuyên gia chuyên vào về tài chính, chúng ta cũng có thể đoán được nền tài chính Nga sẽ “khan” đôla để thanh toán quốc tế. Chuyện gì vậy – khi mà Nga sẽ thiếu đôla, lại quăng đôla ra mua vàng? Rõ ràng tác giả Ngọc Thống đã viết: “…Trung Quốc và Nhật Bản đã đem của cải, tài nguyên của mình đổi lấy những tờ dollars của Mỹ, do Mỹ in và phát hành, nhưng Nga thì không, Nga đem những thứ đó để đổi lấy vàng…

Nếu như chúng ta có điều kiện đi loăng quăng vài nước mà ngó nghiêng vụ mua vàng, thì sẽ có những chỗ mua vàng khá thoải mái, “sướng” như Dubai, Hongkong, Bangkok và… cả Hà Nội lẫn Sài Gòn. Người ta bảo người Trung Quốc và Ấn Độ thích giữ vàng, nhưng mình ngó nghiêng bên Trung Quốc thì lâu nay quản lý xiết đôla và vàng rất chặt, dân chỉ biết Nhân Dân Tệ là chính, còn Ấn Độ thì toàn vàng trang sức. Có lần mình nhìn thấy miếng vàng Trung Quốc hình tròn, khoảng 5 chỉ, như một đồng xu trên có dập quốc huy. Vàng miếng Trung Quốc thì cũng giống của ta. Có lẽ thị trường vàng miếng bán lung tung cho dân mua thì ở Việt Nam là sôi động nhất, và dân Việt Nam chắc “máu” mua vàng bỏ vào hũ chôn chân giường nhất thế giới – chắc cũng tại đất nước loạn lạc lâu, nhiều chiến tranh quá chăng. Còn bên Nga thì chỉ thấy có vàng trang sức và là vàng “tây” (khoảng 16 karat gì đó), mình có mua hộ người quen một cặp hoa tai và vàng Nga thì có màu đỏ khá đặc biệt. Đoạn này muốn nói rằng, nếu bảo rằng Ngân hàng trung ương Nga mua vàng vào, là nhập khẩu (hoặc mua của các công ty khai thác trong nước); chứ không phải mua vàng trôi nổi trong dân như Việt Nam ta. Cá nhân mà nói, mình nghiêng về hướng đoán rằng Nga tăng cường nhập khẩu vàng là nhiều hơn. Cũng có thể họ mua bằng chính đồng rub và mua của các công ty khai thác vàng trong nước, thì cũng là bỏ từ túi này sang túi khác thôi mà.

Lạ nhỉ, mặc dù thiếu đôla, nhưng vẫn đem đôla đi mua vàng. Người ta chỉ mua vàng khi người ta mất niềm tin vào Chính phủ, còn ở mức độ Chính phủ, chỉ mua vàng khi mất niềm tin vào khả năng thanh toán của đồng tiền nội tệ và sự lo lắng thiếu hụt ngoại tệ. Tức là việc mua trữ vàng, chính là việc “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” cho tương lai khó khăn, chứ không phải là để nhằm kiếm chác. Tác giả Ngọc Thống đã chỉ ra rồi, Nga đã đề nghị Trung Quốc và các nước BRICS chuyển sang thanh toán bằng vàng, chứ không phải là đôla Mỹ nữa. Một bước thụt lùi về tài chính, chứ không phải là tiến bộ, càng chẳng phải là “bẫy biếc” gì hết. Đơn giản là: hết đôla rồi, phải rủ ông Tàu thanh toán bằng vàng, chứ cái khỉ gì. Ôi dào, bẫy mới chẳng sập!


Nhưng chuyện này còn làm chúng ta nhớ đến một chuyện nữa trong lịch sử: vào chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Xô và Hoa Kỳ đã ký một hợp đồng thuê mượn (lend-lease), trong đó Hoa Kỳ cho Liên Xô mượn nhưng phải trả tiền rất nhiều thiết bị, vũ khí, khí tài, các trang thiết bị khác như ô tô tải, đầu tàu hỏa, toa xe, quần áo quân phục ấm, giày ủng… cũng như nguyên liệu cho sản xuất vũ khí, đạn dược: thép phôi, vòng bi… hay nhiên liệu như xăng, dầu… đổi lại, Liên Xô phải trả cho Hoa Kỳ bằng vàng, vàng ròng. Stalin đã than phiền điều này với nguyên soái G.K.Giucov (điều này có thể đọc trong hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ”). Hải quân Liên Xô thời đó còn có một nhiệm vụ chở vàng sang trả cho nước Mỹ, chống lại sự tấn công của tàu ngầm U-boat của Đức. Mà Đức cũng đánh đắm khối vàng của Liên Xô xuống đáy biển rồi đấy chứ.

Những ngày cuối năm 2014, Nga công bố học thuyết quân sự mới, trong đó xác định NATO là kẻ thù trực tiếp. Việc Nga mua vàng vào làm cho chúng ta cứ lo lo, dường như người ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới chăng?

Nên bác nào nức lòng cứ nức lòng, mình thì cứ lạnh te như vậy thôi, có cớ chém một bài bà con đọc cho vui là chính, he he…

Nguyên cả bài của tác giả Ngọc Thống:

Mỹ-phương Tây sập 'bẫy vàng' của Nga?

Một doanh vụ siêu kinh điển như…trong phim Mỹ, khiến chúng ta chưa tin đó là sự thật.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, để khuất phục Nga, Mỹ và phương Tây tiến hành một cuộc chiến tiền tệ hòng làm sụp đổ nền kinh tế Nga bằng đòn USD-dầu mỏ. Đó là dùng sức mạnh toàn cầu của đồng USD kết hợp cùng những “cá mập tài chính” làm mất giá đồng Ruble, đồng thời giảm giá dầu tối đa để đánh vào nguồn ngân sách chính của doanh thu xuất khẩu và nguồn chính bổ sung vàng dự trữ của Nga.

Phải công nhận, đây là đòn hiểm, miếng võ “gia truyền” của Mỹ-phương Tây. Nói là “gia truyền” vì trước đây chính quyền của Tổng thống R.Reagan đã dùng và đã có hiệu nghiệm lớn khi hạ “knock out” Liên Xô, không những thế, sức mạnh và nguy hiểm của nó ngày nay còn khủng khiếp hơn khi đồng USD của Mỹ đang trở thành chúa tể thế giới và trong bản thân nước Nga đang tồn tại những “cá mập tài chính”.

Hiệu quả của đòn đánh bất ngờ này là sự thảm bại thê thảm của đồng ruble Nga. Ngày 16/12 được coi là “ngày thứ 3 đen tối” khi đồng Ruble giảm tới 10% và khiến Ngân hàng trung ương Nga quyết định tăng ngay lãi suất lên đến 17%/năm nhưng vẫn không ngăn được tình trang mất kiểm soát.

Cùng với giá dầu giảm kỷ lục, đã khiến cho giới quan sát cảm nhận được khủng hoảng kinh tế Nga đến hồi trầm trọng. Tuy nhiên, ngày 18/12, Putin trong cuộc họp với hơn 1200 phóng viên báo chí vẫn tươi cười và cho rằng: “Nền kinh tế Nga như hiện nay thì chỉ chừng 25-30% là do Mỹ-EU cấm vận và giá dầu giảm”. Vậy còn 70% là tại đâu? Có liên quan gì đến “những cá mập tài chính”?

1- Doanh vụ chưa từng có trong lịch sử thị trường tài chính(!)

“Trước đây, một phần cổ phiếu của các công ty năng lượng thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài (người Mỹ và EU) - điều này có nghĩa rằng gần một nửa doanh thu không rơi vào ngân khố Nga mà vào các tài khoản những “cá mập tài chính" của châu Âu, Mỹ.

Khi Mỹ-phương Tây ra đòn, đồng ruble bất ngờ giảm sút, nhưng ngân hàng trung ương không làm gì được để duy trì tỷ giá đồng ruble, xuất hiện những tin đồn đại rằng Nga không có dự trữ ngoại tệ để duy trì tỷ giá đồng ruble. Những tin đồn này và tuyên bố của Putin rằng ông sẵn sàng và sẽ bảo vệ người dân sử dụng tiếng Nga ở Ucraina đã đưa đến sự giảm sút lớn giá cổ phần của các công ty năng lượng Nga và "những cá mập tài chính" bắt đầu bán cổ phần khi chúng hoàn toàn chưa mất giá trị thực.

Putin đã chờ suốt một tuần, và khi giá đã sụt dưới ngưỡng, ông đã bất ngờ ra lệnh lập tức mua sạch tất cả các cổ phần của cả người Mỹ và người châu Âu. Khi "những cá mập tài chính" nhận thức được rằng họ bị đánh lừa thì đã muộn, các cổ phần đã nằm trong tay Nga và bây giờ Nga kiếm được hơn 20 tỷ dollars. Nhưng vấn đề quan trọng hơn nhiều 20 tỷ dollars là người Nga đã lấy lại hơn 30% cổ phần, làm chủ hoàn toàn các công ty của mình và bây giờ doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt sẽ không chạy ra nước ngoài, mà sẽ ở lại Nga, giá trị đồng ruble tự thân tăng lên và không cần chi dự trữ vàng ngoại tệ để duy trì nó, còn những "cá mập tài chính" của châu Âu, chỉ trong vài phút họ đã bị mua sạch các cổ phần và không còn doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt”. (theo Kichbu)

Một doanh vụ siêu kinh điển như…trong phim Mỹ, khiến chúng ta chưa tin đó là sự thật. Tuy nhiên, doanh vụ tiếp theo của Nga sau đây là hiện thực.

2- Dùng vàng để triệt tiêu sự thống trị của dollars

Trong thế giới tài chính, vàng được coi như antidoollars (kháng dollars), nghĩa là trong giao dịch, dự trữ ngân khố thì chỉ có vàng mới có giá trị thách thức được sức mạnh của dollars. Vàng, có thể và duy nhất hiện nay, thay thế được dollars để trở thành phương tiện thanh toán cuối cùng và tích lũy tài sản.

Nhưng là quốc gia bá chủ thế giới, Mỹ buộc thế giới phải coi tờ dollars của Mỹ là thứ giao dịch mạnh nhất, có giá trị nhất và thực tế, với một nền kinh tế hàng đầu thế giới, dollars của Mỹ có sức mạnh như hiện nay là tất yếu. Và đương nhiên, để bảo vệ quyền thống trị của dollars trên thị trường tiền tệ toàn cầu, Mỹ có những chính sách, luật, để “đàn áp” buộc giá trị vàng phụ thuộc vào dollars tức phụ thuộc vào sự điều chỉnh của Mỹ.

Năm 1971, Tổng thống Mỹ R.Nixon ra lệnh đóng “cửa sổ vàng”, chấm dứt việc trao đổi tự do vàng với dollars.

Năm 2014 khủng hoảng Ukraine, Mỹ-phương Tây, bằng các nổ lực và nguồn lực của mình đã can thiệp vào giá dầu và vàng để làm tăng sức mạnh của dollars nhằm đánh sập nền kinh tế Nga. Tổng thống Nga V. Putin lập tức mở “cửa sổ vàng” bắt đầu trao đổi tự do giữa vàng và dollars mà không cần “xin phép Mỹ”.

Thứ nhất, về xuất khẩu. Nga không coi dollars là phương tiện thanh toán cuối cùng, không coi dollars là nguồn tích lũy chính mà thay vào đó là VÀNG. Tiền dollars thu được từ bán dầu, khí đốt…cho phương Tây đều được Nga quy ra vàng và biến thành vàng ngay và luôn.

Điều thú vị, trớ trêu ở đây là Mỹ-phương Tây mua hàng của Nga phải thanh toán bằng dollars, mà giá trị thực của dollars đã được Mỹ-phương Tây đẩy lên cao để giảm giá dầu và vàng (giả tạo), trong khi đó, Nga thì sử dụng tiền dollars thu được này để mua ngay vàng với cái giá thấp giả tạo đó. Rốt cuộc, “Nga đã đưa Mỹ-phương Tây vào vị trí của một con rắn, mạnh mẽ và siêng năng nuốt đuôi của chính mình”. Đây là lời bình mà tôi cho rằng hay nhất trong năm bởi Golbal Research thay vì như “tự ghè đá vào chân mình”, “gậy ông lại đập lưng ông”…

Chúng ta còn nhớ, vào những năm 70-80, Nhật đã mua rất nhiều tài sản ở Mỹ, kể cả trái phiếu chính phủ, vì Nhật có thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ giống như Trung Quốc bây giờ. Thế rồi năm 1985 Mỹ đã buộc Nhật phải ký vào Plaza Accord để đồng yen lên giá hơn 50% so với đồng USD trong hai năm sau đó. Điều này tương đương với tất cả các khoản đầu tư trước đây của Nhật vào Mỹ bị mất giá hơn một nửa, cũng có nghĩa là Mỹ đã trắng trợn “quịt” 50% số nợ với Nhật.

Mỹ tuy chưa làm được điều này với Trung Quốc nhưng hơn 3000 tỷ dollars trái phiếu sẽ bị FED thao tác “bốc hơi” lúc nào là chuyện dễ như trở bàn tay. Trung Quốc thừa biết nhưng vì mục tiêu tăng trưởng nên buộc phải chấp nhận “lót tay”, chấp nhận có thể bị “quỵt nợ” ,“cố đấm ăn xôi”mà thôi.

Rõ ràng là Trung Quốc và Nhật Bản đã đem của cải, tài nguyên của mình đổi lấy những tờ dollars của Mỹ, do Mỹ in và phát hành, nhưng Nga thì không, Nga đem những thứ đó để đổi lấy vàng. Đây là những con số nói lên tất cả: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết dự trữ vàng của Liên bang Nga trong tháng 11 năm nay đã tăng thêm 19 tấn, đạt con số 1.187,5 tấn. Đây là chỉ số dự trữ vàng cao nhất của nước này trong 20 năm qua. Nga đã nhập khẩu vàng suốt 8 tháng nay để tận dụng mức giá thấp. Trong quý 3 năm nay, khi giá vàng đã giảm 1,9%, tất cả ngân hàng trên thế giới mua vào 93 tấn thì Nga chiếm một con số kinh ngạc là 55 tấn.

Thứ hai là về thanh toán nhập khẩu. Nga tuyên bố thanh toán bằng vàng được quy đổi theo dollars. Tuyên bố này gửi đến các nước BRICS và Trung Quốc hưởng ứng nhiệt liệt. Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố “Dừng việc tăng dự trữ quốc gia bằng đồng dollars”. Điều này có nghĩa là cũng như Nga, vẫn chấp nhận lấy dollars làm phương tiện trung gian thanh toán hàng hóa, nhưng sau đó sẽ loại bỏ nó bằng một thứ khác trong cơ cấu dự trữ quốc gia.

Có thể nói quan hệ Nga-Trung được coi là thành công nhất trong vụ hạn chế, tiến tới triệt tiêu sự bá chủ của đồng dollars mà Trung Quốc ấp ủ từ lâu. Hàng hóa của Trung Quốc và năng lượng của Nga được thanh toán cuối cùng bằng vàng. Trong cuộc chơi này, trong rổ tiền tiền tệ của nhóm nước BRICS sẽ không có sự xuất hiện của đồng dollars.

Châu Âu phải mua năng lượng của Nga bằng vàng và mua hàng hóa của Trung Quốc cũng phải bằng vàng và chắc chắn lúc đó vàng từ nguồn dự trữ của phương Tây sẽ chảy vào kho của các quốc gia BRICS, những quốc gia mà họ không dùng đồng dollars làm phương tiện thanh toán cuối cùng.

Vàng không dễ sản xuất như in ấn dollars, với sự giảm mạnh lượng dự trữ vàng hiện nay, phương Tây chỉ có thể chờ ngày dollars rời khỏi vũ đài lịch sử khi nó không còn là một phương tiện thanh toán, dự trữ cuối cùng cho các quốc gia trên thế giới. Những gì Nga và Trung Quốc đang làm cùng các nước BRICS đã thực sự thay đổi dần vị thế, vai trò của đồng dollars trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Khi giá dầu giảm đến mức thấp nhất, Liên Xô lúc đó, đã bán vàng trong kho của mình. Kết quả là Liên Xô bị tan rã. Mỹ-phương Tây lên ngôi, đồng dollars đã trở thành chúa tể thế giới.

Còn bây giờ, khi giá dầu giảm đến mức thấp nhất thì Nga lại mua vàng nhập vào kho của mình. Kết quả sẽ ra sao? Đó sẽ là sự sụp đổ sự bá quyền của dollars-dầu lửa, mô hình thống trị thế giới của Mỹ-phương Tây?

Mỹ và phương Tây sẽ làm gì? Theo truyền thống, để loại bỏ mối đe dọa quyền bá chủ và lợi ích quốc gia, Mỹ-phương Tây sẽ tiến hành lật đổ chế độ Nga-Putin (cách mạng màu) hoặc tấn công bằng quân sự vào Nga, nhưng cả hai cách này xem ra đều không thể.

Mỹ-phương Tây đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng và tuyệt vọng trong “cái bẫy vàng” tiền tệ của Putin sau khi đã quá hiểu quy tắc vàng: “Ai có nhiều vàng ra những quy định” và chưa biết làm gì để thoát ra.

Lê Ngọc Thống (Tổng hợp và bình luận)

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment