Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, January 21, 2015

Cường quốc đại dương - phần 1

Santa Maria
Con người từ khi ra khỏi hang đá, cũng là bắt đầu những bước đầu tiên trong công cuộc chinh phục khoảng cách và tốc độ của mình. Khoảng 3500 năm trước Công nguyên, con người phát minh ra bánh xe, đó chính là cuộc cách mạng tốc độ và di chuyển đầu tiên của con người. Nhưng cũng chính những phát kiến về khảo cổ còn chứng minh, thuyền bè, mái chèo và buồm… là những thứ con người còn phát minh ra sớm hơn, khoảng 4000 năm trước Công nguyên.

Trái đất được bao phủ bề mặt phần lớn là nước, và chính những con sông cùng đại dương, là các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của nhân loại. Các con sông chính là những con đường giao thông vận tải cực kỳ quan trọng, khi mà năng lực vận tải trên bộ không thấm tháp gì, vất vả, nhất là việc làm đường qua những địa hình phức tạp là khó khăn. Sự phát triển của văn minh nhân loại đã gắn với các con sông, nên người ngày nay dùng tên những con sông để đặt cho các nền văn minh: Các nền văn minh Lưỡng hà (Tigre và Euphrate, sông Hằng và sông Ấn, Trường Giang và Hoàng Hà) Cho các chuyến viễn du xa xôi, con người buộc phải vượt qua biển cả, và họ không hề lùi bước trước đại dương to lớn. Chuyến lang thang trên biển của Ulysses sau 10 năm không về được quê hương qua bao miền đất lạ đã là những thiên sử thi cuốn hút bao thế hệ mê hải hành. Trên thực tế, các công trình khảo cổ cùng với những sử thi còn lại, người ta đang chứng minh con người còn biết đi biển từ xưa hơn nữa, khoảng thế kỷ thứ 7 hay thứ 6 trước Công nguyên.

Chúng ta sẽ giành sự quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của hàng hải và hải quân từ thời kỷ cận đại, tức là khoảng thế kỷ thứ 15, 16 và có lẽ không có ai được chọn bắt đầu xứng đáng hơn bằng các nhà hàng hải: Amerigo Vespucci, Christopher Columbus và Ferdinand Magellan, những nhà thám hiểm và hàng hải đã gắn tên tuổi mình với những phát kiến lớn về địa lý của con người từ thời kỳ cận đại đến nay.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhờ có sự quan tâm đặc biệt đến hàng hải, trở thành đế quốc và những cường quốc biển sớm nhất. Người Pháp cùng thời, cũng đã tiếp cận Châu Mỹ, thành lập được các căn cứ của mình ở Brasil và Florida, nhưng nhanh chóng lép vế trước những người thực dân từ bán đảo Iberia [1].

Ở Phương Đông, Thái giám Trịnh Hòa (1371–1433,) đã là người đại diện cho nhà Minh (thời Minh Thành Tổ) của Trung Quốc, đi những đoàn tàu vừa làm sứ giả, vừa thám hiểm lại đóng vai trò đặt quan hệ thương mại… hạm đội của ông có lúc lên đến 300 thuyền với tổng cộng 3 vạn người, một con số đáng nể. Mặc dù là người Ả rập nhưng ông vẫn chính là người đầu tiên đưa người Trung Hoa đặt chân đến những châu lục khác bằng cách vượt đại dương.

Một người Phương Đông nữa, vị hoàng tử nông dân đã dám dấn thân sang Hà Lan học đóng tàu và đã trở nên tinh thông, là người đặt những chiếc sống tầu đầu tiên cho nền hàng hải nước Nga. Trở thành Sa hoàng của nước Nga, Piotr đệ nhất vẫn là ông vua tài năng có nghề thợ mộc kiêm pháo thủ. Chiến thắng Poltava ngày 28 tháng 6 năm 1709, sau nhiều năm giằng dai chiến tranh với Thụy Điển, nước Nga đã có đường ra biển và Piotr đã đặt kinh đô mới của nước Nga ở thành phố mang tên ông, Saint Petersburg. Thời đó, Nga chưa có khái niệm gì nhiều về biển Thái Bình Dương, nhưng mãi sau này, họ có hải cảng Vladivostok “vùng biển ấm”. Chiến tranh Nga – Nhật 1904 – 1905 mà phần thất bại về phía Hải quân Nga Sa hoàng, đã cho nước Nga thấy rõ vai trò của Hải quân quan trọng như thế nào. Công lao của Sa hoàng Piotr Đại đế không chỉ trong phát triển hải quân nói riêng, mà còn để phát triển toàn ngành hàng hải của nước Nga nói chung. Ngoài biển Bắc, nước Nga còn có biển Đen ở phía nam và năm 1788: Nữ hoàng Catherine Đại đế (Catherine II of Russia) bổ nhiệm một tư lệnh mới cho một trong những Hạm đội Nga: Đô đốc Pavel Dzhones. Nữ hoàng nói khi ký “Quyết định” bổ nhiệm ông: “Thêm một con người kiên cường nữa cho Biển Đen”. Đó chính là vị Đô đốc John Paul “Jones” – ông lấy tên Nga “Павел Джонз” để tỏ lòng mong muốn tìm được vinh quang trong vai trò của người Đô đốc Hải quân Nga. Ông lên đường nhận nhiệm vụ giải phóng Biển Đen khỏi sự chiếm giữ của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhận được 12 chiếc tàu ở cửa sông Dniepr và nhanh chóng, ông đã chứng tỏ Nữ hoàng Catherine đã không nhầm khi chọn mình làm nhiệm vụ. Với kinh nghiệm lão luyện, ông còn chỉ huy với sự can đảm tuyệt vời. Thậm chí, ông còn cho thuyền của mình xáp lá cà với một chiếc galê của quân Thổ. John Paul Jones (1747 – 1792), “người anh hùng biển Đen”, lưỡng quốc Đô Đốc của cả hai nước Nga và Hoa Kỳ.

Thời kỳ sau đó là sự ra đời của hai cường quốc đại dương mới: Hà Lan và Anh Quốc. Đầu thế kỷ 19, Hoàng đế Napoléon của nước Pháp sa lầy trong các cuộc chiến trên lục địa châu Âu nên không thực hiện được ước mơ phát triển hải quân của mình để xâm lược nước Anh, do đó ông mãi mãi là hoàng đế “bách chiến bách thắng trên bộ”. Thế kỷ 19 cũng chính là thế kỷ người Anh bá chủ mặt biển, nhưng cũng chính thời gian này là thời kỳ nước Anh mất đi vai trò của mình vào tay một “lính mới” nhưng sẽ nhanh chóng trở thành siêu cường: Hoa Kỳ.

Alfred Thayer Mahan
Chúng ta cần dừng lại một chút để nói về thuật ngữ “cường quốc biển”, thuật ngữ này có gốc trong tiếng Anh là “sea power” mà sự ra đời của nó được cho là xuất phát từ một Hạm trưởng và sau này là Chuẩn đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, ông Alfred Thayer Mahan (1840 – 1914). Viết tác phẩm “The Influence of Seapower Upon History, 1660–1783”, ông cũng đồng thời thể hiện cái nhìn sáng suốt về chiến lược phát triển đất nước trở thành những “cường quốc đại dương”. Chính tác phẩm này được dịch ra tiếng Nhật và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển mạnh mẽ của hải quân của Đế chế Thiên Hoàng Nhật Bản, lực lượng sau đó đã giành chiến thắng giòn giã trước Hải quân Nga già cỗi của Sa hoàng trong Chiến tranh Nga – Nhật 1904 – 1905. Người ta đánh giá cao sự ảnh hưởng từ tư tưởng của ông đến chương trình phát triển của Hải quân Hoa Kỳ, đưa Hoa Kỳ trở thành cường quốc đại dương như ngày nay, như vạch ra sự hình thành lực lượng Hải quân có nòng cốt là các hạm đội, mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành hạm đội, mối quan hệ giữa hạm đội với trung tâm chỉ huy trên biển và trên bờ, hậu cần, tiếp liệu… và các nguyên tắc tác chiến của các yếu tố cấu thành cơ bản của hạm đội trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Quan trọng nhất, ông chỉ ra rằng, đất nước muốn phát triển thương mại hàng hải, thì phải trở thành cường quốc biển. Và ông đã đúng. Ông đưa ra chiến lược phòng thủ bờ biển phía đông nước Mỹ trong cuộc chiến trên biển chống lại Đế quốc Anh, và về phía tây, hàng rào phòng thủ trên biển của nước Mỹ là Hawaii, kẻ thù trước mắt là Đế chế Thiên Hoàng Nhật Bản. Hơn thế nữa, lý thuyết ông đưa ra, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển Hải quân của các nước tham chiến trong hai cuộc Đại chiến thế giới, lần thứ nhất và lần thứ hai. Ông đánh giá cao vai trò của các loại tàu chiến đấu với tính năng tác chiến đa dạng, và quan tâm nhiều đến vai trò của tàu ngầm. Đồng thời, cũng chính ông khi quan tâm đến mối quan hệ hạm đội và bờ biển, cũng dành nhiều quan tâm đến một binh chủng mới: không quân. Ông băn khoăn nhiều về việc làm thế nào một hạm đội có thể tác chiến ở vùng biển xa trong một thời gian dài. Chính sự quan tâm này của ông, đã ảnh hưởng lớn đến học thuyết quân sự phát triển Hải quân Hoa kỳ sau này.
___________

[1] Iberia: bán đảo có hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Hết phần 1

Đọc tiếp phần 2 tại đây

Đọc tiếp phần 3 tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment