Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, December 15, 2014

Về bài “Thượng Đế, Phật-Chúa, Thần Thánh, Con Người Và Khoa Học”


Một Thày giáo, giảng viên Đại học chia sẻ bài viết về "Thượng Đế, Phật-Chúa, Thần Thánh, Con Người Và Khoa Học", xin có đôi dòng cảm nhận về bài viết này.

1. Lòng tin. Đức Phật (ở đây xin được hiểu là Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, lịch sử xin đọc Thái tử Tất Đạt Đa) không yêu cầu đệ tử của Ngài phải ngay lập tức phải tin Ngài, và cũng không bắt buộc phải tin. Ngài muốn những người con của Ngài khi nào ngộ ra được thì hẵng tin, ngộ đến đâu, tin đến đó. Nhưng với những người theo Phật, có được lòng tin là một phước đức lớn. Những người phước đức mỏng hoặc thậm chí không có, thường không có lòng tin, hay đặt vấn đề nghi ngờ điều này, điều khác.  

Do đó với Đạo Phật, niềm tin là cực kỳ quan trọng, nhưng lại không bắt buộc, khác với các Tôn giáo khác, bắt buộc các tín đồ của mình phải tin vào Giáo chủ của mình một cách tuyệt đối đến mức hà khắc, khắc nghiệt, thậm chí sử dụng bạo lực với những trường hợp báng bổ hệ thống thánh thần, trong lịch sử đã từng có Tòa án Giáo hội để xét xử những người dám đi ngược lại đức tin. Đạo Phật không có điều đó. Do đó với Đạo Phật, lòng tin được biểu hiện ở sự Giác Ngộ, một lòng tin tự giác, không cần bắt buộc, và do đó lòng tin đó là vững bền, xuất phát từ sự hiểu biết. Với những người đã có lòng tin rồi còn lạc lối, cũng là bình thường, tùy thuộc vào phúc đức của người đó và khả năng tự tu học để tái giác ngộ, trở lại con đường sáng hay không.

2. “Thượng Đế” “Phật – Chúa – Giáo Chủ” “Thánh thần”  “Con người”. Chúng ta thường nghe “Đức Phật Thích Ca Mầu Ni – Ta bà Giáo Chủ”. Như vậy Đạo Phật thừa nhận có cuộc sống khác ngoài thế giới vật chất chúng ta đang sống, và trải quan luân hồi vô lượng kiếp, mỗi người trong số chúng ta cũng có thể đã trải qua những dạng cuộc sống khác nhau và trong tương lai cũng hoàn toàn có thể lặp lại như vậy – tùy thuộc “nghiệp lực” khác nhau của mỗi người. Như vậy chúng ta phải hiểu là ngoài cõi thế giới vật chất này, mà người ta thường gọi là “cõi Ta Bà”, nơi sinh sống của loài người, là một hạt cát trong vũ trụ có thể có nhiều thế giới khác, nhiều cõi khác. “Thượng Đế” theo Phật học, là Đức vua ở một cõi, cõi thần tiên, và cõi đó vẫn là cõi dục, nghĩa là “Thượng Đế” (Ngọc Hoàng) và các thần tiên, cũng vẫn ở cõi dục, là một cõi rất thấp so với các cõi khác của Phật (Phật nói chung, có nhiều Đức Phật), như Nirvana “Niết Bàn” chẳng hạn.

Trích Wiki tiếng Việt: “Thực ra trong Phật Pháp, không có thượng đế, mà cũng không có nói thượng đế là người tạo hóa, Phạm Thiên Vương chỉ là một trong các vị thiên vương (ông trời) ở trên các tầng trời, do công đức tu hành cao nên khi hết một báo thân, chúng sanh đó được sanh lên các tầng trời theo nghiệp báo của họ, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi vòng sinh tử.Phạm Thiên Vương là vua cảnh trời Đại Phạm, Ngài có quyền luôn ở ba cõi: Phạm thân Thiên, Phạm chúng Thiên, Phạm phụ Thiên. Ngài cai quản Tam thiên đại thiên thế giới tức cõi Ta bà nầy (rộng tới 1 tỷ tỷ thế giới, 1 thế giới bằng 1 hệ ngân hà hoặc lớn hơn)(cõi Ta bà chi là khu hóa độ chúng sanh của Phật Thích Ca, mỗi một vị Phật đều có khu hóa độ riêng)…”

Do đó trong bài viết này, người viết hiểu “Thượng Đế” đặt trước, “Phật – Chúa – Giáo Chủ” là người viết đang tập trung vào hiểu Phật là Đức Thích Ca Mầu Ni – Ta Bà Giáo Chủ. Đức Phật như chúng ta đã biết, từ cõi Phật đến cõi Ta Bà của chúng ta, thị hiện thành người bằng xương bằng thịt, bắt đầu từ thái tử Tất Đạt Đa rồi trải qua các bước tu hành, chứng ngộ mà trở thành người Thày của nhân loại, rồi Ngài đản sanh về lại cõi Niết Bàn. Mạch tư duy của người viết mới chỉ tập trung vào Đức Phật Thích Ca Mầu Ni của thời đại chúng ta, con người hiện đại (vài nghìn năm trước Công nguyên đến nay), và đặt Đức Phật này dưới “Thượng Đế” là có lý. Nhưng so với nguồn gốc nơi đến và nơi đi của Đức Phật, như thế là chưa đủ, nếu như không muốn nói là không đúng.

Đạo Phật không thừa nhận có đấng sáng thế, tức là “Chúa Trời người tạo ra muôn loài, muôn vật”, mọi sự vật hiện tượng, mỗi chúng sinh trong luân hồi là không có điểm khởi đầu và kết thúc, vô thủy vô chung, nghĩa là việc chúng ta sinh ra trên cõi Ta Bà này là do “nhân quả, luân hồi, nghiệp báo” quyết định. “Ta Bà” là cõi khổ, nhưng được làm thân người ở cõi Ta Bà là phúc cực lớn vì chỉ có con người mới có thể tu lên thành Phật. Đạo Phật do không thừa nhận Đấng Sáng Thế, nên là đạo “vô thần”, không phải thừa nhận “có thánh thần” là có thần. Vẫn là “vô thần”. “Thánh thần” với Đạo Phật, cũng chỉ là những chúng sinh ở những cõi khác, có nghiệp lực khác mà thôi.

Các Tôn Giáo khác có thừa nhận Đấng Sáng Thế hay không, mình không rõ không dám lạm bàn, nhưng nếu có, thì là đạo có thần. Như Đạo Hồi, Đức Allah nghĩa là “Thượng Đế”, “Đấng Sáng Thế” – thì Đạo Hồi là Đạo có thần, theo đó chúng ta được tạo ra do Thượng Đế.

Do đó đặt “Phật - Chúa” cùng một phạm trù, thì có thể chỉ phù hợp với người đọc lịch sử loài người: Đọc sử Đức Phật Thích Ca Mầu Ni 2500 trước Công nguyên, rồi đến Công Nguyên là lịch sử Chúa Jesus… nghĩa là bó hẹp trong những gì con người nhận thức được theo những phương pháp thông thường mà con người hiện đang gọi là “khoa học.” Người học Phật sẽ biết có nhiều Đức Phật. Ví dụ: Đức Phật A-di-đà (Đức Phật của Quá Khứ) hay Đức Phật Di Lặc (Đức Phật của Tương Lai)…

Về “Thần thánh”, người viết có lý khi viết “Đó là những năng lượng cao trung gian, ít nhiều tùy không gian, thời gian có ảnh hưởng đến quần chúng. Thần Thánh tồn tại trong tương tác với quần chúng, chịu ảnh hưởng nhiều của quần chúng, mang rất nhiều đức tính của Quần Chúng. Khác với Thượng Đế đòi hỏi mỗi con người phải vươn lên, tu luyện thắng chính những cái xấu buông bỏ cho tinh khiết, Phật-Chúa dễ hơn nhưng cũng bắt đòi hỏi con người tu thân (Quay đầu là Bờ - Bờ chính là không gian trong Tâm mình, An trú ở đó), Thần Thánh nặng về lễ bái, cầu xin, liên quan nhiều đến tâm lý sợ hãi của con người, của tâm lý đám đông.

Đúng vậy, “Thần thánh” như trên mình hiểu và trình bày, là chúng sinh ở những cõi khác, do đó có thể không chỉ là dạng “năng lượng cao trung gian” mà có thể ở những dạng vật chất đặc biệt, như dạng sóng, dạng hạt, (phôtôn chẳng hạn…) mà con người bằng giác quan và cả các thiết bị của mình, chưa nhận thức được hoặc chưa nhận thức được đầy đủ. Một số cá nhân có thể nhận thức được ở một mức độ nào đó, thông qua những năng lực đặc biệt (“thần thông”), và khi họ kể lại, tường thuật lại bằng lời nói, thì được xây dựng lên có thêu dệt, thành hệ thống truyền thuyết về “Thần thánh.” Những người có “thần thông”, thường thu thập lòng tin của công chúng bằng việc nói trước được tương lai hoặc nói ra những điều chôn giấu trong quá khứ của người khác… và quần chúng tin vào những người đó, ít nhiều là những người “mê tín.” Người hiểu biết không phủ nhận “thần thông”, nhưng không bám vào đó để xây dựng lòng tin cho mình.  

Những gì mình viết trong phần này cũng liên quan đến “con người” nên phần cuối, khi người viết viết về “con người” mình sẽ không đề cập lại nữa.

3. Người viết viết về “Tứ diệu đế” và “Bát chánh đạo”, băn khoăn không biết nên chọn con đường nào trong 8 con đường. Cuối cùng người viết kết luận “Câu trả lời của tôi là Thiền Đạo và nên hiểu Bát Chánh Đạo = Thất Chánh Đạo + Thiền Đạo”. Không rõ “Thiền Đạo” của người viết có phải là “Chánh Định” trong “Bát chánh Đạo” hay không, nhưng mọi pháp tu của Đạo Phật đều phải đi vào “định”. Còn nếu cho rằng phải chọn một trong 8 con đường thì không hẳn thế, như đi từ Hà Nội vào Sài Gòn theo đường quốc lộ 1A thì bắt buộc phải qua thành phố Vinh rồi qua Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… nên hiểu là tám phương tiện đưa hành giả đến an lạc, giải thoát. Do đó người hành giả phải sử dụng cả tám phương tiện đó, phải đi qua tất cả những “mốc” đó: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

4. Người viết khá băn khoăn khi hệ thống kinh sách của Đạo Phật khá “mờ” (mù mờ?), “Càng mờ lại coi là càng uyên thâm”, và lo lắng rằng hệ thống kinh điển này bị con người làm méo mó đi nhiều. Điều này dường như là đúng, vì quá nhiều kinh sách thật. Thời Mạt Pháp, người học thì nhiều, người hành thì ít, người đọc được vài chữ thì hay giảng pháp, thậm chí viết sách mà quên đi cái sự tu hành vào bản thân mình. Nhưng chúng ta suýt quên Đạo Phật có 84 ngàn pháp môn, chẳng nhẽ Đức Phật dạy lắm nhiều phép tu đến thế? Không phải, Đức Phật tùy duyên, tùy căn cơ mà nói pháp, nên có nhiều đối tượng nghe giảng thì cũng phải có nhiều phương pháp đặt vấn đề, tiếp cận và giải quyết vấn đề. Trải qua 2500 năm nhiều người giải thích, nhiều người viết sách thì thành ra nhiều thôi. Với người theo Phật hiểu biết, chỉ có một pháp môn duy nhất là “pháp môn giải thoát.”

Do đó người viết rất sáng suốt khi đưa ra lời khuyên “Hãy chọn lấy phần tinh khiết của Phật giáo Nguyên Thủy ít chịu ảnh hưởng của đám đông hơn, ít bị chi phối bởi Đời, xã hội.” – đúng, lúc đầu chưa hiểu nhiều thì đọc sách của Thày này, người khác giải thích; nhưng đã hiểu nhiều nhiều rồi thì nên đọc Kinh Nguyên Thủy.

5. Khoa học. Tác giả viết “Con người để đi xa hơn nữa trên con đường nhận thức thế giới khách quan cũng đã nhận ra rằng những công cụ tư duy Logic của khoa học truyền thống hai chiều, những phép đo liên quan đến các giác quan có những hạn chế .., cần được bổ xung bởi những linh cảm, kỳ diệu, vô hình, đa chiều.

Chúng ta nhận thấy tác giả với tư cách là đại diện của nền khoa học thực chứng (xây dựng lý thuyết trên những phép đo và những kết quả chứng minh thực tiễn) cũng đã nhận thấy cái “limit” của nhận thức con người trước cái vô hạn của vũ trụ. Vậy thì chẳng nhẽ con người không thể nhận thức được vũ trụ chăng? Sai rồi, con người hoàn toàn có thể nhận thức được vũ trụ. Con người xây dựng được “logic học”, khoa học của tư duy, nhưng điều này Đức Phật dạy lâu rồi. Phật pháp trang bị cho chúng ta phương pháp tư duy “biện chứng và khách quan”, chỉ cần thế là đủ. Và nếu như giác ngộ, đạt thành tựu mà tu thành Phật, chính là con đường nhận thức vũ trụ của con người.

Sau đây là toàn văn bài viết:

Thượng Đế, Phật-Chúa, Thần Thánh, Con Người Và Khoa Học
=============================================
Với lòng tin ta sống dễ dàng hơn
Và ra đi cũng nhẹ nhàng hơn
(thơ Szimborska)

Lùi ra xa để không bị bẫy của cảm xúc, để không bị che mắt bởi những cái nhỏ và rồi để mọi thứ trở nên sáng, đơn giản.

Thượng Đế
--------------
Trong Yoga Thượng Đế thực chất đó là sự tinh khiết, không có hình hài con người với năng lượng và dải tần vô biên, là thực thể Tuyệt Đối duy nhất mà ta gọi là "Đại ngã", linh hồn bất tử tối cao ... Thế giới đang vận động chỉ là những bộc lộ khác nhau của một thực tại bất biến, của một tự tính bất sinh bất diệt. Con người cũng là một dạng xuất hiện của thực tại đó. Bản thể của mọi sự vật còn được Lão Tử gọi nó là Đạo. Có thể coi đó là ngọn lửa vô biên không tắt mà con người là một ngọn lửa nhỏ lấy từ đấy.

Thượng Đế là một giả thuyết được định nghĩa, Tuyệt đối duy nhất, bất biến. Nếu Tin (Đức Tin ở Thượng Đế và Lòng Tin ở chính Mình) sẽ có Cái Được một điểm tựa để sống dễ dàng hơn và ra đi cũng nhẹ nhàng hơn, là một cách. đơn giản nhất để sống mạnh mẽ và bình an nhưng cũng là khó nhất vì phải vượt chính mình. Cái Mất thực ra là không có.

Phật – Chúa – Giáo Chủ
------------------------------
Về mục đich. Họ là những người vĩ đại, những linh hồn vĩ đại. Họ khác nhau nên cũng Giác ngộ khác nhau, có những Con đường đi khác nhau nhưng. Nhưng tất cả đều có Điểm giống nhau là yêu thương con người, cứu vớt con người. Cái Đích Thiện đó là điểm chung của mọi Đạo trên thế gian này.

Về con đường. Chúng ta thử tìm điểm chung, giao của các Đạo, bắt đầu từ Phật (Giác Ngộ). Ở đây chúng ta nên dừng lại trước triết lý Tứ diệu đế (Bốn cái là nguyên nhân đau khổ của con người) và công cụ giải quyết nó là Bát chánh đạo (Tám con đường thực hành dẫn luyện). Những người giảng đạo Phật không đặt câu hỏi nếu chỉ chọn một thì Đạo nào trong số Tám cái đó.

Câu trả lời của tôi là Thiền Đạo và nên hiểu

Bát Chánh Đạo = Thất Chánh Đạo + Thiền Đạo

vì lý do:

Thiền là chung cho tất cả các tôn giáo (với Ý Niệm duy nhất mãnh liệt con người buông bỏ không chấp cái thế giới bên ngòai, không đổ tại bên ngòai, ngoại cảnh, cắt bỏ quá khứ, tương lai, chìm sâu trong hiện tại để trở về với thế giới nội tâm của riêng mình-chờ đón một hiệu ứng kỳ diệu tâm linh). Đức Phật cũng Thiền, Đạo Lão, Đạo Khổng, Yoga cũng Thiền, Đạo Cơ Đốc, Đạo Hồi cũng vậy.

Đó là phần giao của những Tập hợp khác nhau. Không thể nói là sai (Chân lý) Cái mà những Ngài khác nhau đó độc lập nói giống nhau. Đó chính là Tĩnh Tâm, Nhất Niệm (đơn giản là Tụng Niệm) hàng ngày, là Thiền Định. Đó là phương pháp chung của mọi Đạo trên thế gian này.

Do sự phát triển liên quan đến đám đông, dễ bị bầy đàn ảnh hưởng theo kiểu Trần sao Âm thế, suy từ Đời ra Đạo, từ Bùn ra Hoa Sen, các đạo giáo ít nhiều bị ảnh hưởng. Thay vì phải giữ được gốc (bất biến) là phần Cứng của Đạo, chỉ phần kết nối với Đời là linh hoạt Mềm (vạn biến) thôi, nhiều Đạo đã lại tự mềm hóa, Đời hóa, biến dạng ra các nhánh, cành tùy theo môi trường sống để Đạo có nhiều người theo hơn. Đạo Phật với tính chất bao dung nên có nhiều biến thể nhất, nhiều Phật, nhiều kinh và để hợp lý điều đó đã coi là sự vật không có hai mặt, mà trên nó, tất cả những phương pháp nhị nguyên để nhìn vào sự vật đều bị bác bỏ. Thay vào đó các kinh sách được viết bằng một ngôn ngữ rất mờ (fuzzy). Càng mờ lại coi là càng uyên thâm. Nhiều người theo Đạo gần như quên mất một điều là phải tự mình suy ngẫm, thiền luyện, giác ngộ trong Thế Giới Nội Tâm (Inner Space) chứ không cầu xin, đi tìm các giải pháp ở bên ngoài, nặng về lễ bái. Thay vì tìm sự bình an trong giây phút hiện tại như Phật dạy lại cứ luôn bất an về Quá Khứ và Tương Lai. Thay vì phải vượt lên thắng chính mình để theo Đạo, lại hạ chuẩn Đạo cho gần mình. Sự kết nối mềm Đạo và Đời là cần thiết nhưng nên mạch lạc, phần nào Đạo, phần nào Đời với các trọng số thich hợp để kết nối. Thay đổi là ở các trọng số, cách kết nối chứ không nên theo cách làm thay đổi, biến dạng Đạo, đẻ ra lắm cành, lắm bụi. Tiếc lắm. Cũng có những cố gắng của các trí tuệ Phật giáo muốn giữ gìn sự trong sáng, đơn giản của Đức Phật Thich Ca. Nhìn kỹ ra thì Yoga it bị biến dạng nhất, ít bị pha tạp bởi những cái của đời thường. Có lẽ vì Yoga là phải tự luyện, tự mình, không liên quan đến ai khác cũng như môi trường Đời bên ngoài, là phép tu luyện thực sự của bản thân trong thế giới Tâm Linh và hiệu quả đối với sức khỏe là điều kỳ diệu mà không ai phủ nhận được.

Ba Tầng của Yoga:

-Tầng 1: Để Thân Xác-Tâm Tính mình tốt hơn với những ý nghĩ tích cực
-Tầng 2: Để nhận ra Mình
-Tầng 3: Đúng theo nghĩa của Yoga (Raja Yoga) là kết nối với Thượng Đế

Phật-Chúa là một tồn tại mang tính Cộng Đồng, bầy đàn (Bầy đàn chỉ có thể suy nghĩ bằng hình ảnh, chỉ bị ảnh hưởng bởi hình ảnh. Đừng bao giờ tác động vào trí thông minh và lí trí của đám đông. Đám đông bao giờ cũng thích ảo tưởng hơn sự thực- Gustave Le Bon). Hãy chọn lấy phần tinh khiết của Phật giáo Nguyên Thủy ít chịu ảnh hưởng của đám đông hơn, ít bị chi phối bởi Đời, xã hội. Ít tham hơn nhất là tham đúng. Các tôn giáo khác cũng vậy thôi.

Thần Thánh
----------------

Đó là những năng lượng cao trung gian, ít nhiều tùy không gian, thời gian có ảnh hưởng đến quần chúng. Thần Thánh tồn tại trong tương tác với quần chúng, chịu ảnh hưởng nhiều của quần chúng, mang rất nhiều đức tính của Quần Chúng. Khác với Thượng Đế đòi hỏi mỗi con người phải vươn lên, tu luyện thắng chính những cái xấu buông bỏ cho tinh khiết, Phật-Chúa dễ hơn nhưng cũng bắt đòi hỏi con người tu thân (Quay đầu là Bờ - Bờ chính là không gian trong Tâm mình, An trú ở đó), Thần Thánh nặng về lễ bái, cầu xin, liên quan nhiều đến tâm lý sợ hãi của con người, của tâm lý đám đông.

Con Người

Mỗi con người (Giàu- Ngèo, Mạnh-Yếu...) có những hòan cảnh khác nhau và những lựa chọn khác nhau. Sự lựa chọn đó xuất phát từ mình. Kể cả người rất mạnh, không lựa chọn gì cả, vô thần, chỉ chọn tin vào chính mình cũng có lý của họ. Con người có giác quan. Có những người lựa chọn chỉ tin vào những cái gì Hữu Hình được kiểm chứng bằng con đường thông qua giác quan kiểu có tự thấy mới tin. Con người còn có trí tưởng tượng, cảm nhận. Có những người thiên về mặt này. Thực ra con người chỉ giống nhau ở hai điều. Thứ nhất là họ giống nhau ở chỗ không ai giống ai, thứ hai là cùng bị chi phối bởi tâm lý bất an, bầy đàn, lây nhiễm

Thần Thánh là kết quả của việc Xã hội hóa các tồn tại Tinh Thần. Nó có đặc thù địa phương nhiều. Mỗi nhóm bầy đàn có Thần Thánh riêng và tương tác quần chúng - thần thánh ngày càng mạnh. Không những thế nó lan tỏa vào đạo Phật làm biến dạng đạo Phật.

Kết luận:

-Con người không thể làm hỏng Thượng đế vì nếu theo định nghĩa thì đó là tuyệt đối duy nhất-Đấng tòan năng, năng lượng và tần số vô biên, không có hình hài của chúng ta với những luật chơi (Tuần hòan và nhân quả - Trật tự và cân bằng ) bất biến với thời gian, không gian, không bị biến dạng. Để đến được với Thượng đế cần tu luyện một cách bướng bỉnh, không đổ tại bên ngòai (không gian) cũng như qua khứ, tương lai (thời gian). Phải tinh khiết và đủ năng lượng và nhịp đập để hòa theo nhịp đập của Thượng Đế....

-Còn lại tất cả đều tương đối. Do con người đặt ra. Người trí tuệ trong sáng sẽ tìm thấy ở đó sự tiến hóa. Người muốn lợi dụng sẽ có thể đơm đặt tiếp, tha hóa vụ lợi.

Khoa học
------------

Khoa Học để sáng tạo ra những sản phẩm chất xám, để nhận thức thế giới và con người

Khoa Học (từ tiếng Latin Scientia, có nghĩa là "Kiến Thức") là một hoạt động có hệ thống được xây dựng và tổ chức kiến thức trong các hình thức giải thích và dự đoán có thể kiểm chứng về vũ trụ cũng như thế giới của con người-Vũ Trụ Quan và Thế Giới Quan.

Có nhiều trường phái khác nhau của triết lý khoa học. Phổ biến nhất là trường phái theo chủ nghĩa kinh nghiệm Duy Thực cho rằng kiến thức mà được tạo ra bởi một quá trình liên quan đến quan sát và khoa học là kết quả những quan sát của nhiều thế hệ được xếp sắp cho có hệ thống và gia công chúng sao cho không mâu thuẫn nhau. Họ xây dựng các lý thuyết, chứng minh giả thuyết thông qua quan sát và thực nghiệm, và phân tích kết quả bằng các kỹ thuật thống kê giúp họ xác định những phát hiện quan trọng về sự vật.

Ngược lại là trường phái Duy Tâm do Descartes chủ trương cho rằng kiến thức được tạo ra bởi trí tuệ của con người, không phải bằng cách quan sát. Cơ sở của khoa học là lý thuyết tập hợp với các phần tử được định nghĩa và những phép suy luận của Logic Hình Thức (Formal Logic). Ở đây tránh nói đến niềm tin. Thay vào đó là những tiên đề, giả thuyết, nguyên lý, mô hình được đề xuất. Phương pháp tiên đề là một trong những phương pháp xây dựng lý thuyết khoa học bằng suy luận diễn dịch (suy diễn) từ một hệ tiên đề gồm những đối tượng cơ bản và quan hệ cơ bản (không định nghĩa) thỏa mãn một số tối thiểu mệnh đề (không chứng minh)gọi là tiên đề, có tính phi mâu thuẫn, độc lập và đầy đủ. Tất cả những nghiên cứu của khoa học đặc biệt là bằng những thao tác của Tư Duy đều cần được kiểm chứng lại trong thực tế và xác định giới hạn áp dụng những kết quả đó vì Tư Duy phụ thuộc con người, có nghĩa là mang tính chất Chủ Quan. Dù Tư Duy có được bổ xung bởi Logic Mờ không phải nhị phân với hai khả năng đúng sai (như Logic Aristotle) nhưng vẫn không thoát khỏi cái bản chất chính đó. Vì thế cùng với việc giải mã sự bất định của Thế Giới sự bất định lại như tăng lên, giống như khi phần trong hinh tròn (phần hiểu biết) càng lớn thì phần ngoài chu vi (phần không hiểu biết) cũng lớn theo.

Về Logic. Chân lý bao giờ cũng Logic, nhưng nếu như chỉ nhất quán Logic không thôi thì vẫn không phải là chân lý. Phật cho rằng không nên chấp nhận một học thuyết trên cơ sở lập luận đơn thuần (Kinh Kalamas).

Tính Bất Định của Thế Giới này được Heraclitus, nhà hiền triết Hy Lạp sống khoảng năm 500 trước CN thấy như là thể giới "đang trôi chảy". Einstein cũng coi như Vũ Trụ chưa có xong, nó cũng như mọi sự vật luôn luôn ở trong trạng thái "trở thành". Đạo Phật cũng khẳng định sự vật luôn luôn biến đổi, "vạn pháp là vô thường", không có gì tồn tại vĩnh viễn cả.

Sự vận động thay đổi liên tục đó chứa đựng nhiều triết lý và thế giới quan khác hẳn nhau. Đằng sau sự luôn thay đổi của hiện tượng, liệu có một cái bất biến, hay là không có gì cả? Đây là câu hỏi trung tâm nhất của mọi triết lý về sự biến dịch, và của Khoa Học.

Khoa Học truyền thống chấp nhận quan niệm tồn tại độc lập của thế giới khách quan và nhiệm vụ của nó là nghiên cứu tính chất của thế giới khách quan đó, hình thành từ những cái gì. Tuy nhiên những quan niệm mới trong khoa học cũng dần xuất hiện. Thế giới chứng minh bị khủng hoảng bởi định lý bất toàn của Godel, cơ sở lập luận Logic truyền thống bị lung lay bởi nghịch lý Russell và nguyên lý bất định Heizenberg cũng như những nghiên cứu trong vật lý học hiện đại cứ như Thế Giới có là vì hành động đo lường của chính chúng ta hay nói chung vì ta nhận thức nó chứ nó không hề tồn tại một cách độc lập với những đặc tính riêng của nó chỉ xuất hiện khi ta nhận thức nó.

Logic được nhìn nhận một cách khác. Nhiều nhà khoa học quan tâm tới những phương pháp nhận thức thế giới Vô Hình, tới quan niệm "pháp vô ngã, nhân vô ngã" của đạo Phật.

Cuối cùng thế giới hữu hình của Khoa Học và thế giới vô hình của Tâm Linh hình như cũng có cái liên thông. Đó là Năng Lượng, cũng là một dạng của Vật Chất theo công thức nổi tiếng về khối lượng vật chất, năng lượng và tốc độ ánh sáng, theo quan niệm của Lão Tử, tụ lại thành hình, tan ra thành khí (năng lượng). Ở đây cần xem lại câu nói bóng bẩy văn hoa của Décartes:: Chỉ có một cái nằm ngoài sự ghi ngờ, đó chính là sự ghi ngờ. Con người để đi xa hơn nữa trên con đường nhận thức thế giới khách quan cũng đã nhận ra rằng những công cụ tư duy Logic của khoa học truyền thống hai chiều, những phép đo liên quan đến các giác quan có những hạn chế .., cần được bổ xung bởi những linh cảm, kỳ diệu, vô hình, đa chiều.

"Khoa học bắt đầu từ phép đo" - Mendeleev nói. Những bước đi của khoa học trên hai chân Định lượng và Định tính có lúc lướt nhanh, có những lúc như dò dẫm nhưng luôn mang ánh sáng của tri thức, có cả ngọn lửa Ptoleme, cả trái tim Danko rọi vào thế giới vô hình bí ẩn quanh ta. Các nhà khoa học chân chính với mục đích nghiên cứu phục vụ con người thì thực ra theo Đạo rồi. Khi nghiên cứu họ cần tập trung cao độ thì nghĩa là đã thiền chánh rồi (mindfuless meditation). Khoa Học Chân Thiện Mỹ đó cũng chính là một tôn giáo ánh sáng trí thức của loài người.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. Bạn nên xem Thượng đế giảng chân lí để hiểu rõ đừng dùng phàm trí để suy luận

    ReplyDelete