Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, November 11, 2014

Tay chân hay quần áo?

Lưu - Quan - Trương kết nghĩa đào viên
Anh bạn thân học cùng từ trung học lên đại học, ngay từ hồi đó đã thấm nhuần lý luận “Nho nhe” của Khổng, Lão… có lần nói: “Huynh đệ như thủ túc, phu thê như xiêm y”. Hồi đó, ý của anh chàng là anh em phải đặt lên trên làm trọng, còn vợ thì chỉ là quần áo mà thôi, có thể thay được.

“Huynh đệ” ở đây, ngoài anh em ruột thịt, còn có xa xa hơn, anh em họ trong nội tộc và xa hơn nữa, các “chiến hữu” gặp được ngoài đời, cảm mến nhau ở cái nghĩa, cái tình, cái chí khí… mà “cắt máu ăn thề” như ba ông vườn đào Lưu Quan Trương vậy. Nhìn chung, lý thuyết đậm chất sử thi, kiếm hiệp Kim Dung gươm đao cứ là xoang xoảng. “Thủ túc”, từ Hán Việt có nghĩa là “tay chưn”, nên người ta còn dùng từ “thủ túc” để chỉ bọn “lâu la dưới trướng”; câu trên do đó nếu viết “Anh em như thể tay chân” (tục ngữ Việt Nam), nghe hay hơn rất nhiều.

Vậy thì câu trên là đúng hay không đúng? Vừa đúng, vừa không đúng, đúng nhiều hơn, có vẻ thế.

Anh em cùng một cha mẹ huyết thống, làm sao bỏ nhau được? “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhà có anh có em, hoạn nạn còn có người che người chống, đỡ một chân một tay, không phải là hơn à. Vì thế ngày xưa các cụ chúc tụng nhau “con đàn cháu đống” cũng phải. Hôm trước bà bác ở quê quy tiên, thọ gần 80, năm anh chị họ con bác của mình dẫn mỗi người hai ba đứa con về, rồi lại mỗi đứa cháu mình lại hai ba đứa “chắt khăn vàng” nữa, cũng thật là đông đúc, mỗi người à vào một việc theo lệnh ông trưởng răm rắp, thật là tốt phước. Cũng là do cái người cầm cân nảy mực, ông anh “quyền huynh thế phụ” xứng đáng với vai trò, phận làm anh đứng mũi chịu sào, lo trước cái lo của gia đình, vui sau cái vui của gia đình, có cái hay cái tốt nhường em hưởng trước, thì đến lúc có việc các em mới “nhất hô bá ứng” được như thế.

Cũng có những ông anh lấy quyền làm anh lấn át em, rồi thu phục quyền bính và của nả của cha mẹ tổ tiên để lại, may ra để lại được cho em “mảnh vườn chó ỉa”… truyện cổ tích dân gian Việt Nam có mà nhiều luôn.

“Làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa!”. Anh em là tay chân, không bỏ nhau được. Kể cả anh em có là tay ăn tàn phá hại, đến mức “từ” nhau rồi, nhưng về huyết thống, về danh nghĩa, vẫn là anh em, không ai phủ nhận điều đó được. Rồi là có cả những người anh em, “giải tán”, “từ” nhau hàng chục năm, rồi lại cưu mang nhau được. Thời gian đã hàn gắn được những bất hòa của họ trong quá khứ, chuyện đó cũng không hiếm. “Huynh đệ như thủ túc” đúng từ khía cạnh đó đúng đi.

Tuần trước, ngồi “chém gió vỉa hè” với một ông anh cao niên, ông ấy kể về một bác “cao bồi già Hà Nội”, đời đầy sóng gió, cờ bạc tù tội đủ cả, ông ấy bảo, “quậy ở đâu thì quậy, vẫn còn để một xó nhà bình yên. Suy cho cùng, những lần tù tội ốm nằm viện, vẫn một tay bà vợ thăm nuôi, chăm sóc… còn anh em thì cấm có nhờ được cái gì!”.

Tranh:
Dương Lễ tiễn Châu Long
(Bùi Xuân Phái, 1968)
Sau câu chuyện này, “phu thê như xiêm y” lại sai bét. “Thủ túc” vô tích sự, chỉ còn bà vợ chăm sóc từ bát cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo đến nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng. Lại có nàng Châu Long nguyện đến chăm sóc hầu hạ Lưu Bình để trọn cái tình bạn như anh em của Dương Lễ đối với anh.

Rõ ràng là không có một kết luận nào đúng cho tất cả các trường hợp. Chỉ có giải thích theo Sư Phụ Thích Ca Mầu Ni là ổn thỏa – anh em (kể cả cha mẹ và con cái) gặp nhau trong một gia đình do bốn nguyên nhân: báo ân, báo oán, giả nợ, đòi nợ. Vợ chồng gặp nhau do cái duyên, là quyến thuộc của nhau từ muôn nghìn kiếp, cũng có ân có oán, có nợ có vay… mà gặp nhau giải quyết nốt cái sự quyến luyến trả vay ngày xưa.

Thế nên vẫn có những cặp vợ chồng trả vay, ân nghĩa dứt điểm xong, duyên đứt mà giải tán. Vẫn có những cặp người này tẩn người kia như két, mà vẫn không bỏ được nhau. Có những anh em thì dứt điểm “kiến giả nhất phận” ai đi đường người ấy, tập trung cho gia đình riêng nhưng cũng có những người anh em lo cho nhau đến cuối cuộc đời vô điều kiện.

Đó là ân oán nợ vay còn chưa trả hết, duyên với nhau vẫn còn. Anh em yêu thương nhau, đó là “thuận duyên”, còn oán hận nhau, là “nghịch duyên” – cũng là chuyện bình thường. Biết cách cư xử, “nghịch” hóa “thuận”; còn “nghịch duyên” cũng đừng nghĩ là dễ mà dứt tình, chưa xong nợ đời với nhau, chưa giải tán được đâu.

Anh em bớt cái “tham” đi một chút, vợ chồng bớt cái “tôi” đi một chút, thì “anh em cật ruột” “tát bể Đông cũng cạn”. Làm được thế, phận làm anh, làm chồng, phải biết làm gương. Đừng quá trọng quá khinh bên nào cả, họ hàng vợ chồng, không ai thay mình làm tròn bổn phận của mình, cứ làm tốt bổn phận, là mọi việc, sẽ ổn.

Viết thêm. “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nhưng cái của nợ “ý thức hệ” mang ở đâu về, làm cho chính người Việt Nam thâm thù người Việt Nam còn hơn “đế quốc sài lang” đối với dân tộc. Vết thương mãi vẫn chưa lành.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment