Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, November 12, 2014

Tản mạn “Nỗi lòng người đi”

Mình yêu âm nhạc, nhưng không biết chơi bất cứ một thứ nhạc cụ nào – chỉ học chút nhạc lý để nghe nhạc mà thôi. Nhưng mình lại sinh trong một gia đình cũng lại rất… yêu âm nhạc, bố mình thanh niên Hà Nội thời Pháp thuộc, chơi thể thao, chơi nhạc… mẹ hát hay, làm thơ viết văn, vẽ lại đẹp, nữ công gia chánh là ngon lành... chính vì thế, mình cũng được sống trong môi trường âm nhạc từ nhỏ.

Khoảng năm 16 tuổi, thường được bố chơi ghi-ta đệm và hát cho nghe một bài hát rất hay “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…” bài hát thật đúng với tâm trạng của thanh niên. Như bố mình, đúng 18 tuổi khi Hà Nội được “tiếp quản”, cả hai nhà nội ngoại đều vì một vài lý do nào đó mà không xuống tàu “đi Nam” (riêng nhà ngoại đã xuống tận Hải Phòng, chuẩn bị lên tàu rồi). Không phải cái “năm tôi mười tám” là một cái mốc trong đời ai cũng phải nhớ hay sao, không phải chính những năm tuổi đôi chín ấy, cũng là những bước chân đầu tiên vào đời và cũng là những xao xuyến đầu tiên giành cho bạn khác giới hay sao…

Bài hát “Nỗi lòng người đi” bố mình hát cho nghe cách đây gần 30 năm, hồi đó chưa có internet và cũng không biết tên ca khúc, không biết tên tác giả. Ông cụ lại nghe từ trước đó đến 20 năm, “nghe trộm” ra-đi-ô Sài Gòn, hồi đó gọi là “nghe đài địch”. Chính quyền mà túm cổ được, thì có mà đi “mọt gông.” Người yêu nhạc lại học ghi-ta từ thời học sinh Hà Nội cũ, lại năng “nghe vụng”, nghe đi nghe lại nhiều lần hóa thuộc, tự chép ra, tự luận ra nhạc mà tự “phối” ra gam đệm thôi, chứ nào có nhìn thấy “phơi nhạc” ở đâu đâu.

Nhưng rõ ràng, “Nỗi lòng người đi” phải là nỗi lòng của người thanh niên xa Hà Nội, xa thực sự, xa không biết có ngày nào về lại thành phố yêu quý. Nhưng những hình ảnh trong nó ở cái thời hai bên đối đầu về ý thức hệ, phố xá Sài Gòn phù hoa phấp phới bóng áo dài, bên kia “Thăng Long đắng cay nhiều rồi…” thì không thể được chấp nhận trong một xã hội miền Bắc đang “tuyến đầu chống Mỹ.”

Gần đây nghe xôn xao về việc có một bác nào đó cũng xêm xêm tuổi bố mình, nhận là tác giả bài hát, mà hồi năm 1954 bác ấy sáng tác, tên nó là “Tôi xa Hà Nội.” Chúng ta không biết đúng sai như thế nào, nhưng cứ thử băn khoăn chút xem sao nhé…

Bác ấy bảo bác ấy sáng tác khi xa Hà Nội chỉ hai tuần, xuống Hải Phòng tiễn bạn gái đi Nam. Chỉ hai tuần – thế mà sáng tác một bài như đã xa Hà Nội lâu lắm rồi, chuyện không đùa được đâu nhé. Bác ấy quả là một đại tài về sự lãng mạn.

Bác ấy bảo “Sài Gòn ơi mộng với tay cao hơn trời” là dáng dấp của Nữ Thần Tự Do, hay “Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi…” thì với những vụ như Nhân Văn Giai Phẩm, hay “chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ…” (Vũ Thư Hiên) đủ để đi bóc lịch vô thời hạn, đúng là bác ấy phải giấu biệt bài hát đó đi và chỉ sực nhớ ra nó khi nó được hát suốt 10 năm từ 1965 đến 1975 với tư cách là một bài hát “tâm lý chiến” trên Đài Sài Gòn; rồi lại hát suốt trong những năm 1980 đến tận 2012 bởi những ca sỹ hải ngoại… năm 2012 là năm bác ấy sực nhớ ra và lên tiếng về quyền tác giả của mình.

Như vậy ta cần hình dung, bác này là một người chống Cộng và phải giấu đi tác phẩm của mình, vì nếu chỉ cần hở ra một cái là “toi” luôn. Nhưng bác ấy bảo không nghe thấy bài hát “Nỗi lòng người đi” bao giờ vì không nghe nhạc hải ngoại. Nghĩa là bác ấy phải là người cộng sản hoặc ít ra có tư tưởng thân cộng sản. Mâu thuẫn, chẳng biết đằng nào mà lần. Ở đây còn có một mâu thuẫn nữa, là thời điểm trước và cả năm 1954, sự chênh lệch giữa Hà Nội và Sài Gòn là không đáng kể, chưa có một “Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông”, toàn cõi Đông Dương sinh viên kéo nhau đến Hà Nội để du học. Do đó một hình ảnh “Sài Gòn phố xá phồn hoa” đối ngược với Hà Nội “tăm tối lầm than ngậm đắng nuốt cay” là không thể có ở thời điểm 1954, mà chỉ có thể ở thời điểm sau 1960 và đó là cái nhìn từ Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông – cái nhìn đó từ phía miền Bắc, là không chấp nhận được.

Nhưng như thế những giải thích của bác ấy về “Nữ Thần Tự Do” và hình ảnh “Ngậm đắng nuốt cay”, về sự đối ngược của Sài Gòn và Hà Nội trong bài hát… chính là việc đẩy những người làm chương trình “Giai điệu tự hào” (20 giờ ngày 24 tháng Mười 2014) vào tình thế cực kỳ nguy hiểm đến sinh mạng chính trị.

Là người quen suy nghĩ một cách duy lý, mình vẫn không tin lắm vào cái bác thứ hai này. Tệ nhất là “lều báo vẫn hoàn lều báo” khi Tiền Phong online giựt tít “Nghi án Nỗi lòng người đi” (nghe “nghi án” đã thấy phản cảm rồi), Thể thao văn hóa thì cứ khăng khăng “nhạc sỹ Ng.Th.Kh.” trong khi bác này là nhà thơ, nhà nghiên cứu âm nhạc và chỉ có một tác phẩm âm nhạc duy nhất hoàn toàn chưa có một bước chân bé tí nào vào lòng công chúng yêu âm nhạc… Và theo những gì tìm thấy trên internet hôm nay, câu chuyện được “thổi bùng” lên nhờ bài báo của nhà nghiên cứu âm nhạc Ng.Th.Kh. Nếu đọc bài đó mình chỉ chú ý một chi tiết này: ông viết “Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính…” (Nguồn bài trên Giai điệu xanh) và một số câu sau đó nữa, nhưng không hề đưa dẫn chứng việc nhạc sỹ Anh Bằng công bố ca khúc của mình phổ thơ Nguyễn Bính vào thời điểm nào, như thế nào… căn cứ trên những ấn bản phát hành ra công chúng Sài Gòn vào thời điểm năm 1967, thì chỉ có một tác giả Anh Bằng của ca khúc mà thôi. Do đó, các luận cứ của nhà nghiên cứu âm nhạc Ng.Th.Kh. cũng như trước đó và đồng thời, các thông tin của bác “tác giả mới xuất hiện”, rất thiếu thuyết phục (và có lẽ cũng do đó mà bác ấy “không có ý định đòi quyền tác giả”.)

Chương trình “Giai điệu tự hào” 20 giờ ngày 24 tháng Mười 2014
Bác "tác giả mới xuất hiện" áo đỏ cầm micro
Đôi dòng tản mạn về một câu chuyện lùm xùm, còn ai là tác giả thật, thì chỉ có cha đẻ, người mạo nhận và người thứ ba là Chúa Trời, mới có thể biết đích xác mà thôi. Trước mắt ta cứ nghe bài hát rất hay này đã.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment