Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, November 26, 2014

Những người... không ở đâu cả

Lên đại học, mình rơi vào một “mái trường” đại học thuộc loại quý tộc của thành phố, tỉ lệ sinh viên con nhà giàu chiếm đa số, và đặc thù ngành học cũng là ngành ra trường cần có quan hệ quen biết, thần thế… nên nhiều bạn, sau này cũng có những vị trí ngon nghẻ trong hệ thống cơ quan Nhà nước. 


Cũng có những bạn cố phấn đấu thi bằng được vào cơ quan Nhà nước để kiếm suất đi học nước ngoài, về rồi thì… chuồn ra làm công ty nước ngoài hoặc liên doanh cho lương cao. Cũng không thiếu những “cái bụng” bệ vệ vác về ngày hội trường, càng không thiếu những mái tóc chải bóng mượt, những chiếc sơmi hàng hiệu viền vàng (vàng thật luôn) ở góc cổ áo và hàng khuy, đôi cài măngsét cũng vàng thật nốt… thêm cái “chìa khóa điều khiển” Mercedes, BMW đeo lủng lẳng ở thắt lưng cho đủ bộ.

Và câu cửa miệng của họ là “Bây giờ làm ở đâu?”  và câu giới thiệu thì bao giờ cũng là “Tổng nọ, vụ kia, thứ chỗ nọ, trợ chỗ kia…”

Nhớ mấy ông bạn người Mỹ nói: người Mỹ rất coi trọng những người độc lập làm việc: nhà nghiên cứu độc lập, luật sư tự do, người làm việc tự do “freelancer”… vì những người như thế người ta đủ tài năng để không cần dựa dẫm vào ai; hoặc coi trọng chủ doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm đem lại sự sống cho người khác.

Ở Việt Nam bao nhiêu năm có câu “lao động là vinh quang, lang thang thì chế đói” – sểnh Nhà nước ra là khốn khổ ngay. Ngẫm lại người Việt Nam vẫn thích dựa vào một chỗ nào đó, để vừa tự ru mình, vừa đem lại cái oai oách với người xung quanh. Vì thế nên mới đem vài trăm triệu để “chạy” vào một chỗ làm trong – thậm chí doanh nghiệp Nhà nước, mà không nhớ ra rằng lâu nay doanh nghiệp Nhà nước không còn là Nhà nước như trước nữa, không có “biên chế”, tất cả tuyển dụng thông qua hợp đồng lao động, có nghĩa đã là hợp đồng thì hoàn toàn có thể chấm dứt được. Còn oai oách trong cơ quan công quyền thì một cái bộ máy mà dân ngày càng nản với nó, thì liệu oai với ai được… Họ chấp nhận lương vài triệu một tháng chỉ đến pha nước chè và chém gió, nói xấu sếp và rình rình chuồn đi chơi, ăn cắp giờ của Nhà nước. Nhiều người trốn đi chơi chứng khoán hoặc đi kiếm cơ hội đầu tư bất động sản (chuyện mấy năm trước)…

Lần trước mình đã kể chuyện có ba “nhiếp ảnh gia” bị công an xã tóm gọn, nhốt vào một chỗ để điều tra xem ba ông này là ai. Họ không thể hiểu được là tại sao bây giờ lại vẫn có những người “không ở đâu cả” như vậy. Họ hiểu rằng, “các anh đi chụp ảnh là các anh “phải ở đâu đó” chứ không thể đi chơi khơi khơi như vậy được.”


Cũng có nhiều bậc sinh thành hết sức lo lắng cho con cái, và nhất quyết là “con phải vào làm ở đâu đó”, làm cho Nhà nước thì là nhất! Chúng ta không bài xích việc làm việc trong cơ quan Nhà nước hay tư nhân, hay buộc phải tôn vinh những người làm việc tự do. Có lần nói chuyện với anh bạn, cả mình và anh ta đều có “nguồn gốc” Nhà nước, tức là đều đã có thời gian làm việc trong cơ quan Nhà nước, anh ta nói một câu mình rất tâm đắc: “Không phải tất cả những người làm việc trong cơ quan Nhà nước đều kém, cũng như trong các cơ quan Nhà nước, nhiều việc rất hay.” Nhưng quá nhiều lý do mà người ta đang rời bỏ cơ quan Nhà nước, cũng như những lý do để “phải vào bằng được cơ quan Nhà nước” – cả hai đều có sức nặng như nhau.

Cũng vì đã quá lâu chúng ta quen dựa dẫm và ỷ lại sự bao bọc từ một ai đó, trường hợp này là Nhà nước. Đến ở thời kỳ của chúng ta, chúng ta hiểu rằng Nhà nước không thể bao bọc được một lượng công chức lớn như thế, thì chúng ta ỷ lại vào danh tiếng, học để làm quan, cho nó oai, và chúng ta, vốn có truyền thống xoay xở đặc thù An Nam, chúng ta kiếm tiền bằng những cách “phi lương bổng.”

Và chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi cái tư duy quẩn quanh đó. Còn mình, tụ tập với cái bọn nào không phân biệt, không đem “cơ quan”, “chức danh” ra trọe, thấy thích hơn.


Bài trên Tuần Việt Nam (bút danh Phúc Lai) ở đây

Bài liên quan: “Tôi ở… trên Bộ

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment