Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, October 7, 2014

“Tiếng hát át tiếng bom”

“Tiếng hô của anh Nguyễn Văn Trỗi, to hơn tiếng súng ba ạ!” Mình sửng sốt khi nghe câu đó của anh bạn Bôn Ba Nhi Bá. “Ở đâu ra chuyện đó hả con?” “Bạn con có quyển “Truyện kể lớp Bốn”, bạn ấy đọc xong rồi bảo con thế!”. Câu chuyện bắt đầu hấp dẫn đây! Lúc này ba con đang chở nhau trên xe máy, chắc cậu ta nghe còi ô tô to quá mà nhớ ra chuyện tiếng này, to hơn tiếng kia đây mà!

“Thế con có đọc truyện không, hay là con chỉ nghe bạn kể lại thôi?” “Con chỉ nghe kể lại thôi ba ạ. Bạn nói với con, tớ đọc truyện thấy anh Trỗi hô to hơn tiếng súng!” “Hô sao?” “Hãy nhớ lấy lời tôi, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm! Anh Trỗi còn giật băng đen bịt mắt để nhìn đất quê hương nữa!” “Thế anh Trỗi hô to hơn nay át tiếng súng hả con?” “Theo con thì là át tiếng súng. Nhưng có át được không hả ba? Mà tại sao lại là “át tiếng súng?”” “Còn có cả người hát át được tiếng bom ấy chứ con. Đó là văn học, là thơ nhạc… phải có sự hư cấu, có nói phóng đại lên, mà người ta gọi đó là “ngoa ngôn” thì nó mới hay và đạt được hiệu quả ảnh hưởng đến tâm trạng người đọc. Nào, bây giờ câu chuyện của chúng ta, bắt đầu!”

“Thế này con nhé, bây giờ cả ba lẫn con đều không có cuốn truyện đó ở đây, không thể biết được nó cụ thể như thế nào cả, nên chúng ta tạm phân tích trên thông tin đó, được chứ? Thế theo con, thì khi người ta muốn nói át đi một âm thanh khác, thì người ta phải nói trước hay sau, hay cùng lúc với âm thanh đó?” “Cùng một lúc ba ạ” “Đúng rồi, phải cùng một lúc. Nếu anh Trỗi hô trước tiếng súng, thì làm sao có căn cứ so sánh là anh ấy hô to hơn hay nhỏ hơn tiếng súng được? Như vậy, là anh Trỗi sẽ hô trước khi người ta bắn anh ấy. Còn nếu anh ấy hô cùng lúc, thì rất khó vì thời gian là không đủ, đạn bắn nhanh hơn mình đủ khả năng nói nhiều. Còn nếu anh ấy hô sau khi bắn có được không?” “Không được ba ạ, vì lúc đó thì anh Trỗi đã chết rồi!” “Đúng thế con ạ. Như vậy là chỉ có thể dùng một cách so sánh là dùng phép đo, đơn vị đo cường độ âm thanh, người ta tính theo đề-xi-ben, phải đo mới biết được. Ví dụ này, có một cái máy đo, lúc anh Trỗi hô to gì đó, thì phải dùng cái máy đó đo xem anh Trỗi hô đạt bao nhiêu đề-xi-ben. Sau đó những người lính bắn thì đo cường độ âm thanh của tiếng súng, rồi so sánh với nhau.” “Đề-xi-ben là gì hả ba?” “Là đơn vị đo cường độ âm thanh, càng to, thì số đề-xi-ben càng lớn” (Pim pim…) “Đấy, ví dụ như còi xe máy của ba, âm thanh là 60 đề-xi-ben nếu ba con mình ngồi trên xe như thế này. Còn còi của ô tô vừa nãy, phải khoảng 100 đề-xi-ben.” Cậu Nhi Bá vỗ vào đùi đánh đẹt “Như thế này là bao nhiêu đề-xi-ben hả ba?” “Ba không biết chính xác, nhưng vào khoảng 10 đến 20 đề-xi-ben thôi.” “Bao giờ con được học đề-xi-ben?” “Ba không nhớ, nhưng âm học trong chương trình vật lý chắc khoảng lớp 11.” “Vậy anh Trỗi hô khoảng bao nhiêu đề-xi-ben và có to hơn tiếng súng không ba?” “Không biết chính xác vì còn tùy khả năng mỗi người, có người hô to, có người nhỏ; nhưng chắc chắn không to hơn được tiếng súng đâu con.” “Thế vừa nãy ba nói tiếng hát át tiếng bom là sao hả ba?” “Là câu ví von vậy, ngày xưa đất nước ta có chiến tranh, các cô thanh niên xung phong đi làm đường mỗi khi tránh bom thì phải vào hầm, vào hang núi mà ngồi; buồn quá thì hát… ngồi trong đó hát còn nghe được, chứ ra giữa chỗ đạn bom gầm rít thì chỉ có mà ầm ầm hát làm sao. Là mặc dù bất chấp đạn bom, nhưng thanh niên vẫn không sợ, vẫn dũng cảm, và vẫn hát!”

Cậu cả nghĩ ngợi một lúc lâu, rồi hỏi: “Tại sao anh Trỗi lại bị bắn hả ba?” “Là anh Trỗi dự định dùng một quả bom hay mìn gì đó, ám sát ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắc Namara con ạ.” “Ơ thế ông ấy là người xấu hả ba?” “Thì ông ấy đang đại diện cho một đất nước đang có những hoạt động chiến tranh ở Việt Nam, và anh Trỗi thì muốn chống lại điều đó, anh ấy muốn đấu tranh cho hòa bình.” “Vậy thì anh Trỗi là người dũng cảm phải không ba?” “Đúng quá con ạ, anh ấy là người dũng cảm và anh hùng. Anh ấy là một người trẻ tuổi, trẻ hơn ba nhiều và còn trẻ hơn cả chú của con, nên con gọi bằng anh cũng phải. Tuổi trẻ mà sẵn sàng hi sinh như thế là dũng cảm và anh hùng lắm. Tất nhiên, sau này lớn lên, con sẽ hiểu rằng có nhiều cách đấu tranh cho hòa bình khác nữa, và con được học hành, con sẽ chọn cho bản thân mình một cách tốt nhất và phù hợp nhất.” “Đấu tranh mà không cần gươm, súng, bom mìn phải không ba?”

Đến đây mình lặng người đi. Không ngờ, con trai học lớp Bốn đã lớn đến thế rồi, chắc cũng là do nó được nghe nhiều kinh Phật và được niệm Phật cùng ông bà mà chín chắn quá, ba mẹ còn không ngờ tới, dù đã rất cố gắng trò chuyện thường xuyên, nắm tâm tư, tình cảm của con…

Con trai ạ, hôm nay con mới chỉ tiếp xúc chút chút với sự khác biệt, giữa văn học, nghệ thuật và cuộc sống thực tại mà thôi – sau này con sẽ thấy, sự hư cấu làm cho tính chân thực của văn học, giảm đi nhiều lắm. Về đọc lại trên mạng internet, thì đoán rằng, nhiều bài văn, chuyện kể… về anh Trỗi xuất phát từ đây:
“Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn…
… Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!”
(“Sống như Anh” – Tố Hữu)

Ngày xưa học những vần thơ này trong sách, ba đã từng rất xúc động con trai ạ, nhưng không có ai dạy ba về cách phân biệt giữa những cảm xúc của văn học nghệ thuật mang lại, với cuộc sống đời bình thường. Thực tế, nó khác xa nhiều lắm. Về sau, khi được xem video về đoạn anh Trỗi ra pháp trường thì sự xúc động ấy vẫn còn, nhưng nó đã khác. Một người thanh niên trẻ măng, gày gò trong bộ đồ trắng, bước tập tễnh giữa gọng kìm của những người cảnh sát cũng trẻ như vậy. Những người trai trẻ, vì chiến tranh mà phải bắn chết nhau… Nếu như bây giờ đất nước có chiến tranh, con trai ạ, ba mẹ cũng sẽ như rất rất nhiều gia đình khác của đất nước, lại tiễn các con lên đường, và có bao nhiêu người trẻ tuổi, sẽ không về nữa? Ai cũng sẽ cầu mong cho chiến tranh đừng đến. Và ba cảm ơn cuộc sống đã và sẽ làm cho con hiểu, cần phải đấu tranh cho chiến tranh đừng đến, chứ không phải chờ đến lúc nó xảy ra.

Và khi nó còn ở xa, rất xa, thì còn có thể sử dụng được những biện pháp hòa bình để ngăn ngừa nó, còn nếu nó đã cận kề, thì có lẽ, lựa chọn của anh Trỗi, chắc nhiều người phải lựa chọn mà không có con đường nào khác. Rồi, ba con mình sẽ phải nói rất nhiều chuyện về vấn đề này con ạ, ngay cả ba ngày hôm nay còn chưa hình dung được phải cùng con nhìn nhận như thế nào là đúng đắn, về chiến tranh, về hòa bình, về sự dám hi sinh thân mình cho người khác được sống…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

1 comment: