Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, October 20, 2014

Phát Bồ Đề tâm

Ai bước vào học Phật, và theo Phật, đều phải học qua đến phát nguyện, một vấn đề gọi là “Phát Bồ Đề tâm.” Cụ thể “phát Bồ Đề Tâm” như thế nào thì lên mạng hoặc các sách vở Phật pháp, nhiều lắm, mình chắc không cần thiết phải nói đến nữa.

Cơ bản của “phát Bồ Đề Tâm” là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. “Hóa” ở đây, chính là “hóa độ”. Lạ nhỉ, cùng là người sơ học cả, đường tu chẳng đâu vào đâu, đã “hóa chúng sanh” là thế nào? Nhưng đó mới chính là “Tâm Bồ Tát”, nghĩa là có được “thân thế sự nghiệp năng lực” như Bồ Tát thì có thể chúng ta chưa có, nhưng vị Phật trong tâm, mỗi chúng ta đều có, và điều chắc chắn trước mắt chúng ta làm được, là “đánh thức Tâm Phật” trong mỗi chúng ta. Còn thì “hóa chúng sanh” như thế nào thì từng bước, từng bước chúng ta học, lo gì, vì các bạn cùng học với chúng ta, ai cũng cùng “phát Bồ Đề Tâm” cả, thì chính họ sẽ dạy lại ta từng bước, từng bước: các hạnh bố thí, luôn luôn tìm được con đường “Trung Đạo”…

Tạo “nghiệp ác” thì chỉ khởi “ý” lên đã là tạo nghiệp được rồi, chứ không có cao xa gì. Ăn cái kem, vứt ngay que kem xuống vỉa hè, người quét rác lại nhọc công thêm một chút… là đã tạo “nghiệp ác” được rồi chứ chẳng cần có hành vi nào to tát hơn đâu. Và chỉ cần quá bộ vài bước đến thùng rác, là ta đã tránh được tạo nghiệp – con đường “Trung Đạo” nhiều khi chỉ đơn giản vậy thôi.

Làm việc thiện thì nhiều cách làm, ai cũng muốn làm được những việc tốt cho xã hội chứ không ai muốn bo bo giữ cho bản thân cả. Chúng ta cũng đã từng nói tới việc nhiều người kiếm tiền bằng những cách mà với xã hội ta trở nên “rất bình thường” nhưng với những chuẩn mực đạo đức truyền thống, đáng nhẽ ra là chúng rất “không bình thường”; rồi lại dùng tiền đó cúng dường cho các thày tăng, và vì vật chất trở nên thừa thãi và ê hề, chính các thày lại không cưỡng được vòng xoáy đầy ma lực đó. Sống trong một xã hội như thế, không thể không nhìn, không thể không nghe, không thể không biết… về những hiện tượng đó của xã hội. Biết là để biết vậy thôi, không khởi lên một tâm gì hết.

Hôm qua ngồi đọc Kinh “Pháp Bảo Đàn” thật tuyệt. Thượng Tọa Huệ Minh khi đuổi theo Lục Tổ Huệ Năng để đòi y bát, và hỏi Tổ về “bổn lai diện mục” của mình, Tổ dạy “Không nói thiện, không nói ác” (Thì thấy bổn lại diện mục hay mặt thật của mình.) Rồi hai thày tranh cãi khi thấy cái phướn bay trong gió, là “gió động hay phướn động”, Tổ nói: “Tâm các ông động.”

Làm việc thiện có nhiều cách làm, cách gần gũi nhất là tham gia các chương trình từ thiện. Mình cũng vậy, đã từng tự tổ chức, và tham gia vài chương trình. Nhưng việc đó ngày nào cũng làm, như công việc hàng ngày, chắc là rất rất ít người có hoàn cảnh thuận lợi để làm được. Sa đà quá, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng, hạnh phúc gia đình… có khi lại không ổn.

Do đó từng ngày từng giờ, giữ cho ý tốt, khẩu tốt, thân tốt… có nhiều việc lắm, từ nhỏ đến lớn, có khi chỉ là vứt que kem vào đúng chỗ cũng đã là tốt rồi, chứ không nhất thiết phải chở kìn kìn đồ dùng quần áo, đồ ăn thức uống lên rừng mới là tốt.

Phàm đã là người sống trong cõi ta bà này, một bước chân, cũng đã là tạo nghiệp dữ, vì Phật nhìn thấy chúng ta dẫm lên không biết bao chúng sinh bé tí ti. Uống bát nước cũng uống vào bao nhiêu chúng sinh như vậy, không tránh được… nên các bậc tu hành thường phải có những bài kinh, kệ… đọc để hồi hướng cho những chúng sinh đó được hóa kiếp đến những cõi lành hơn.

Bản thân mình hàng ngày chẳng làm được gì nhiều gọi là “từ thiện”, hay thích “viết lách” cũng tự răn mình tránh dùng ngòi bút nhọn sắc như dao để tạo thêm nghiệp ác, dần dần tạo ra thêm những căn lành. Còn đã viết, là phải suy nghĩ thấu đáo góc nọ, góc kia… sao tránh khỏi tạo “nghiệp dữ” từ việc khởi cái “ý” trong đầu. Nhưng mình chọn “viết lách” cũng là chia sẻ nhận thức của sự học Phật của bản thân, cũng là một phương pháp “phát Bồ Đề Tâm” của mình, nên mình chắc là vẫn sẽ tiếp tục viết. Viết mà giữ được “Trung Đạo”, không phải chuyện dễ.

Hôm trước đi ra cổng, gặp một người đàn ông nói giọng Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông ấy cầm một bức ảnh hai cô gái, nói “Tôi đi tìm các cháu cả năm nay… nếu bác có tiền thì giúp…”. Mình không có nhiều tiền, thực ra là rất ít, muốn có tiền tiêu tí nữa phải ra cột ATM mà rút, nên nói: “Bác chờ em dắt xe ra rồi nói tiếp nhé. Bây giờ em thật là không có tiền trong người, chắc chỉ còn mấy đồng lẻ, ngại quá, chứ không phải là không muốn giúp bác.” “Thôi cứ cho tôi xin, để uống nước cũng được.” Tiền của mình vốn trong túi quần jeans, cứ ấn cái điện thoại lên trên, vo viên lại, đến là ngại. Nhìn người đàn ông từ từ vuốt thẳng, xếp gọn rồi cho vào túi áo, mình nghĩ, với rất nhiều người thì tiền nhỏ không phải là tiền, nhưng với nhiều người, từng đồng, đều là tiền đều tiêu được cả.

Hoàn toàn không có ý định viết lại chuyện này, vì mình đã quên chuyện đó rồi, lại càng không nên chia sẻ lại, vì xã hội có nhiều người bịa ra lý do để đi xin tiền; rồi bà con thấy thế, có cớ, lại rủa xả… không phải là cái cớ để bà con tạo “khẩu nghiệp” hay sao? Nhưng lâu nay mình rất muốn viết một bài từ góc độ đó, xuất phát từ chuyện thày Thích Thanh Cường với cái iPhone 6 trứ danh đến những chuyện thường ngày… người đàn ông Thanh Hóa có nghiệp nặng của ông ấy, thày Thanh Cường có nghiệp của thày… nếu chúng ta cứ chấp vào đó, chúng ta lại làm mất đi một chút, sự thanh tịnh trong tâm của chúng ta.

Thế nhé, bà con!

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây   

No comments:

Post a Comment