Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, October 26, 2014

Người Hà Nội kiêu bạc

Phố Hàng Lược
Nikon N80.
AF-D 28mm f/2.8

Kodak Gold 100
Nhắc đến người Hà Nội kiêu bạc ta nhớ đến hình ảnh của anh Nhật Tân trong chuyện “Sống mãi với thủ đô” của Nguyễn Huy Tưởng. Thanh niên Hà Nội hào hoa biết nhảy đầm, lái ô tô và đương nhiên bắn tiếng Pháp pằng pằng… Anh Nhật Tân luôn áo khoác “ra-gờ-lăng” lòe xòe, mũ phớt như sau này chú kỹ sư Robert Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa” mặt mũi căng thẳng đi trong rừng cao su, húc cả vào mạng nhện… 

Theo truyền thuyết kể lại, thì người Hà Nội đầu thế kỷ là dân các làng kéo lên, nên cứ là tập trung vào một khu vực để cùng sinh sống, làm ăn. “Buôn có bạn, bán có phường” nay toàn dân cùng làng lên, tình làng nghĩa xóm còn nguyên nay còn có yếu tố “tương trợ kinh tế” thì hay quá chứ sao. Hồi cách đây hơn hai chục năm, xuống Hải Phòng thấy lạ lắm, vì cửa hàng bán cả dây thừng, lợn đất lẫn linh kiện điện tử. Hà Nội thì chuyên biệt hơn – chỉ có Chợ Giời Hà Nội là giống khu Tân Thành, Dân Sinh trong Sài Gòn chút chút thôi, còn thì vẫn tập trung thành khu phố. Về sau có những khu hình thành rất thú vị, như Hàng Bồ thôi bán bồ, mà bán kim chỉ đồ khâu, Lương Văn Can thôi không bán can (can đựng nước hay can để chống nhỉ, he he) mà chuyển sang bán đồ chơi Trung Quốc, Trần Nhân Tông thôi bán dép tông, chuyển kinh doanh quần áo, còn Hàng Dầu, lại lôi món dép tông về buôn bán. Lại cái anh Hàng Da, bị chú hàng xóm Hà Trung “trấn” mất nghề đồ da. Còn Hàng Cháo tuyệt nhiên không bán cháo, mà bây giờ lên đó mua khoan, mua máy mài, mũi khoan lưỡi cắt đủ cả…

Theo mình hiểu qua lời kể của người lớn, thì dân hàng phố thường làm nghề luôn, nên sống với nhau có tình, cũng là thêm tình đồng nghiệp nữa. Ngày xưa đi lại xa xôi cách trở, lại di cư làng xóm cứ là kéo cả nhà, cả thôn lên, nên cũng ít “về quê”. Người thị dân Hà Nội thì cũng dễ sống, vì trung tâm buôn bán sầm uất, chốn phồn hoa đô hội, làm gì mà chẳng sống được – tuy không phải ai cũng giàu có. Tuy nhiên, vì cái “chất Hà Nội” chẳng lẫn đi đâu được trong đi đứng ăn uống nói năng… chừng mực, từ tốn; có vẻ e dè và hơi khép kín, do đó mang tiếng kiêu bạc chăng.

Quầy hàng chợ Bưởi. Nikon D800. Nokton Voigtlander 58mm f/1.4 SL II
Mình là người đã bị mai một đi nhiều cái sự giáo dục cẩn thận của các cụ, từ thưa gửi lễ độ, đi lại khẽ khàng… nay chỉ còn giữ được chút chút thôi, không nhiều. Cũng đã đi dép lê đi ra xa xa cách nhà cả cây số, chứ trước đây chỉ có ra vỉa hè ngồi mới đi dép lê, còn đã dùng “phương tiện” (xe đạp trở lên) là ít ra, dép quai hậu, không thì đi giày. Ông bà dạy cẩn thận từ đánh đôi giày, chải bộ veston bằng cái bàn chải lông ngựa ông vẫn treo ở sau cánh cửa. Hôm nọ gọi thằng con ngoài đường to tiếng, lại sực nhớ ra, ngày xưa được dạy không được như thế, muốn gọi, đi lại gần, nói vừa đủ nghe.

Cách đây hai năm, chỗ chị xã làm có một chú bé người Hà Nội gốc, đúng còn giữ được như thế. Ăn nói nhỏ nhẹ, cần gì vào tận nơi mà nói, cấm có gọi với từ phòng này sang phòng khác. Chú ta kém mình đến già một giáp chứ không có ít, thế mà gia đình giữ được nếp giáo dục tốt thế!

Mấy buổi sáng nay, “Vê Tê Vê” nhà ta có “Ký sự Hà Nội phố” chẳng là chuẩn bị cho kỷ niệm 60 năm ngày tiếp quản Thủ đô – quay mấy cô chú đang ăn quà trong quán với lời bình “người Hà Nội cũng hay đi ăn quà nhẩn nha”; nhưng các cô chú thì ăn thịt bò bít tết với khoai tây chiên, đã là ít đặc trưng Hà Nội rồi; đã thế các cô chú vừa ăn, vừa nói chuyện, miệng nhai thì cứ há ra… may mà không bị ghi âm chứ không khéo, có cả tiếng chẹp chẹp thì vừa. Ngồi quán xá, gặp đầy những cảnh như vậy. Người Hà Nội mới trẻ bây giờ, đi dép lê, kéo lết quèn quẹt, ăn to nói nhớn, nói tục chửi bậy, nhai nuốt nhồm nhoàm… đã là những nét đặc trưng.

Lại nói về người Hà Nội của những năm sau “tiếp quản thủ đô” – gần nhà mình có một “khu tập thể” của bộ văn hóa. Mình dùng cái ngoặc kép là vì nó không phải là khu tập thể được xây mới, hay chỗ phân đất, mà là cái biệt thự cũ của một ông chủ người Pháp da đen, nhà ông ấy là chủ của trại bò trên phố Lò Đúc đã mấy đời (nguồn gốc của từ “Cây đa Nhà bò” đấy). Ông ấy về Pháp năm 1953, bỏ lại cái nhà to đùng vừa xây mới cứng, và “ta” trưng dụng luôn, chia cho cán bộ của Bộ văn hóa. Đầu tiên, là những “người Hà Nội” gốc Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình… sau thì con cái của họ lớn, lấy vợ lấy chồng cũng về đó ở cả… xuất hiện thêm cả những “người Hà Nội” gốc Nghệ An, Hà Tĩnh… Vẫn lạc lõng một bác, như một bà tiên, người Hà Nội gốc, im lặng, chịu đựng từ con lợn, con gà, từ vại nước tiểu để lâu ngày tưới rau… tất cả những đất lề quê thói được những “người Hà Nội mới” đó mang lên từ quê, vẫn còn gắn chặt chẽ với họ, chứ chưa có đâu xa. Nhưng thời bao cấp, không tăng gia, không được, ai cũng thế cả, nên dần nó thành quen; song cái lối sống, thì không thể nào quen được với nhau “tập thể Bộ văn hóa gì mà không có tí văn hóa nào cả!” là như thế. Từ chuyện hắt nước sang cửa nhà hàng xóm đến tranh cãi xem nhà nào tổng vệ sinh cái khu hố tiêu công cộng thiếu béng mất một hôm… Bác “bà tiên” cuối cùng cũng phải chuyển “hóa ra những khu phố tưởng như bình dân, dân buôn bán ít cán bộ, nhưng lại cư xử văn hóa hơn nhiều…”

"Ngõ mặt phố" Tràng Tiền
Nikon N80. AF-S 28mm f/1.8G
Fuji Superia Outdated
Dần dần, tất cả những cái cư xử đó, nó trở thành bình thường và biến thành những chuẩn mực mới.

“Người Hà Nội phố” của đầu thế kỷ XX, càng ngày càng ít đi, thay thế bằng những “người Hà Nội mới hơn”, và cái sự kiêu bạc của họ cũng khác. “Đất làm ăn” không đẻ ra thêm được, ngày càng chật, người ngày càng đông… sự dịch chuyển dân cư của Hà Nội rất đặc thù và khá phổ biến: nhiều gia đình phải chấp nhận cho các gia đình “Hà Nội mới 1954” chia sẻ chỗ ở cùng, thì chọn “lên gác”, dành cái mặt tiền “hít bụi” cho những gia đình mới đến. Đó chính là những người thị dân mới, làm thành bộ mặt mới cho Hà Nội. Qua thời gian, những gia đình “lên gác” rồi đi đâu hết, chẳng còn mấy ai ở lại, thay thế cho họ là những gia đình khác nữa, về sau mới đến mua lại để ở, còn làm ăn, buôn bán, “không có chỗ thì thuê.” Và thế là hình thành lối sống mới, có nhà mặt phố đem cho thuê để sinh sống, còn những người “trên gác mới”, thì đi thuê lại cửa hàng để buôn bán.

Cái “chất” ngày xưa có nhà ở phố đó, sống bằng nghề đó, mai một đi rất nhiều rồi. Nay mua nhà mục đích trước mắt để cho thuê. Hoặc nhiều tiền hẳn, người buôn bán ở tỉnh khác về Hà Nội mua nhà trong khu phố để buôn bán, cũng phần nào giúp Hà Nội giữ được “chất” ngày xưa.

Cứ thế, cứ thế… Hà Nội đâu có nhiều đất mặt đường, nên không cho chú thuê được thì tôi cho người khác thuê. Người thị dân Hà Nội kiểu mới trở nên kiêu bạc thực sự. Bạn thuê cửa hàng, như ở đâu bạn là khách hàng thì không biết, ở Hà Nội phố, bạn vẫn là người nhờ vả người ta, bạn vẫn phải quỵ lụy, chứ không hành hạ người ta được. Và người ta vẫn có quyền đều đặn đến ngó ngàng xem bạn làm cái trò gì với cái nhà của người ta, nhìn kinh doanh của bạn bằng cặp mắt xét nét…

Mình đã từng đi thuê nhà làm văn phòng mà ông chủ nhà yêu cầu phải được thỉnh thoảng vào ngó “xem các cháu có làm hỏng nhà của chú không.” Khái niệm “trong thời gian thuê, người thuê là chủ nhà” không có trong đầu của những người “Hà Nội kiêu bạc kiểu mới.”

Lúc ngồi viết những dòng này, mình cũng hoang mang không rõ, “chất Hà Nội ngàn năm văn hiến” “đất văn vật” nó như thế nào nữa – vì chính bản thân mình cũng đã không nguyên gốc, lại bị mai một đi bao nhiêu. Chỉ nhìn ra cửa sổ thấy mùa thu Hà Nội vẫn thế, nắng vàng rực rỡ và gió ào ào thổi, mát lạnh…

Bài trên Tuần Việt Nam (bút danh Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment