Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, October 4, 2014

Một năm quay lại với cuộc sống

Bình thường người ta chọn ngày Tết, hoặc ngày sinh nhật để nhìn nhận lại một năm đã qua, thường là đã làm được gì, chưa làm được gì, có gì hối tiếc không và thỏa mãn những gì. Với mình, có một ngày khác – ngày 4 tháng Mười. Ngày đó cách đây một năm, mình quay lại với cuộc sống. 

Chi tiết đọc bài “Trời xanh qua kẽ lá

Người ta bảo, con chim sắp chết nó hót tiếng hót khôn. Mình thực sự đã trải qua thời điểm cận kề cái chết, cầm chắc là mình sẽ chết, dù chỉ vài chục giây đồng hồ. Vài chục giây dài như thế kỷ, đã kịp nhìn thấy nhiều thứ và suy nghĩ nhiều điều, vì vài chục giây ấy nó còn kéo dài mãi, đến tận ngày hôm nay.

Một. Nhiều người đặt được mục đích cuộc sống cho bản thân: một sự nghiệp, một cơ đồ thật lớn, nếu quy ra tiền; một công trình khoa học vĩ đại; hoặc những việc thật nhiều ý nghĩa cho xã hội… Nhưng lúc thoát khỏi cái chết rồi, mình lại nghĩ ra một điều thật đáng sợ, ngoài việc chúng ta hoàn toàn có thể “bái bai” cuộc đời bất cứ lúc nào mà không kịp làm những điều chúng ta hằng ấp ủ, thì với mình đã là một Phật tử, còn có một điều đáng sợ hơn là chết bất ngờ, không làm chủ được, không đủ sức và mất lý trí để làm điều người con Phật vẫn ước mong: khi chết tỉnh táo hướng về Tây Phương Cực Lạc và Phật A Di Đà, được vãng sanh. Điều đó mình cảm nhận rất rõ, vì lúc cận kề cái chết, mình chưa toàn tâm toàn ý nghĩ đến Phật ở chốn Tây Phương, còn tham luyến nhiều khi nghĩ ngay đến vợ, con, em, cha mẹ, bạn bè… đừng hiểu nhầm người Phật tử là phải vô tình quên đi tình thân máu mủ, yêu thương là nền tảng của Phật pháp cơ mà, điều quan trọng là phải diệt trừ được tham luyến. Một năm qua giúp mình hình dung rõ hơn điều đó trên con đường tu tập theo Phật.

Hai. Một năm thật nhiều biến cố, nhiều cảm xúc. Lớn nhất với mình, là những cảm xúc về Tổ quốc, về tuổi trẻ, lứa tuổi đang có quyền được học hành – trước khả năng họ phải cầm súng đi ra trận. Chưa bao giờ mình cảm thấy yêu những người trẻ tuổi đến thế. Và tình yêu đó càng rõ ràng hơn khi người lãnh đạo phong trào dân chủ ở Hongkong, chỉ 17 tuổi. “Khôn không đến trẻ, khỏe không đến già” đã bắt đầu không đúng. Mình tiếp xúc nhiều người đã có tuổi, người ham thơ văn, người ham tạo hình, người mê son phấn… nhưng rất rất nhiều bác có điểm chung, là sự mê muội, tưởng rằng tuổi già là tuổi của bậc thánh nhân minh triết, nhưng thực ra, hành xử ngông cuồng kiêu mạn còn hơn nhiều so với thanh niên. Và nhận ra chính mình cũng còn nhiều kiêu mạn, do đó không bao giờ dám sa đà vào những lời khen, những cú nhấn “like” trên mạng ảo. Mỗi câu khen, chỉ nhắc nhở bản thân rằng có người thích đọc mình, thì mình phải làm tốt hơn nữa, đem niềm vui cho cuộc sống.

Ba. Tự biết bản thân ham viết lách, viết được vài chữ gọi là sạch nước cản, cũng lại tự biết mình ngoài việc viết (mà đã từng được gọi là “anh hùng bàn phím”) cũng đã biết dấn thân làm được đôi việc nhỏ xíu, nay xác định được rõ, ai nói kệ ai, mình có khả năng thì mình cứ viết – sử dụng internet như một phương tiện mạnh mẽ để giúp cuộc đời, cũng là một điều tốt vậy. Viết để cạ được mấy bình nước mắt, không khó. Viết để kích động hận thù, càng không khó. Nhưng viết để cùng nhau hướng thiện, cùng nhau hiểu biết hơn, nhìn cuộc sống một cách khoa học và bình tĩnh hơn, thì còn phải học hỏi nhiều, và chính bản thân tâm mình càng ngày, càng phải rèn giũa trong sáng hơn.

Bốn. Ngày mình sống, có một người chết – môt cái chết lấy đi nhiều giấy mực. Người ta gọi Cụ bằng đủ các cách ca ngợi: anh hùng dân tộc, đại tướng của nhân dân. Mình tôn trọng Cụ, vì Cụ đã gắn liền với lịch sử. Nhưng lịch sử đó, là đoạn lịch sử kết thúc 100 năm Pháp thuộc, chấm dứt chế độ thực dân. Mình nhận ra, người ta vẫn đang nhầm lẫn giữa cuộc chiến tranh 9 năm đó với cuộc chiến tranh 20 năm sau này. Hai cuộc chiến đó là khác nhau, và do đó, là tách rời. Cũng đừng nói rằng, nếu không có cuộc chiến tranh 9 năm, nếu không có những người như Cụ đại tướng, thì chúng ta vẫn là những người nô lệ. Nếu số phận chúng ta tốt hơn, thì chúng ta đã sinh ra ở một nước khác, thậm chí, một thế giới khác. Vì thế, đừng nói đúng hay sai, chính hay tà. Số phận, hay cái “nghiệp” của chúng ta như vậy. Không có những người như Cụ đại tướng, có thể lịch sử cũng sẽ khác, có thể xấu hơn, cũng có thể tốt hơn. Hoặc có thể nói, xấu hơn với nhóm người này và tốt hơn với nhóm người khác.

Cũng lại không nên chỉ vì những bức thư tâm huyết của Cụ đại tướng viết cho Trung ương về chủ trương khai thác bô-xít, mà phục hồi Cụ như bậc thánh nhân, đó là điều không tưởng. Nếu Cụ là Thánh thật, nhiều việc Cụ đã giải quyết được từ khi Cụ còn sống. Dân ta số phận còn chưa đến số, nên cơn bão tạt qua chỗ khác, Cụ đại tướng không có vai trò gì trong chuyện đó cả, hoặc có thì chúng ta cũng không chứng minh được. Sau khi Đại tướng hiển Thánh được hơn nửa năm, Trung Quốc kéo cái dàn khoan dầu 981 vào biển Đông. Thời Đại tướng còn sống đã không giữ được Hoàng Sa, nay “nó” ngạo mạn khoan dầu trong ao cá nhà ta. Nhưng cũng chính nhờ Đại tướng hiển Thánh, chúng ta nhìn rõ bộ mặt thật: đó, thằng chủ dàn khoan 981 là “kẻ thù của dân tộc”, không phải “đồng chí viển vông” nào hết.

Mọi việc cần phải nhìn nhận đúng vị trí của nó, không có cái gì được phép cực đoan. Cũng đã suy nghĩ nhiều về việc viết vài dòng về Cụ Đại tướng, liệu có kiếm được vài sọt gạch của các fan hâm mộ Cụ hay không? – nhưng trách nhiệm cần viết, là phải viết. Gạch đem về xây nhà là cùng.

Mình không yêu được Cụ Đại tướng, dù rất kính trọng vì nhiều yếu tố. Không yêu được, vì Cụ đã gắn liền với một cái chủ nghĩa mà mình đã từng yêu quý và sau đó đã rất thất vọng vì nó – chủ nghĩa cộng sản. Từ khi học đại học đã hoang mang với “chuyên chính vô sản” thì nay càng ngày càng rõ ràng, “cộng sản” gắn liền với “chủ nghĩa duy ác.” Cụ Đại tướng cùng nhiều người khác sau này đã gắn liền với cuộc chiến tranh 20 năm huynh đệ tương tàn, một bên chống cộng “lê máy chém đi khắp miền Nam”, bên kia muốn “xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn cõi Đông Dương” phát triển toàn Đông Nam Á – đều ác như nhau.

Các bài liên quan:

Năm. Trong bài này, mình sẽ giới thiệu những bức ảnh mới chụp tuần trước; một ông cụ 80 tuổi, rất khỏe mạnh và trông còn khá trẻ. Một người gác tù – được chọn đi canh gác những người sĩ quanh Việt Nam Cộng hòa ngay sau ngày 30 tháng Tư. “Bọn ngụy chúng nó cũng ác lắm, vớ vẩn là chết với chúng nó ngay. Mình là cộng sản mà, chúng nó ghét cộng sản. Tôi khỏe mạnh lắm, mới gần 40 tuổi, nặng đến 70 cân, mà cũng phải có tinh, có tướng mới được chọn đi giữ tù. Cứ khoét khúc gỗ to thành cái cùm, vặn ốc rất dài cùm luôn vào chân, nặng thế chẳng đi đâu được. Thằng nào khỏe mạnh thì đỡ, thằng nào ốm đau, đòi đi đái đi ỉa nhiều, vặn tháo ốc mất công lắm; rình rình đưa nó ra suối, cho phát đạn vào gáy. Đứng chờ đoán xem xác nó nổi lên ở đâu, bắn đón, cứ điểm xạ 3 viên AK. Băng đạn 30 viên bắn thoải mái, chiến tranh mà, thiếu gì súng đạn. Thế là trôi mất xác.”

Dân tộc ta bất hạnh đến thế sao? Một xã hội đề cao cái ác, từ máy chém đến cải cách ruộng đất, đến tập trung cải tạo và nay là tội ác lan tràn động cái là người vác dao, đâm người chỉ vì một cái “nhìn đểu”…

… và mình xác định được cách dùng bàn phím: chiến đấu chống cái ác. Thà làm “Anh hùng bàn phím” còn hơn là không làm được gì.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. Viết thêm vào 9h sáng Chủ nhật 5/10. Sau khi mình viết bài “Nhất tướng công thành”, có một bác bạn vong niên (ngoài 60 tuổi, bạn từ thời forum cách đây 5, 6, 7 năm gì đó) unfriend trên Facebook.

    Cũng hiểu ở thế hệ đó, người ta ít đi chung được với bất kỳ ai “khác biệt về tư tưởng”, kể cả với những người không có lý tưởng hay quan điểm (chính trị) như mình, chỉ là “yêu – ghét”, mày ghét thần tượng của tao, tao ghét mày. Thế mới hiểu tại sao, mình cảm thấy dễ chơi, gần gũi hơn với các bạn nước ngoài của mình, nhất là các bạn Âu – Mỹ và các bạn châu Á nhưng được hưởng nền giáo dục Âu – Mỹ. Với các bạn đó, mày yêu ghét ai kệ mày, miễn là mày kệ tao tự do yêu ghét ai đó và tao chơi với mày vì tao mày hợp nhau, quý nhân cách của nhau.

    Sáng nay một bạn cho biết, có anh bạn chung nào đó, trẻ tuổi thôi, thế hệ 8x, block mình và khoe: “block một “con vẹo” Serguei gì đó vì hắn dám động đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. (1) con vẹo chắc là một con gì đó trong sách đỏ, quý hiếm, nên mình được gọi là con vẹo, cũng quý hiếm nốt, thật tuyệt, niềm vui đầu ngày Chủ Nhật, he he… (2) Mình xem lại thì rất thẳng thắn, “tôn trọng, nhưng không yêu quý” – đương nhiên là không thể thần tượng Cụ Đại tướng được – tuy nhiên trong bài luôn luôn viết hoa các chữ “Cụ”, “Đại tướng”; thế cũng là rất trân trọng. (3) Chat với người bạn chung đã thông báo, bảo bạn ấy rằng “con người khổ thật, đến chuyện yêu ghét người đâu đâu cũng nổi sân hận.” – theo Phật, như thế là “vô minh.”

    Đến một bạn trẻ kém mình cả chục tuổi còn hành xử như ông cụ ngoài 60, thì tại sao người Việt Nam tiến bộ ngày nay đua nhau cho con cái ra nước ngoài “tị nạn giáo dục”, cũng là điều dễ hiểu.

    ReplyDelete