Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, October 28, 2014

“Kiêu bạc” là gì?

Nguyễn Tuân
(1910 - 1987)
Khi viết bài “Người Hà Nội kiêu bạc” thật là cũng không chú ý tại sao lại dùng từ “kiêu bạc” trong ngữ cảnh đó, hôm nay có một bác có tuổi đang sống ở nước ngoài hỏi, mình mới để ý, thật đúng là sơ suất và rất thiếu sót. Vậy thì phải chăng mình đã hiểu hết được tiếng Việt? Chắc chắn là chưa và sẽ không bao giờ hiểu hết được, mỗi hôm một bài học mới.

Cứ ngẫm mãi, rằng từ đó ở đâu ra và tại sao mình lại dùng từ đó. Và cũng lại sực nhớ ra rằng khi học tiếng Hán, mình chưa chú ý từ “kiêu”, và cũng chưa bao giờ tra từ điển tiếng Việt xem “kiêu” là gốc Hán hay thuần Việt. Trong cuốn từ điển tiếng Việt mình có, bản của Nhà xuất bản khoa học xã hội 1977, từ “kiêu” được liệt kê tại ba mục từ cuối trang 441 đến năm mục từ đầu tiên trang 442, bắt đầu từ “kiêu”, liệt kê các loại “kiêu”: kiêu binh (binh sỹ ngang ngạnh tự phụ về thành tích của mình), kiêu căng (lên mặt tài giỏi, khinh người), kiêu dũng (khỏe mạnh, nhanh nhẹn), kiêu hãnh (như kiêu căng), kiêu kỳ (lên mặt làm cao, làm bộ), kiêu ngạo (kiêu căng). Riêng có một chữ “kiêu” có nghĩa là “cao” (cổ kiêu ba ngấn).

Như vậy hầu hết, các chữ “kiêu” trong tiếng Việt, có nghĩa xấu, là khinh người, tự cao tự đại. Tra từ điển Hán Việt thì từ “kiêu” – chữ , phồn thể viết (), bính âm [jiao] có hai nghĩa: (1) Kiêu ngạo và (2) Gay gắt, mãnh liệt. (Từ điển Hán Việt của Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục, trang 411 mục từ cuối.) Đáng chú ý riêng từ “kiêu ngạo” [jiaoào] có hai nghĩa chính (1) Kiêu ngạo và (2) Tự hào, niềm tự hào. Từ “kiêu mạn” [jiaomàn] cũng là chữ “kiêu” này.

Nếu học Phật thì sẽ thấy có một trong những điều phải tránh, đó là “ngã mạn”, về ý nghĩa của khái niệm này còn sâu sắc hơn chuyện “kiêu mạn” một chút, “kiêu” thì có một cái gì đó chưa hẳn là xấu, rõ ràng là không tốt, nhưng chưa xấu hẳn, nó có cái gì đó hơi nông nổi, bề ngoài, hời hợt. Nhưng trong Phật pháp nói “ngã mạn” là đã có sự thể hiện “bản ngã” của mình, cái “kiêu” nó xuất phát từ việc coi “cái tôi” của mình quá lớn.

Vậy thì từ “kiêu bạc” ở đâu ra? Chắc chắn mình phải học được ở đâu đó, chịu ảnh hưởng của ai đó chứ sức mấy mà nghĩ ra được. Ngẫm lại, trải qua bao năm “mọt sách” cái món “văn chương” nó ngấm vào mình từ hai nguồn: Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Tô Hoài, mình thích sự hóm hỉnh của ông ấy, còn ở Nguyễn Tuân, sự tinh tế, sâu sắc, sang trọng trong tu từ…

Nguyễn Tuân với mình có một cái gì đó rất tuyệt vời, không quá phô trương, nhưng hơi cao sang một chút, hơi “kiêu kỳ” một chút.

“Tôi sang một tập khác tiêu biểu cho cái cá nhân chủ nghĩa đến cao độ của tôi. Tập “Nguyễn” in sau ngày Tổng Khởi Nghĩa. Nguyễn là nhân vật duy nhất của tập truyện. Tôi tự suy tôn qua mọi hành động ích kỷ và tàn nhẫn kiêu bạc của Nguyễn. Nguyễn cho sống là thể hiện cái cá nhân mình là dựa cái cốt cách phong kiến suy tàn của mình vào con đường phiêu lưu chủ nghĩa siêu nhân của Nietzsche và con đường cá nhân phiến loạn hành động không lý do của Gide. Nguyễn cho cuộc đời nghệ sĩ là đứng trên cái thiện ác của sự sống hàng ngày…” 
(Trích tự bạch của Nguyễn Tuân thời 1957, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, các văn nghệ sỹ đều phải tự kiểm thảo như vậy, một hình thức “Cải cách ruộng đất” trong văn nghệ.)

Chắc chắn, mình học được từ “kiêu bạc” ở “Nguyễn” của Nguyễn Tuân, và sau này những hình ảnh của Nhật Tân trong “Sống mãi với Thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng), những hình ảnh “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” đã gắn với người con trai Hà Nội trong mình, đó là thế hệ của cha chú mình, của ông mình…

Một Hà Nội mùa đông đẹp "rung rị", nhầm, giản dị
Ảnh: Nguyễn Cảnh Tùng
Hôm nọ ngồi nói chuyện với “hai ông anh”, các anh nhắc đến hình ảnh các “cao bồi già” và “bộ đội già” của Hà Nội. Những hình ảnh đó cũng có một phần nào của “kiêu bạc”. Như vậy khi dùng “kiêu bạc” Nguyễn Tuân đã nhặt ra cái nghĩa “không xấu” của từ “kiêu” gốc Hán, một từ chắc chắn là “cực kỳ Hà Nội”, của người Hà Nội không bon chen, ý thức được những giá trị riêng của mình và trước sự xâm lấn xô bồ, người Hà Nội cũng không phản ứng gay gắt, mà lặng lẽ nhiều hơn…

Trân trọng gửi sự kính trọng của tôi tới tất cả những người “trai phố”, từ già đến trẻ, từ đã biết đến chưa biết. “Gửi về anh, người trai Hà Nội…”

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

1 comment:

  1. Sau khi viết xong bài này, trong các phản hồi trên Facebook có một comment rất hay:

    “Theo tôi chữ kiêu thì các bác giải thích rõ rồi, còn chữ "bạc" nghĩa là "mỏng" gần giống trong từ "khinh bạc". Nói chung là kiêu một chút, khinh một chút, coi mọi thứ đều mỏng mảnh thôi không có gì đáng để ý cả.”

    Chữ “bạc” [ 薄 bó] có các nghĩa (1) Nhỏ bé, ít ỏi (2) Bạc bẽo (3) Khinh, xem thường (4) Kề sát (5) Họ Bạc (Bạc Hy Lai). Trong các nghĩa từ ghép thì chữ “bạc” còn có nghĩa là “mỏng, độ dày.” (Sách đã dẫn, trang 54) Việc giải nghĩa “kiêu bạc” đã rõ hơn, một chút kiêu thôi, ngầm kiêu, vẫn có khiêm tốn chứ không hẳn là kiêu căng.

    Đúng là mỗi hôm một bài học, cuộc sống thật là thú vị.

    ReplyDelete