Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, October 30, 2014

“Kép-xừn” luận

Cũ là
"Nước về bản vùng cao"
Mới là "Tắm"
Phàm đã là “chơi máy ảnh” thì đã có hơi hướng nhiếp ảnh gia rồi. Mà phàm là nhiếp ảnh gia, là đã có hươi hướng của nghệ sỹ rồi. Mà phàm là nghệ sỹ, là phải có tí lơ tơ mơ, “loãng mạng”, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để tâm hồn treo ngược lên cành cây…” (“Yêu là són ở trong quần một ít”, í lộn, “Yêu là chết ở trong hồn một ít”, Xuân Diệu.[1])

Nôm na là, phải vác máy đi chụp và ra được ảnh. Chụp ra ảnh xong, có được ảnh tàm tạm sạch nước cản rồi, việc quan trọng là đặt cho nó một cái tên. “Đẻ con là phải đặt tên”, đi bán hàng phải nói giá người ta mới biết mà mặc cả, trả giá mua hàng. Tiếng Tây Dương, “tên” chính là “tiêu đề” một bức ảnh, ngày nay thời thượng gọi là “caption” (kép-xừn.)

Hồi 2006 mình đi Hồ Ba Bể, trên đường qua xã Phúc Lộc thấy có cái máy nước bên đường, chỗ ta-luy dương. Bên kia là mấy nhà dân, khoảng 2, 3 nhà gì đó. Một bà mẹ lôi con bé con nhem nhuốc ra tắm và mình chụp một tấm, ảnh phim. Về post lên mạng, chẳng nhớ diễn đàn nào, anh em báo chí, học thuật đông lắm. Kép-xừn của ảnh, đặt “Nước về bản vùng cao.” Các anh xem ảnh, phán một câu xanh rời: “Đặt mẹ nó là “Tắm.” Về bản về biếc giề!” Ngẫm lại đúng thật, cái máy nước là chương trình nước sạch nông thôn, dẫn từ cái suối ngay trên núi cách mấy chục mét, bên kia lèo tèo cụm 2, 3 nhà… bản biếc giề. Về sau, đổi kép-xừn là “Tắm”. Chấm hết, nhanh gọn.

Ngược dòng thời gian tiếp, hồi 1990 có cuộc thi ảnh nào í của báo nào í, mình lục ra một bức đen trắng chụp bằng Zenith hay Lomo gì đó trong làng Đình Bảng quê ông bạn. Tít đằng xa một bà đội nón cắp cái thúng đi ngược lại, lúc bấm máy thì có hai đứa trẻ chạy vụt từ sau lưng lên, khoảnh khắc bắt đúng hai đứa chạy tung cả tóc… đặt tên ảnh “A mẹ đi chợ về!”, thế mà ăn giải khuyến khích. Rất hú họa, may hơn khôn, nhưng rõ ràng là cái tên của ảnh là phù hợp. Trường hợp này, bản chất sự việc thì không phải như vậy, nhưng cái hiện tượng thể hiện ra, để hiểu như vậy, thì được.

Lộn lại thời nay, thời bùng nổ các nhiếp ảnh gia kể cả về số lượng lẫn chất lượng (riêng chất lượng theo cả hai chiều), thì cũng bùng nổ cả các nghệ sỹ “loãng mạng”, thậm chí, triết gia trong lĩnh vực “đặt kép-xừn”.

Tấm “Chuyến đò cuộc đời” của chú em “Xê A Tê” là một chuyện buồn cười. Con thuyền nhỏ với những vuông bèo Nhật Bản, thì 99% là của dân nuôi bèo lục bình chứ không có đò điếc gì cả, nhất là bây giờ chạy đò máy “điêden Sông Công D12” hàn bằng sắt, chứ làm gì còn thứ đò đó nữa. Mình nhảy vào “chém” chú em bay đầu: “Nuôi bèo, chứ đò điếc, cuộc đời cuộc điếc giề! Chụp ảnh là phải lăn vào cuộc sống, hỏi han, chuyện trò, lúc chụp mới lột tả được cái chân thực của cuộc sống…” -  chuyến đò đó sau được mệnh danh là “chuyến đò bị chém”, he he… (mình đã viết một lần trong bài “Đò dọc, đò ngang”). Trường hợp này, cả bản chất lẫn hiện tượng đều không phù hợp với tiêu đề bức ảnh.

Lại hôm qua “một ông anh” nào đó, post tấm ảnh vườn mận lên Facebook với kép-xừn “Thảo nguyên cuối thu”, biết là bố này đi chụp ở Mộc Châu rồi, mà Mộc Châu “thảo nguyên xanh, sữa mát lành”, thì cứ ô tô ma tích hiểu là “thảo nguyên” được. Ấy, thảo nguyên là phải đồng cỏ bao la xanh mướt, có bò sữa nhẩn nha đánh chén, khoang đen khoang trắng, vú một dãy dưới bụng chứ… Thảo nguyên thảo nghiếc giề, “Vườn mận cuối thu” cho nó xong. Còn trường hợp này, bản chất thì đúng có thể chụp ở thảo nguyên Mộc Châu thật, nhưng hiện tượng thể hiện ra, hoàn toàn không thể hình dung ra được cảnh thảo nguyên, và như thế lại là khiên cưỡng.

"Xuồng canh cá", không có "điếu điếc" cái giề hết!
Sáng nay ngồi nói chuyện đó với chú em ở quán ven Hồ Tây, trời trong xanh nhẹ bẫng, nắng vàng và gió mát, mùa thu đẹp thế không biết. Chú em cười chỉ cái thuyền đằng xa: ““Thu điếu” kia hả anh?”. “Xuồng canh cá, điếu điếc cái giề?” Hai anh em lăn ra cười.

Hóa ra người ta bảo “làm nghệ thuật phải ngấm triết học” cũng ở cái góc này đây, trước mắt là chuyện “mối quan hệ bản chất – hiện tượng”. Và cũng đúng là cái kiểu “kép-xừn” “Tắm” với “Xuồng canh cá” như mình, chẳng bao giờ có thể trở thành nghệ sỹ đích thực được cả.

_______________________ 
[1] Nguyên bản: “Cảm xúc”:
Làm thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây

Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến… 

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment