Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, October 10, 2014

“Hoa lưng trời, hoa trong ánh mắt…”

Năm 1975, đất nước trở lại hòa bình sau mấy chục năm chiến tranh. Lần đó có lễ duyệt binh và bắn pháo hoa, mình còn nhỏ chẳng nhớ được gì ngoài ấn tượng được ông cậu công kênh lên cổ, chạy ù té từ bên này đường sang bên kia đường, chỗ rạp Đại Nam trong khi đoàn xe tăng lúc đó đã thấp thoáng phía xa xa, quãng ngã tư Nguyễn Công Trứ - Phố Huế…

Hồi đó ai chẳng thuộc bài hát “Bay lên nào” với một giọng bạn gái nào đó trong trẻo hát hay lắm mà chẳng để ý đó là bài gì, của ai sáng tác, và bạn nào hát… bây giờ lên mạng thì biết đó là bài “Cùng em bay trong đêm pháo hoa” của nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích, còn bạn đó là Minh Hà, chắc là một trong những sao nhí của giới “showbiz” hồi đó.

Còn đêm pháo hoa năm đó thì chẳng nhớ tí tẹo nào cả, chỉ nhiều lần sau năm đó, người lớn nhắc, rằng năm 1975 có bắn pháo hoa, pháo của Trung Quốc sản xuất, đẹp lắm.

Lên mạng internet tìm thì thấy có đoạn video bài hát “Cùng em bay trong đêm pháo hoa” và cho hai con xem. Cô em bé không mấy hứng thú, nhưng thằng anh thì rất chú ý. “Các bạn nhỏ nào trong đó đấy hả ba?” “Các bạn nhỏ ngồi trên vai bố, y như ba ngồi trên vai cậu của ba hồi đó đấy con ạ. Còn các chị cài nơ trên tóc kia, thì đúng như em bé mẫu giáo nhà mình bây giờ. Con nghe lời bài hát mà xem, hay lắm: “Hoa lưng trời, hoa trong ánh mắt… vui ngày Nam Bắc họp chung một nhà…” đất nước hai mươi năm chiến tranh, hai mươi năm các gia đình chia cắt, như ông ngoại con xa gia đình từ mười mấy tuổi, như ông nội con xa các anh các chị từ khoảng đôi mươi… tất cả những mong mỏi đó, rồi hòa bình cũng đến.” “Sao chiến tranh ở nước mình lâu thế hả ba?” “Một câu hỏi khó quá con, nhưng có lẽ, vì hai bên đánh nhau, không ai muốn nói chuyện với nhau để kết thúc chiến tranh một cách hòa bình cả, mà phải đánh nhau đến cùng để có một bên thắng cuộc con ạ. Hòa bình là quý giá lắm, để cho mọi người được sống, như con, được vui chơi, học hành… chúng ta phải giữ lấy hòa bình.” Cậu cả ngồi nghĩ ngợi tiếp, rồi quay ra học bài.

Gần một chục năm sau, đất nước vẫn tiếp tục khó khăn, chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc… lại mấy năm căng thẳng suốt trên trên hai miền biên cương đó. Chỉ đến năm 1984, mới lại được xem pháo hoa nhân lễ kỷ niệm 30 năm ngày Tiếp quản Thủ đô. Suốt gần một thập kỷ mới có một ngày kỷ niệm lớn, nên bà con háo hức lắm. Nhà mình cũng tiếp khoảng chục người họ hàng dưới quê lên Hà Nội chơi trước vài hôm, chờ “chính hội.” Cả hai ba tuần trước ngày lễ, trẻ con là cứ háo hức. Đài tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh Hà Nội và vô tuyến Việt Nam phát suốt các chương trình ca nhạc về Hà Nội, từ những bài cũ như “Tiến về Hà Nội”, “Người Hà Nội” đến những bài mới như “Hà Nội những công trình”… Mấy hôm liền, những người họ hàng đi chơi, hôm đi công viên Thống Nhất (hồi đó gọi là Công viên V.I. Lênin), hôm đi Bờ Hồ có kèm liên hoan kem que.

Duyệt binh 1975
Ngày “chính hội”, cả nhà ngồi xem tivi truyền hình trực tiếp diễu binh trên Quảng trường Ba Đình để chờ đến tối kéo nhau đi xem bắn pháo hoa ở Bờ Hồ. Khu vực bộ đội bắn pháo hoa mình nhớ ít nhất có hai chỗ: chỗ quán cà phê Bốn Mùa – Hapro bây giờ và một vài chú bộ đội bên đảo Rùa. Xem phim tài liệu thấy bên Liên Xô bắn pháo hoa mừng ngày 9 tháng Năm, người ta bắn bằng pháo cao xạ, còn ở ta, bắn bằng khẩu súng cối rất to. Chú bộ đội cầm quả đạn, giật nụ xòe, thả vào nòng và “bùm”! Lại có các chú khác đứng, gác tay phải cầm khẩu súng bắn pháo hiệu lên một giá bằng tre thanh tre buộc ngang cao hơn đầu, thỉnh thoảng bắn một quả pháo sáng. Nó bay vút lên, sáng rực bầu trời, bóng đen của các tán cây lắc lư in lên nhau, lên các tường nhà… Mỗi một quả pháo hoa bắn lên, nó tóe ra các màu xanh đỏ lẫn với khói trắng cũng đã được nhuộm màu, rồi mới nghe thấy tiếng nổ. Một ví dụ rất sinh động cho “vận tốc ánh sáng nhanh hơn vận tốc âm thanh” đã được đọc trong sách “Vật lý vui” (Perelman). Sau đó mới là cát bay rào rào vào mặt bà con đang mở to mắt và reo hò… Người đi xem thôi rồi là đông, chúng ta cứ thử tính bao nhiêu họ hàng của các gia đình kéo lên Hà Nội để nêm vào xung quanh “lẵng hoa giữa lòng Thủ Đô”, thì người phải đông đến cỡ nào! Có nhẽ phải tầm một phần ba đến một nửa số người đang chen chúc sinh sống trong thành phố Hà Nội hiện nay, đi bộ, chen nghẹt thở vào một không gian bé tí đó.

May mà hồi đó không có điện thoại di động, không thì có mà mất sạch. Cũng có nhiều người mất ví tiền. Lại có nhiều người xem xong không tìm thấy xe đạp gửi ở chỗ nào cả, người may mắn thì chỉ có thể tìm lại sau vài tiếng. Xe đạp gửi tít đằng xa. Còn trẻ con, thì kinh khủng – vì bị chen “bẹp ruột” với đúng nghĩa đen của từ đó. Cũng có nhiều bạn trèo lên các cành cây, xô nhau mà ngã ùm xuống hồ… nhìn chung là không thiếu một khía cạnh nào của một trận chiến…

Hôm sau có rất nhiều nhà nhặt được cái dù lụa hình tròn, màu trắng, ở giữa có một vuông vải màu, thấy bảo vuông vải màu gì thì pháo sáng màu đó (chuyện này mình không rõ lắm đâu), xung quanh có 8 sợi dây.

Và chuyện bắn pháo hoa thì ở phố, ở lớp… trẻ con còn kể đi kể lại các chi tiết của nó đến cả tháng sau. Người lớn bảo “pháo hoa nội, không đẹp bằng hồi 75.” Đúng là sính ngoại từ xưa, nhỉ… “pháo hoa Tàu đẹp hơn pháo hoa ta.” Triển lãm “Thành tựu kinh tế” ở Giảng Võ, bà con xem thấy sản phẩm của Nhà máy quốc phòng nào đó, “đã sản xuất được pháo hoa phục vụ các ngày lễ trọng đại của đất nước.”

Từ khi cấm đốt pháo nổ, Nhà nước bắn pháo hoa lúc giao thừa. Càng về sau, càng đẹp hơn, nhưng mỗi năm ít nhất một lần thì đương nhiên, không còn háo hức như lúc đầu nữa. Tết năm rồi, thấy thông báo “Hà Nội bắn pháo hoa bao nhiêu điểm đó”, trong đó điểm ở chỗ hai con rồng Xuân La, ven Hồ Tây là tầm cao. Ra xem, ai dè thấy nó thấp và bé, căng cả mắt ra, mà có xa xôi gì cho nó cam! Còn năm nay, 60 năm kỷ niệm ngày 10 tháng Mười, có tin Hà Nội không bắn pháo hoa nữa để tiết kiệm ngân sách, rồi lại có tin chính thức là vẫn bắn. Cũng là kinh tế khó khăn quá, thôi cũng phải.

Chỉ có một năm đáng nhớ, năm đầu tiên không còn cảnh “phòng không” nữa – đến Tết mới chỉ “có đôi” được hơn một tháng, lại đi bộ cùng em lên Bờ Hồ xem bắn pháo hoa, nhìn “hoa trong ánh mắt em” đang ước có một chú bé con…

… và nay chú bé con đang tròn mắt ra xem và nghe bài hát “Cùng em bay trong đêm pháo hoa” cùng ba của chú, tìm kiếm những trải nghiệm đầu tiên của cuộc đời.


 Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment