Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, October 27, 2014

Gặp lại bác thằng bần (1)

Ngồi "buôn chuyện nước chè vỉa hè" với “hai ông anh” thấy một bộ mặt quen quen, cười tươi tỉnh hất hàm vừa như chào, vừa như mời gọi. Bộ mặt đầu hói lơ thơ tóc, bộ mặt rỗ, cái mũi với đầu mũi to, sống mũi cong võng làm cho đầu mũi chìa ra ngoài một cục, hàm răng nham nhở cái vàng, cái nâu, cái nhô ra, cái lõm vào, cái nhọn cái mòn nhe ra, thật khôi hài và hóm hỉnh. Bộ mặt ấy đang ngồi trên cái xe Wave Alpha tầm chục năm tuổi, nhìn mình – bộ mặt của người xe ôm đã gần 60 tuổi.

Với một trí nhớ phi thường dù đã gần 30 năm, mình nhận ra: “Anh Sơn phải không?” “Đúng anh Sơn đây!” “Lại uống nước nói chuyện với anh em đã!”. Anh Sơn xe ôm ngập ngừng, rồi bước lại. Thay vì uống nước, thực chất ba anh em chỉ uống một chén nước chè và mua một túi quẩy ráy cay ngọt để chiêu mấy lon bia “tự túc”. Mời anh Sơn xe ôm một lon, và ký ức được lục lọi.

Ngày xưa, anh Sơn này người ta gọi là Sơn “cua”, thật ra là nhà có gien hói sớm, nhà giữa lòng Chợ Giời Thịnh Yên, Hà Nội. Anh Sơn đi bộ đội năm 1978, đánh nhau ở chiến trường K ra trò, rồi cái quân đoàn 3 ấy cuối năm 1978 được rút về Thái Nguyên dưỡng sức, chuẩn bị lên biên giới phía Bắc, đánh nhau tiếp. Sơn được về nghỉ phép, thế nào gặp lại người yêu cũ vẫn “thủ tiết” chờ người yêu, hai người quyết định cưới. Vui duyên mới quên béng mất nhiệm vụ, Sơn không lên đơn vị nữa, được coi như là đào ngũ. Cuộc đời của Sơn rẽ sang một ngã khác. Đầu những năm 1980, Sơn bước vào buôn bán, từ quần áo giày dép đến đồ kim khí. Khoảng đến năm 1986, 1987… những năm hoàng kim của “hàng địa chỉ” (hàng từ các nước xã hội chủ nghĩa do dân lao động xuất khẩu gửi về), Sơn chuyển vòng bi, phụ tùng ô tô, máy móc công trình và phất lên. Chỉ sau một thời gian vàng của Sơn đã đựng trong hàng ống bơ sữa bò, cứ hai cái úp vào nhau, một cái rạch rộng ra một chút thành cái nắp… đóng thành cục nặng trình trịnh như thế mà cất.

Đất hồi đó rẻ, như đất Đền Lừ một chỉ bốn mét,  chỉ mấy cây vàng mua được cái nhà mặt phố Huế. Dân đi Đức về, bán cái Mifa 5 chỉ, thì hai cái xe đạp mua được nhà mặt phố tầm tầm rồi. Nhưng cũng chẳng mấy ai nghĩ đến mua nhà cả. Sơn cũng vậy, anh nhảy vào lĩnh vực mà nếu may mắn thì chỉ một thời gian ngắn có thể dỡ nhà của bác khác về làm chuồng xí nhà ta. Cùng ba ông khác, với chục ông chầu rìa, hội của Sơn kéo vào nhà mình ngồi họp. Nhà rộng, quạt mát, chỉ có mình là học trò, ngồi nhà gạo bài và ngó họ chơi. Chơi sòng phẳng, không ma mãnh, không mẹo mực, không lừa đảo. Lúc đầu, họ chơi tiến lên, trò chơi mang về từ quân ngũ. Một thời gian sau, lúc phong trào buôn hàng Trung Quốc từ biên giới về phát triển, du nhập thêm trò mới: tá lả. Hội thường xuyên có Sơn “trọc”, Cường “đầu bạc” (hơn Sơn 2 tuổi), Vinh “Tiệp” (mới đi Tiệp về, có chút vốn ra Chợ Giời buôn bán, bằng tuổi Sơn), Hoàng “con” (ít tuổi nhất, hồi đó khoảng 19, 20 tuổi), Hương “nhà quê” (đúng là vừa ở quên lên thật, nhưng có cái bộ dạng rất du côn, cao bồi tỉnh lẻ), Chung “mặt ngựa”… đại khái thế, mình không nhớ được hết.

Ngày nào cũng như ngày nào, cứ dọn hàng xong, là “họp”. Mỗi hôm một bộ bài mới, chơi đến chiều là đen nhẻm dầu mỡ, vứt đi là vừa, mai thay bộ mới. Thời “tiến lên”, tính sát phạt còn thấp, đến thời “tá lả”, đã là móc túi nhau nhiều hơn rồi, nhất là các bố lại còn “nuôi gà” [1]. Lúc đầu mấy ông “sơ cấp” chơi với nhau, cũng như giải trí. Về sau có cái bọn Hương “nhà quê” và Chung “mặt ngựa” tham gia, vốn là dân giang hồ, nên tính bịp bợm móc túi trở nên cao hơn hẳn.

Gọi là ít, nhưng được thua sau mỗi một ngày, cũng vài trăm nghìn, quy ra vàng khoảng trung bình một chỉ một ngày (vàng năm 1985 khoảng trên 100 nghìn, đến khoảng sau đó 2, 3 năm đã lên đến 360 nghìn đồng một chỉ.) – mà xin nhắc lại là một cây vàng mua được miếng đất Đền Lừ 40 mét khoảng 1991; còn thời điểm 1986, 1987 thì một chỉ phải mua được 10 mét vuông. Cứ thử tính, ngày nào cũng “họp” như thế, thì chỉ “nội bộ” bọn họ với nhau, họ có thể đốt bao nhiêu tiền.

Vài buổi đầu, chiều đánh xong, họ cho mình tiền, y như “cắt hồ” vậy, nhưng mình không nhận. Bà ngoại cứ rên lên ầm ầm, mắng bố mẹ, sợ mình bị “lây nhiễm.” Ngày nào cũng “không muốn nhưng buộc phải xem”, mình thuộc hết tính tình của từng ông khi chơi bài: hỉ nộ ái ố, ông nào nóng nảy, ông nào bộp chộp, ông nào tính sâu tính nông… biết hết. Hoàng “con”, nhớ bài vanh vách, thật trí nhớ phi thường. Mình cứ tiếc, cái đầu óc ấy mà đi học thì tuyệt vời, tiếc là anh ta không phát triển theo hướng Ngô Bảo Châu, lại phát triển theo đường “tá lả.”

Có một dạo, họ chuyển sang trò “rút xì”, hay “xì tố”; mình không quan tâm lắm vì thấy nó không mấy trí tuệ, nhưng thấy thắng thua đã được nâng lên một tầm cao mới lắm rồi.

Buôn bán kiếm tiền dễ dàng, cũng dễ phá. Đặc biệt là ông nào thua, đến chiều cũng dồn tiền “phang đề” (hồi đó ít đánh “lô”) chắc định làm cú gỡ, và thường chẳng bao giờ trúng cả. Có lần đi học thêm sáng sớm, gặp Sơn “cua” đứng lơ vơ ở đầu đường, nách cắp cái đầu video SHARP 790 còn ngớ ngẩn hỏi thăm anh đi đâu… “Anh đi về quê…” thế mà cũng tin. Đi về quê gì đi người không lại cắp nách cái đầu video thế. Mãi về sau mới nghĩ ra, ông “trọc” này chỉ có “chà đồ nhôm” tức là “chôm đồ nhà” mà thôi.

Bẵng đi mấy chục năm gặp lại, Sơn “cua” đã là một ông xe ôm 58 tuổi, bộ dạng vẫn thế, không mấy thay đổi. Anh Sơn bảo bây giờ không “chơi” nữa, mất nhiều quá rồi. Ngồi “họp” chỉ là “thể thao, giải trí” thôi, còn mất chủ yếu là vì lô đề. Sau này sa vào đánh lô, của nả thời buôn đồ ô tô, đội nón ra đi bằng hết, ước tính khoảng chục cái nhà phố Hà Nội. Được cái con cái bốn đứa không đứa nào sa vào chuyện này như bố, đều làm ăn tùng tiệm cả. Sơn “cua” đã có 8 đứa cháu cả nội cả ngoại. Ngồi nói chuyện ông Cường “đầu bạc” năm nay tròn 60, cứ đến mùa Trung Thu là làm một trận bánh nướng bánh dẻo, lãi đủ tiêu cả năm nhưng không thể giàu được vì vẫn tiếp tục “chiến đấu.” Còn Vinh “Tiệp” bỏ chơi được mấy năm thì tai biến mạch máu não, bây giờ anh ấy rất yếu, nằm là chủ yếu. Mình quên không kể cách đây hơn chục năm gặp Hoàng “con”, đã đi làm thanh tra giao thông của Sở giao thông công chính Hà Nội.

Đời là vậy, cũng chẳng biết thế nào, mỗi người một nghiệp u mê.

[1] Mỗi ván người chơi phải chung một số tiền nhất định, khi nào có người nào “ù” thì ăn hết chỗ tiền đó. Lâu không có người ù, nhiều tiền là “gà béo”, ván trước ván sau ù tiếp, là “gà gầy.”

(Còn tiếp)

Đọc tiếp phần hai tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment