Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, October 1, 2014

Cái can nhựa

Bôn Ba Nhi Bá cùng sinh hoạt nhóm Kỹ năng sống cùng với bạn Pi, mà Pi, là con nhà chú Tùng lại là bạn của ba. Hôm qua Chủ nhật, cả hai bạn cùng có một chương trình đi dã ngoại, cắm trại “điền dã” tận trên đồi thông Sóc Sơn.

Hai bố con chú Tùng và bạn Pi có một cái can nhựa trắng, trước đây nó vốn đựng sữa dê tươi Ba Vì, nay mang theo đựng nước uống. Trời nắng nóng, ngoài nước mang đi chung cho cả đoàn, ai cũng lo xa mang theo một vài bình nước, cái can nhựa của nhà Pi thật là hữu dụng, gọn gàng, hai lít nước vừa vặn cho hai bố con, thiếu thì uống nước chung, còn thiếu nữa mới phải mua ngoài hàng, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh.

Ba của Nhi Bá nhìn nhìn cái can, thấy nhãn mác “Sữa dê tươi Ba Vì” hỏi chú Tùng: “Nhà sao có cái can nhựa đẹp thế?” “Là nhà tao thường mua sữa này về cho trẻ con uống, một tuần mua hai can là bốn lít. Bây giờ nhà có đến mười mấy cái.” “Ờ thế thì hôm sau mang đi cho tao xin vài cái đựng một số thứ cần thiết” (định tráng phim đen trắng, xin can về đựng hóa chất) “Ừ, tuần sau mang đi cho vài cái” – chú Tùng đồng ý ngay.

Đến chiều hết buổi sinh hoạt tập thể dã ngoại, tất cả dọn dẹp gói ghém đồ đạc để mang ra xe, chú Tùng bảo Pi “có uống nốt nước không, bố còn cất can” – thì ba của Nhi Bá nghĩ ra: “Mang về làm gì, đưa đây luôn cho tao cái đó, tuần sau mang đi cho xin thêm một hai cái!” Chú Tùng đồng ý luôn, và ba của Nhi Bá thì đang bận với mớ cọc lều, nhờ Nhi Bá cầm hộ ba chiếc can. Chú Tùng thì hỏi Pi: “Ở nhà Pi có bao nhiêu cái can như thế này?” “Pi có 5 cái can” “Như thế thì Pi sẽ cho Nhi Bá mấy cái?” “Con cho bạn 3 cái!” “Vậy kết quả như thế nào?” “Con còn 2 cái, Nhi Bá có 3 cái!” “Làm toán đúng rồi!” – Tất cả cùng cười vui vẻ.

Trên đường đi vòng quanh quả đồi thông để ra xe, Nhi Bá đi cùng bạn Thái, hai bạn nói chuyện gì vui lắm. Đến chỗ ô tô đỗ thì thấy Thái đã cầm cái can, còn Nhi Bá thì tay không. “Con cho bạn Thái cái can rồi ba ạ!” “Cái can đó của ba nhờ con cầm cơ mà, sao con chưa hỏi ba lại cho bạn?” Mình cố tình để kệ cậu ta đó, lại phía xe để xếp đồ. Hai ba con đi hai xe khác nhau, các phụ huynh ngồi riêng, các bạn nhỏ ngồi riêng. Về đến địa điểm tập trung, đã lại thấy Nhi Bá cầm cái can nhựa ở tay rồi, tất cả giải tán vì trời đã tối. Mình định bụng, để sáng hôm sau hai ba con ăn sáng, chuẩn bị đi học, sẽ nói chuyện.

“Hôm qua con nói với bạn Thái như thế nào mà bạn lại đưa lại cái can cho con?” “Con nói là cái can đó là của ba tớ chứ không phải của tớ, nên cho tớ xin lại, bạn lại trả lại cho con.” “Con có biết con phải xin lỗi những ai không?” “Có ba ạ, con phải xin lỗi ba.” “Đúng rồi, đồ đạc không phải của mình, mình không được phép tự tiện quyết định số phận của nó, như đem cho ai đó. Với ba cái can là chuyện rất nhỏ và ba còn có thể xin được vài cái nữa, nên ba chỉ nhắc con mà con thì không cần phải xin lỗi ba đâu, ba con mình nói chuyện là được rồi. Còn ai con phải xin lỗi nữa không?” Cậu hơi nghĩ một tẹo, rồi trả lời: “Bạn Thái ạ!” “Đúng con ạ, bạn thích bạn mới xin con, con cho mà sau đó, con đòi lại, thì bạn sẽ buồn, thất vọng. Con cần phải xin lỗi bạn.” Cậu chàng đồng ý: “Vâng ạ.” “Tuần sau, con đi sinh hoạt thường kỳ, gặp bạn con sẽ xin lỗi bạn, và con mang theo cái can này, nếu bạn vẫn còn thích, con cho bạn. Ba sẽ xin chú Tùng cái khác, không sao cả. Con rất ngoan và tốt bụng, thấy bạn vui khi xin được cái can, con cũng vui, và ba cũng thấy vui vì con tốt bụng như thế. Có điều, mình phải học cách cư xử con ạ, Trong cuộc sống sau này, sẽ có nhiều tình huống tương tự như vậy xảy ra mà con phải chú ý.”

Lúc sau chở anh chàng ra điểm xe ô tô trường đón, cậu ngồi sau xe máy chợt nghĩ ra: “Nhưng ba ơi, lúc đó là con cứ tưởng Pi cho con cái can, vì Pi còn bảo cho con thêm đến 3 cái nữa!” Lúc này mình mới nhớ ra chuyện đó – đúng thế thật. “Ừ đúng rồi nhỉ, như thế là con chỉ hiểu nhầm thôi, con nghĩ cái can đó Pi cho con là đúng, mặc dù thực tế là do ba xin chú Tùng, vì can là của chú Tùng mà! Như vậy con không có lỗi, chỉ hiểu nhầm thôi, nên lần này con không phải xin lỗi ba, nhưng con vẫn cần phải xin lỗi bạn Thái. Lúc con lớn rồi, con sẽ thấy hiểu nhầm, rồi vô ý gây thành chuyện phiền phức, vẫn phải xin lỗi, dù mình không cố ý đâu con nhé!” “Vâng ạ.”

Thế đấy – đúng là nó hiểu nhầm thật, và tình huống rất nhanh đòi hỏi cha mẹ phải cư xử công minh. Việc có được “tốc độ xử lý”, thực ra không khó nếu chúng ta mỗi ngày, trong quan hệ với con của mình, chú ý một chút, thì có thể nhanh chóng tìm được cách hành động đúng đắn. Quan trọng là con cái cũng có quyền đúng, có quyền được công nhận sự hiểu lầm, vô tình phạm lỗi… một cách công bằng.

Một bài học nữa cho con trai, những khái niệm đầu tiên về sở hữu – trong gia đình thì của cha mẹ, cũng là của con cái, nhất là ở Việt Nam thường có khái niệm như thế, còn đồ chơi thì anh em chơi chung. Mình hồi bé ở với mẹ và ông bà, cũng quen “nhà có tivi” – nhưng đến khi mẹ ở riêng, thì tivi vẫn là của ông bà và lần đầu tiên, tiếp xúc với khái niệm “nhà mình không có tivi”, và muốn xem, phải sang xem nhờ nhà ông bà…

Với trẻ con, thì khái niệm sở hữu được làm quen dần dần, “Nhi Bá có cái gì đó” cũng như “Nhi Bá không có cái gì đó”, đều quan trọng như nhau. Con trai ạ, rồi con sẽ còn phải hiểu cái gì không có thì sẽ làm như thế nào để có được, lại còn phải hiểu, mong cầu ít thôi, biết thế nào là đủ với mình rồi; mong cầu mà không đạt được, là khổ lắm đấy con à…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây   

No comments:

Post a Comment