Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, September 23, 2014

Vua Lê Thái Tổ là ai?

Con trai rất thích học lịch sử, đúng y như bố, cũng rất mê học và đọc sử. Từ năm ngoái con trai được đọc nhiều câu chuyện lịch sử và cũng được dẫn đi thăm nhiều di tích, như đền Ngọc Sơn cậu ta được xem cụ rùa, được nghe kể về Trần Hưng Đạo, lại được nghe kể truyền thuyết rùa vàng đòi gươm của vua Lê Thái Tổ…

Năm nay lên lớp Bốn, có thêm môn “Khoa Sử Địa”, cậu chàng lại được học lịch sử một cách chính thức như một môn học – và do đó, “Chuyện con, chuyện cha” từ bây giờ chắc sẽ nhiều câu chuyện để nói về lịch sử.

Hôm nay cô giáo chủ nhiệm lớp đi vắng, có một cô khác đến dạy thay – nhưng cô không dạy sử, mà dạy “từ và ngữ”, cô nói “Không có vua Lê Thái Tổ” và thế là câu chuyện bắt đầu.

“Ba ơi, hôm nay cô dạy thay trong tiết “từ ngữ” nói “Không có vua Lê Thái Tổ” ba ạ!” “Thế có ông ấy không con?” “Có chứ, ba dạy con rồi, vua Lê Thái Tổ là ông Lê Lợi được mượn gươm, đánh đuổi giặc rồi lại giả lại gươm cho con rùa.” “Đúng rồi con ạ. Thế lúc cô nói thế, con làm như thế nào?” “Con giở sách ra xem lại, rồi chìa cho bạn bên cạnh xem cùng.” “Xong thế nào nữa?” “Thế thôi, con không làm gì nữa cô ạ.”

Lúc sau mình đang rửa bát còn cậu chàng thì chuẩn bị đi học bài, mình gọi anh cu lại dặn: “Ba dặn con này, con nghe cô nói kiểm tra lại như thế là tốt, làm gì cũng phải chắc chắn, nhưng cũng không nên giữ im lặng. Trong lớp con có thể không cần hỏi, vì hỏi trước mặt cả lớp dễ gây ảnh hưởng đến cô, nhưng con chờ hết tiết đi ra cửa hỏi riêng cô, con mang theo sách cho cô xem. Nên hỏi cô con ạ, ba chắc là cô nhầm thôi, không có “Vua Trần Thái Tổ” thì đúng. Mình biết sai, mình cũng nên có trách nhiệm để nói với người có điều sai, nhất là người thân, bạn bè… để người ta còn biết lần sau tránh.” “Vâng ạ… à mà không có Trần Thái Tổ thì có vua gì nhỉ?” – cậu ta tự hỏi – “Trần Thủ Độ thì là Thái Sư, à, con nhớ rồi, Trần Cảnh là vua đầu tiên, nhưng là Vua Trần gì thì con quên rồi…” “Thái Tông Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông con ạ!” “À vâng, ngày nào xe trường cũng đi qua gần phố Trần Thái Tông mà con không nhớ ra!”. Rồi cậu chàng vào đi học bài tiếp.

Hà Nội có biết bao tên đường dính đến lịch sử hào hùng của dân tộc, Trần Hưng Đạo là đường mình vốn rất thích, đã thế xung quanh Ông được quy hoạch “chỗ ở” cho toàn các tướng lĩnh, gia binh, gia nô của Ông: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Chế Nghĩa, Lê Văn Hưu… sử nhà Trần là mình rất mê. Gì chứ vó ngựa của quân Nguyên đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đó. Thế mà ba lần đến Đại Việt đều thất bại. Oách nhất là Thoát Hoan chui ống đồng và chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai… Thái Tông Trần Cảnh mãi gần đây mới được đặt tên phố, còn Trần Thủ Độ thì cũng mới được nhìn nhận và còn có cả phim về con người mưu lược đầy thủ đoạn này.

Cũng là một cách nhìn nhận lại lịch sử. Thiếu sót, là thiếu sót, nhưng công trạng là công trạng, khi mà người ta đóng góp thật nhiều cho dân tộc, thì những biện pháp dù có yếm trá, cũng nên đánh giá cho công bằng.

Chỉ tiếc vua Lê Thái Tổ gắn với “vụ án Lệ Chi Viên”, với cái chết oan khuất của Nguyễn Trãi, người mà mình rất ngưỡng mộ, như một “Trương Lương của nước Việt” vậy – điều đó làm cho mình không yêu Lê Lợi, mặc dù chính nhà Hậu Lê, là nhà nước Đại Việt chấm dứt được thời gian Minh thuộc ngắn ngủi nhưng đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam.

Mong một ngày có những phim lịch sử nghiêm túc, hoành tráng như tầm Ngô Vũ Sâm làm phim “Xích Bích”, nhưng là “Lê Hoàn phá Tống”, “Phò mã Thân Cảnh Phúc”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” “Đôi bạn chiến đấu Yết Kiêu, Dã Tượng”…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment